Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

HẠNH CÁC THÁNH THÁNG 03

1/3 – THÁNH DAVID WALES, GIÁM MỤC (+ 589?)

Thánh David là bổn mạng xứ Wales và có thể là vị thánh nước Anh nổi tiếng nhất. Nhưng chúng ta có ít thông tin về ngài.

Chỉ biết ngài là linh mục, tham gia truyền giáo và lập nhiều dòng, kể cả tu viện chính của ngày ở Tây Nam Wales. Nhiều câu chuyện và truyền thuyết về ngài và các tu sĩ của ngài ở Wales. Cuộc sống khổ hạnh của họ đến cực độ, làm việc trong thinh lặng và hoàn toàn làm việc bằng chân tay. Lương thực chỉ là, bánh, rau và nước.

Khoảng năm 550, ngài tham dự một công nghị, tài hùng biện của ngài đã gây ấn tượng với các tu sĩ đến độ ngài được chọn làm giám mục. Tòa giám mục được chuyển về Mynyw, nơi ngài có một tu viện (ngày nay gọi là tu viện Thánh David) Ngài điều hành giáo phận tới khi ngài già yếu. Lời cuối cùng ngài nói: “Hãy vui mừng, hỡi nam nữ tu sĩ. Hãy giữ vững đức tin và hãy làm những việc nhỏ mà anh chị em thấy và nghe từ tôi.”

Thánh David được vẽ đứng trên một mô đất với chim bồ câu trên vai. Tương truyền có lần ngài đang giảng thì con chim bồ câu đâu lên vai ngài và đất dâng lên đưa ngài lên cao hơn mọi người để ngài có thể nói cho mọi người nghe. Hơn 50 nhà thờ ở Nam Wales dâng kính ngài trong thời tiền Cải Cách.

2/3 – THÁNH ANÊ BÔHÊMIA (1205-1282)

Anê không có con riêng nhưng đã tạo sự sống cho những người biết bà. Anê là con gái của Nữ hoàng Constance và Hoàng đế Ottokar I ở Bôhêmia. Lúc 3 tuổi, Anê đính hôn với Công tước vùng Silesia, 3 năm sau thì công tước này chết. Khi lớn lên, Anê muốn đi tu.

Sau những cuộc hôn nhân bất thành với vua Henry VII của Đức và vua Henry III của Anh, Anê lại được vua Frederick II của đế quốc Rôma cầu hôn. Bà đệ đơn lên ĐGH Grêgôriô IX xin giúp đỡ. ĐGH bị thuyết phục. Frederick hào hiệp nói rằng không thể xúc phạm nếu Anê đã yêu mến Thiên Vương hơn ông.

Sau khi xây bệnh viện cho người nghèo và nhà dòng cho các tu sĩ, bà tài trợ xây dựng Tu viện Thánh Clara Nghèo Khó (Poor Clare monastery) ở Prague. Năm 1236, bà và 7 phụ nữ quý tộc khác gia nhập dòng này. Thánh Clara gởi 5 chị em từ San Damiano đến tu với họ, và viết cho Anê 4 lá thư khuyên bà về vẻ đẹp của ơn thiên triệu và trao trọng trách nữ viện trưởng.

Anê nổi tiếng về cầu nguyện, vâng lời và hành xác. ĐGH buộc bà phải chấp nhận làm nữ viện trưởng. Do đó, danh hiệu bà thích là “chị lớn” (senior sister, tương tự “chị hai” hoặc “chị cả” của người Việt) Chức vụ không ngăn cản bà làm bếp cho các chị em khác và sửa quần áo cho người phong cùi. Các nữ tu thấy bà nhân hậu nhưng rất nghiêm túc việc chăm sóc người nghèo. Bà từ chối đề nghị của anh bà là muốn lập quỹ cho tu viện. Bà qua đời ngày 6-3-1282, sau đó bà được nhiều người sùng kính và được tuyên thánh năm 1989.

3/3 – THÁNH KATHARINE DREXEL, NỮ TU(1858-1955)

Còn được biết đến với tên Catherine Marie Drexel. Nếu cha bạn làm trong ngân hàng quốc tế và bạn đi xe riêng, hẳn bạn sẽ không thể sống khó nghèo tự nguyện. Nhưng nếu mẹ bạn mở cửa cho người nghèo trú ngụ mỗi tuần 3 ngày và cha bạn dành mỗi tối 30 phút để cầu nguyện thì bạn không thể không dành cuộc đời mình cho người nghèo và cho đi hằng triệu đô-la. Katharine Drexel đã làm điều đó!

Bà sinh ngày 26-11-1858 tại Philadelphia, Pennsylvania, Hoa kỳ. Bà học nhiều và đi nhiều. Là con gái nhà giàu, bà có dịp giao tiếp xã hội sớm. Nhưng khi bà chăm sóc người mẹ kế bệnh 3 năm, bà thấy tất cả tiền bạc nhà Drexel cũng không thể mua sự an toàn để khỏi bị bệnh và chết, và cuộc đời bà có bước ngoặt sâu xa.

Bà luôn quan tâm cảnh khó khăn của dân Ấn Độ, bà hoảng sợ khi đọc cuốn “Một Thế kỷ Ô nhục” (A Century of Dishonor) của Helen Hunt Jackson. Trên đường du lịch Âu châu, bà gặp ĐGH Leo XIII và xin ngài gởi thêm các nhà truyền giáo tới Wyoming cho ĐGM James O’Connor, bạn của bà. ĐGH đặt vấn đề: “Tại sao chị không trở thành nhà truyền giáo?” Câu hỏi của ngài làm bà suy nghĩ.

Về nhà, bà đến thăm Dakotas, gặp người lãnh đạo Sioux của Hội Mây Đỏ (Red Cloud) và là người giúp bà truyền giáo cho Ấn Độ. Bà có thể dễ dàng kết hôn, nhưng sau khi thảo luận với ĐGM O’Connor, bà quyết định khác, như bà viết năm 1889: “Lễ Thánh Giuse ban cho tôi hồng ân dành phần đời còn lại cho dân Ấn độ và người da màu.” Các tiêu đề báo chí kêu gọi: “Hãy bỏ ra bảy triệu!” (Gives Up Seven Million!)

Sau 3 năm rưỡi tập luyện, bà và nhóm nữ tu Dòng Thánh Thể cho dân Ấn Độ và Da Màu (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored) mở trường nội trú ở Santa Fe. Sau đó nhiều cơ sở khác được mở. Năm 1942, bà có hệ thống trường Công giáo cho người da đen ở 13 tỉnh, cộng với 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường học ở vùng quê. Những người phân biệt chủng tộc luôn quấy rầy công việc của bà, thậm chí còn đốt trường ở Pennsylvania. Cuối cùng, bà vẫn thành lập được 50 nơi truyền giáo ở 16 tỉnh. Bà được Mẹ Cabrini khuyên về việc xin Rôma chuẩn Luật Dòng. Thành công của bà là nền tảng của Đại học Xaviê ở New Orleans, trường đại học đầu tiên ở Mỹ dành cho người da đen.

Lúc 77 tuổi, bà bị bệnh tim và phải nghỉ hưu. Rõ ràng cuộc đời bà đã hết. Nhưng sau gần 20 năm lặng lẽ, những cuốn sách nhỏ của bà và những tờ rơi ghi lời cầu nguyện của bà không ngừng gợi hứng suy niệm. Bà qua đời ngày 3-3-1955 tại nhà mẹ Dòng Nữ Thánh Thể, thọ 96 tuổi. Hài cốt bà đặt tại nhà mẹ và được công nhận là Hài cốt Quốc gia năm 2008. Bà được ĐGH Gioan Phaolô II tôn là bậc đáng kính ngày 26-1-1987, tuyên chân phước ngày 20-11-1988, và tuyên thánh ngày 1-10-2000 tại Rôma.

4/3 – THÁNH CASIMIRÔ (1458-1483)

Casimirô sinh trong hoàng tộc, là con thứ 3 trong 13 người con, tương lai sẽ là vua.Ngài có nhiều điểm đặc biệt và được học với đại sư John Dlugosz. Ngay cả những bài phê bình của ngài cũng không thể nói rằng sự phản đối gay gắt vẫn có sự mềm mỏng. Dù còn ở độ tuổi thiếu niên, nhưng Casimirô sống rất có quy tắc, thậm chí là nghiêm nhặt: Ngủ trên nền nhà, dành nhiều thời gian ban đêm để cầu nguyện và sống độc thân suốt đời.

Khi các nhà quý tộc ở Hungary bằng lòng về vua của họ, họ thắng thế hơn cha của Casimirô, vua Ba Lan, để gởi con trai ông đảm trách đất nước. Ngài vâng lời cha, như nhiều thanh niên khác qua nhiều thế kỷ tuân lệnh quyền họ. Quân đội do ngài hướng dẫn bị “quân thù” áp đảo, một số binh sĩ bỏ hàng ngũ vì họ không được trả lương. Theo lời khuyên của các quan chức, ngài trở về quê hương. Cha ngài phiền lòng trước thất bại đó, và giam con trai 3 tháng, lúc đó ngài mới 15 tuổi. Ngài quyết định không bao giờ dính líu tới chiến tranh và không ai có thể thuyết phục ngài. Ngài trở lại với việc cầu nguyện và học tập, vẫn quyết sống độc thân dù bị bắt phải kết hôn với con gái của hoàng đế. Ngài cai trị Ba Lan trong khi vắng mặt cha. Ngài qua đời vì bệnh phổi lúc 25 tuổi trong khi đang thăm Lithuania, nơi mà ngài được coi là Công tước Vĩ đại (Grand Duke) Ngài được an táng tại Vilnius, thuộc Lithuania.

5/3 – THÁNH GIOAN GIUSE THÁNH GIÁ, LINH MỤC (1654-1734)

Việc hãm mình ép xác không bao giờ hết mà còn giúp đạt tới sự bác ái lớn lao hơn – như cuộc đời của thánh Gioan Giuse đã chứng tỏ.

Ngài là người sống khắc khổ ngay khi còn trẻ. Lúc 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô ở Naples, là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh Phêrô Alcantara. Tiếng tăm thánh thiện của ngài đã thúc đẩy các bề trên của ngài giao cho ngài trọng trách thành lập tu viện mới trước khi ngài được thụ phong linh mục.

Đức vâng lời khiến ngài chấp nhận chức giáo tập, quản lý và giám tỉnh. Thời gian hành xác khiến ngài có thể phục vụ các tu sĩ với lòng bác ái. Làm quản lý, nhưng ngài vẫn làm việc ở nhà bếp hoặc lấy củi và nước cho các tu sĩ khi họ cần.

Khi hết nhiệm kỳ giám tỉnh, ngài dành thời gian giải tội và hành xác, hai mối bận tâm này ngược với tinh thần của hồi đầu Thời kỳ Khai sáng (Age of Enlightenment, thế kỷ 18) Ngài được tuyên thánh năm 1839.

6/3 – TÔI TỚ CHÚA SYLVESTER ASSISI, LINH MỤC (+ 1240)

Sylvester là một trong 12 người đầu tiên đi theo Thánh Phanxicô Assisi và là linh mục đầu tiên của Dòng Phanxicô. Là con một gia đình quý tộc, Sylvester có lần đã bán đá Phanxicô (Francis stones) loại dùng để xây nhà thờ. Không lâu sau, khi ngài thấy Phanxicô và Bernarđô Quintavalle phân phát của cải của Bernarđô cho người nghèo, Sylvester than phiền rằng ngài được trả tiền ít về số đá kia và đòi tiền thêm.

Mặc dù Thánh Phanxicô buộc phải trả, số tiền nhận từ Thánh Phanxicô đã khiến Sylvester cảm thấy có lỗi. Ngài bán tất cả tài sản, bắt đầu sống đền tội rồi theo Thánh Phanxicô và những người khác. Sylvester trở thành người thánh thiện và chuyên chăm cầu nguyện, được Thánh Phanxicô yêu quý, đồng hành với Thánh Phanxicô trên các cuộc hành trình, và là cố vấn của Thánh Phanxicô. Sylvester và Clara trả lời Thánh Phanxicô bằng sự đáp lại rằng sẽ phụng sự Thiên Chúa, đó là đi truyền giáo hơn là chỉ cầu nguyện.

Có lần tại một thành phố nọ, nơi có nội chiến, Thánh Sylvester được Thánh Phanxicô sai đi trừ quỷ. Tại cửa ngõ thành phố,Thánh Sylvester kêu lớn: “Nhân danh Thiên Chúa toàn năng và nhờ nhân đức của tôi tớ Chúa là Phanxicô, các tà thần hãy ra khỏi đây.” Quỷ dữ đi khỏi và thành phố an bình trở lại. Sau khi Thánh Phanxicô qua đời, Thánh Sylvester sống thêm 14 năm nữa, thi hài ngài được an táng tại Đại giáo đường Thánh Phanxicô Assisi, gần mộ Thánh Phanxicô.

7/3 – CÁC THÁNH PERPÊTUA VÀ PHÊLICITA, TỬ ĐẠO (+ 203?)

Khi cha tôi yêu thương tôi và cố gắng chuyển hướng mục đích của tôi bằng cách tranh luận và làm suy yếu niềm tin nơi tôi, tôi nói với ngài: “Cha có thấy chiếc bình này – bình nước hoặc có thể là bất kỳ thứ gì? Nó có thể được gọi bằng tên khác không?” Cha tôi trả lời: “Không.” “Vậy con cũng không thể có tên khác chính con – một Kitô hữu.”

Thánh Perpêtua là một phụ nữ trẻ đẹp, có giáo dục, con nhà quý tộc dòng họ Carthage, mẹ của một cậu con trai và là nhà biên niên sử về cuộc bách đạo của Hoàng đế Septimius Severus. Mẹ của Perpêtua có đạo, còn cha thì ngoại đạo. Người cha yêu cầu con gái từ bỏ đức tin nhưng Perpêtua từ chối và bị bỏ tù lúc 22 tuổi.

Mặc dù bị hăm dọa hành hạ và giết chết, Perpêtua và Phêlicita (một phụ nữ nô lệ đang mang thai) với 3 người bạn khác là Rêvôcatôs, Sêcunđulô và Saturninô, đều không chịu từ bỏ đức tin. Thế là họ bị đưa vô đấu trường làm trò vui. Ở đó Perpêtua và Phêlicita bị chém đầu, 3 người kia bị thú dữ phanh thây.

Trong nhật ký, Perpêtua mô tả: “Một ngày thật khủng khiếp! Nóng khủng khiếp vì chật người! Bị lính cư xử tồi tệ! Lại khổ nữa, tôi bị dày vò vì lo lắng cho đứa con... Những mối lo lắng như vậy tôi phải chịu đựng nhiều ngày, nhưng tôi được phép cho con ở trong tù với mình, và được bớt lo lắng về con, tôi hồi phục sức khỏe, nhà tù là cung điện tôi ở và tôi nên ở đó hơn bất cứ nơi nào khác.” Vài ngày sau, Phêlicita sinh một bé gái trước khi bị thú dữ giết chết. Nhật ký của Perpêtua về cảnh tù đày hoàn tất ngày hôm trước bị giết chết: “Về những gì thuộc về trò chơi dã man, hãy để họ viết đó là ai.” Nhật ký của Perpêtua được một nhân chứng hoàn tất thêm.

8/3 – THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA, TU SĨ (1495-1550)

Đã từng bỏ đức tin Kitô giáo khi còn là người lính, Gioan 40 tuổi mới quyết định dành phần đời còn lại để phục vụ Thiên Chúa, và ngài liền đi Phi châu với hy vọng ở đó ngài sẽ giải thoát những Kitô hữu bị bắt bớ, và có thể được tử đạo.

Ngài được khuyên rằng ước muốn tử đạo của ngài không dựa trên nền tảng tâm linh, ngài trở lại Tây Ban Nha và hoạt động bình thường là bán hàng tôn giáo. Nhưng ngài vẫn chưa ổn định. Cảm kích nhờ bài giảng của Thánh Gioan Avila, ngài hành xác, xin ơn lành và ăn năn về quãng đời quá khứ của mình.

Vì những hành động đó mà ngài phải vào bệnh viện tâm thần, ngài được Thánh Gioan Avila đến thăm và khuyên nên quan tâm nhu cầu của người khác hơn là chịu khổ một mình. Ngài thấy bình an tâm hồn, không lâu sau ngài ra viện và bắt đầu làm việc giữa những người nghèo.

Ngài mở một bệnh viện để giúp người nghèo. Cảm kích những việc vĩ đại của các thánh và với lòng sùng mộ của ngài, nhiều người bắt đầu đến giúp đỡ ngài. Trong số đó có Tổng giám mục và Hầu tước địa phận Tarifa.

Phía sau những mối quan tâm của ngài và lòng thương người nghèo của Chúa Kitô là một đời sống cầu nguyện liên lỉ được phản ánh trong tinh thần khiêm nhường của ngài.

Ngài bị bệnh sau 10 năm phục vụ nhưng vẫn cố gắng giấu tình trạng sức khỏe yếu kém. Ngài hệ thống hóa công việc quản lý bệnh viện và bổ nhiệm người giúp đỡ. Ngài qua đời vì chăm sóc Anne Ossorio, người bạn tâm linh và người ngưỡng mộ ngài. Sau khi ngài qua đời 20 năm, các phẩm chất đó đã thu hút nhiều người giúp đỡ thành lập Dòng Bệnh Viện (Brothers of the Hospitaller Order, Ordo Hospitalis, OH, Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa) Hiện nay, dòng này hoạt động khắp thế giới.

9/3 – THÁNH FRANCES RÔMA (1384-1440)

Cuộc đời của Thánh Frances kết hợp nhiều phương diện của đời và đạo. Là một người vợ tận tụy và yêu thương, bà muốn sống đời cầu nguyện và phục vụ, cho nên bà nhóm họp một số phụ nữ để phục vụ nhu cầu của dân nghèo ở Rôma.

Dù cha mẹ là người giàu có, Frances lại thấy mình bị thu hút vào đời sống tôn giáo từ hồi còn trẻ. Nhưng cha mẹ bà phản đối và chọn chồng cho bà là một đàn ông quý tộc. Khi đã quen với những người thân mới, Frances thấy rằng người vợ của anh chồng cũng muốn sống cuộc đời phục vụ và cầu nguyện. Thế nên cả hai người, Frances và Vannozza, được chồng cho phép đi giúp người nghèo.

Frances bị bệnh một thời gian, nhưng điều này càng làm bà cảm thương những người chịu đau khổ mà bà gặp. Nhiều năm trôi qua, Frances sinh hai cậu con trai và một cô con gái. Với nhiều trách nhiệm gia đình, người mẹ trẻ này chú tâm hơn vào công việc gia đình. Gia đình êm ấm nhờ bàn tay chăm sóc của bà, nhưng trong vài năm, bệnh dịch bắt đầu hoành hành nước Ý. Bệnh càn quét cả Rôma dữ dội và con trai thứ hai của bà bị chết. Cố gắng vượt qua đau khổ, bà lấy hết số tiền và bán tài sản để mua những thứ mà người bệnh có thể cần dùng. Khi cạn kiệt, Frances và Vannozza đi xin từng nhà. Sau đó, con gái của Frances cũng chết, bà mở rộng cửa nhà như một bệnh viện.

Frances càng tin rằng cách sống như vậy rất cần cho mọi người, không lâu trước khi bà được phép thành lập nữ tu hội không giữ lời khấn. Đơn giản là họ dâng mình cho Chúa và dấn thân phục vụ người nghèo. Khi tu hội được thành lập, bà không sống trong cộng đoàn mà vẫn ở nhà với chồng. Bà sống như vậy 7 năm. Khi chồng mất, bà đến sống chung với chị em, phục vụ những người nghèo khổ nhất.

10/3 – THÁNH ĐA-MINH SAVIO (1842-1857)

Nhiều thánh nhân chết trẻ, trong số đó cóThánh trẻ Đa Minh Saviô, bổn mạng các lễ sinh.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở Riva, Ý, cậu Saviô theo học với Thánh Gioan Boscô tại Khánh Lễ Viện (Oratory) ở Turin lúc 12 tuổi. Cậu gây ấn tượng với Thánh Gioan Boscô bằng ước muốn làm linh mục và giúp ngài trong việc chăm sóc các bé trai lôi thôi lếch thếch. Là người kiến tạo hòa bình và tổ chức, cậu Saviô lập một nhóm mà cậu gọi là Đội Vô nhiễm Nguyên tội (Company of the Immaculate Conception) Ngoài lòng sùng đạo, đội này còn giúp Thánh Gioan Boscô chăm lo cho các bé trai và lao động chân tay. Năm 1859, cả đội kết hợp với Saviô giúp Thánh Gioan Boscô thành lập Dòng Sa-lê-diêng. Lúc đó, cậu Saviô được Chúa gọi về Trời.

Dù còn trẻ, Saviô đã biết say mê cầu nguyện. Cậu gọi những lúc xuất thần đó là “ngất trí” (distractions) Ngay trong lúc vui chơi, cậu nói: “Có vẻ như trời đang mở ra ở trên kia. Tôi sợ mình có thể nói hoặc làm điều gì đó khiến người khác bật cười.” Saviô thường nói: “Tôi không thể làm những điều to lớn. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những điều nhỏ nhất, chỉ vì vinh danh Chúa.”

Sức khỏe của Saviô luôn yếu khiến cậu bị bệnh phổi, cậu được đưa về gia đình để dưỡng sức. Như thói quen, cậu được thử máu và tưởng là vậy sẽ khá hơn, nhưng bệnh càng nặng thêm. Sau khi nhận các bí tích cuối cùng, Saviô trút hơi thở cuối cùng ngày 9-3-1857. Chính Thánh Gioan Boscô đã viết về cuộc đời Thánh Saviô.

Một số người cho rằng Saviô còn quá trẻ nên không thể làm thánh. Nhưng ĐGH Piô X tuyên bố rằng chỉ có điều ngược lại là thật, và ĐGH đã đi trước thời đại. Cậu bé Saviô được ĐGH Piô X tuyên thánh năm 1954.

11/3 – THÁNH GIOAN OGILVIE, LINH MỤC TỬ ĐẠO (khoảng 1579-1615)

John Ogilvie thuộc gia đình quý tộc ở Scotland, có người theo Công giáo và có người theo Giáo hội Trưởng Lão (Presbyterian) Ngài sinh gần Keith, thuộc Banfshire, Scotland. Người cha giáo dục ngài theo Tin lành cải cách (Calvinist) gởi ngài tới lục địa để học. Ở đó ngài quan tâm những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các học giả Công giáo và Tin lành cải cách. Bị lẫn lộn vì các cách tranh luận của các học giả Công giáo,ngài quay sang Kinh thánh. Hai câu khiến ngài đặc biệt ấn tượng là: “Thiên Chúa tiền định mọi người được cứu độ và hiểu biết chân lý,”“Hãy đến với Tôi, hỡi những ai yếu nhược và gánh nặng, Tôi sẽ bổ sức cho.”

Dần dần, ngài thấy rằng Giáo hội Công giáo có thể ôm choàng mọi người. Trong số đó, như ngài ghi chú, đã có nhiều vị tử đạo. Ngài quyết định gia nhập Công giáo và được rửa tội tại Louvain, Bỉ, năm 1596, lúc ngài 17 tuổi. Ngài tiếp tục nghiên cứu, trước tiên với các tu sĩ Dòng Biển Đức, rồi là sinh viên Học viện Dòng Tên tại Olmutz. Ngài nhập Dòng Tên ở Brunn,và 10 năm kế tiếp được đào tạo nghiêm khắc về tâm linh và trí tuệ. Ngài thụ phong linh mục tại Pháp năm 1610, ngài gặp 2 tu sĩ Dòng Tên trở về từ nhà tù ở Scotland. Họ hy vọng làm việc thành công ở đó để thấy sự chặt chẽ luật lệ. Nhưng ngọn lửa bừng lên trong lòng ngài. Hai năm rưỡi tiếp theo, ngài nhận truyền giáo ở đó.

Được bề trên sai đi, ngài bí mật vào Scotland giả làm người buôn ngựa hoặc lính từ chiến trường Âu châu trở về. Không thể làm những việc lớn trong số ít người Công giáo ở Scotland, ngài trở lại Paris xin ý kiến bề trên. Bị quở trách vì bỏ nhiệm vụ ở Scotland, ngài lại lên đường. Ngài hăng hái làm nhiệm vụ, đạt một số thành công trong việc làm người ta trở lại đạo và phục vụ giáo dân ở Scotland. Nhưng không bao lâu thì ngài bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra tòa án.

Ngài tiếp tục bị xử và phải nhịn đói 26 giờ. Ngài bị tù và bị mất ngủ. Suốt 8 ngày đêm ngài bị lôi đi khắp nơi, bị đâm bằng gậy, bị giật tóc. Nhưng ngài vẫn không tiết lộ danh tánh các Kitô hữu hoặc cho biết công việc tâm linh. Ngài bị xử 3 lần nhưng ngài vẫn trước sau như một. Trong lần xử cuối cùng, ngài quả quyết với tòa án: “Theo ý nhà vua, tôi sẽ phải tuân lệnh; nếu có ai tấn công nhà vua, tôi sẽ chịu chết thay. Nhưng mọi thứ thuộc quyền xét xử tâm linh mà nhà vua bất công thì tôi không thể tuân lệnh.”

Ngài bị kết án tử vì bị coi là phản bội.Ngài giữ vững đức tin tới cùng, dù nằm trên giàn thiêu, ngài vẫn không nao núng. Lòng can đảm của ngài ở trong tù và sự tử đạo của ngài được lan truyền khắp Scotland. Ngài được ĐGH Piô XI tuyên chân phước ngày 22-12-1929,và được ĐGH Phaolô VI tuyên thánh năm 1976 khi có phép lạ: Gioan Fagan, dân lao động tại Easterhouse ở Glasgow,sùng kính Chân phước Gioan Ogilvie và được khỏi bệnh ung thư một cách kỳ lạ. Thánh Gioan Ogilvie là người Scotland đầu tiên được tuyên thánh kể từ năm 1250.

12/3 – CHÂN PHƯỚC ANGELA SALAWA (1881-1922)

Angela phục vụ Đức Kitô vàvà những con người hèn mọn bằng cả sức lực của mình.Bà sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, là con thứ 11 của ông Bartlomiej và bà Ewa Salawa. Năm 1897, bà chuyển đến Kraków ở với chị Têrêsa. Bà bắt đầu tụ họp và hướng dẫn các phụ nữ trẻ làm việc nhà. Thời thế chiến I, bà giúp đỡ các tù nhân chiến tranh,không phân biệt quốc tịch hoặc tôn giáo. Sách của Thánh Teresa Avila và Thánh Gioan Thánh giá làm bà an tâm.

Angela tận tụy chăm sóc các thương binh thế chiến I. Sau năm 1918, sức khỏe không cho phép bà làm việc tông đồ nữa. Tâm sự với Đức Kitô, bà viết trong nhật ký: “Con muốn Chúa được tôn thờ nhiều như Ngài đã bị hủy diệt.” Ở chỗ khác, bà viết: “Lạy Chúa, con sống theo Thánh Ý Ngài. Con sẽ chết khi Ngài muốn. Xin cứu độ con vì Ngài có thể.”

Trong thánh lễ tuyên chân phước ngài năm 1991 tại Kraków, ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Chính tại thành phố này thánh nhân đã làm việc, đã chịu đau khổ và sự thánh thiện của ngài đã chín muồi. Khi liên kết với tâm linh của Thánh Phanxicô, thánh nhân đã đáp lại hành động của Chúa Thánh Thần.” (L'Osservatore Romano, cuốn 34, số 4, 1991)

13/3 – THÁNH LEANDER SEVILLE, GIÁM MỤC (khoảng 550-600)

Khi nói đến tín điều của Công đồng Nicê, người ta nghĩ đến Thánh Leander Seville. Ngài là giám mục giới thiệu cách thực hành hồi thế kỷ XVI. Ngài thấy đó là cách giúp tái củng cố đức tin của giáo dân và là cách chống lại tà thuyết Arian. [*] Cuối đời, ngài đã giúp Kitô giáo phát triển mạnh ở Tây ban nha trong thời chuyển biến chính trị và tôn giáo.

Gia đình của Thánh Leander ảnh hưởng thuyết Arian nhiều, nhưng ngài lại là một Kitô hữu sốt sáng. Ngài vào dòng khi còn trẻ, dành 3 năm cầu nguyện và học tập. Cuối thời gian thanh bình đó, ngài được bổ nhiệm làm giám mục. Phần đời còn lại ngài ra sức chống lại tà giáo. Năm 586, cái chết của ông vua chống Kitô giáo đã giúp phần tạo công nghiệp của Thánh Leander. Ngài và tân vương cùng duy trì sự chính thống và cải cách luân lý. Thánh Leander thành công trong việc thuyết phục nhiều giám mục theo tà thuyết Arian thay đổi tư tưởng của họ. Thánh Leander qua đời khoảng năm 600. Tại Tây Ban Nha, ngài được tôn kính là Tiến sĩ Giáo hội.

-------------------

[*] Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicê (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha.” Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân Chứng Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism) tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

14/3 – THÁNH MAXIMILIANÔ, TỬ ĐẠO (+ 295)

Chúng ta biết cuộc tử đạo của Thánh Maximilianô ở Algeria thời hiện đại. Bị đem ra trước mặt thống đốc Dion, Maximilianô vẫn từ chối đăng ký gia nhập quân đội Rôma và nói: “Tôi không thể phục vụ, tôi không thể làm điều ác. Tôi là Kitô hữu.” Dion nói: “Một là phục vụ, hai là chết.”

Maximilianô nói: “Tôi không bao giờ phục vụ. Ông có thể chặt đầu tôi, nhưng tôi sẽ không là binh sĩ của thế gian, vì tôi là binh sĩ của Chúa Kitô. Quân đội của tôi là quân đội của Thiên Chúa, tôi không thể chiến đấu cho thế gian này. Tôi nói với ông rằng tôi là Kitô hữu.”

Dion nói: “Có nhiều binh sĩ Kitô giáo phục vụ các nhà lãnh đạo Diocletian và Maximianô, Constantiôvà Galêriô.” Maximilianô trả lời: “Đó là việc của họ. Tôi cũng là Kitô hữu, và tôi không phục vụ.” Dion nói: “Nhưng những người lính đó đã làm gì hại chứ?” Maximilianô đáp: “Tôi đủ hiểu biết.” Dion nói: “Nếu anh không phục vụ, tôi sẽ kết án tử anh vì tội coi thường quân đội.” Maximilianô cương quyết: “Tôi sẽ không chết. Nếu tôi xa thế gian này thì tôi sẽ sống với Chúa Kitô, Thiên Chúa của tôi.”

Maximilianô bị giết khi mới 21 tuổi. Cha ngài vui mừng trở về nhà từ nơi xử tử con mình, tạ ơn Chúa vì đã dâng cho Chúa chính đứa con trai của mình.

15/3 – THÁNH LOUISE MARILLAC (+ 1660)

Louisesinh gần Meux (Pháp quốc) mồ côi mẹ từ nhỏ, mồ côi cha khi bà mới 15 tuổi. Ước muốn đi tu của bà được linh mục giải tội khuyến khích, nhưng một cuộc hôn nhân được sắp xếp. Một cậu con trai được sinh ra từ cuộc hôn nhân này. Bà chăm sóc người chồng bị bệnh trong một thời gian dài, rồi người chồng qua đời.

Louise may mắn có một nhà tư vấn khôn ngoan và cảm thông là Thánh Phanxicô Salê, và một người bạn giám mục giáo phận Belley, Pháp. Hai vị này chỉ có thể gặp bà theo định kỳ. Nhờ ơn soi sáng, bà hiểu rằng bà sẽ đảm trách công việc quan trọng theo sự hướng dẫn của một người khác mà bà chưa gặp. Đó là linh mục thánh thiện M. Vinh Sơn, tức là Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Mới đầu,linh mục Vinh Sơn miễn cưỡng  là người giải tội cho Louise, do ngài bận rộn với hội Huynh đệ Bác ái (Confraternities of Charity) Thành viên là các phụ nữ quý tộc làm bác ái giúp ngài chăm sóc người nghèo những trẻ em bị bỏ rơi, đó là nhu cầu thực tế thời đó. Nhưng các phụ nữ bận rộn với nhiều mối bận tâm và nhiệm vụ. Công việc của ngài cần nhiều người giúp đỡ, nhất là chính những dân nghèo gần gũi với người nghèo và có thể chiếm được cảm tình của họ. Ngài cũng cần người dạy dỗ và tổ chức.

Sau một thời gian dài, khi Thánh Vinh Sơn Phaolô quen với Louise, ngài nhận thấy bà là lời đáp lại cho lời cầu nguyện của ngài. Bà thông minh, khiêm tốn và có sức khỏe, nhưng sự chịu đựng khiến bà thường xuyên đau yếu. Bà thuyết phục ba phụ nữ trẻ khác gia nhập. Bà thuê nhà ở Paris làm nơi đào tạo những người tình nguyện phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Nhóm phát triển nhanh và cần có quy luật sống, điều mà chính Louise, theo sự hướng dẫn của cha Vinh sơn, đã phác họa cho nhóm Tỷ muội Bác ái của Thánh Vinh Sơn Phaolô (Sisters of Charity of St. Vincent de Paul) – ngày nay gọi là dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity)

Lm Vinh Sơn luôn cẩn trọng trong việc giao tiếp với Louise và lập nhóm mới. Ngài nói ngài không bao giờ nghĩ tới việc thành lập một cộng đoàn mới, nhưng Thiên Chúa đã làm mọi sự. Ngài nói: “Tu viện của chị em sẽ là nhà của người bệnh, phòng của chị em là phòng cho mượn,nhà nguyện của chị em là nhà thờ giáo xứ,hành lang của chị em là những con đường chung hoặc phòng bệnh viện.” Tu phục của họ là quần áo của dân nghèo. Không phải đến những năm sau Thánh Vinh Sơn Phaolô mới cho phép bốn phụ nữ kia mỗi năm cho khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Vẫn còn nhiều năm trước khi cộng đoàn chính thức được Tòa Thánh phê chuẩn và được đặt dưới sự hướng dẫn của hội đồng linh mục của Thánh Vinh Sơn.

Nhiều phụ nữ trẻ không biết chữ nhưng cộng đoàn mới vẫn phải chăm sóc trẻ em cơ nhỡ. Louise bận rộn với việc giúp đỡ khi có ai cần dù sức khỏe bà đã yếu. Bà đi khắp nước Pháp, thành lập các nhóm trong bệnh viện, viện mồ côi và các cơ sở khác. Bà qua đời ngày 15-3-1660, hội dòng có hơn 40 nhà ở Pháp. Sáu tháng sau khi Louise mất, Thánh Vinh Sơn Phaolô qua đời.Louise Marillac được tuyên thánh năm 1934 và được tôn phong làm bổn mạng những người hoạt động xã hội năm 1960.

16/3 – THÁNH CLEMENT MARIA HOFBAUER, LINH MỤC(1751-1820)

Clement có thể được coi là vị thứ hai đồng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, vì chính ngài đã đem dòng của Thánh Alphong Liguori sang miền Bắc núi Alps.

Gioan là tên thánh rửa tội của ngài. Ngài sinh tại Moravia trong một gia đình nghèo khó, là con thứ 9 trong 12 người con. Ngài muốn làm linh mục nhưng không có tiền ăn học, ngài phải đi học làm bánh. Nhưng Thiên Chúa đã hướng dẫn số phận của ngài. Ngài làm trong tiệm bánh của một tu viện và rồi được học trường Latin. Sau khi bề trên tu viện qua đời, ngài thử sống ẩn dật nhưng khi Hoàng đế Joseph II bãi bỏ luật ẩn tu, ngài lại trở về Vienna để làm bánh. Một hôm, sau thánh lễ tại nhà thờ Thánh Stêphanô, ngài gọi xe ngựa cho hai phụ nữ đang đứng chờ trong mưa. Khi nói chuyện, họ biết ngài không thể tiếp tục tu học làm linh mục vì không có tiền, họ đồng ý tài trợ cho ngài và bạn ngài là Thaddeus vào học ở chủng viện. Hai người đi Rôma, rồi bị thu hút đời tu của Thánh Alphong và các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Cuối cùng, hai thanh niên này cùng thụ phong linh mục năm 1785, lúc đó Thánh Alphong 34 tuổi.

LM Clement Maria và LM Thaddeus trở về Vienna. Nhưng nhiều khó khăn về tôn giáo ở đó khiến các ngài phải đi Warsaw, Ba Lan. Ở đây các ngài gặp nhiều người Công giáo nói tiếng Đức thiếu linh mục vì sự hạn chế của dòng Tên. Mới đầu các ngài phải sống rất nghèo khó và giảng đạo ngoài đường. Các ngài có được nhà thờ Thánh Benno, mỗi ngày các ngài giảng đạo 5 lần trong suốt 9 năm, 2 lần bằng tiếng Đức và 3 lần bằng tiếng Ba Lan, và nhiều người đã trở lại đạo. Các ngài tích cực trong công tác xã hội giúp người ngèo, mở cô nhi viện và trường học cho nam sinh.

Thu hút các ứng sinh vào dòng, các ngài có thể sai các nhà truyền giáo tới Ba Lan, Đức quốc và Thụy Sĩ. Cuối cùng các cơ sở này bị bỏ hoang vì căng thẳng chính trị và tôn giáo thời đó. Sau 20 năm hoạt động cực nhọc, chính Clement bị tù đày và bị trục xuất. Nhưng rồi ngài cũng đến được Vienna, tại đây ngài sống và làm việc 12 năm cuối đời. Không lâu sau ngài trở thành “tông đồ thành Vienna,” giải tội, thăm bệnh nhân, tư vấn cho những người quyền thế, chia sẻ sự thánh thiện với mọi người trong thành phố. Công việc tốt đẹp của ngài là thành lập một đại học Công giáo ngay tại thành phố.

Có lúc nhà cầm quyền không cho ngài rao giảng. Mức cao nhất là bị trục xuất. Nhưng sự thánh thiện và tiếng tăm của ngài đã bảo vệ ngài để có thể phát triển Dòng Chúa Cứu Thế. Nhờ nỗ lực của ngài, Dòng Chúa Cứu Thế được vững mạnh ở miền Bắc Alps. Ngài + 1820, được tuyên chân phước ngày 29-1-1888, và được ĐGH Piô X tuyên thánh ngày 20-5-1909.

17/3 – THÁNH PATRIXIO, GIÁM MỤC (415?-493?)

Có nhiều truyền thuyết về Thánh Patrixiô, nhưng sự thật chính là 2 phẩm chất vững mạnh ở ngài: Khiêm nhường và can trường. Chấp nhận đau khổ và không nao núng để trở thành khí cụ của Thiên Chúa nên ngài đã giành được nhiều người cho Chúa Kitô.

Chi tiết về cuộc đời ngài thì không biết rõ, ngay cả ngày sinh và ngày mất của ngài. Có thể Thánh Patrixiô sinh ở Dunbarton, Scốt-len, Cumberland, Anh, hoặc Bắc Wales. Ngài nhận mình là người Rôma và người Anh. Lúc 16 tuổi, ngài và nhiều nô lệ của người cha cùng với các gia nhân bị người Ai-len bắt bán làm nô lệ ở Ai-len. Ngài phải đi chăn chiên, và chịu đói lạnh.

Sau 6 năm, Patrixiô trốn thoát, có thể ngài đi Pháp, sau đó trở về Anh lúc 22 tuổi. Thời gian bị bắt làm ngài thay đổi tâm linh. Có thể ngài đã học ở Lerins, vùng duyên hải Pháp; nhiều năm ngài ở Auxerre, Pháp, và được bổ nhiệm Giám mục lúc 43 tuổi. Ngài rất muốn rao giảng Phúc âm cho người Ai-len.

Trong một giấc mơ,ngài thấy “những đứa trẻ Ai-len trong lòng mẹ đang đưa tay ra” với ngài. Ngài hiểu đó là ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại ở Ai-len. Dù bị phản đối từ những người cảm thấy ngài học chưa đủ, ngài vẫn được sai đi làm sứ vụ. Ngài đến miền Tây và miền Bắc, những nơi chưa được rao giảng, ngài được nhà vua và nhiều người theo đạo che chở.

Vì dân ngoại, Patrixiô chú ý những góa phụ vẫn thủ tiết và các phụ nữ trẻ giữ đức khiết tịnh vì Chúa Kitô. Ngài phong chức linh mục cho nhiều người, phân chia giáo phận, tổ chức các công nghị giáo hội, lập vài tu viện và tiếp tục thúc giục người ta sống thánh thiện vì Chúa Kitô. Ngài bị các tu sĩ khác đạo (một tôn giáo cổ ở Xen-tơ) phản đối, bị chỉ trích cả ở Anh và ở Ai-len về cách ngài làm nhiệm vụ.

Không lâu sau, đảo quốc này biết nhiều về Kitô giáo, nhiều nhà truyền giáo được sai đi để Kitô hóa Âu châu. Ngài là người hoạt động, có niềm tin cứng như đá. Một trong một số sách của ngài là cuốn “Confessio” (Tự Thuật) vượt hẳn sự thần phục Thiên Chúa vì đã kêu gọi một tội nhân bất xứng như ngài làm tông đồ. Nơi an táng ngài được coi là ở Ulster, tại County Down.

18/3 – THÁNH CYRILÔ GIÊRUSALEM, GIÁM MỤC TIẾN SĨ (315?-386)

Các vấn đề trong giáo hội ngày nay là “chuyện nhỏ” so với sự phản ứng của tà thuyết Arian. [*] Cyrilô bị ngắt lời khi tranh luận, rồi bị Jerome kết tội theo tà thuyết Arian, cuối cùng ngài được nhiều người minh oan và được tôn vinh là tiến sĩ giáo hội năm 1822. Lớn lên ở Giêrusalem, được giáo dục đàng hoàng, nhất là về Kinh thánh, ngài được ĐGM giáo phận Giêrusalem phong chức linh mục và giao nhiệm vụ dạy giáo lý cho những người sắp rửa tội trong mùa Chay và dạy cho các tân tòng trong mùa Phục sinh. Cuốn “Catecheses” (Giáo Lý) của ngài vẫn còn giá trị làm mẫu cho nghi thức và thần học của giáo hội hồi giữa thế kỷ IV.

Có nhiều người phản đối việc ngài trở thành giám mục GP Giêrusalem. Chắc chắn ngài được nhiều giám mục tấn phong giám mục, vì một trong số đó có ĐGM Acacius, một người theo thuyết Arian, có lẽ người ta muốn ngài “hợp tác.” Xung đột xảy ra giữa Cyrilô và Acacius, giám mục đối thủ ở gần tòa giám mục Caesarea. Cyrilô bị triệu đến công hội, bị kết tội không vâng lời và tội bán tài sản giáo hội để giúp người nghèo. Tuy nhiên, có thể có sự khác nhau về thần học. Ngài bị kết tội, bị trục xuất khỏi Giêrusalem, nhưng sau đó được minh oan, có cả những người “hai mang” (vừa theo Công giáo vừa theo Arian) cũng minh oan cho ngài. Một nửa trong giám mục đoàn bị đi đày (Patrixiô bị 2 lần) Cuối cùng, ngài trở về thấy Giêrusalem bị “te tua” vì tà thuyết, vì ly giáo, vì xung đột, và hoang tàn vì tội phạm. Ngay cả Thánh Grêgôriô Nyssa khi đó được người ta đến trợ giúp cũng cảm thấy thất vọng.

Hai ngài đi dự Công đồng đại kết II (Second Ecumenical Council of Constantinople) tại đây Tín Điều Nicê được công bố. Cyrilô chấp nhận từ “consubstantial” (đồng bản thể, nghĩa là thuộc về Chúa Cha và Đức Kitô) Một số người cho đó là động thái ăn năn (act of repentance) nhưng các giám mục tham dự Công đồng khen ngợi ngài là “nhà vô địch chính thống”chống lại thuyết Arian. Dù không thân thiện với những người bảo vệ chính thống chống lại Arian, ngài vẫn có thể được kể trong số những người mà Thánh Athanasiô gọi là “những huynh đệ chúng tôi muốn nói tới, và chỉ khác nhau về từ ngữ.”

-------------------

[*] Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicê (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha.” Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân Chứng Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism) tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

19/3 – THÁNH GIUSE, ĐỨC PHU QUÂN CỦA ĐỨC MARIA

Kinh Thánh tặng cho Thánh Giuse danh hiệu cao quý nhất: Đấng Công Chính. Phẩm chất đó có ý nghĩa hơn lòng trung tín trong việc thanh toán nợ nần.

Khi Kinh Thánh nói về Thiên Chúa là Đấng “bào chữa,” nghĩa là Thiên Chúa là Đấng chí thánh và “công chính,” cũng biến đổi một người đã chia sẻ cách nào đó về sự thánh thiện của Thiên Chúa, và người đó thực sự “công chính” vì được Thiên Chúa yêu thương. Nói cách khác, Thiên Chúa không đùa giỡn, Thiên Chúa hành động như thể chúng ta đáng yêu ngay khi chúng ta không đáng yêu.

Khi nói Đức Thánh Giuse công chính, Kinh Thánh có ý rằng ngài là người mở rộng tấm lòng với tất cả mọi điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi ngài. Ngài nên thánh nhờ mở rộng tấm lòng mình ra với Thiên Chúa. Phần còn lại chúng ta có thể dễ suy đoán. Hãy nghĩ về dạng tình yêu mà ngài đã “tán tỉnh” và được lòng Đức Mẹ, độ sâu của tình yêu mà hai người chia sẻ trong đời sống hôn nhân.

Không có mâu thuẫn trong sự thánh thiện của Đức Thánh Giuse mà ngài muốn “ly dị” Đức Mẹ khi ngài thấy “người yêu” có thai đột xuất. Những từ quan trọng trong Kinh Thánh là ngài “định tâm lìa bỏ” vì ngài là “người công chính,” không muốn để vị hôn thê phải xấu hổ. (x. Mt 1:19) Người Công Chính này sống giản dị, vui vẻ, một lòng một dạ và toàn tâm toàn ý tuân phục Thiên Chúa – sẵn sàng cưới Maria, đặt tên Con Trẻ là Giêsu, đưa hai Mẹ Con trốn sang Ai cập, rồi lại đưa hai Mẹ Con về Nadarét, nhiều năm sống âm thầm bằng đức tin và lòng can trường. Đức Thánh Giuse là Người Công Chính, là người trầm tư, không nói nhưng hành động cụ thể.

 Noi Gương Đức Thánh Giuse Sống Nội Tâm
     https://tramthienthu.blogspot.com/2021/08/noi-guong-uc-thanh-giuse-song-noi-tam.html
 Noi Gương Đức Thánh Giuse
     https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/noi-guong-uc-thanh-giuse.html
 Suy Tư Về Đức Thánh Giuse
     https://tramthienthu.blogspot.com/2021/02/suy-tu-ve-uc-thanh-giuse.html
 Thánh Giuse Cầu Bầu Hữu Hiệu
     https://tramthienthu.blogspot.com/2021/10/thanh-giuse-cau-bau-huu-hieu.html
 Thánh Giuse Và Sự Khủng Hoảng Làm Cha
     https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/thanh-giuse-va-su-khung-hoang-lam-cha.html

20/3 – THÁNH SALVATOR HORTA, TU SĨ (1520-1567)

Nổi tiếng về sự thánh thiện đôi khi cũng có một số bất lợi. Việc công chúng nhận biết đôi khi có thể là sự rầy rà – như bạn bè của Salvator nhận thấy.

Salvator sinh trong thời hoàng kim của Tây ban nha. Nghệ thuật, chính trị và của cải đều hưng thịnh. Tôn giáo cũng vậy. Thánh Inhaxiô Loyola đã lập Dòng Tên năm 1540.

Cha mẹ của Salvator nghèo. Lúc 21 tuổi, ngài nhập Dòng Phanxicô và nổi tiếng sống khắc khổ, khiêm nhường và giản dị. Ngài nấu ăn, khuân vác và đi hành khất ở Tortosa. Ngài còn nổi tiếng về đức bác ái, dùng Dấu Thánh Giá để chữa lành bệnh nhân. Khi thấy nhiều bệnh nhân đến tu viện xin gặp tu sĩ Salvator, các tu sĩ đã chuyển ngài tới Horta. Các bệnh nhân vẫn kéo đến để xin ngài chữa bệnh. Số bệnh nhân tới gặp ngài lên đến 2.000 người mỗi tuần. Ngài khuyên họ xét mình, xưng tội và rước lễ hằng tháng. Ngài từ chối cầu nguyện cho những người không đón nhận các bí tích này.

Ngài không rảnh vì người ta biết đến ngài quá nhiều. Đôi khi các bệnh nhân còn xé mảnh áo ngài để giữ làm di vật. Hai năm trước khi qua đời, ngài lại phải thuyên chuyển đến Cagliari trên đảo Sardinia. Ngài qua đời tại Cagliari khi ngài cầu nguyện bằng lời Thánh Vịnh: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con phó thác linh hồn con.” (Tv 31:6) Ngài được tuyên thánh năm 1938.

21/3 – CHÂN PHƯỚC GIOAN PARMA, LINH MỤC (1209-1289)

Chân phước Gioan Parma là Bề trên Tổng quyền thứ bảy của Dòng Phanxicô, ngài nổi tiếng về việc cố gắng khôi phục tinh thần dòng lúc đầu sau khi Thánh Phanxicô Assisi qua đời. Ngài sinh năm 1209, tại Parma, Ý. Khi đó, ngài là giáo sư trẻ dạy triết học, có tiếng thương người và nhận biết Chúa gọi mình từ giã thế gian để vào Dòng Phanxicô. Sau khi khấn dòng, ngài được gởi tới Paris để học thần học. Sau khi thụ phong linh mục, ngài dạy thần học tại Bologna, rồi dạy tại Naples và tại Rôma.

Năm 1245, ĐGH Innocent IV triệu tập công đồng tại Lyons, Pháp. Bề trên tổng quyền Dòng Phanxicô lúc đó là Crescentiô bị bệnh nên không thể đi dự công đồng, Lm Gioan được sai đi thay và ngài đã gây ấn tượng nhiều đối với các vị lãnh đạo Giáo hội tại công đồng. Hai năm sau, khi chủ tọa buổi bầu cử bề trên tổng quyền Dòng Phanxicô, ĐGH Innocent IV nhớ đến Lm Gioan và đã đề cao các đức tính của ngài.

Năm 1247, Lm Gioan Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Cả dòng đều hân hoan vì cuộc bầu chọn này, hy vọng tinh thần khó nghèo và khiêm nhường ban đầu của dòng sẽ được khôi phục. Nhưng rồi mọi người tỏ ra thất vọng khi Bề trên tổng quyền Gioan với vài người đi bộ tới các nhà dòng. Đôi khi ngài đến mà không ai biết, ở lại đó vài ngày để tìm hiểu sự thật về tinh thần của các tu sĩ.

ĐGH mời ngài làm Khâm sứ Tòa thánh tại Constantinople, tại đây ngài thành công nhất trong việc thu phục được những người Hy Lạp ly khai. Khi trở về, ngài yêu cầu người khác đảm trách việc cai quản dòng. Theo ý ngài, Bonaventura được chọn làm người kế vị. Từ đó, Lm Gioan sống đời cầu nguyện âm thầm tại Greccio.

Nhiều năm sau, ngài biết người Hy Lạp đã ly khai dù đã hòa giải với giáo hội một thời gian. Dù đã 80 tuổi, ngài vẫn được phép của ĐGH Nicholas IV cho trở lại Đông phương để cố gắng cứu vãn sự hiệp thông. Nhưng trên đường đi, ngài ngã bệnh và qua đời. Ngài được tuyên chân phước năm 1781.

22/3 – THÁNH NICÔLAS OWEN, TU SĨ TỬ ĐẠO (+ 1606)

Nicôlas, quen gọi là “Gioan Nhỏ,”vì ngài có vóc dáng nhỏ con nhưng lớn về sự đánh giá cao của các tu sĩ Dòng Tên.

Sinh tại Oxford, người thợ thủ công khiêm nhường này đã cứu sống nhiều linh mục và giáo dân ở Anh quốc trong thời kỳ bách đạo (1559-1829) lúc đó có nhiều đạo luật trừng phạt người Công giáo. Qua khoảng 20 năm, ngài dùng kỹ năng của mình để xây dựng những nơi bí mật khắp nước cho các linh mục trú ẩn. Ngài vừa là kiến trúc sư vừa là thợ xây dựng nên các công trình của ngài giúp các linh mục không bị phát hiện. Ngài là một thiên tài trong việc tìm kiếm và tạo những nơi trú ẩn an toàn: những đường hầm, những chỗ nhỏ giữa các bức tường, những nơi hẻo lánh không thể bị thâm nhập. Ngài còn khéo léo cứu 2 tu sĩ Dòng Tên thoát khỏi Tháp London. Bất kỳ khi nào ngài tạo những nơi trú ẩn, ngài đều rước Thánh Thể, và ngài thường cầu nguyện với Chúa lâu vì công việc xây dựng luôn có thể gặp nguy hiểm. Sau nhiều năm làm những việc “khác người,” ngài nhập Dòng Tên và làm tu sĩ lao động, nhưng ngài vẫn bí mật liên lạc với các tu sĩ Dòng Tên.

Sau nhiều lần trốn thoát, ngài bị bắt năm 1594. Mặc dù bị hành hạ lâu ngày, ngài vẫn nhất quyết không khai danh tánh những người Công giáo khác. Sau khi được tha, ngài lại làm những việc như trước. Năm 1606, ngài lại bị bắt. Lần này ngài bị hành hạ dã man và chết thảm thương. Các cai tù cố gắng nói ngài đã thú tội và tự tử, nhưng sự chịu khổ và cái chết anh dũng của ngài thì ai cũng biết. Ngài được tuyên thánh năm 1970, và là một trong 40 vị thánh tử đạo của Anh quốc và xứ Wales.

23/3 – THÁNH TURIBIÔ MOGROVEJO, GIÁM MỤC (1538-1606)

Cùng với Thánh Rôsa Lima, Thánh Turibiô Mogrovejo là một trong những vị thánh được biết đến trong Tân Thế Giới. Ngài phụng sự Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ, suốt 26 năm.

Ngài sinh ở Tây Ban Nha và học luật. Ngài là một học giả uyên bác đến nỗi ngài được chọn làm giáo sư luật khoa tại ĐH Salamanca và làm thẩm phán Tòa án Dị giáo (Inquisition, còn gọi là Holy Office) tại Granada. Ngài cũng thành công, nhưng ngài không đủ sắc sảo để làm một luật sư để ngăn chặn một chuỗi sự kiện gây ngạc nhiên.

Ngài đọc các khoản giáo luật cấm trao quyền giáo sĩ cho giáo dân, nhưng ngài bị bác bỏ. Ngài được thụ phong linh mục rồi được tấn phong giám mục và được bổ nhiệm về Peru, tại đây ngài thấy chủ nghĩa thực dân là tồi tệ nhất. Những người Tây Ban Nha xâm lăng phạm tội đàn áp dân bản xứ. Rất nhiều giáo sĩ lạm quyền, ngài là người đầu tiên gắn bó với vùng đất này.

Khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Lima, thuộc địa Peru của Tây Ban Nha bị trống ngôi, Turibiô là người được chọn để thay thế: Ngài là người có cá tính mạnh và thánh thiện có thể “chữa lành” các vụ bê bối trong vùng.

Ngài bắt đầu đi kinh lý cả tổng giáo phận rộng lớn, học ngôn ngữ, ở lại mỗi nơi vài ngày, và ngài thường nhịn đói hoặc ngủ không có giường. Mỗi sáng ngài xưng tội với linh mục tuyên úy và sốt sáng dâng thánh lễ. Trong số những người ngài ban Bí tích Thêm sức có thánh Rôsa Lima, có thể cả Thánh Martin de Porres. Sau năm 1590, ngài giúp một nhà truyền giáo vĩ đại là Thánh Phanxicô Sôlanô. Dù rất nghèo nhưng các đệ tử của ngài luôn nhạy bén, ngại khi người khác bác ái với mình. Thánh Turibiô Mogrovejo giải quyết vấn đề bằng cách bí mật giúp đỡ họ.

24/3 – THÁNH CATARINA GÊNÔA (1447-1510)

Một lần đi xưng tội và đó là bước ngoặt cuộc đời Thánh Catarina Gênôa. Khi Catarina sinh ra, nhiều nhà quý tộc người Ý ủng hộ các họa sĩ và văn sĩ thời Phục Hưng – Renaissance. Nhu cầu của người nghèo và người bệnh thường bị làm lu mờ vì mê sống xa hoa và bê tha.

Cha mẹ ngài là giới quý tộc ở Genoa. Lúc 13 tuổi, ngài muốn đi tu nhưng chưa đủ tuổi. Lúc 16 tuổi, ngài kết hôn với Julian, một nhà quý tộc ích kỷ và không có tín ngưỡng. Ngài kiềm chế nỗi thất vọng và cố vui sống với chính mình.

Một lần đi xưng tội, ngài nhận biết tội mình và yêu mến Chúa nhiều. Ngài thay đổi cách sống và làm gương cho Julian, không lâu sau Julian bớt ích kỷ. Tuy nhiên, sự ăn xài hoang phí của Julian đã khiến gia đình khánh kiệt. Julian và Catarina quyết định đến bệnh viện Pammatone, một bệnh viện lớn ở Genoa, và họ dấn thân làm việc bác ái ở đó. Năm 1497, Julian qua đời. Sau đó, Catarina đảm nhiệm việc quản lý bệnh viện. Ngài viết sách về luyện ngục và khuyên các linh hồn mở lòng ra với Thiên Chúa. Ngài nói rằng cuộc sống với Chúa trên trời và tiếp tục sống trọn vẹn với Thiên Chúa phải bắt đầu ngay khi còn ở thế gian. Kiệt sức vì cuộc đời hy sinh, ngài qua đời ngày 15-9-1510, và được tuyên thánh năm 1737.

25/3 – LỄ TRUYỀN TIN

Lễ Truyền tin có từ thế kỷ IV hoặc V. Trung tâm điểm của lễ này là mầu nhiệm Nhập Thể: Thiên Chúa làm người. Từ đời đời, Thiên Chúa đã chọn Ngôi Hai xuống thế làm người. Theo Lc 1:26-38, giao ước này đã hiện thực. Con Người ôm cả nhân loại, không phân biệt ai, để đem về cho Thiên Chúa qua hành động yêu thương tuyệt đối. Vì nhân loại khước từ Thiên Chúa, Đức Giêsu chấp nhận đau khổ và chịu chết: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)

Mẹ Maria giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Từ đời đời, Thiên Chúa đã tiền định Đức Maria làm Mẹ của Chúa Giêsu và liên quan mật thiết với Ngài trong việc sáng tạo và cứu độ thế giới. Chúng ta có thể nói rằng công cuộc sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa được liên kết trong mầu nhiệm Nhập Thể. Vì Mẹ Maria là khí cụ của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Mẹ giữ vai trò đồng công sáng tạo và cứu độ. Đó là vai trò được Thiên Chúa trao ban, là hồng ân Thiên Chúa từ khởi sự cho đến hoàn thành. Mẹ Maria trở thành nhân vật nổi trội chỉ có thể nhờ hồng ân Thiên Chúa. Mẹ là nơi mà Thiên Chúa khả dĩ hành động. Mẹ là mọi sự thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mẹ là trinh nữ hoàn thành lời tiên tri Isaia 7:14 theo cách mà Isaia không thể tưởng tượng ra. Mẹ kết hợp với Chúa Con trong việc thi hành Tôn Ý Thiên Chúa. (x. Tv 40:8-9; Dt 10:7-9; Lc 1:38)

Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đầy ân sủng và đặc quyền là sự nối kết giữa Trời với Đất. Sau Chúa Giêsu, Mẹ là con người tốt nhất, làm ví dụ về tính khả dĩ của sự hiện hữu nhân loại. Mẹ đón nhận sự thánh thiện và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Mẹ cho thấy cách nhân loại có thể phản ánh Thiên Chúa trong những trường hợp bình thường của cuộc sống. Mẹ nêu gương về những gì Giáo hội và mỗi tín hữu đều có ý nghĩa. Mẹ là kết quả cuối cùng của sự sáng tạo và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Mẹ biểu hiện ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất vì tất cả chúng ta.

✠ Hôm nay cũng là ngày lễ Thánh Dimas (Dismas) – tử tội chịu đóng đinh bên Chúa Giêsu trên Đồi Can-vê.

26/3 – CHÂN PHƯỚC ĐIĐACÔ CADIZ, LINH MỤC (+ 1801)

Ngài sinh tại Cadiz, Tây Ban Nha, tên thánh rửa tội là Giuse Phanxicô.Ngài dành nhiều thời gian rảnh giao tiếp với các tu sĩ Dòng Phanxicô. Nhưng ước muốn nhập Dòng Phanxicô của ngài bị trì hoãn vì gặp khó khăn trong việc học. Nhưng rồi ngài cũng được nhận vào nhà tập Dòng Phanxicô ở Seville với tên Điđacô (Didacus) Rồi ngài thụ phong linh mục và được sai đi giảng đạo.

Ngài có tài giảng thuyết. Ngài đi khắp Andalusia (Tây Ban Nha) để giảng trong các thành phố. Lời ngài giảng làm lay động cả người già và người trẻ, người giàu và người nghèo, kể cả các giáo sư và sinh viên dù ngài không được học nhiều.

Người ta gọi ngài là “Tông Đồ của Chúa Ba Ngôi” vì ngài sùng kính Chúa Ba Ngôi và thoải mái trong khi giảng về mầu nhiệm siêu nhiên này. Một hôm, một đứa bé la lớn: “Mẹ ơi, nhìn chim bồ câu đậu trên vai cha Điđacô kìa! Con cũng có thể giảng như vậy nếu chim bồ câu cho con biết những điều phải nói.”

Điđacô sống kết hiệp với Thiên Chúa, ban đêm ngài cầu nguyện và chuẩn bị bài giảng bằng việc sám hối. Ngài trả lời với những người phê bình ngài: “Tội lỗi của tôi và của mọi người buộc tôi phải làm vậy. Những người bị kết án làm cho người tội lỗi trở lại phải nhớ rằngThiên Chúa đã đặt trên vai họ gánh nặng tội lỗi của người khác.”

Người ta nói đôi khi ngài giảng về tình yêu Chúa mà ngài được nâng lên cao khỏi bục giảng. Dân chúng trong làng mạc và thành phố thấm nhập lời ngài giảng và cố gắng bỏ thói cũ khi ngài đi qua. Ngài qua đời năm 1801, thọ 58 tuổi, được coi là người đáng kính và thánh thiện. Ngài được tuyên chân phước năm 1894.

27/3 – CHÂN PHƯỚC PHANXICÔ FAÀ BRUNÔ, LINH MỤC (1825-1888)

Phanxicô sinh trưởng trong một gia đình quý tộc tại Bắc Ý, là con út trong 12 người con. Ngài sống trong thời gian rất hỗn loạn của lịch sử, khi những tình cảm chống Công giáo và chống giáo hoàng rất dữ dội. Sau khi được đào tạo làm sĩ quan quân đội, Phanxicô được Vua Victor Emmanuel II chú ý. Nhà vua ấn tượng với cá tính và sức học của chàng thanh niên này. Được nhà vua mời dạy kèm cho hai hoàng tử, Phanxicô đồng ý và chuẩn bị học thêm. Như với vai trò của giáo hội trong việc gia đình là điều khó đối với nhiều người, nhà vua phải rút lời đề nghị với Phanxicô và tìm gia sư khác thích hợp hơn với tình trạng thế tục.

Phanxicô sớm từ giã đời quân ngũ và theo học tiến sĩ ở Paris về toán học và thiên văn học, ngài cũng tỏ ra quan tâm nhiều về tôn giáo và lối sống khổ hạnh. Dù đã dành tâm huyết theo học chuyên ngành, Phanxicô vẫn dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động bác ái. Ngài lập Hội thánh Zita cho các cô gái và gia nhân nữ, sau đó mở rộng cho cả các bà mẹ đơn thân. Ngài giúp mở nhà tế bần và viện dưỡng lão. Ngài còn giám sát việc xây dựng một nhà thờ ở Turin để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong Ý trong cuộc chiến thống nhất nước Ý.

Ước muốn dành tâm huyết cho người nghèo, Phanxicô học làm linh mục. Lúc đầu ngài được ĐGH Piô IX ủng hộ nhưng bị tổng giám mục giáo phận phản đối vì ngài đi tu trễ. Nhưng cuối cùng ngài vẫn được thụ phong linh mục lúc 51 tuổi.

Là linh mục, ngài tiếp tục làm việc tốt, chia sẻ của cải và sức lực. Ngài còn mở một nhà tập thể cho các chị em làm gái làng chơi. Ngài qua đời tại Turin ngày 27-3-1888, và 100 năm sau ngài được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên chân phước, năm 1988.

28/3 – THÁNH HÊSYKIÔ GIÊRUSALEM, LINH MỤC (+ khoảng 450)

Tên ngài không chỉ khó đọc mà còn khó đánh vần,đồng thời khó biết về một con người khiêm nhường và hiền như ngài. Ngài sống giữa thế kỳ IV và V, được biết nhiều trong giáo hội Chính Thống Nga.

Không rõ ngày sinh của thánh Hêsykiô (Hesychius, tiếng Anh đọc là He-sơs) nhưng chúng ta biết ngài là tu sĩ linh mục viết lịch sử Giáo hội, nhưng đã bị thất lạc. Ngài cũng viết về nhiều vấn đề nóng trong thời ngài sống. Trong số đó có tà thuyết Nestorianism – cho rằng có hai con người riêng biệt trong Chúa Giêsu, một con người và một Thiên Chúa, và tà thuyết Arianism – từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Một số bài phê bình của ngài về Kinh thánh, cùng với những suy tư về các tiên tri và những bài giảng của ngài về Đức Mẹ vẫn còn lưu truyền.

Người ta tin rằng ngài đã có các bài giảng về lễ Phục Sinh tại Đại giáo đường ở Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Lời ngài giảng về Thánh Thể, được viết nhiều thế kỷ trước, nói với chúng ta ngày nay: “Hãy giữ mình sạch tội để mỗi ngày có thể thông phần bữa ăn mầu nhiệm; nhờ làm vậy mà thân thể chúng ta là nhiệm thể Chúa Chúa Kitô.” Ngài qua đời khoảng năm 450.

29/3 – CHÂN PHƯỚC LUĐÔVICÔ CASORIA, LINH MỤC (1814-1885)

Ngài sinh tại Casoria (gần Naples) Arcangelo Palmentieri là thợ gỗ mỹ thuật trước khi vào Dòng Phanxicô năm 1832 và có tên dòng là Luđôvicô. Ngài thụ phong linh mục 5 năm sau, ngài dạy hóa học, vật lý và toán cho các tu sĩ trẻ trong tỉnh dòng vài năm.

Năm 1847,ngài có trải nghiệm thần bí mà sau đó ngài mô tả là “tẩy sạch.” Sau đó ngài dành cuộc đời mình cho người nghèo và người yếu đuối, mở phòng thuốc cho người nghèo, mở 2 trường học cho trẻ em Phi châu, mở một trường cho trẻ em quý tộc, mở viện mồ côi, mở trường cho người câm điếc, mở trường cho người mù, mở nhà người lớn tuổi và lữ khách. Ngoài một bệnh viện cho các tu sĩ trong tỉnh dòng, ngài còn mở các viện từ thiện ở Naples, Florence và Assisi. Có lần ngài nói: “Tình yêu Chúa Kitô đã chạm đến trái tim tôi.” (Christ’s love has wounded my heart.) Tình yêu đó đã thúc đẩy ngài làm những việc bác ái lớn lao.

Để tiếp tục công việc bác ái, ngài thành lập Dòng Huynh Đệ Áo Xám (Gray Brothers) năm 1859, đó là cộng đoàn tu gồm những người trước đây thuộc Dòng Phanxicô Đời (Secular Franciscan Order) Sau 3 năm, ngài lập Dòng Tỷ Muội Áo Xám Thánh Êlidabét (Gray Sisters of St. Elizabeth) với cùng mục đích như vậy.

Trong 9 năm đau bệnh cuối đời, ngài viết di chúc tâm linh mô tả đức tin là “ánh sáng trong bóng tối, giúp đỡ người bệnh hoạn, chúc lành cho người khổ tâm lao tứ, thiên đàng khi bị đóng đinh và sự sống giữa sự chết.” Việc mở án tuyên chân phước cho ngài bắt đầu sau khi ngài qua đời được 5 tháng, và được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên chân phước năm 1993.

30/3– THÁNH PHÊRÔ RÊGALAĐÔ, LINH MỤC (1390-1456)

Thánh Phêrô Rêgalađô sống trong thời buổi rất hỗn độn. Cuộc ly giáo Tây phương (Great Western Schism, 1378-1417) được ổn định nhờ Công đồng Constance (1414-1418) Pháp và Anh chiến tranh hàng trăm năm. Năm 1453, hoàng đế Byzantine bị sụp đổ vì Constantinople mất vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc ngài qua đời, cộng nghệ ấn loát vừa bắt đầu ở Đức, và còn 40 năm nữa Kha Luân Bố (Columbus) mới tìm ra Tân Thế Giới (Mỹ châu ngày nay)

Ngài sinh trong một gia đình giàu có và đạo hạnh ở Valladolid, Tây Ban Nha. Lúc 13 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô (Conventual Franciscans) Ngay sau khi thụ phong linh mục, ngài được bầu làm Bề trên dòng ở Aguilar. Ngài thuộc nhóm tu sĩ muốn sống nghèo khó và sám hối. Năm 1442, ngài được bổ nhiệm làm trưởng nhóm cải cách Dòng Phanxicô ở Tây Ban Nha.

Ngài sống làm gương cho các tu sĩ. Ngài đặc biệt thương người nghèo và người bệnh. Những câu chuyện kỳ lạ về ngài được kể về lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo. Chẳng hạn, bánh mì không bao giờ hết khi ngài cần giúp những người đói khổ. Hầu như cả đời ngài sống đói, ngài chỉ sống nhờ bánh và nước.

Ngài qua đời ngày 31-3-1456. Ngay sau đó, mộ ngài trở nên địa điểm hành hương. Ngài được tuyên thánh năm 1746.

31/3 – THÁNH STÊPHANÔ MAR SABA, TU SĨ (725-794)

Câu nói “xin đừng làm phiền” đã giúp Stêphanô tìm thấy sự thánh thiện và bình an.

Stêphanô ở tu viện Mar Saba (cách Belem khoảng 10 km) là cháu trai của Thánh Gioan Damascene, người thân đưa ngài đi tu dòng từ lúc 10 tuổi. Lúc 24 tuổi, ngài phục vụ cộng đoàn bằng nhiều cách, kể cả quản lý nhà khách. Sau một thời gian, ngài xin phép sống ẩn dật. Bề trên quyết định: Stêphanô có thể sống như ý muốn suốt tuần, nhưng cuối tuần ngài phải dùng khả năng mình làm tư vấn. Ngài ghi trên cửa phòng: “Xin các cha tha cho con, nhân danh Chúa, xin đừng làm phiền con trừ các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật.”

Dù có ơn gọi cầu nguyện và thinh lặng, Stêphanô vẫn tỏ ra kỹ năng kỳ lạ với mọi người và là người hướng dẫn tâm linh. Nhà viết tiểu sử, cũng là đệ tử của ngài, đã viết: “Ngài giúp đỡ bất kỳ vấn đề gì về tâm linh và vật chất, được yêu cầu là ngài cho ngay. Ngài được kính trọng về lòng tử tế. Ngài không sở hữu gì và cũng chẳng thiếu gì. Hoàn toàn nghèo khó nhưng ngài sở hữu mọi thứ.” Ngài qua đời năm 794.

TRẦM THIÊN THU

(chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Tháng 3 – Kính Đức Thánh Giuse
     https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/thang-3-kinh-uc-thanh-giuse.html

THAM KHẢO THÊM MỘT SỐ VẤN ĐỀ

 Chuyện Linh Tinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/chuyen-linh-tinh.html
 Chuyện Mắc Dịch
 – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/chuyen-mac-dich.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment