Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

THA THỨ MÃI MÃI

Nhân vô thập toàn. Không ai vô tội. Vì vậy, sự tha thứ luôn cần thiết, mọi nơi và mọi lúc.

Càng tha thứ càng giảm bớt sự thù hận. Sự tha thứ không chỉ tốt cho tinh thần mà còn tốt cho thể lý – ngăn ngừa bệnh. Giáo sư tâm lý học Everett Worthington, thuộc ĐH Virginia Commonwealth (Mỹ), nói rằng sự tha thứ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Những người có “máu cừu địch” dễ bị béo phì và kháng insulin – các yếu tố gây bệnh tiểu đường và bệnh tim. Các nghiên cứu của Viện Sức khỏe cộng đồng tại California cho thấy rằng mức thù hận cao gây nguy cơ tử vong gấp đôi so với các nguyên nhân khác.

Ngoài lợi ích về tinh thần, sự tha thứ còn lợi ích về thể lý. Nhất cử lưỡng tiện. Tâm lý gia Worthington nói: “Sự tha thứ có thể làm giảm nguy cơ bị các chứng rối loạn liên quan stress như hệ miễn nhiễm hoạt động sai chức năng, rối loạn tự miễn nhiễm và ung thư.” Ông đưa ra 5 bí quyết tha thứ sau đây:

1. NHƯỜNG NHỊN – Luôn tích cực nhường nhịn, vì “một câu nhịn, chín câu lành,” để tránh lăng nhục người khác hoặc trở thành nạn nhân. Nhường nhịn không có nghĩa là thua kém hoặc yếu thế!

2. CẢM THÔNG – Tự đặt mình vào vị trí của người khác để dễ cảm thông và khách quan nhìn nhận vấn đề. Nếu không cảm thông thì không thể tha thứ.

3. VỊ THA – Bạn rất hạnh phúc khi được tha thứ, vậy hãy trao tặng món quà tha thứ cho người khác. Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn người khác làm cho mình!

4. CÂN NHẮC – Điều này giúp bạn không quá lố, suy nghĩ và cân nhắc để xử lý tốt nhất trong mọi tình huống.

5. KIỀM CHẾ – Luôn biết kiềm chế “cái tôi.” Sự im lặng có vẻ “lạnh lùng” nhưng lại có thể giúp bạn tránh tức giận và sợ hãi. Nhờ vậy mà bạn mặc nhiên tha thứ.

Tha thứ liên quan yêu thương. Người đời còn phải tha thứ lẫn nhau, huống chi những người tự nguyện tin và theo Đức Kitô. Tất nhiên mức độ phải “cao” hơn, vì Sư phụ Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em,” (Mt 5:44) hoặc “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Lc 6:27)

Tha thứ nhiều hay ít? Một lần nọ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21) Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18: 22) Ngài nói về dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. (x. Mt 18:23-35) Nghĩa là tha thứ mãi mãi, yêu thương vô hạn: Mức độ yêu là yêu vô hạn.

Thiên Chúa không ép ai phải yêu thương, không bắt ai phải tha thứ, vì Ngài không thích cái gì miễn cưỡng, đó chỉ là công bằng: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6:14-15) Rất thuận lý.

Thánh Phaolô nói: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:7) Có đức mến rồi thì tha thứ chỉ là “chuyện nhỏ.” Thánh Phaolô phân tích: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. (Ep 4:32)

Yêu thương và tha thứ là sống đức tin ngay trên thế gian này. Đó là lý do chúng ta phải yêu thương và tha thứ lẫn nhau, vả lại, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4:24)

Yêu thương nhau hay không, tha thứ cho nhau hay không, đó là tùy mỗi người, Chúa Giêsu chỉ khuyên chứ không ép buộc. Ai thi hành thì được phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5:7)

Nhưng đó cũng là lệnh truyền về sự tha thứ ở mức độ cao: “Thầy không bảo tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:25) Biết xót thương thì biết tha thứ. Một hệ lụy tất yếu!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment