Wednesday, November 18, 2015

CHUYỆN LÃNG PHÍ

Lãng phí là gì? Nói ngắn gọn: Lãng phí là dùng cái gì đó vào các hoạt động vô ích, gây thất thoát, gây hư hại. Có nhiều dạng lãng phí. Chẳng hạn:

– LÃNG PHÍ THỜI GIAN: Đó là khi người ta phải chờ đợi hay trì hoãn một cách vô ích, chẳng hạn các dự án “treo,” ăn không ngồi rồi, không biết làm gì hoặc lười biếng lao động.

– LÃNG PHÍ DI ĐỘNG: Đó là sắp xếp không hợp lý dẫn đến việc vận chuyển hoặc di chuyển không cần thiết.

– LÃNG PHÍ HOẠT ĐỘNG: Đó là lãng phí “vô hình,” ẩn náu trong các hoạt động thường nhật của mỗi cá nhân do xử lý công việc không hợp lý, làm việc gì đó mà có những động tác thừa hoặc những động tác thiếu.

– LÃNG PHÍ SẢN XUẤT: Đó là làm ra vật gì mà không tính toán có tiêu thụ được hay không, gây tốn kém ngân sách mà vô ích.

– LÃNG PHÍ SẢN PHẨM: Đó là khi mua các vật dụng mà không xài, sử dụng đồ đạc bừa bãi mà không bảo quản,…

– LÃNG PHÍ LÃNH ĐẠO: Đó là dùng người không đúng chức năng, không đúng trình độ, không chiêu hiền đãi sĩ, chỉ vì “thân quen” mà đề cử, trù dập nhân tài,... do đó dẫn đến lãng phí tài năng, lãng phí chất xám.

Lãng phí nào cũng là lãng phí công sức và lãng phí tiền bạc. Lãng phí là động thái không biết “liệu cơm gắp mắm” hoặc “bóc ngắn, cắn dài,” và chắc chắn đó là phong cách… chảnh!

Cuộc sống đầy những ví dụ. Chẳng hạn: Tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, người ta đã có lần được dịp xôn xao về một “siêu đám cưới” với tổng chi phí là 50 tỷ đồng. Đám cưới này có nhiều “siêu xe” tham gia rước dâu nhất tại Việt Nam từ trước tới nay, có số khách lên tới 10.000 người, và mỗi bàn tiệc giá 6 triệu đồng.

Chú rể là “thiếu gia” Nguyễn Huy Hoàng (sn 1987), con trai nữ đại gia buôn bán xuyên quốc gia Nguyễn Thị Liễu. Chú rể rước dâu bằng chiếc Ferrari California màu đỏ trị giá khoảng 210.000 USD (hơn 4 tỷ đồng). Ngoài ra còn có 97 chiếc “siêu xe” khác như Mercedes S500, Mercedes GLK, Mercedes C250 CGI, Porsche Cayenne, Ferrari, Rolls Royce Phantom, Benley, Audi A5 Sportback, Lexus, BMW,... Hành trình rước dâu từ Hà Nội về thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) thu hút sự chú ý của nhiều người khiến quốc lộ 8A bị ách tắc nhiều đoạn.

Họ còn “mời” các ca sĩ Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê, và Đàm Vĩnh Hưng, thậm chí có cả MC Lê Anh. Chi phí cho “món” văn nghệ lên tới trên 200.000 USD. Chi phí cho khoản rượu bia là hơn 3 tỷ. “Đặc biệt” nhất là đôi uyên ương đeo đồ trang sức tổng cộng tới 60 lượng vàng. Mẹ chú rể “hãnh diện” nói rằng toàn bộ tiền mừng dành làm từ thiện (?!).

Cô dâu là Lê Thu Loan (sn 1992), con thứ hai trong gia đình đại gia ở phố Phó Đức Chính, Q. Ba Đình, Hà Nội. Gia đình cô dâu là đối tác làm ăn của mẹ chú rể. Cả cô dâu và chú rể hiện đang du học tại Singapore. Gia đình đã tậu một căn nhà trên phố Nguyễn Du (Hà Nội) trị giá vài chục tỷ đồng “tặng” cho đôi tân hôn.

Cách lãng phí này liên quan nhiều loại lãng phí khác. Cách lãng phí nào cũng là do ích kỷ và kiêu kỳ! Việt ngữ có từ trọc phú, Anh ngữ gọi là money-bags, nghĩa là “người giàu ngông,” kiểu hoang phí và xa xỉ. Xã hội còn rất nhiều người nghèo khổ, rất cần những người hảo tâm thế mà vẫn có những người lãng phí thì thật… “lạ”! Không cho người nghèo những gì họ cần thì cũng là một dạng ăn cắp, bóc lột, bất nhân!

Những người làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, họ vẫn tiết kiệm và chi tiêu rất hợp lý, không thích “chơi nổi,” ngại xuất hiện, không muốn “bị” chú ý. Xã hội luôn có hai thái cực, thường thì không quá cách xa nhau, không đến nỗi “người trên trời” và “kẻ dưới đất,” nhưng thực tế cho thấy khác hẳn.

Một vùng quê mà lại có đại gia “vung tiền” hơn cả Công tử Bạc Liêu, lãng phí quá mức, trong khi còn biết bao người “lần không ra” vài chục ngàn đồng để sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Sự phân cách đó quá lớn! Lãng phí cũng là thiếu công bằng xã hội. Thiếu công bằng xã hội thì không thể có tự do, không có tự do thì làm sao có hòa bình đích thực? Công lý và hòa bình luôn có mối quan hệ mật thiết!

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” nhưng chỉ “để gió cuốn đi”! Lẽ nào lại như vậy?

Lc 15:11-32 kể dụ ngôn về người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Đứa con này vì ích kỷ mà hư hỏng, phung phí không chỉ tiền bạc mà còn phung phí cả chính cuộc đời mình. Đó là cách lãng phí nguy hiểm, không chỉ đối với bản thân mà còn đối với gia đình, xã hội, đất nước và Giáo Hội.

Thánh Giacôbê: “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết nhau; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Gc 4:2-3)

Dù lãng phí thứ gì, cả vật chất và tinh thần, đều là ích kỷ. Không phải do mình làm ra nên không biết tiết kiệm, sẵn sàng lãng phí. Còn Thánh Phaolô nói thẳng: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10)

TRẦM THIÊN THU

 Chuyện Linh Tinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/chuyen-linh-tinh.html
 Chuyện Mắc Dịch – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/chuyen-mac-dich.html

No comments:

Post a Comment

Comment