Truyền giáo là việc chung của bất kỳ ai mang danh hiệu Kitô giáo, cũng không phải chiến dịch hoặc phong trào, mà là chuyện từ đời này sang đời khác, chuyện hàng ngày của mỗi người Kitô hữu. Nhưng truyền giáo không phải như các công ty hoặc các tổ chức quảng cáo rầm rộ để tiếp thị sản phẩm, đôi khi chỉ là lừa bịp người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin, quảng cáo một đàng bán hàng một nẻo. Quảng cáo mặc nhiên được “nói láo ăn tiền,” còn truyền giáo lại hoàn toàn khác hẳn.
TỪ
SƯ PHỤ…
Khi quảng cáo, người ta đưa ra đủ “chiêu bài”
và cách nói khiến khách hàng “tin tưởng” nhất. Khi nhờ ai làm gì, người ta đưa
ra những điều kiện ngon lành. Khi tuyển nhân viên, các công ty đưa ra điều kiện
làm việc ngon lành, lương hậu, và chế độ đãi ngộ tương xứng. Chúa Giêsu tuyển
những người theo mình làm truyền giáo thì lại đưa ra điều kiện quá đỗi ngược
đời: “Con chồn có hang, chim trời có
tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8:20; Lc 9:58)
Thế nhưng vẫn có những người dám bỏ mọi sự mà
theo Ngài, dù không có lương và không biết tương lai thế nào – như Tổ Phụ Abraham
ra đi theo tiếng Chúa. Những người theo Ngài không phải là những người vô công
rồi nghề, thất nghiệp, vô gia cư,… Họ là những người có vợ con, có nhà cửa, có
nghề nghiệp, thậm chí có nhiều tiền – như Phêrô đang chài lưới hoặc Matthêu
đang thu thuế, nghe Chúa Giêsu gọi thì họ bỏ việc mà theo ngay lập tức. Những
người theo Chúa Giêsu không phải họ được Ngài cho vật chất hoặc địa vị, mà họ
thấy Ngài nói có lý và Ngài sống đúng những gì Ngài nói: Ngôn hành song song.
Sư phụ Giêsu rất ít tới Đền Thờ, chỉ vài lần.
Nhưng hằng ngày Ngài ròng rã lội bộ từ nơi này tới nơi khác, khoảng cách không
chỉ xa mà đường đi và thời tiết ở Israel lại khắc nghiệt lắm, hơn nữa
thời đó chắc chẳng có giày dép tốt như ngày nay, thậm chí là đi chân không.
Ngài đến với những người khốn khổ nhất, không phải để “dụ dỗ” họ mà để tỏ lòng
thương xót họ. So với Chúa Giêsu, sự vất vả của chúng ta không là gì. Thậm chí
có những người mang danh chủ chăn nhưng cuộc sống hoàn toàn trái ngược với Sư
Phụ Giêsu.
Thế nhưng người ta vẫn ghét Ngài, không phải
vì Ngài làm gì sai trái mà vì Ngài nhân lành, Ngài thẳng tính, Ngài không giữ
luật theo kiểu của họ – nghĩa là Ngài không CÂU NỆ luật. Lc 13:10-17 kể về một
phụ nữ bị quỷ làm cho lưng còng 18 năm, Chúa Giêsu đã chữa bà khỏi trong ngày
Sa-bát nên người ta phản đối, Chúa Giêsu nói: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày Sa-bát, ai trong các người lại
không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông
Áp-ra-ham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được
cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13:15-16) Nghe
Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám
đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Rất nhiều chuyện khác xuyên suốt “hành trình
truyền giáo” của Sư phụ Giêsu. Nhưng rồi Ngài vẫn bị người ta kết án, Philatô
không thấy Ngài có gì sai nhưng vẫn không dám bênh vực mà lại “rửa tay” để
chứng tỏ mình vô can. Và cuối cùng, Ngài bị giết bằng nhục hình thê thảm nhất:
Bị lột trần và bị đóng đinh vào thập giá.
…ĐẾN
ĐỆ TỬ
Thế nào là đệ tử chân chính? Chúa Giêsu xác
định: “Không phải bất cứ ai thưa với
Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành
ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt
7:21) Vấn đề là “thi hành ý muốn của Chúa Cha.”
Chuyện xảy ra hồi cuối tháng 10-2011 ở GP
Xuân Lộc: Một nhóm “ta-ru” (tu ra, tu xuất, cựu tu sĩ) có một linh mục linh
hướng (LMLH). Họ vẫn sinh hoạt hàng tháng với nhau. Có hai anh em trong nhóm
tìm đủ cách và nhờ mấy nơi giải quyết việc chuẩn hôn nhân khác đạo mà không
được. Họ hy vọng nên đến nhờ LMLH của họ tư vấn giúp.
Có một điều kiện để chuẩn hôn nhân khác
đạo: “Chấp nhận tất cả con cái được
rửa tội theo đức tin Công giáo.” Anh H. hỏi LMLH: “Điều khoản này có bắt buộc không?” LMLH hỏi tại sao anh sống
đạo thế nào để vợ anh không theo đạo,… vừa MẮNG CHỬI anh H. thậm tệ
vừa xúc phạm anh H. là… CHÓ. Kèm theo những LỜI NÓI VÔ VĂN HÓA khác!
Anh H. ngồi im lặng bàng hoàng và vẫn lịch sự nói: “Thưa cha, cha không nên nói với con như thế, cha không được xúc phạm
con. Cha là một linh mục, cha không nên nói những lời như thế.” Dù chỉ
xấp xỉ tuổi nhau nhưng anh H. vẫn tôn trọng gọi LMLH là “cha” kia mà!
Anh H. cho biết lúc đó anh nghĩ có lẽ LMLH đang
bị bệnh, mệt mỏi, hay đang bị căng thẳng áp lực nào đó trong công việc nên giận
cá chém thớt. Anh hiểu và cảm thông, anh bình tĩnh và chủ động để vấn đề không
căng thẳng thêm. Rồi anh CHỦ ĐỘNG XIN LỖI vì đã làm phiền và mất thời
gian của LMLH, rồi anh cảm ơn LMLH và xin phép về.
LMLH đi vào vừa đến cửa, anh H. bước tới vui
vẻ dùng tay trái nắm nhẹ vào tay LMLH và nói: “Cha ơi, con rất yêu mến anh em nhóm cựu tu sĩ.” LMLH dùng tay
trái ôm vai anh. Anh nghĩ ôm nhau là biểu hiện nguôi giận và mọi sự qua rồi.
Nhưng bỗng dưng anh choáng váng vì MỘT CÚ ĐẤM RẤT MẠNH vào mắt trái,
anh chao đảo loạng choạng. Lại MỘT CÚ ĐẤM NỮA vào bắp tay trái anh.
Anh ngã xuống đất. Khoảng vài giây sau, anh lồm cồm đứng dậy và ra về.
Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc
địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người
nghe.” (Ep 4:29) Có phải là “có chức, có quyền” thì có thể và có quyền
hành xử tùy ý? Chúa đến thế gian để cứu người chứ không để hại người, thậm chí
Ngài còn bỏ 99 con chiên “tốt” để đi tìm MỘT con chiên “xấu.” Người khỏe không
cần bác sĩ, người yếu mới cần bác sĩ. (x. Lc 5:31) Có thể biện hộ gì cho các
động thái của LMLH kia?
Một linh mục khác thuộc GP Bà Rịa – Vũng Tàu
có “luật” này: Các bệnh nhân tập trung tại một nơi để cùng rước lễ, và mỗi bệnh
nhân phải có… “phong bì.” (sic!) Bệnh nhân đã yếu, không tới nhà thờ được mà
lại còn phải đến một nơi nào đó là sao? Và tại sao phải có phong bì? Chúa Giêsu
đã dạy: “Anh em đã được cho không
thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10:8) Đây là trách nhiệm và
bổn phận chứ không phải CHO mà còn “đòi hỏi” như vậy sao? Vậy có phải là “buôn
thần, bán thánh,” và làm sao truyền giáo?
Chắc hẳn ai cũng nhớ cuyện người Samari nhân
hậu, (Lc 10:27-37) thấy người bị thường gần chết mà không ai ghé vào giúp đỡ,
dù đó là thầy tư tế và thầy Lêvi. Vậy thầy tư tế và thầy Lêvi kia là ai? Chúng
ta sẽ né tránh hay dám hiểu hai vị này là ai trong Giáo hội?
Quyền lợi thì đòi hỏi, trách nhiệm không muốn
làm, dù Chúa Giêsu đã xác định chắc như đinh đóng cột: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm
người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9:35)
Trong 12 tông đồ vẫn có một Giuđa Iscariốt.
Đó không phải là Chúa “lầm” mà tại người ta “cố ý phạm sai lầm.” Chủ chiên và
thợ chiên giống nhau về “việc chăn chiên,” nhưng khác nhau về “cách chăn chiên.”
Lời Chúa nói rất khó nghe, nhưng rất thật: “Anh em hãy coi chừng các NGÔN SỨ GIẢ, họ đội lốt chiên mà đến với
anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. CỨ XEM HỌ SINH HOA QUẢ NÀO
THÌ BIẾT HỌ LÀ AI. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả
mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt
7:15-17; Lc 6:43-45)
Trang web của GP Long Xuyên có đăng bài viết
“Cầu Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay”của ĐGM G.B. Bùi
Tuần, ngài chia sẻ: “Kinh nghiệm cho
tôi thấy những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. CÓ MỘT SỐ ÍT
NGƯỜI ĐƯỢC LÃNH NHẬN CHỨC THÁNH, DO TRANH ĐẤU, DO VẬN ĐỘNG, DO MƯU LƯỢC. Có
nghĩa là đã CÓ SỰ LỪA DỐI TRONG VIỆC TRỞ THÀNH MỤC TỬ. Mục tử giả bị
Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng chiên một cách
đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi là KẺ LÀM
THUÊ. (x. Ga 10:12) Nghĩa là họ cũng CÓ SỰ LỪA DỐI TRONG TRÁCH NHIỆM,
một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà theo Chúa.” Thật
đáng “giật mình” lắm!
Bất công nào cũng đáng lên án, dù là điều nhỏ
hay lớn. Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) dành cả một chương II (số 60-98)
để nói đến sứ vụ loan báo Tin Mừng, bảo vệ công lý và kiến tạo hòa bình đích
thực. GHXHCG nhắm đến một xã hội được hoà giải trong công lý và tình yêu.
(chương II, số 81-82) GHXHCG có nhiệm vụ CÔNG BỐ nhưng cũng TỐ CÁO:
Tố cáo bất công và bạo lực, đặc biệt bênh vực những người nghèo, những người
nhỏ bé và những người yếu kém nhất. Tình trạng bất công và bạo lực làm nảy sinh
các vấn đề xã hội, câu trả lời thích đáng là CÔNG BẰNG XÃ HỘI. GHXHCG nói
đến lĩnh vực tôn giáo và luân lý của xã hội nhân danh một hình thức hoàn hảo
của chủ nghĩa nhân bản khi chuẩn bị “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.”
(x. 2 Pr 3:13)
Lạy
Thiên Chúa, chúng con không biết nói gì hơn nữa. Xin thương xót chúng con!
TRẦM THIÊN THU
(bài
này đã đăng trên ThanhLinh.net)
✽ Chuyện Linh Tinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/chuyen-linh-tinh.html
✽ Chuyện Mắc Dịch – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/chuyen-mac-dich.html
✽ Chuyện Đầu Năm – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/chuyen-au-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment