Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

CHUYỆN MỤC TỬ

Trong ca khúc “Em Bé Quê,” cố NS Phạm Duy đặt vấn đề: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!” Tác giả giải thích khá thú vị: “Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao. Vui thú không quên học đâu, Nằm đồi non gió mát, Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo, Em đánh vần thật mau.” Tuổi thơ ở miền quê hồn nhiên và thú vị biết bao!

Trong thi phẩm “Chiều Hôm Nhớ Nhà,” Bà Huyện Thanh Quan cũng nhắc tới mục tử: “Gõ sừng mục tử lại cô thôn.” (câu 4)

Mục tử là gì? Đó là người chăm sóc gia súc. Ở Do Thái là mục tử chăn chiên và cừu, ở Việt Nam là mục tử chăn trâu hoặc bò. Chúa Giêsu dùng hình ảnh thực tế cụ thể để đề cập mục tử tâm linh.

Về tâm linh, có thể danh từ mục tử được xuất xứ từ Thánh Vịnh: “Người DẪN dân Chúa đi như thể đàn cừu, ĐEM họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, ĐƯA họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ, nhưng quân thù họ bị biển khơi chôn vùi.” (Tv 78:51-52) Thánh Vịnh này cho biết thêm: “Chúa chọn Đavít, người tôi trung, cất nhắc ông, thuở còn là MỤC TỬ, cho vời đến, lúc đang giữ bầy chiên, để chăn dắt dân Người là Giacóp, và Israel sản nghiệp của Người. Ông chăn dắt họ với một lòng liêm chính, tay DẪN ĐƯA khéo léo tài tình.” (Tv 78:70-72)

Đó là nói về việc Môsê hướng dẫn dân Do Thái thoát khỏi Ai Cập và đi về hướng Đông, khởi đầu một cuộc hành trình dài tiến vào Miền Đất Hứa Canaan.

Chúa Giêsu xác định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:11-15) Không chỉ vậy, Ngài còn làm cho chiên “sống dồi dào.” (Ga 10:10)

Thánh ngôn của Chúa Giêsu vừa giải thích vai trò mục tử chân chính vừa cảnh báo mục tử giả hình – có thể gọi họ là “thợ chiên,” những kẻ làm hại chiên và khiến đàn chiên tan tác.

Chiên rất có giá trị về thịt, sữa, mỡ, lông, da, sừng, và còn là vật chính được dùng để làm của lễ hiến dâng – giá trị hơn nhiều so với trâu hoặc bò của Việt Nam. Chiên còn có đặc tính là chịu đựng, bị xén lông (để làm len), đau lắm, nhưng vẫn không kêu, không phản ứng. Còn trâu mà chạm vào nó thì… biết thế nào là “lễ độ” với nó ngay!

Ai đã từng có thời tuổi trẻ ở vùng quê thì mới biết thế nào là chăn trâu. Tôi cũng đã một thời đi chăn trâu. Đúng là “chăn trâu sướng lắm chứ.” Vui lắm. Nào là bẫy chim, bẫy thỏ, đào củ mài, hái sim, hái táo rừng, ăn trái và lá giang, bắt cá nướng đất sét,... Rừng có nhiều thứ ăn được, thú vị lắm. Ôi chao, thứ nào cũng đậm đà hương vị quê hương. Ngon tuyệt! Lùa trâu đi rồi lùa trâu về, tính hai lượt cũng tới vài cây số. Chăn trâu tuy cực mà vui lắm!

Vui thì vui lắm đấy. Nhưng lỡ lạc mất trâu thì lo sốt vó, hốt hoảng đi tìm khắp nơi. Thấy trâu rồi thì thở phào nhẹ nhõm. Niềm hạnh phúc giản dị thế thôi, nhưng phải nói là kỳ diệu vô cùng. Bây giờ chỉ còn trong ký ức, thật tiếc cho tuổi trẻ ngày nay, vì họ không được tận hưởng niềm vui tuổi thơ như vậy.

Chúa Giêsu xác nhận hệ lụy giữa một mục tử chính hiệu và chiên ngoan: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:27-30)

Nếu Chúa Giêsu sinh sống ở Việt Nam, có thể Ngài đã dùng kiểu nói này: “Tôi là Mục Tử chăn trâu nhân lành. Trâu của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết trâu của tôi và trâu của tôi biết tôi.” Có thể bạn “khó chịu” khi được ví là trâu. Nhưng đó là thực tế, nếu Chúa Giêsu là người Việt Nam.

Chúa Giêsu luôn thực tế, khôi hài và dễ tính, chứ không như chúng ta tưởng tượng. Đừng suy bụng ta ra bụng người mà “đúc khuôn” Đấng-Mục-Tử-Nhân-Lành của chúng ta!

Một lần nọ, Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Ngài nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:37-38)

TRẦM THIÊN THU

Chúa Nhật IV PS, 17-04-2016

 Mục Tử Hèn Nhát – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/muc-tu-hen-nhat.html
 Nghề Tu – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/04/nghe-tu.html
 Mẹ Chúa Chiên Lành – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/04/me-chua-chien-lanh.html

 Chỉ Số Tử Tế – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/04/chi-so-tu-te.html
 Cư Xử – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/cu-xu-ung-an.html
 Đời Lặng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/06/oi-lang.html
 Không Cần Nữa – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/khong-can-nua.html
 Chất Liệu Con Người – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/chat-lieu-con-nguoi.html
 Một Miếng & Một Gói – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/07/mot-mieng-va-mot-goi.html
 Bằng Chứng Về Hỏa Ngục
     https://tramthienthu.blogspot.com/2019/10/bang-chung-ve-hoa-nguc.html

EM BÉ QUÊ – Phạm Duy

KÝ ỨC MIỀN TÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment