Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

CHUYỆN HANG ĐÁ

Trong bản “Đệ Nhất Tuyên Ngôn” nổi tiếng của Chúa Giêsu, gọi là Bát Phúc hoặc Bài Giảng Trên Núi, Ngài công bố: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)

Rồi một lần nọ, Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.” (Mc 10:21) Chúa Giêsu sống giản dị, không thích bề ngoài: sinh nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Ngài rất chú trọng công lý, thương xót người nghèo và đề cao nhân đức nghèo khó. Chính Ngài đã khen bà góa nghèo mà có tấm lòng nhân hậu. (x. Lc 21:1-4) Còn chúng ta thì sao?

Có rất nhiều hang đá, đủ loại, đủ cỡ, và cũng chẳng có gì lạ. Nhưng có một hang đá đặc biệt là Hang Đá Belem, nơi Con Thiên Chúa giáng sinh từ hơn hai ngàn năm trước. Đó là câu-chuyện-cổ-tích-có-thật, không chỉ mang tính lịch sử mà còn được chứng minh bằng khoa học.

Và khi nói tới hang đá, nhất là vào dịp Lễ Giáng Sinh, người ta nghĩ ngay tới Hang Đá Belem. Người Công giáo có thói quen làm hang đá để mừng Chúa Giáng Sinh.

Là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Vương Nhi, là Vua Lòng Thương Xót, là Hoàng Tử Bình An, là Cố Vấn Kỳ Diệu, nhưng Ngài lại chào đời trong một đêm tối mịt mù, tiết trời giá lạnh, hoang vắng, khi mọi người đã an giấc, chỉ có đám mục đồng canh thức giữ đàn súc vật. Con Thiên Chúa chấp nhận mang thân phận con người yếu đuối, chiếc giường Ngài sinh ra là cái máng gỗ chứa cỏ cho súc vật ăn. Người thường cũng có chiếc giường và mảnh chăn, dù là chăn rách, nhưng Bé Giêsu hoàn toàn tay trắng, vì Cha Mẹ Ngài cũng nghèo hơn những người nghèo, đến nỗi chẳng ai thèm cho trọ đêm. Chắc hẳn không còn ai nghèo hơn Ngài, nghèo te tua, nghèo tơi tả, nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo hết chỗ nói. Ngài đúng là Đệ Nhất Hàn Vương.

Ngài cất tiếng khóc chào đời để nhân loại được tươi cười, Ngài sinh ra trong đêm tối để nhân loại được sống trong Ánh Sáng Đức Tin, Ngài sinh ra trong vắng lặng để nhân loại được tưng bừng hân hoan, Ngài sinh ra giữa chốn hôi tanh để nhân loại được sống đúng với nhân vị của mình, Ngài sinh ra trong hèn hạ để chúng ta được sống đúng với nhân phẩm của mình, Ngài bị xua đuổi trong đêm tối để nhân loại được phục hồi nhân quyền, Ngài sinh ra trong giá lạnh để nhân loại được sống trong hơi ấm yêu thương, Ngài bị khinh miệt để người nghèo có chỗ đứng trong xã hội, Ngài sinh ra trong nghèo khổ để chúng ta được sung túc,… Ngài chấp nhận mất tất cả để chúng ta có tất cả.

Hang Belem xưa là hang đá xấu xí, tăm tối, hôi tanh, bẩn thỉu,… Nói theo kiểu khôi hài ngày nay thì Hang Belem xưa là “khách sạn ngàn sao.” Nhưng Hang Belem ngày nay quá cao sang, có thể ví như khách sạn nhiều sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Càng ngày người ta càng làm những hang đá “đồ sộ” và tốn kém chi phí nhiều hơn. Nhà này đua với nhà kia, giáo xứ này đua với giáo xứ nọ, hang đá càng to càng hãnh diện. Điện sáng lấp lánh, trang trí rườm rà, kiểu cách thái quá, khi nhìn vào hang đá chỉ thấy vẻ hào nhoáng cho vui mắt, cái chính bị che khuất, còn những cái phụ lại quá nổi bật, thậm chí có nhiều hang đá nhìn mãi mới thấy Bé Giêsu, Cô Maria và Chú Giuse. Hang Belem ngày nay sang quá, trái ngược với Hang belem xưa. Nhìn những hang đá ngày nay, chúng ta có cảm giác Chúa giàu quá! Thực ra Chúa không giàu, Chúa cũng không thích giàu, mà chúng ta bắt Chúa giàu. Kể ra làm Chúa cũng khổ thật, chẳng vui sướng gì!

Những hang đá “đồ sộ” chỉ làm vui mắt người xem, vì hang đá quá “đồ sộ” và sang trọng nên không chuyển tải được sứ điệp của Thiên Chúa, vì Ngài muốn dạy chúng ta về nhân đức Khó Nghèo, nhưng chúng ta lại “Khó (mà) Nghèo.” Con cháu Lạc Hồng chúng ta muốn Việt hóa nên có nơi làm một mái tranh, nhưng cái lều hoặc cái chòi đó lại lấp lánh ánh điện lung linh và nhiều màu sắc. Thực tế có nhà nghèo nào “sang” như vậy không?

Có những hang đá chi phí bạc triệu, cả chục triệu cũng có. Giáng sinh năm 2012, Gx Thanh Đa (Hạt Gia Định, TGP Saigon) làm hang đá tốn 60 triệu đồng, Gx An Nhơn (Giáo hạt Xóm Mới, TGP Saigon) dựng cây thông tốn 100 triệu đồng. Chúa có thích cách “chơi nổi” lãng phí như vậy? Chắc chắn là KHÔNG. Vinh danh con chứ chẳng vinh danh Chúa. Dĩ nhiên Chúa rất buồn!

Thế giới còn biết bao người nghèo, xung quanh chúng ta cũng không thiếu những người nghèo, vậy sao chúng ta không làm hang đá giản dị mà gợi được ý nghĩa của việc Con Chúa giáng sinh? Bớt chi phí cho việc làm hang đá để chia sẻ với người nghèo bằng hiện vật, vậy mới là sống đúng tinh thần giáng sinh một cách thực tế, chắc chắn Bé Giêsu thích như vậy, và Ngài cũng sẽ mỉm cười với chúng ta như đã mỉm cười với Chú Bé Đánh Trống sau khi chú bé này khua một bài trống làm quà dâng Vương Nhi.

Ngày 24-12-2012, Gx Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, P. 2, Q. Tân Bình, Saigon) đã làm Tiệc Giáng Sinh cho hàng trăm người cơ nhỡ, người già, người khuyết tật, người bại liệt, người bán vé số,… Mỗi người được một tô cà-ri, khoai tây, cà-rốt, một ổ bánh mì và một đùi gà. Chắc chắn những người này hưởng một lễ Giáng Sinh hạnh phúc thực sự. Thiết nghĩ, cách chia sẻ tinh thần Giáng Sinh đầy ý nghĩa như vậy sẽ làm Chúa Hài Đồng ấm lòng hơn những hang đá “đồ sộ” và những cây thông lộng lẫy ngút trời tốn cả trăm triệu kia. Gương của Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết đáng để người khác học tập, nhất là các linh mục đang chăm sóc các giáo xứ.

Hoặc như nhóm “Người Việt Trẻ,” gồm các bạn trẻ ở Hà Nội, họ tình nguyện làm những “Ông Già Noël” đi tặng quà những người già neo đơn và cơ nhỡ, không biết trong số đó có nhiều bạn trẻ Công giáo hay không, nhưng hành động của họ đã thể hiện tinh thần bác ái Giáng Sinh. Chắc chắn Chúa Hài Đồng mỉm cười với họ, chúc lành cho họ và những người được họ đến chia sẻ. Gương sáng đáng noi lắm!

Chúa Hài Đồng không trách chúng ta vui mừng trong đêm Ngài giáng sinh, nhưng Ngài muốn rằng khi chúng ta tiệc tùng và vui chơi, chúng ta đừng quên những con người hèn mọn và đau khổ, có lẽ họ chưa bao giờ được biết thế nào là bữa réveillons (rề-vây-dông). Ngài rất muốn chúng ta chia sẻ với họ để họ bớt lo, đỡ khổ, và được hưởng sự bình an đích thực, như ca đoàn thiên thần ca vang trong đêm Chúa giáng sinh:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương
(Lc 2:14)

Lạy Chúa Hài Đồng, xin giúp chúng con biết sống nghèo, xin bật Ánh Sáng Đức Tin và xin trải Thảm Cỏ Yêu Thương trong Hang Đá Tâm Hồn của mỗi chúng con để trở thành nơi Ngài yêu thích cư ngụ. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Nửa đêm Giáng Sinh 2012

 Câu Chuyện Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/cau-chuyen-giang-sinh.html
 Chuyện Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/chuyen-giang-sinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment