Cuộc sống có nhiều loại khoảng cách và nhiều mức độ. Có thể là thời gian, không gian, giai cấp, địa vị, trình độ, quan niệm, nhận thức,… Có những khoảng cách hữu hình và có những khoảng cách vô hình. Đáng sợ là động thái vô tình, vì vô tâm mà hóa vô cảm – loại tội thường bị... quên.
Mùa Vọng là mùa mong chờ Đấng Cứu Thế,
và cũng mang tâm tình tương tự Mùa Chay. Chúng ta được kêu gọi san bằng núi
đồi, lấp đầy thung lũng, uốn thẳng đường cong để rút ngắn khoảng cách. Giáng
sinh là lúc thực sự phải rút ngắn các khoảng cách vì chính Con Thiên Chúa đã
thực hiện điều đó.
Trời và đất cách nhau vòi vọi, thăm
thẳm. Tư tưởng của Chúa và tư tưởng của loài người còn cách nhau xa hơn, thậm
chí tư tưởng của Chúa còn hoàn toàn trái ngược với tư tưởng của loài người.
Ngài là Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ là bụi cát, là tội đồ khốn nạn và đáng án
tử, đáng lẽ chúng ta phải nài xin Ngài trước, thế nhưng Ngài đã tự hạ mình
trước, Ngài mặc lấy xác phàm nên giống chúng ta hoàn toàn (trừ tội lỗi), bị hất
hủi, bị xua đuổi. Một Thiên Vương mà phải sinh ra trong một đêm tối tăm ở nơi
hôi tanh như vậy, chắc hẳn không còn nơi nào tồi tệ hơn hang chiên lừa nơi cánh
đồng vắng.
Mọi thời, mọi nơi và mọi lúc, khoảng
cách giàu – nghèo là khoảng cách vừa vô hình vừa hữu hình, rất rõ nét. Ngôi Hai
Thiên Chúa đã chấp nhận sự nghèo khó và hèn hạ như vậy hoàn toàn chỉ vì chúng
ta, để cứu độ chúng ta. Chúng ta đang là những tử tội mà được trắng án, hóa
thành con cái của Ngài. Mọi khoảng cách giữa Ngài và chúng ta không chỉ được
rút ngắn tối đa mà còn được xóa bỏ. Chúng ta biết rõ mười mươi như vậy nhưng có
thể chúng ta “biết để mà biết, nghe để mà nghe, đọc để mà đọc,” vì chuyện áp
dụng và thực hành thì có lẽ còn xa vời lắm!
Ngày nay, thời đại bùng nổ thông tin,
người ta biết được nhiều chuyện khắp nơi, cả quốc nội và quốc ngoại, rất nhiều
tin “nóng bỏng” liên quan khoảng cách giàu – nghèo.
Khi nhà lãnh đạo “thân yêu” Kim
Jong-il của Triều Tiên qua đời, người ta muốn ướp xác ông bằng loại thuốc đặc
biệt nhất để hậu thế còn được chiêm ngưỡng dung nhan ông. Cha ông là chủ tịch
Kim Nhật Thành cũng đã được ướp xác. Thế nhưng, dù khoa học tiến bộ, người ta
vẫn chưa có loại thuốc ướp xác “độc đáo” như người Hy Lạp cổ đại. Xác ướp của
các Pharaon trong kim tự tháp đã 4.000 năm qua mà vẫn còn nguyên, không cần ai
“chăm sóc.” Ở nước này hay nước nọ, ngay cả Việt Nam, chúng ta cũng đã biết có
những xác ướp cả ngàn năm mà vẫn nguyên vẹn hình hài.
Tần Thủy Hoàng của Trung quốc đã tuyển
mỗi ngày 70 ngàn công nhân để xây dựng lăng tẩm cho riêng mình trong suốt 30
năm. Không biết ông ra lệnh hay trả công, nếu tính công thì số ngân khoản quá
lớn, và dù không trả công thì chi phí xây dựng lăng tẩm cũng rất lớn. Đó là cái
ngông của những con người ác tâm. Ngày nay cũng vẫn có, nhưng thời @ nên người
ta tinh vi hơn với kiểu ác tâm tân kỳ hơn!
Ngày nay, người ta muốn ướp xác thì
hàng năm phải có người “chăm sóc,” chi phí mỗi năm lên tới cả triệu USD. Mà chỉ
có các “ông kia, bà nọ” mới muốn làm và có thể có “quyền” làm điều đó. Người nghèo
có mơ cũng không thấy. Một chi phí không nhỏ so với ngân sách quốc gia. Nhưng
xét cho cùng, ướp xác để làm gì? Càng giàu hoặc có địa vị thì người ta càng sợ
chết, vì sợ nên người ta muốn trấn át nỗi sợ bằng cách “tưởng tượng” ra cảnh
hậu thế “tôn sùng” mình khi mình đã xuôi tay nhắm mắt – gọi là “an nghỉ ngàn
thu.” Xác an nghỉ mà tâm hồn có an nghỉ hay không?
Còn EVN (Điện lực Việt Nam), lương
tháng của một nhân viên văn phòng là 30 triệu ĐỒNG VN. Các ngành nghề khác chỉ
vài triệu, khổ nhất vẫn là giới lao động nghèo và các công nhân, họ phải đầu
tắt mặt tối, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ,” thế mà
cuộc sống của họ vẫn chật vật, thiếu trước hụt sau. Mỗi dịp lễ, tết, họ càng
“đau đầu” khi phải làm bài toán chia mãi mà không có dư số.
Có lần dạo qua mấy nhà sách Công giáo
và “tò mò” ngó thử một số hàng, tôi ngạc nhiên khi thấy giá tiền quá cao. Một
chiếc Chén Lễ giá 10 triệu đồng VN, còn một chiếc Mặt Nhật giá tới 44 triệu đồng
VN. Những câu hỏi cứ “ám ảnh” đầu óc tôi. Anh bạn cùng đi với tôi có vẻ trầm
ngâm và hỏi vu vơ: “Có cần phải mắc tiền
vậy không? Chúa có cần như vậy không?” Tôi chỉ biết “cười trừ” mà thôi. Thực
sự tôi chỉ biết làm toán trừ chứ không biết làm các phép tính khác!
Các nhà thờ, các tu viện, và nhiều gia
đình, đâu đâu cũng thấy làm hang đá. Nhiều nơi làm hang đá “sang trọng” quá,
mang tính trang trí và nặng hình thức, mất ý nghĩa đích thực. Nếu cứ theo “tinh
thần thời đại,” chúng ta có thể cho Chúa sinh ra ở khách sạn 5 sao mới phù hợp,
bên cạnh không là chiếc đèn dầu tù mù mà là những bóng cao áp sáng chói, không
còn chiên lừa mà là lò sưởi hoặc máy điều hòa không khí, không có các mục đồng
vây quanh mà là các đại gia sang trọng,…
Thật vậy, nhiều nơi làm hang đá không
làm nổi bật Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, mà chỉ thấy nổi bật
những cái phụ. Tôi chợt tự vấn: “Còn
hang-đá-tâm-hồn của tôi thì sao? Có làm nổi bật Chúa Hài Đồng hay làm nổi bật
chính mình và những phụ kiện khác? Tôi đã lấp đầy thung lũng hoặc khoảng cách
vô hình nào chưa?” Vô hình và vô
tình cùng vần mà không bao giờ nên thơ. Các loại “khoảng” như vậy thật đáng
quan ngại!
Lạy
Chúa Hài Nhi, Ngài là Ngôi Lời, Ngài đến và Ngài không chỉ nói mà còn làm hơn
những điều Ngài nói. Ngài chịu nghèo để chúng con giàu sang, Ngài đau khổ để
chúng con hạnh phúc, Ngài chịu hèn hạ để nhân vị chúng con được tôn trọng, Ngài
đến để phục hồi nhân phẩm cho chúng con,… Ngài đã làm những gì khiêm nhường
nhất để nêu gương cho chúng con.
Lạy
Đấng Emmanuel, xin giúp chúng con biết dám “ngược đời” như Ngài, biết chia sẻ
yêu thương để tỏa ánh sáng đức tin, ánh sáng hy vọng, ánh sáng cứu độ đến mọi
người, nhất là những người nhỏ bé nhất trong xã hội. Xin Hài Nhi Giêsu đến ngự
trong hang-đá-tâm-hồn-nghèo của mỗi chúng con, bây giờ và mãi mãi, và xin giúp
chúng con rút ngắn mọi khoảng cách. Chúng con cầu xin nhân danh Đệ Nhất Hàn Vương
Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM số 540, tháng 12-2022,
Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Tình Mẫu Tử – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/12/tinh-mau-tu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment