Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

CHỨNG CỚ LỊCH SỬ VỀ CHÚA GIÁNG SINH

Đây là các chứng cớ lịch sử về Đức Mẹ đồng trinh sinh Đức Giêsu Kitô.
1. TÀI LIỆU CỦA THẦY THUỐC VÀ SỬ GIA
Đức Mẹ đồng trinh sinh Đức Giêsu Kitô đã được ghi chép bởi một thầy thuốc và một sử gia danh tiếng đã tận mắt chứng kiến về sự kiện quan trọng làm thay đổi cả thế giới. Thánh Luca cho biết chi tiết về Chúa giáng sinh và đề cập Đức Mẹ 12 lần, nhiều hơn các tác giả Phúc Âm khác. Ngoài việc Đức Kitô giáng sinh, Thánh Luca còn chú ý đặc biệt tới sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả và nhiều người thấy mối quan tâm về gia phả này là kết quả của việc học làm thầy thuốc.
Ngay đầu sách Tin Mừng, Thánh Luca cho biết rằng ngài đã điều tra đầy đủ những điều mà ngài viết ra, kể cả việc sử dụng chứng cớ. Ngài có thời gian dài ở với Thánh Phaolô tại Giêrusalem và Giuđê, đồng thời cũng có cơ hội phỏng vấn những người “gần gũi” nhất đối với sự kiện Chúa giáng sinh, bao gồm cả Đức Maria.
Không có thông tin đáng tin nào về Đức Maria sống bao lâu, nhưng một số trình thuật nói rằng Đức Mẹ sống khoảng 24 năm hoặc hơn, sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Chi tiết mà Thánh Luca đưa ra cho thấy rằng ngài đã lấy thông tin từ nguồn nguyên thủy, có thể chính Đức Mẹ hoặc một người nào đó đã cho biết chi tiết.
Học giả danh tiếng Kenneth S. Wuest, người Hy Lạp, đề cập sự chú ý chi tiết của Thánh sử Luca. Trong tài liệu “Word Studies in the Greek New Testament,” ông cho biết: “Nếu Đức Mẹ còn sống thì thầy thuốc Luca đã tìm hiểu câu chuyện về việc sinh con mà vẫn đồng trinh do chính Đức Mẹ cho biết.”
Mức độ chính xác của Thánh sử Luca đã được xác định bởi một sử gia danh tiếng là A.N. Sherwin-White, người cẩn thận nghiên cứu các mối liên quan trong Tin Mừng theo Thánh Luca và sách Công Vụ về 32 quốc gia, 54 thành phố, và 9 hòn đảo, không hề thấy sai sót nào. Ông William Ramsay là người đã từng sống nhiều năm ở Tiểu Á và nghiên cứu tài liệu Thánh Luca nói về các chuyến đi của Thánh Phaolô. Trong tài liệu “The Bearing of Recent Discovery on the Trustworthiness of the New Testament,” ông cho biết: “Người ta có thể ép các từ ngữ của Thánh Luca vào một mức độ nào đó ngoài mức độ của bất cứ sử gia nào khác thì chúng vẫn có sự tinh xảo và chắc chắn nhất.”
Thách đố các đòi hỏi của các nhà phê bình về việc Đức Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh dựa trên một trò chơi khăm, học giả John A. Scott nhắc nhở những người không công nhận danh tiếng của Thánh Luca là một sử gia và dựa vào các nguồn nguyên thủy.
2. KHẢO CỔ HIỆN ĐẠI XÁC ĐỊNH
Thánh Luca là một sử gia tầm cỡ quốc tế, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất, đã khai sáng bằng khoa khảo cổ hiện đại. Chẳng hạn, ông William Ramsay được coi là một trong các nhà khảo cổ giỏi nhất, đã nghĩ rằng ông không tin tài liệu của Thánh Luca bằng cách tham quan và xem xét các nơi chốn được đề cập trong Phúc Âm và sách Công Vụ.
Thế kỷ XIX có phong trào phê bình dữ dội, Ramsay đã từng là một sinh viên đa nghi và được học rằng Tân Ước là một luận thuyết tôn giáo không đáng tin, được viết vào giữa thế kỷ II, tác giả là những người xa vời đối với các sự kiện được mô tả. Nhưng sau nhiều năm tìm hiểu về Thánh Luca và Thánh Phaolô, đồng thời nhiều lần khảo cổ, Ramsay hoàn toàn thay đổi cách nhìn về Kinh Thánh và lịch sử thế kỷ I.
Ramsay đã tin rằng sách Công Vụ được viết vào thế kỷ I, tác giả truyền thống, và ông rất khâm phục Thánh Luca là một sử gia. Ông viết: “Thánh Luca là một sử gia hàng đầu, không chỉ là những câu chữ của ngài thực sự đáng tin, mà còn có ý nghĩa lịch sử; tóm lại, tác giả này sẽ được đặt ngang hàng với các sử gia danh tiếng nhất.”
Năm 1896, Ramsay xuất bản các phát hiện của ông trong cuốn “St. Paul the Traveler and the Roman Citizen”. Cuốn sách này làm mất tinh thần của những người đa nghi trên khắp thế giới, vì họ hoàn toàn bất ngờ về tính xác thực của Kinh Thánh. Hơn 20 năm sau, ông xuất bản những cuốn khác cho biết ông đã phát hiện Thánh Luca chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất như thế nào. Chứng cớ quá thuyết phục đến nỗi nhiều người vô thần đã gia nhập Kitô giáo.
William F. Albright, nhà khảo cổ và giáo sư khoa ngôn ngữ Sê-mít (Semitic languages) tại ĐH John Hopkins, được nhiều người coi là nhà khảo cổ giỏi nhất. Cũng như Ramsay, ông bắt đầu là một người theo thuyết bất khả tri, hoài nghi và cho rằng Kinh Thánh là sách sử không đáng tin. Nhưng, cũng như Ramsay, quan điểm của ông cũng hoàn toàn thay đổi sau khi đích thân làm công việc khảo cổ.
Albright thấy rằng không chỉ Thánh Luca đáng tin, mà toàn bộ Kinh Thánh cũng là nguồn đáng tin về lịch sử. Trong tài liệu “The New Evidence That Demands a Verdict”, Albright viết: “Nhiều đợt phát hiện đã tạo nên độ chính xác về vô số các chi tiết, và làm tăng nhận thức rằng Kinh Thánh có nguồn gốc lịch sử.”
Có một thời gian người ta cho rằng Thánh Luca hoàn toàn lỡ chuyến tàu liên quan các sự kiện mà ngài phác họa xung quanh sự kiện Đức Kitô giáng sinh. (Lc 2:1-5) Các nhà phê bình tranh luận rằng không có cuộc điều tra dân số và mọi người không phải trở về nguyên quán. Họ cũng chỉ ra rằng Josephus làm tổng trấn Quirinius ở Syria, người mà Thánh Luca đề cập, từ năm 6 sau công nguyên, vậy là quá xa đối với sự kiện Đức Kitô giáng sinh.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các phát hiện của ngành khảo cổ cho thấy rằng các nhà phê bình hoàn toàn sai lầm. Trường hợp Quirinius, người ta thấy rằng ông thực sự phục vụ hai nhiệm kỳ làm tổng trấn, nhiệm kỳ thứ nhất vào khoảng năm 7 trước công nguyên, điều này hoàn toàn phù hợp với thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh. Ông F. F. Bruce, một trong các học giả danh tiếng về Tân Ước, cho biết nơi Thánh Luca đã bị các nhà phê bình nghi ngờ về tính không chính xác, khoa khảo cổ tái xác định nhiều lần rằng THÁNH LUCA ĐÚNG và CÁC NHÀ PHÊ BÌNH SAI.
Chứng cớ gợi lên vấn đề rằng nếu Thánh Luca cẩn thận để có các dữ liệu đúng liên quan tên tuổi, nơi chốn, sự kiện và niên đại, chúng ta có thể tin rằng ngài chỉ cẩn thận để có các dữ liệu liên quan những thứ quan trọng hơn mà ngài tường trình, như việc sinh Chúa Giêsu mà Đức Mẹ vẫn còn đồng trinh?
3. GIÁO SƯ XÁC TÍN
C. S. Lewis là giáo sư theo thuyết bất khả tri về văn chương thời Phục Hưng thuộc ĐH Oxford, một tác giả phong phú và là chuyên gia về bản văn của các truyện thần thoại. Chính ông cũng có cho rằng Kinh Thánh không là cuốn sách sử đáng tin và Tân Ước đầy những câu chuyện huyền thoại, tạo ra bởi những người xa vời với các sự kiện đó.
Qua sự ảnh hưởng của thời thơ ấu và bạn bè thách thức chủ nghĩa vô thần, Lewis bắt đầu đọc Kinh Thánh. Ông ngạc nhiên về những gì gặp thấy trong các Phúc Âm, vì rõ ràng có điều khác biệt đối với khoa thần thoại cổ mà ông rất quen thuộc. Thật ngạc nhiên với câu trả lời của ông: “Kinh Thánh không là huyền thoại!” Lewis tiếp tục trở thành người theo Đức Kitô và có thể ông là người biện giải mạnh mẽ nhất cho Kitô giáo trong thế kỷ XX.
Vào thời gian đó, sự phê bình cao độ phổ biến ở các chủng viện tại Đức quốc. Các thần học gia, như Rudolph Bultman, nói rằng Tân Ước đề cập việc Đức Maria sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh, các phép lạ và sự phục sinh của Ngài là huyền thoại do những người theo Ngài tạo ra.
Lewis đã thách thức các thần học gia khi nói rằng: “Tôi muốn biết có bao nhiêu huyền thoại mà họ đọc được!” Ông tiếp tục giải thích rằng từ lâu ông là giáo sư và là nhà phê bình về văn chương thần thoại, đồng thời cũng biết thần thoại như thế nào. Và ông xác định: “Các câu chuyện trong Phúc Âm KHÔNG là huyền thoại.”
4. CÁC LỜI TIÊN BÁO
Thiên Chúa xác định với ma quỷ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3:15)
Đó là lời Thiên Chúa xác định với con rắn (ma quỷ) sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã. “Con của người nữ” trong câu này là cách ám chỉ hậu duệ của bà Eva, người sẽ đánh bại con rắn và hóa giải lời nguyền rủa.
Kinh Thánh thường nói về con cái của người nam, nhưng trong trường hợp này lại là “con cái của người nữ”. Đây là lời tiên tri về việc Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh – không liên quan gì tới tác động của người nam. Thần học gia Adam Clarke, giáo phái Methodist, viết trong cuốn “The Holy Bible Containing the Old and New Testament” với lời phê bình: “Con của người nữ sẽ sinh ra bởi người nữ, và chỉ một mình nàng chứ không có sự hợp tác của người nam.”
Theo lời tiên tri này, “con của phụ nữ” sẽ nhận vết thương tạm thời từ Satan – “ngươi cắn gót chân nó,” nhưng “con của phụ nữ” sẽ giáng đòn chí tử vào Satan – “nó cắn vào đầu ngươi.” Lời tiên tri này được nên trọn qua việc Trinh Nữ Maria sinh Chúa Giêsu, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Is 7:14 cho biết: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” Tiếng Do Thái dịch từ ngữ “trinh nữ” (virgin) trong câu này là “almah” và nói đến một phụ nữ trẻ đang độ tuổi kết hôn (bản dịch Việt ngữ không thấy dùng chữ “trinh nữ” – lời người dịch), nhưng thường bao gồm ý tưởng đồng trinh, vì điều đó được mong đợi ở một phụ nữ trẻ người Do Thái kết hôn lần đầu tiên.
Chữ “trinh nữ” được Bản Bảy Mươi dùng chữ Hy Lạp là “parthinos” để dịch chữ “almah”. Chữ “parthinos” có nghĩa là một phụ nữ trẻ chưa bao giờ ăn nằm với một đàn ông nào. Parthinos là chữ được Thánh Mátthêu và Thánh Luca sử dụng khi nói về Đức Maria, xác định rằng Đức Mẹ là một phụ nữ trẻ chưa biết đến một đàn ông nào khi sinh Chúa Giêsu.
Chứng cớ khác cho biết rằng Người Con do một Trinh Nữ sinh ra là lời tiên tri về Đấng Thiên Sai liên quan Chúa Giêsu mà ngôn sứ Isaia đã nói rằng sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đây là lời rõ ràng liên quan sự nhập thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, và nhắc nhở chúng ta về lời của sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria rằng Người Con mà Đức Maria thụ thai “sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1:32)
5. CÁC KITÔ HỮU ĐÃ TIN
Việc các Kitô hữu thời sơ khai đã tin Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh đã được xác định trong Kinh Tin Kính của các tông đồ, từ thế kỷ II, và được sử dụng trong toàn Giáo Hội. Bằng cách bao gồm việc Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh, các tín hữu đã xác tín rằng họ coi đó là giáo lý chủ yếu về đức tin. Giáo Hội tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh...”
Việc tin nhận Đức Mẹ sinh Con vẫn còn đồng trinh đã được Công Đồng Ni-xê xác nhận năm 325, và được tiếp tục là niềm tin của cả Công giáo, Chính Thống giáo Đông phương và Tin Lành.
Thế kỷ XVIII, Charles Wesley (mục sư Anh giáo) cùng người anh em tên John (người lãnh đạo phục hưng Methodist) đã viết bài thánh ca “Hark the Herald Angels Sing” (Hãy Lắng Nghe Sứ Thần Ca Hát). Vì ca từ bài này đề cập Đức Mẹ sinh Con vẫn còn đồng trinh mà trở nên bài nổi tiếng được sử dụng vào dịp lể Giáng Sinh.
Bài “Hark the Herald Angels Sing” có ca từ thế này: “Christ by highest heav'n adored – Christ the everlasting Lord! – Late in time behold Him come – Offspring of a Virgin's womb! – Veiled in flesh the Godhead see – Hail the incarnate Deity! – Pleased as man with man to dwell – Jesus, our Emanuel – Hark the herald angels sing – Glory to the newborn king!”

KẾT LUẬN
Với các chứng cớ thuyết phục như vậy về việc Đức Mẹ sinh Đức Giêsu Kitô mà vẫn còn đồng trinh, có vấn đề là tại sao vẫn có nhiều nghi ngờ về sự kiện này và các phép lạ được ghi chép trong Tân Ước. Vấn đề này được giải đáp trong cuốn “The New Evidence That Demands a Verdict” với lời giải thích của GS Millard Burrows, nhà khảo cổ thuộc ĐH Yale. Ông nói: “Sự hoài nghi thái quá của nhiều thần học gia phóng khoáng không có nguồn gốc từ việc đánh giá cẩn trọng về các dữ liệu có sẵn, mà từ xu hướng chống lại những điều siêu nhiên.”
Nói cách khác, chướng ngại vật đối với đức tin không là người trí thức, mà là tâm hồn không chịu tin. Việc tin Đức Kitô không đòi hỏi cái gọi là “bước nhảy đức tin.” Bất kỳ ai chân thành tìm kiếm sẽ bỏ qua sự giả định lệch lạc và cân nhắc chứng cớ lịch sử cũng sẽ cảm nghiệm việc làm chứng xác thực của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn họ, rồi họ sẽ biết rằng Chúa Giêsu thực sự được một trinh nữ sinh ra. Nếu một phần câu chuyện này là thật, chúng ta có thể tin rằng phần còn lại của câu chuyện cũ là thật.
EDDIE L. HYATT (sử gia, học giả Kinh Thánh)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CharismaMag.com)
Khởi đầu Mùa Vọng – 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment