Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

NIỀM TIN

Niềm tin rất cần thiết cho cuộc sống, dù đời thường hoặc tâm linh. Niềm tin càng cần thiết hơn khi đó là niềm tin tôn giáo – gọi là đức tin. Và niềm tin cũng vẫn thực sự cần thiết, dù ở mức độ “nhỏ” là sự tự tin, đối với từng cá nhân – có hoặc không có niềm tin tôn giáo.

NS Anh Bằng đã sáng tác ca khúc “Niềm Tin” (phổ thơ Nhất Tuấn), được lồng trong nhịp 3/4, với âm thể thứ, có chỗ được chuyển sang âm thể trưởng. Chất Công giáo vẫn “đậm,” có lẽ vì ông đã học nội trú trường đạo nhiều năm.

Ông viết ca khúc này với tâm trạng của một quân nhân thời chiến, khi phải cầm súng bảo vệ quê hương trong đêm Chúa giáng sinh: “Lại một Noël nữa, mấy mùa giáng sinh rồi, anh ở đồn biên giới, thương về một khung trời. Chắc Đà Lạt vui lắm, Mimosa, Mimosa nở vàng, Anh Đào khoe sắc thắm, hương ngào ngạt không gian.” Niềm nhớ rất tự nhiên và đương nhiên. Con người là thế thôi!

Anh lính nhớ lại những hẹn hò khi còn được sống thanh thản ở nhà: “Mấy mùa giáng sinh trước, chỗ hẹn anh chờ hoài,” nhưng bây giờ hoàn toàn khác: “Lần này không về được, hồi hộp đợi tin anh. Em biết chăng đời lính, nắng sớm với sương chiều, gió rừng rồi mưa lũ, đã làm anh vui nhiều.” Nơi chiến trường khắc nghiệt, anh vẫn tha thiết mong muốn nhận được cách thư từ người yêu, chí ít thì cũng là một tin nhắn qua người nào đó (vì ngày xưa không có điện thoại di động như bây giờ), và hẳn là nàng cũng mong chờ như vậy. Anh biết đời lính chiến nhiều gian khổ lắm, nhưng anh chấp nhận và coi đó là niềm vui riêng – vui với cỏ cây, hoa lá, mây trời, mưa gió, sương mù,... Anh hy vọng người yêu cũng cảm thông.

Cuối cùng, sau khi trầm tư mặc tưởng, lật lại những trang ký ức và nhớ người yêu, anh lính gởi lời nhắn nhủ tới người yêu: “Cùng cầu cho thế giới, cho nhân loại hoà bình, cho đôi ta gặp lại trong một mùa Giáng Sinh.” Khi có hòa bình đích thực thì người ta sẽ vui sống, lại được ở bên người yêu, nhất là được cùng nhau đón mừng Chúa giáng sinh.

Ca khúc “Niềm Tin” ngắn gọn nhưng nghe có vẻ dài, vì nhịp điệu chậm rãi và tha thiết. Nghe ca khúc này thấy “chất” giáng sinh tăng lên, vì nhạc sĩ hòa âm phối khí đã khéo kết hợp bằng cách dùng một đoạn của một nhạc phẩm ngoại quốc để mở và kết: “Gloria in exelcis Deo.” Đặc biệt chúng ta thấy “chất” Công giáo tăng lên khi nghe những ca từ Latin ở cuối bài.

Niềm tin rất quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là đời sống tâm linh của các Kitô hữu. Có niềm tin mà chúng ta cùng các thiên thần xưng tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” (Lc 2:14)

TRẦM THIÊN THU

* NS Anh Bằng thuộc nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng). Ông tên thật là Giuse Trần An Bường, sinh năm 1925 tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1935, ông tu học tại Tiểu chủng viện Ba Làng (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), sau đó ông tiếp tục theo học trung học ở Hà Nội trước khi theo gia đình vào Nam năm 1954 và sinh sống tại Saigon, rồi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975.

Thời kỳ 1954 - 1975, NS Anh Bằng nổi tiếng với nhiều ca khúc sáng tác và phổ thơ. Các tác phẩm như “Nỗi Lòng Người Đi” (đanh dấu cuộc di cư vào Nam), “Nếu Vắng Anh” (phổ bài thơ “Cần Thiết” của thi sĩ Nguyên Sa), “Hoa Học Trò” (Bây giờ còn nhớ hay không…), “Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ,”... Thời gian trong quân đội, ông sáng tác vở kịch “Đứa Con Nuôi, và đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” thời Đệ nhất Cộng hòa. Những vở kịch khác do ông soạn là “Hoa Tàn Trên Đất Địch” và “Lẽ Sống và Nát Tan.” Sau khi giải ngũ, ông tiếp tục hoạt động trên đài truyền thanh VTVN.

Năm 1975, Anh Bằng cùng gia đình sang Hoa Kỳ ở độ tuổi 50, tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990). Ở hải ngoại, ông sáng tác nhiều ca khúc: Anh còn Nợ Em, Căn Gác Lưu Đày, Chuyện Giàn Thiên Lý, Khúc Thụy Du, Kỳ Diệu, Mai Tôi Đi,... Cuối năm 2010, có một số ca khúc của ông được chính thức phổ biến tại Việt Nam như: Người Tình Mùa Đông, Anh Còn Nợ Em, Tình Là Sợi Tơ,...

Ông sống tới tuổi “xưa nay hiếm,” và theo luật “sinh ký, tử quy,” ông đã qua đời ngày 12-11-2015 tại Hoa Kỳ. Requiescat in pace. Xin Chúa thương xót linh hồn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment