Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Chữ LỄ

Quê Mẹ Trải Dài Như Phượng Múa
Việt Nam Vươn Dáng Tựa Rồng Bay

Đó là ước mơ dân Việt xưa nay. Con Rồng Việt Nam thời xưa đã từng được thế giới ca ngợi, nhưng ngày nay, Con Rồng Việt Nam không thể bay lên. Vì sao thì chắc ai cũng biết.

Đối với Việt Nam, Tết Nguyên Đán thường rơi vào Tháng Hai Dương Lịch, do đó nhắc tới chữ Lễ là điều phù hợp, vì ngày Tết là dịp cần thể hiện sự Lễ Phép và các nghi lễ khác.

Lễ là một trong năm đức tính cột trụ của đời người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Năm đức tính như ngôi sao năm cánh tỏa sáng suốt kiếp người. Tục ngữ Việt Nam xác định: “Tiên học LỄ, hậu học VĂN.” Rõ ràng là “tiên học lễ” chứ không là “tiên học võ” hay “tiên học thuật,” hoặc bất kỳ thứ gì khác. Thời xưa, câu tục ngữ này có ở các lớp học vì nền giáo dục xưa chú trọng nhân bản, nhưng về sau người ta coi thường chữ Lễ mà bỏ “nền tảng giáo dục” quan trọng này, và chú ý những thứ vớ vẩn khác. Nhưng rồi lại phải chú ý câu tục ngữ đó, vì “đường nào cũng về La Mã” mà thôi!

Câu tục ngữ “Tiên học LỄ, hậu học VĂN” không có nghĩa là Lễ đi trước, Văn đi sau, hoặc Lễ quan trọng hơn Văn, mà muốn nói lên tầm quan trọng của nền tảng trong Đạo Làm Người. Ðiều chúng ta hãnh diện gọi là văn hóa Việt, thật ra là cách sống, cách đối nhân xử thế, nhân bản và nhân đạo: hồn nước, lễ gia tiên, lễ giỗ tổ.

Hằng ngày chúng ta thường đề cập lễ phép, phép tắc, lễ nghi, nghi thức, lễ giáo, giáo dục,... Đó là nói tới phép lịch sự, cách tôn trọng lẫn nhau như người có văn hóa, có giáo dục, có đạo đức. Nền tảng đó vững chắc như người xây nhà trên đá, có thể nên người hữu ích. Thành nhân quan trọng hơn thành công, như cụ Nguyễn Du so sánh chữ TAI (tai họa) bằng ba chữ TÀI.

Nước có quốc pháp, nhà có gia phong – hoặc gia quy (quy luật gia đình). Tác giả Đào Duy Anh định nghĩa chữ “Gia Phong” trong Từ Điển Hán – Việt: “Thói nhà: tập quán, giáo dục trong gia tộc.” Tất nhiên phải dựa trên Lễ Phép – biết “kính trên, nhường dưới.” Người ta “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.” Mỗi gia đình có cách sinh hoạt khác nhau. Đừng ra vẻ mà “phú quý sinh lễ nghĩa,” dù cũng chẳng bằng ai nhưng người ta thích hợm mình, muốn chứng tỏ mình giàu có nên bày vẽ các nghi lễ khiến phiền phức thêm.

Qua thái độ (lễ độ) và qua hành vi (lễ phép) mà thiên hạ có thể nhận ra một con người như thế nào. Chữ Lễ nhắc nhở mọi người phải tôn trọng lẫn nhau, luôn giữ mối quan hệ hài hòa với nhau. Khi được người khác giúp đỡ thì phải biết ơn, nếu có thể thì đáp lại (trả lễ) bằng cách nào đó. CHO thì tốt hơn NHẬN, nhưng biết cách NHẬN cũng là một cách CHO.

Đối với người Á Đông, ba điều bất hạnh là: [1] thiếu niên đăng khoa – thành đạt quá sớm, [2] trung niên táng thê – vợ chết khi mình chưa già, [3] vãn niên táng tử – con chết khi mình già. Nhưng đối với Tây phương, ba điều bất hạnh là: cái chết, tuổi già, và con hư.

Chắc chắn rằng cái chết không ai tránh khỏi, tuổi già không thể hoán chuyển, nhưng con hư là lỗi tại cha mẹ. Kinh Thánh nói: “Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ.” (Cn 22:6) Đứa trẻ được giáo dục nghiêm túc thì nó sẽ nên người, sẽ thành nhân. Thật vậy, “qua việc làm mà người ta biết được tính hạnh đứa trẻ có trong sáng thẳng ngay.” (Cn 22:11)

Nhìn vào nền giáo dục, người ta có thể biết tương lai của một quốc gia. Giáo dục bắt đầu từ gia đình, sau đó là nhà trường. Người ta nói “nền nếp.” Nền là nền tảng vững chắc hợp với đạo lý. Nếp là lớp lang, bậc thang để tiến lên. Gia đình hay gia tộc có nền nếp đàng hoàng thì thường cung cấp cho xã hội những công dân tốt, đắc lực và tài năng. Nếu là Kitô hữu thì họ sẽ là những chứng nhân của Thiên Chúa và là cánh tay của Giáo Hội: Ngoài Đức Kitô, mỗi người là một cánh đồng truyền giáo; trong Đức Kitô, mỗi người là một nhà truyền giáo.

Biết ơn và vô ơn có liên quan Lễ Phép. Truyện cổ tích “Nước Mắt Cá Sấu” của người Khmer kể:

Một buổi trưa mùa hè nóng nực, đang lúc hạn hán kéo dài, có một bác nông dân kéo một chiếc xe chở đồ đi qua ven rừng. Lúc đó, Cá Sấu đang nằm thoi thóp bên đường, tưởng như sắp chết khô. Thấy bác nông dân đi tới, Cá Sấu liền giả bộ khóc lóc van xin: “Ối ông ơi, xin ông rủ lòng thương cứu con với! Cánh đầm ven rừng này khô cạn từ lâu rồi. Ông hãy làm phúc chở giùm con đến cánh đầm sâu ở bên kia núi.”

Bác nông dân đáp: “Làm sao ta mang chú đi được! Chú kềnh cành thế kia mà! Ta chịu thôi!” Cá Sấu lại giả vờ, lã chã giọt ngắn giọt dài: “Ối ông ơi, ông hãy cứu con làm phúc. Ông cứ đặt con lên xe, rồi chở con đi thôi mà!”

Bác nông dân lắc đầu: “Ta không bê nổi chú lên xe, chú nặng lắm! Vả lại xe ta đã chất đầy các thứ rồi!” Cá Sấu khẩn khoản: “Hay là ông cột chặt con vào gầm xe mà kéo đi. Khi nào đến cánh đầm gần chân núi kia, ông cởi chão ra cho con!”

Bác nông dân động lòng thương con vật khốn khổ, bèn lấy một cuộn chão to để cột chặt Cá Sấu vào gầm xe, rồi kéo chiếc xe lặc lè nặng gấp đôi lúc trước và đi tiếp.

Khi đến khu đầm sâu, mồ hôi nhễ nhại, bác nông dân cởi dây buộc Cá Sấu ra. Cá Sấu liền há mõm nhe răng chặn bác nông dân lại và trở mặt: “Này ông, ông hãy để lại xác ở đây cho ta ăn thịt, ta căm giận ông lắm!” Bác nông dân sửng sốt: “Sao chú lại căm giận ta và muốn trả ơn ta bằng cách đó?” Cá Sấu lên giọng: “Ông đã trói ta chặt quá làm cho ta nhức nhối khắp cả mình mẩy suốt quãng đường dài. Ta phải ăn thịt ông cho bõ giận. Vả lại, đã mấy ngày liền ta nằm khô, chẳng kiếm được con mồi nào cả.”

Vừa lúc đó, Thỏ Rừng bất ngờ chạy tới, thoáng nghe câu chuyện, liền hỏi Cá Sấu: “Sao, chuyến này bạn lại muốn ăn thịt cả người nữa à?” Cá Sấu vênh váo: “Ừ, tớ nhờ cái nhà bác này chở từ cánh đầm khô cạn bên kia chân núi sang cánh đầm bên này để kiếm ăn. Bác ta đã không thương thì chớ, lại trói chặt tớ vào gầm xe đến gãy hết cả xương, suýt nữa thì tắt thở. Tớ phải trả thù!”

Thỏ Rừng hỏi: “Bác ta đã trói bạn như thế nào? Lại đây tớ xem thử. Là người giữa, tớ sẽ phân rõ phải trái cho cả hai bên.” Thỏ Rừng nói luôn với bác nông dân: “Bác cầm lấy cuộn chão và thử trói lại anh bạn này vào gầm xe như lúc nãy cho tôi xem có đúng như anh ta kể tội bác không?”

Bác nông dân lại trói chặt Cá Sấu vào gầm xe. Thỏ Rừng giật thử sợi dây, rồi hỏi Cá Sấu: “Có phải lúc nãy bác ta đã trói bạn như thế này không? Ồ, thế này thì đã chặt gì lắm đâu!” Cá Sấu vội phân bua: “Không, không! Nếu chỉ trói như thế này thôi thì tớ nổi giận làm sao được chứ!”

Thỏ Rừng liền giúp bác nông dân siết chặt sợi dây chão hơn nữa, rồi hỏi Cá Sấu: “Thế này đã đúng chưa?” Cá Sấu nhăn mặt xuýt xoa, gật đầu lia lịa: “Đúng, đúng như thế! Tớ không tài nào cựa nổi mình nữa. Có thế tớ mới nổi giận và phải trả thù chứ!”

Thỏ Rừng quay lại nói với bác nông dân: “Bây giờ hắn đã bị trói không cựa nổi nữa thì bác còn đợi gì nào? Cái giống bất nhân bất nghĩa này có tha cái mạng cho bác không, nếu bác lại thương hại hắn như lúc nãy?” Bác nông dân lập tức vác một tảng đá to ở ven đầm, vừa đập Cá Sấu vừa hét: “Nước mắt cá sấu này! Nước mắt cá sấu này!” Thế là con Cá Sấu vô ơn và lật lọng đã bị trừng trị đích đáng.

Phúc Âm cũng đề cập tình trạng vong ân bội nghĩa. Trình thuật Lc 17:11-18 là câu chuyện Mười Người Phong Hủi: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Cả mười người được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người ngoại đạo biết phép lịch sự, có lễ phép, mà trở lại để tạ ơn Ngài, còn chín người có đạo làm ngơ. Thật tồi tệ!

Vô ơn không chỉ là bất lịch sự mà còn là tội. Ông Gióp là người vô tội, được Chúa ca ngợi: “Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác.” (G 1:3) Nhưng khi ông bị bệnh hoạn, tan gia bại sản và mọi người xa lánh, ông vẫn khiêm nhường và chân thành thưa với Chúa: “Con đã phạm bao nhiêu tội lỗi? Bao nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin cho con được biết.” (G 13:23)

Lạy Thiên Chúa, xin cho con biết Ngài và biết con, để con sống đúng và hoàn thiện theo ý Ngài. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xuân Giáp Thìn – 2024

[Đăng báo TTĐM tháng 02-2024, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]

 Chữ NHÂN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/01/chu-nhan.html
 Chữ NGHĨA – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-nghia.html
 Chữ TRÍ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/04/chu-tri.html
 Chữ TÍN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/chu-tin.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment