Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Chữ TÍN

Chữ Tín trong Việt ngữ chỉ ba mẫu tự nhưng ý nghĩa “đồ sộ” và quan trọng, trải dài suốt đời người. Người trọng chữ Tín luôn được người khác quý trọng. Đó là người có uy tín. Xưa nay, uy tín luôn là phẩm chất cao quý, vì vậy chữ tín có vai trò rất quan trọng. Tiền nhân kết luận: “Có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin thì trắng tay, vì chẳng còn ai muốn đến với mình nữa.”

Chữ Tín trong cuộc sống được thể hiện trong nhiều khía cạnh rộng lớn. Người trọng chữ Tín luôn đúng hẹn, giữ lời hứa với người khác. Coi trọng chữ Tín là điều rất cần thiết, và được thể hiện theo nhiều phương diện.

Chữ Tín ghép với nhiều từ khác với ý nghĩa khác nhau hoặc tương đương: Tín Thành – Thành Tín, Tín Trung – Trung Tín, Tín Nhiệm, Tín Nghĩa, Ấn Tín, Thư Tín, Điện Tín, Mê Tín, Cuồng Tín, Định Tín, Xác Tín, Thâm Tín, Thân Tín, Thất Tín, Tín Dụng, Tín Hiệu, Tín Ngưỡng, Tín Hữu, Tín Nhân, Tín Đồ, quan trọng là Tín Thác – với lời nguyện đặc biệt liên quan Lòng Thương Xót: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”

Với người thân trong gia đình, chữ Tín không chỉ giữ đúng lời hứa mà còn là chuẩn mực và có trách nhiệm với mọi người trong nhà. Gia đình là hạt nhân của xã hội, nếu bạn luôn giữ chữ Tín và coi trọng tình thân, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người thì ngoài xã hội bạn sẽ có lợi thế. Gia đình và những người có mối quan hệ với bạn đều được hưởng tiếng thơm. Đó là di sản quý giá, là “của hồi môn” hoặc “của để dành” cho con cháu.

Với xã hội, chữ Tín được thể hiện rất rõ trong việc giữ đúng cam kết với người khác. Chữ Tín cũng được thể hiện qua việc giữ các chuẩn mực đạo đức, không vi phạm luật pháp, luôn trong sạch. Người ta “chọn bạn mà chơi” là vậy. Còn trong kinh doanh, chữ Tín đáng giá lắm. Đó là thể hiện đúng đắn và đầy đủ với đối tác, bảo đảm chất lượng sản phẩm và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ về bảo hành với khách hàng.

Người ta nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.” Có những cơ hội tốt, những dịp may, nếu không nắm bắt kịp thì có thể không còn cơ hội khác. Cần lắm sự phân định và sự khôn ngoan để có thể đủ tự tin mà chọn lựa và quyết định.

Đôi khi trễ mấy phút thôi
Mà rồi nuối tiếc cả đời trăm năm

Không thể làm gì nữa. Công việc trong xã hội đời thường đã vậy, càng quan trọng hơn trong lĩnh vực tâm linh.

UY TÍN

Cụ Nguyễn Công Trứ nói: “Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông.” Nhưng cái danh tiếng không bằng Uy Tín. Đại nhân Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã.” (Người không có chữ tín chẳng làm nên việc gì). Ý nói rằng người không giữ chữ Tín thì không thể không thể thành công, không thể thành nhân – nên người. Từ xưa, chữ Tín vẫn luôn được coi trọng và là điều căn bản tạo nên bản chất con người.

Trong mọi lĩnh vực, chữ Tín là một đức tính – đề cập tính minh bạch và đạo đức. Đó là khả năng cam kết, tuân thủ, giữ lời hứa, và thực hiện một cách trung thực. Giữ chữ Tín là tạo uy tín, tạo ra tầm nhìn về chính mình để người khác thấy mình đáng tin cậy. Người giữ lời hứa và tuân thủ cam kết là người luôn thực hiện những gì họ đã hứa bằng lời nói hoặc cam kết bằng văn bản.

Người có uy tín là người thẳng thắn, trung thực, không giấu giếm, không khuất tất, không gian dối, luôn đúng hẹn và đúng giờ. Sự uy tín thể hiện sự tự trọng và tôn trọng người khác. Người có uy tín cũng biết phục thiện, dám nhận sai lầm và sẵn sàng sửa sai, biết quên mình, ưu tiên người khác, có chí tiến thủ, không sợ khó, khôn ngoan rút kinh nghiệm từ sai lầm của mình và của người khác.

Trong ngũ thường, chữ Tín ở vị trí cuối cùng nhưng lại là điểm mấu chốt. Ai không coi trọng chữ Tín sẽ không được người khác tin tưởng hoặc quý mến.

Người ta nói “quá tam ba bận” hoặc “một sự bất tín, vạn sự chẳng tin.” Chuyện kể rằng: Có một cậu bé rất thích chim bồ câu, sáng nào cậu cũng ra quảng trường cho chim bồ câu ăn. Dần dần, những con chim bồ câu đó đã trở nên quen thuộc với cậu bé. Mỗi khi cậu tới, chúng bay đến chân cậu mà không cảnh giác hoặc nghi ngờ. Thậm chí có con còn bay lên đậu trên vai và tay cậu để được cậu vuốt ve, âu yếm.

Một hôm, giáo viên mỹ thuật chuẩn bị cho lớp học vẽ động vật. Đầu tiên là vẽ chim bồ câu. Cậu bé nói với giáo viên: “Con có thể mang một con chim bồ câu thật đến lớp cho các bạn vẽ, nhất định sẽ đẹp hơn nhiều!” Cả giáo viên và học trò đều vui mừng, hứng khởi.

Hôm sau, cậu tới quảng trường từ sớm. Ngay khi các chú bồ câu vui vẻ tới gần, cậu bắt lấy một con cho vào lồng và mang tới lớp. Suốt buổi học, ai cũng khen cậu tài giỏi. Các học sinh cũng rất vui vẻ tới gần ngắm nhìn bồ câu.

Sau hôm đó, cậu trở lại quảng trường và thả chim bồ câu ra. Nhưng thật lạ, cả đàn bồ câu nhìn cậu với vẻ kinh hoàng. Khi cậu đến gần bất kỳ con nào thì tất cả đều bay đi chỗ khác. Kể từ đó, dù cậu mang đến nhiều thức ăn thì cũng chẳng con nào đến chơi với cậu như trước nữa.

Ai cũng vậy, chỉ cần bị phản bội một lần thôi thì dù có thân thiết đến mấy cũng sẽ có khoảng cách là mất lòng tin. Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng không thể có sự lừa dối, lợi dụng, mưu mô toan tính,... Sự rạn nứt không thể hàn gắn, khoảng cách không thể lấp đầy. Vì thế, chữ Tín là báu vật vô giá, không gì có thể đánh đổi.

Thật vậy, tục ngữ khuyên phải “chọn mặt gửi vàng” chứ không thể nhẹ dạ cả tin. Người ta khuyên nhau bằng lời ca dao: “Nói lời phải giữ lấy lời – Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.” Người không coi trọng chữ Tín là kẻ dễ lừa đảo, xảo trá, thế nhưng “Hay gì lừa đảo kiếm lời – Cả nhà ăn uống, tội trời mang riêng.”

Người có uy tín là người nói ít, làm nhiều: “Nói chín thì phải làm mười – Nói mười làm chín, kẻ cười người chê.” Và nên tránh xa loại người coi thường chữ Tín: “Người sao một hẹn thì nên  – Người sao chín hẹn thì quên cả mười.” Tục ngữ nói: “Kiếm củi ba năm, thiêu một giờ.” Uy tín phải tạo lập suốt đời, nhưng chỉ một động thái nhỏ cũng đủ làm mất thanh danh, và còn ảnh hưởng nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Phải mất nhiều công sức để trồng được khu rừng, nhưng chỉ một que diêm nhỏ cũng đủ làm khu rừng thiêu rụi.

PHẨM GIÁ

Trong một cuộc hội thảo có đông đảo người tham dự, diễn giả bước lên bục, rồi rút ra tờ 20 USD từ trong túi. Ông hỏi mọi người: “Có ai muốn lấy tờ 20 USD này không?” Có rất nhiều cánh tay giơ lên. Sau đó diễn giả vò tờ tiền trong tay rồi hỏi: “Còn ai muốn lấy nó nữa không?” Một số cánh tay vẫn giơ lên. Diễn giả mỉm cười: “Vậy nếu tôi làm thế này thì sao?” Vừa nói ông vừa ném tờ tiền xuống đất, lấy chân giẫm lên nó, rồi ông nhặt tờ tiền lên và hỏi: “Bây giờ còn ai muốn lấy nó nữa không?” Vẫn có vài người giơ tay.

Diễn giả ôn tồn nói: “Quý vị vừa mới có được một điều vô cùng ý nghĩa. Dù tôi có làm gì với tờ tiền này, quý vị vẫn muốn có nó, bởi vì nó KHÔNG HỀ MẤT GIÁ TRỊ, nó vẫn là 20 USD. Trong cuộc đời, mỗi chúng ta nhiều lần bị quyết định của bản thân hoặc vì những hoàn cảnh khó khăn bên ngoài tác động mà gục ngã hoặc tổn thương. Chúng ta cho rằng mình không xứng đáng thế nọ, thế kia, nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra, trong mắt Thiên Chúa, giá trị của chúng ta vẫn không thay đổi – với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Chúng ta sạch sẽ hay bẩn thỉu, ăn mặc rách rưới hay sang trọng, chúng ta vẫn luôn là báu vật vô giá.”

Cain đã phạm tội tày trời là giết em ruột Abel và bị Thiên Chúa xua đuổi, nhưng Ngài vẫn bảo vệ Cain tới cùng: “Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy.” (St 4:15) Giacóp được đổi tên là Israel, và Thiên Chúa động viên: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.” (Is 43:1-2) Và mỗi chúng ta cũng vậy, đừng thất vọng, hãy tín thác và tín thành với Thiên Chúa đến hơi thở cuối cùng, bất kể điều gì xảy ra!

Giá trị con người không phụ thuộc vào ngoại hình, kiến thức, tài sản hoặc những gì chúng ta sở hữu, cũng không bị tác động bởi bất cứ mối quan hệ nào, nhưng giá trị đó được quyết định bởi chính mình. Mỗi người không là một ốc đảo nhưng độc nhất vô nhị, không là bản sao của người khác.

Phải tin tưởng rồi mới có thể yêu mến. Và không ai phải thất vọng vì yêu mến Đấng Tối Cao duy nhất, tuyệt đối và chí thánh. Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín, (Tv 86:15) không mảy may gian dối, luôn chính trực công minh, (Đnl 32:4) giữ lòng trung tín mãi muôn đời, (Tv 146:6) chỉ ưa thích tín thành và nhân hậu. (Hc 1:27)

Nếu bất tín và bất trung thì có hệ lụy tất yếu, bất lợi cho chính mình mà thôi: “Ta sẽ ẩn mặt đi không nhìn chúng, để xem hậu vận chúng ra sao; vì chúng là giống nòi tráo trở, những đứa con chẳng chút tín trung. Chúng đã thờ các thần không phải là Thiên Chúa khiến Ta phải ghen tương, thờ những thần hư ảo mà trêu giận Ta; Ta sẽ dùng một dân không phải là dân khiến chúng phải ghen tương, dùng một dân tộc ngu si mà trêu giận chúng.” (Đnl 32:20-21) Thánh Vịnh gia đã từng than thở: “Xin cứu nguy, lạy Chúa, vì chẳng còn thấy ai đạo hạnh, giữa loài người, không một kẻ tín trung.” (Tv 12:2) Thiên Chúa chí công, chính trực và rạch ròi: “Ngài tín trung với kẻ tín trung, xử tuyệt hảo với người tuyệt hảo.” (2 Sm 22:26) Như có lần Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7:2; Mc 4:24; Lc 6:38)

Người nào tín trung chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích: “Ai ngay chính được Ngài trợ lực, Ngài thành khiên thuẫn cho kẻ sống thanh liêm, giữ gìn đường nẻo người chính trực, bảo vệ lối đi kẻ tín trung.” (Cn 2:7-8) Và còn hơn thế nữa: “Nhờ nhân nghĩa tín thành mà tội được xóa bỏ, nhờ kính sợ Đức Chúa mà tránh được sự dữ.” (Cn 16:6)

Kinh Thánh đề cập nhiều tới chữ Tín – Đức Tín Thành. Kinh Thánh nói: “Hối lộ và bất công rồi ra sẽ biến mất, nhưng lòng trung tín sẽ tồn tại muôn đời.” (Hc 40:12) Kinh Thánh khuyên: “Hãy tha thiết với bạn bè và hết lòng trung tín, nhưng nếu đã tiết lộ bí mật của ai, thì đừng chạy theo họ nữa.” (Hc 27:17) Và không chỉ là lời khuyên mà còn có hậu: “Hãy giữ lời và trung tín luôn luôn, thì bất cứ lúc nào cần điều chi, con cũng sẽ được.” (Hc 29:3)

Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hết mọi người hiếu trung với Chúa, hãy yêu mến Chúa đi! Chúa giữ gìn những ai thành tín nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng.” (Tv 31:24) Và Thánh Vịnh gia cầu nguyện: “Xin Chúa Trời gửi xuống tình thương và lòng thành tín của Ngài.” (Tv 57:4)

Chắc chắn rằng “tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.” (Tv 25:10) Vì thế, “hãy giữ đức tín thành, công chính và luôn trông cậy vào Thiên Chúa.” (Hs 12:7)

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo TTĐM tháng 05-2024, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]

Chữ NHÂN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/01/chu-nhan.html
Chữ LỄ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-le.html
Chữ NGHĨA – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-nghia.html
Chữ TRÍ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/04/chu-tri.html
Chúa Hỏi – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/100-cau-hoi-cua-chua-giesu.html
Lữ Hành Hy Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/nguoi-lu-hanh-hy-vong.html

TÌM HIỂU CHỮ NGHĨA

Dictionarium Anamitico Latinum của ĐGM AJ. L. Taberd (năm 1838) không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi, Môi Khôi. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896, có từ Môi Khôi, được định nghĩa là (1) hoa hồng; (2) loài ngọc quý. Ông ghi chú thêm: PHẢI đọc là Mai, KHÔNG NÊN đọc là Môi. Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa-minh (năm 2002) định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: Tràng Hoa Hồng. Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm (năm 2007) định nghĩa các từ Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi, Mai Khôi: Hoa Hồng.

Hán Việt đọc là Mai hay Mân, nhưng MAI là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh của Ban Tu Thư nghĩa Thục, và từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của, chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm cũng viết Mai hay Mân là . Bộ Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi là đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau   và có nghĩa là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng dùng chữ Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc. Như vậy các từ Mân, Môi hoặc Văn chỉ là âm khác của từ Mai mà thôi.

Tương tự, chúng ta thường dùng sai là “Tẩm Liệm” hoặc “Tẩn Liệm” – thật ra phải là Tẫn Liệm mới chính xác. Chữ nghĩa “mệt” lắm, không đơn giản như người ta tưởng, vì cách dùng chữ cho thấy người dùng có ý thức và tri thức vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment