Tân niên khởi đầu. Và mọi sự cũng bắt đầu. Quá khứ có buồn thế nào thì cũng đã qua, phải bỏ lại phía sau để tiến lên phía tương lai. Kiêu căng, ích kỷ, yếu đuối, sa ngã, tội lỗi,... những gì xấu xa hãy xếp vào ngăn quá khứ, khóa lại, cố gắng đứng dậy và bước đi, mở trang đời mới, và quyết tâm làm lại cuộc đời. Với ân sủng của Thiên Chúa, cái không thể sẽ trở nên có thể. Với sự trợ giúp của Đức Mẹ, con người đủ sức bước đi về phía Trời Cao.
Con người luôn có nhiều thứ phải bắt đầu,
nhất là về tinh thần, cách riêng đối với mỗi tín nhân. Vạn sự khởi đầu nan,
nhưng không thể không bắt đầu, để có thể cởi bỏ con người cũ để mặc lấy Chúa
Giêsu Kitô, (Rm 13:14) và mặc lấy con người mới. (Ep 4:24; Cl 3:10)
Để có thể khởi sự tốt đẹp, con người phải có
lòng nhân – nhân ái, nhân đạo, nhân đức, nhân hậu, nhân từ. Bởi vì chính Chúa
Giêsu đã truyền lệnh: “Hãy có lòng
nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36) Chữ Nhân
rất quan trọng! Thật vậy, chữ Nhân đứng đầu trong 5 đức tính cần thiết với mỗi
con người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Dù thời đại nào, dân tộc nào, xã hội nào,
thể chế nào,... các đức tính đó vẫn là chuẩn mực đạo đức, giúp con người sống tốt
và là bài học quý giá cần được duy trì và răn dạy hậu duệ. Người đạo đức là
“người đẹp” thực sự, như Kinh Thánh nói: “Vẻ
đẹp và duyên dáng làm người ta thích nhìn, nhưng cánh đồng xanh mướt còn đáng
nhìn hơn.” (Hc 40:22)
Chữ Nhân nghĩa là Người – Con Người, được sử
dụng nhiều trong Việt ngữ: nhân loại, nhân ái, nhân hậu, nhân từ, nhân đạo,
nhân nghĩa, nhân linh, nhân khẩu, nhân vị, nhân phẩm, nhân quyền, nhân tính, nhân
tình, nhân duyên, nhân danh, nhân dân, nhân sinh, nhân viên, nhân sự, nhân lực,
nhân tài, nhân vật, nhân công, nhân gian, nhân thế, nhân chủng, nhân chứng,
nhân sĩ, nhân duyên, nhân cách, nhân dạng, nhân kiệt, nhân tố, nhân thân, nhân
họa, nhân bản, nhân nhượng, nhân mã, nhân mãn, nhân tạo, nhân điện, nhân thọ,
nhân ảnh, nhân mạng, nhân quần, nhân quả,...
Chữ Nhân được dùng nhiều trong cách nói trang
trọng: quân nhân, giai nhân, mỹ nhân, quả nhân, tiểu nhân, đại nhân (thượng
nhân), hiền nhân, tiền nhân, tiên nhân, hậu nhân, tư nhân, thánh nhân, thi
nhân, văn nhân, thân nhân, tình nhân, quái nhân, tù nhân, phạm nhân, sát nhân,
chủ nhân, gia nhân, nam nhân, nữ nhân, cổ nhân, cố nhân, thuyền nhân, truyền
nhân, phu nhân, phu quân, nghệ nhân, dị nhân, thế nhân, phàm nhân, kỳ nhân, phế
nhân, bệnh nhân, bất nhân, tội nhân, ác nhân, thiện nhân, quý nhân, ân nhân,
chính nhân, thương nhân, dã nhân, vĩ nhân, danh nhân, ái nhân, yếu nhân, tiện
nhân, hôn nhân, tín nhân, siêu nhân, vô nhân, cử nhân, nạn nhân, vong nhân, lão
nhân, phúc nhân, tượng nhân, lãng nhân,...
Điều này có lẽ đặc biệt: Nhân Hòa là một
trong ba điều kiện để mọi sự xuôi xắn, giúp con người thành công mỹ mãn. Có thể
nói rằng điều kiện Nhân Hòa rất quan trọng, dù nó đứng sau Thiên Thời và Địa
Lợi. Tại sao? Bởi vì chúng ta không thể biết chính xác Thiên Thời và rất khó
nhận biết Địa Lợi, nhưng có thể nhận ra Nhân Hòa. Yếu tố Nhân Hòa có phần liên
quan EQ (Emotion Quotient – chỉ số cảm xúc), chỉ số này còn quan trọng hơn IQ
(Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) và LQ (Lovability Quotient – chỉ số
dễ thương).
Nhân Hậu (nhân ái, nhân từ) là đức tính nhắc nhở
con người về cách đối nhân xử thế, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, không loại
trừ ai. Đó không chỉ là đức tính cần thiết mà còn là sợi dây liên kết bền chặt
giữa con người với nhau. Thật vậy, Chúa Giêsu vừa căn dặn vừa truyền lệnh: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em.” (Ga 13:34; Ga 15:12) Thánh Phaolô xác định: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng
loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 8:10)
Theo Nho giáo, Nhân Từ gồm chữ Nhân và chữ
Từ. “Nhân” là phạm trù đạo đức, “Từ” là tinh thần yêu thương mọi sinh linh. Nên
biết rằng chữ “giáo” trong Nho giáo hoặc Khổng giáo không có nghĩa là “tôn giáo”
mà là “giáo hóa” con người.
Chữ Nhân được Khổng Tử diễn giải cho các học
trò với nhiều nghĩa. Khi trả lời Nhan Hồi, ông nói: “Nhân là kiềm chế mình để trở về với Lễ.” Khi trả lời Phàn Trì, ông
nói: “Nhân là yêu người.” Khi trả lời
Trọng Cung, ông nói: “Kỷ sở bất dục vật
thi ư nhân.” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.) Đặc
biệt hơn, chính Chúa Giêsu đã dạy từ ngàn xưa: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em
cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7:12; Lc 6:31)
Theo đại nhân Khổng Tử, người có Nhân là
người có thể làm 5 điều này đối với người khác: cung kính, khoan dung, giữ chữ
tín, chăm chỉ, làm ơn cho mọi người. Ông lý giải: “Người có nhân muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt.” Nhân
là mối quan hệ giữa mọi người với nhau, đối xử hài hòa các mối quan hệ để luôn trên
thuận dưới hòa, nếu như vậy thì xã hội trật tự và cuộc sống an bình. Như vậy,
“Nhân” là “đạo làm người” và được bắt đầu từ gia đình, từ mối quan hệ giữa cha
mẹ và con cái, anh chị em với nhau.
Các phạm trù đạo đức (trung, hiếu, nhân,
nghĩa, lễ, trí, tín...) cùng với tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) và tam tòng (theo
cha, theo chồng, theo con) là để giúp con người sống tốt lành, ngày càng hoàn
thiện hơn. Chữ “Nhân” của Khổng Tử mang ý nghĩa yêu thương và hoàn thiện con người,
có mối tương quan chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc là hướng thượng, hướng
lên Trời; chiều ngang là hướng xung quanh, hướng tới con người. Theo nghĩa đó,
chữ Nhân cũng có ý nghĩa Thập Giá – nhánh dọc hướng lên Thiên Chúa và nhánh
ngang hướng tới tha nhân, hướng tới mọi người.
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 & 16) và
vốn dĩ nhân từ. (Xh 22:26) Ngài nhân từ nên Ngài muốn mọi người cũng phải có
lòng nhân từ. Ngài không chỉ tốt lành mà còn giàu lòng thương xót, chính Ngài
nói với ông Môsê: “Thiên Chúa nhân hậu và
từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn
ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì,
và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” (Xh 34:6-7)
Thật vậy, “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ
lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:9) Vì thế, Thánh Vịnh
gia mời gọi: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân
từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (1 Sb 16:34; 2 Sb 5:13; 2 Sb
7:3; Er 3:11; 1 Mcb 4:24; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1 & 29; Tv 136:1)
Nhân chi sơ tính bổn thiện, nhưng con người
thoái hóa vì kiêu ngạo mà nghe lời đường mật của ma quỷ, ăn được miếng ngon rồi
hối không kịp. Vì thế, con người phải cầu xin Thiên Chúa không ngừng: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót
thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.” (Tv 51:3) Và lại tiếp tục
van nài: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu
mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.” (Tv
69:17)
Con người được Thiên Chúa tạo dựng và phú cho
tính nhân đạo, vì kiêu ngạo mà hư thân mất nết, trở nên bất chính, thế nên cứ
phải nỗ lực hoàn thiện để trở nên công chính. Thế nào là người công chính? Kinh
Thánh cho biết: “Người công chính phải có
lòng nhân ái.” (Kn 12:19) Muốn nên công chính thì phải “lấy lòng nhân ái và
thương xót mà xử sự với nhau.” (Dcr 7:9)
Con người có thể ảnh hưởng môi trường tự
nhiên và môi trường xã hội. Sống trong môi trường tự nhiên tốt thì người ta có
sức khỏe, thân xác khỏe mạnh thì tinh thần minh mẫn. Sống trong môi trường xã
hội coi thường các chuẩn mực đạo đức thì người ta khó có thể sống nhân đạo.
Người ta quyết đi tìm tự do, thậm chí là liều mạng, vì không thể sống chung với
ác nhân và không chấp nhận chủ nghĩa vô thần. Những công dân ở đất nước tự do
không bao giờ nghĩ tới chuyện di tản hoặc chạy loạn.
Vương quốc Bỉ là đất nước xinh đẹp, thịnh
vượng, thanh bình, “nổi bật” về tự do, và là nơi thực sự đáng sống. Các hiệp
định thường được họp bàn tại Bỉ. Khi tròn 65 tuổi, công dân Bỉ nhận được tin
nhắn từ cơ quan quản lý hưu trí với nội dung như sau:
“Kính
gửi quý ông/bà,
Ông/bà
đã trở thành người hưu trí, xin ông/bà gửi cho chúng tôi số tài khoản ngân hàng
để nhận lương hưu hàng tháng. Nếu ông/bà có bất kỳ vấn đề gì, vui lòng gọi cho
chúng tôi theo số này để đặt lịch hẹn.”
Ngoài thông báo, họ còn có những lợi ích khác,
bao gồm các điều này:
1. Hỗ trợ tài chính để giảm tiền thuê nhà
hoặc căn hộ nếu không sở hữu nơi ở riêng của mình.
2. Đủ điều kiện đăng ký mua nhà ở xã hội theo
mệnh giá.
3. Giảm chi phí điện, chi phí nước, và chi
phí vận chuyển.
4. Bảo hiểm y tế gần như miễn phí.
5. Khám răng gần như miễn phí, nhưng nếu
không khám răng trong vòng một năm thì sẽ bị phạt.
Vương quốc Bỉ không có dầu mỏ và khoáng sản,
không có “rừng vàng, biển bạc” nhưng mức sống của dân Bỉ là một trong những mức
sống tốt nhất trên thế giới mà người ta mơ ước.
Bỉ như một trung tâm hậu cần của khu vực, làm
cho nền kinh tế dễ bị thay đổi theo nhu cầu ngoại quốc, đặc biệt là với các đối
tác thương mại EU. Nền kinh tế Bỉ rất phát triển, hơn 70% GNP đến từ việc xuất nhập
khẩu. Bỉ là một nước thành viên sáng lập NATO, có trụ sở tại Brussels, được coi
là “trung tâm của Âu châu” nhờ vị trí địa lý giữa hai quốc gia lớn – Pháp và
Đức, nhờ hệ thống tuyệt vời về đường sắt, giao thông và bến cảng.
Một đất nước nhân đạo như vậy thì thật xứng
đáng được gọi là Thiên Đàng trần gian. Thấy người ta mà chạnh lòng, thương cho
dân Việt phải sống ở một đất nước như địa ngục trần gian vậy!
Lạy
Chúa, cảnh tang tóc chúng con, xin biến thành hoan lạc để chúng con được sống
mà ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa
duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn
ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài. Thần dân Ngài, xin Ngài giải thoát. Con cô đơn,
xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa! (Et 4:17H,
17L, 17T) Xin cho chúng con có lòng nhân từ như Chúa Cha, xin giải thoát chúng
con khỏi ách vô thần. Xin Thánh Mẫu La Vang chở che dân Việt, ban bình an cho
chúng con và thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ
duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chào
Tân Niên Giáp Thìn – 2024
[Đăng báo TTĐM tháng 01-2024, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Chữ LỄ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-le.html
✽ Chữ NGHĨA – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-nghia.html
✽ Chữ TRÍ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/04/chu-tri.html
✽ Chữ TÍN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/chu-tin.html
✽ Tháng 1 – Kính Thánh Danh Chúa Giêsu
✽ Hạnh Các Thánh Tháng 1
✽ Tầm Nhìn Kitô Giáo về Năm Mới
✽ Ba Điều Tạo Hạnh Phúc Năm Mới
✽ Kế Hoạch Tâm Linh Cho Năm Mới
✽ Nỗi Lòng Cuối Năm – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/noi-long-cuoi-nam.html
CÁI HỌC NÓ HÀNH
Học lăn lóc, đứng, ngồi, nằm chèo queo
Chữ đem vô chảo chiên, xào
Vẫn chưa được, lại đem treo trần nhà
Học hoài chữ chẳng biết ta
Đúng là cái Học như ma nó Hành
Mắt nhìn thấy chữ rành rành
Mà sao trí óc loanh quanh ngu đần
Học nhiều chỉ nhọc cái thân
Người ta chẳng học vẫn làm quan to
Thôi thì chẳng học mà chi
Cứ chơi rồi nhậu, khỏe re, nhẹ mình
Có tiền thì vẫn quang vinh
Kẻ nâng người bợ quanh mình, vẫn oai!
TRẦM THIÊN
THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment