Chẳng ai lại không có tâm sự. Người lớn có tâm sự “lớn,” người nhỏ có nỗi niềm “nhỏ,” vì cuộc sống là một tổng thể xã hội phức tạp. Mỗi mùa có loại tâm sự riêng, mỗi hoàn cảnh có nỗi lòng riêng, mỗi khoảng thời gian có loại suy nghĩ riêng, lo toan vẫn chật ngày tháng. Nhưng thời điểm nhiều trăn trở nhất chắc hẳn là dịp cuối năm. NS Song Ngọc có tâm sự vào những ngày cuối năm và được ông trải lòng qua ca khúc “Chuyện Ngày Cuối Năm.” Đó không chỉ là tâm sự của riêng ông, mà chắc hẳn cũng là nỗi niềm của nhiều người.
Ca khúc “Chuyện Ngày Cuối Năm” được viết ở âm thể Thứ, nhịp 4/4, không
ủy mị hoặc bi lụy nhưng vẫn da diết nỗi lòng của một người nghèo mà cứ lận đận
mãi. Ca từ như một câu chuyện mạch lạc, lần lượt liệt kê những nỗi niềm bộn bề
theo giai điệu nhẹ nhàng… Với ca khúc này, NS Song Ngọc ký bút danh Hàn Sinh.
Mùa Đông vừa qua, mùa Xuân sắp tới, cái lạnh dần ấm lên, và nỗi lòng
cũng “nóng” lên theo. NS Song Ngọc trầm ngâm: “Cuối
năm ngồi tính lại sổ đời, ba trăm ngày hơn đã qua mất rồi.” 365 ngày như một
thoáng qua mau, bước đời cứ lận đận mãi, nghĩ mà buồn: “Đời mình lại tay trắng tay, công danh thì chưa được thấy, năm tháng
dài vẫn còn bôn ba.” Nhìn tương lai mà không khỏi ái ngại, nhưng không thể
thúc thủ hoặc giậm chân tại chỗ được.
Đường đời đã vậy,
gồ ghề và khập khiễng, mà đường tình cũng chẳng phẳng phiu: “Cuối Thu vừa mới gặp bạn lòng, Đông sang
được tin người em lấy chồng.” Tình chợt đến, chợt đi. Tình như có, như
không. Vô duyên thật! Mình đã vậy, bạn bè cũng chẳng hơn gì: “Bạn bè dăm ba đứa thôi, như chim trời lang
bạt xứ, Xuân mới về riêng một mình ta.” Mỗi đứa mỗi phương, vì mưu sinh mà
phải tha phương cầu thực. Mình cũng vậy, thế nên Xuân này chỉ mình ên. Buồn
phận mình với nỗi nhớ không tên, nhưng vẫn cảm thấy vui vì hạnh phúc của người
khác, vì nỗ lực của người khác.
Dù mình vui hay
buồn thì Xuân cũng vẫn đến theo luân phiên của thiên nhiên: “Xuân ơi, xuân lại đến, đau thương xin ngủ
yên, tình Xuân cho ấm lương duyên.” Và nguyện ước vẫn còn nhiều cho mình và
cho người khác. Còn mơ ước là còn hy vọng, còn hy vọng để tiếp tục sống: “Năm cũ đã đi qua, xin vận may tìm tới, cho muôn
người vui trọn tình Xuân.”
Có những ước mơ
đã đi vào quá khứ, có những ước mơ còn trong tương lai, và có những trở trăn
hiện tại: “Cuối năm ngồi tính lại sổ đời,
công danh, lợi duyên, một năm lỡ rồi.” Bao toan tính, bao ước mơ, bao hoài
bão,… nhưng tất cả đã qua, bao mong chờ cũng đã hóa thành quá khứ: “Chuyện đời là mây nước trôi, Xuân ơi, mùa Xuân
này tới, trên gác nghèo mơ mộng nở hoa.”
Nghèo vật chất
nhưng giàu tư tưởng, vậy là vẫn còn tốt. Mình tính không bằng trời tính. Thành
nhân quan trọng hơn thành công. Mà thành công cũng có nhiều dạng. “Thất thế”
khác “thất bại.” Đa số chưa chắc đã đúng. Mình cứ là chính mình, tự đứng trên
đôi chân của mình, tự vươn lên bằng chính nghị lực của mình, vươn lên ngay từ
trong đống xà bần, từ sự khinh thường của người khác,… Nhất định mình phải hành
động như vậy!
Trời sinh một bậc
kỳ tài là để dùng vào một sứ mệnh nào đó. Nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, trời
bắt họ phải trải qua trăm cay ngàn đắng. Cuộc đời của các thánh nhân, các vĩ
nhân, các danh nhân, các “dị nhân,”… đã chứng tỏ điều đó. Hầu như họ đều là
những con người phải tự vươn lên từ hoàn cảnh nghiệt ngã. Chí sĩ ái quốc Nguyễn
Thái Học (1902-1930) đã so sánh: “Ví
phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”
La Rochefoucauld
xác định: “Có 3 thứ ngu dốt: Không biết
những điều đáng biết, biết không rành mạch những điều phải biết, biết những
điều không cần biết.” Người nghèo vật chất mà giàu tinh thần, giàu trí tuệ,
giàu tư tưởng,… vậy chưa là nghèo thực sự. Tất nhiên, họ vẫn có thể hãnh diện
mà đón Xuân, ăn Tết. Học giả Lê Quý Đôn nói: “Dẫu có bạc vàng trăm lượng, không bằng kinh sử một pho.” Giàu tinh
thần vẫn hơn giàu vật chất.
Người ta thường
lo lắng về vật chất, nhưng ít khi người ta lo lắng về tâm linh. Người lo thu
gom cho nhiều của cải thế gian thì xin miễn bàn, vấn đề là với những người “ăn
bữa nay, lo bữa mai.” Những người này quá nghèo, không phải họ lười, không hiểu
sao “số kiếp” của họ cứ “đen như đêm ba mươi,” tối mặt tối mũi tìm kế sinh nhai
mà tương lai vẫn mù mịt. Cuộc đời họ không biết thế nào là rảnh, đi chơi, đi du
lịch,… Ngay cả miếng ăn ngon mà họ có lẽ cũng chưa được thưởng thức. Họ thật
đáng thương và cần những tấm lòng hảo tâm. Những người giàu không thể hiểu nổi
sự khốn khó của cuộc đời những người nghèo, tưởng ai cũng như mình, thế rồi…
“chảnh” và nhìn người khác bằng nửa con mắt! Có thể vì lo lắng quá mà họ cũng không
thường xuyên nhớ tới Chúa, nhưng chắc Chúa cũng thông cảm cho họ, vì khi làm
người, Ngài cũng đã từng nghèo khổ.
Xuân về, tết đến,
ước gì ai cũng nói được câu: “Buồn ơi,
xin chào mi!”
Với các Kitô hữu
còn may mắn là có Thiên Chúa là cứu cánh, nhưng vấn đề là chúng ta có “bám”
chắc vào Ngài hay không. Tín thác là tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Thật vậy,
đức tin rất cần trong cuộc sống. Nhờ đức tin mà người ta mới được cứu độ. ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Đức tin
chưa biến thành văn hóa là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự
suy tư là chưa sống chân thành.”
Sống thì ai cũng
lo, nhưng mức độ khác nhau. Chúa Giêsu dạy: “Đừng
lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng
sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt
6:25; Lc 12:22) Những lúc lắng lòng, con người chúng ta cũng thấy thêm niềm
tin. Nhưng khi công việc không xuôi xắn, chúng ta lại lo bộn bề, mỗi người mỗi
kiểu với các mức độ khác nhau. Yếu đuối quá, và đức tin chưa bằng hạt cải, Chúa
ơi!
Rồi Chúa Giêsu
lại nhấn mạnh và nói rõ hơn: “Đừng lo
lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
(Mt 6:34)
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Xuân về
mà lòng chúng con còn ngổn ngang và bừa bộn quá, xin thương xót chúng con, nhất là những người nghèo khổ, xin cho họ
cũng có những ngày Tết có niềm vui trọn vẹn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh
Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ NS Song Ngọc
tên thật Nguyễn Ngọc Thương, sinh năm 1943 tại Long Xuyên (An Giang). Ông
viết nhạc từ năm 1957, nổi tiếng từ thập niên 1960 với bài “Tiễn Đưa” phổ
thơ Nguyên Sa. Sau 1975, ông định cư tại Houston, Texas (Hoa Kỳ), và là một
doanh nhân thành đạt.
Ngoài bút danh
Song Ngọc, ông còn dùng các bút hiệu khác: Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc
Anh, Anh Tuyến. Ông có khá nhiều ca khúc phổ biến: Bài Tango Màu Xanh, Biết Nói
Gì Đây, Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình Ba Đứa (viết chung với NS Hoài Linh),
Chuyện Buồn Năm Cũ (viết chung với NS Hoài Linh), Chuyện Đời Ca Sĩ, Chuyện Người
Đàn Bà 2000 Năm Trước, Chuyện Tình TTKH, Chuyến Xe Ba Người (viết chung với NS Hồ
Đình Phương), Đàn Bà 1, Đàn Bà 2, Đàn Ông, Định Mệnh, Đừng Nói Yêu Anh, Gặp Lại
Cố Nhân (ký tên Hàn Sinh), Giờ Tý Canh Ba, Gửi Người Chưa Quen (viết chung với
NS Hoài Linh), Hà Nội Ngày Tháng Cũ, Họp Mặt Lần Cuối, Hương Đồng Gió Nội, Kiếp
Độc Thân, Lỡ Bước Sang Ngang, Màu Tím Hoa Sim, Một Chuyến Bay Đêm (viết chung
với NS Hoài Linh), Năm 2000, Năm Ngón Tay, Nghĩ Chuyện Ngày Xuân (ký tên Hàn
Sinh), Ngoại Tôi, Nó Và Tôi (viết chung với NS Hàn Châu), Niên Học Sau Cùng (ký
tên Hàn Sinh), Phiên Khúc Một Chiều Mưa (viết chung với NS Hoài Linh), Than Thở
(phổ thơ Xuân Diệu), Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em (viết chung với NS Hoài Linh),
Thư Cho Vợ Hiền (viết chung với NS Lê Dinh), Tình Yêu Như Bóng Mây, Tuổi Mùa
Xuân, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân (ký tên Hàn Sinh), Yêu Cái Đèn Cù, Yêu Người
Chung Vách,…
✽ Câu Chuyện Đầu Năm – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/01/cau-chuyen-au-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment