Tiệc vui nào cũng cần có chút rượu cho thêm mặn nồng tình nghĩa, thêm cởi mở thân thiện, thêm hòa đồng,… Tiệc Xuân mà không có chút rượu thì còn gì là Xuân! Người ta có thể say (đôi khi cũng nên say) nhưng không nên sa đà hoặc nghiện ngập, vì say chút men rượu ngày Tết là say men tình Xuân, say men tình nghĩa, và trao nhau những lời chúc Xuân tốt lành nhất.
Bản chất rượu
không xấu, vì rượu có thể làm tăng sức khỏe và giúp kéo dài tuổi thọ – nếu biết
điều độ. Người không biết uống chút rượu thì thường là người “khó chơi,” nhưng
người “mê rượu” thì nên tránh xa. Quả thật, rượu không xấu, nhưng rượu hóa thành
xấu vì người ta lạm dụng rượu mà thôi.
Chính Chúa Giêsu
cũng muốn người ta vui vẻ với nhau và thưởng thức rượu ngon nên Ngài đã làm
phép lạ đầu tiên khi Ngài thực hiện sứ vụ cứu độ: Hóa nước lã thành rượu ngon
tại tiệc cưới Cana. (x. Ga 2:1-11) Điều đó cho thấy rõ ràng là rượu không xấu.
Trong niềm vui
Xuân tột đỉnh, NS Phạm Đình Chương đã viết ca khúc “Ly Rượu Mừng” với những lời
chúc cho đủ các tầng lớp trong xã hội. Ca khúc được viết ở nhịp 3/4, giai điệu
vui tươi và mượt mà “chảy” theo dòng nhạc của âm thể Fa Trưởng, người nghe có
thể cảm thấy Xuân thực sự đang cuồn cuộn chảy trong mình.
Ông bắt đầu bằng
những gì thực tế nhất: “Ngày xuân nâng
chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi
tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó.” Dân Việt sống
bằng lúa gạo, cơm là chính, thế nên giới nông dân rất quan trọng – dù họ vẫn
“bị” các tầng lớp khác coi thường. Có người cho rằng “nhất sĩ, nhì nông,” nhưng
“hết gạo, chạy rông” thì lại “nhất nông, nhì sĩ.” Sĩ gì thì sĩ, có là tổng
thống cũng vậy, không có gạo thì “chết chắc.”
Năm nào mùa màng
thất bát thì Xuân mất vui, nếu mùa màng bội thu thì Tết tưng bừng. Niềm vui có
tính lây lan rất nhanh, cả chiều ngang và chiều dọc. Vui toàn gia, vui toàn xã,
vui toàn tỉnh, vui toàn quốc.
Mọi người cùng hân
hoan nâng ly chúc mừng nhau: “Á a a a,
nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui; á a a a, muôn lòng xao xuyến duyên đời.”
NS Chương dùng chữ “duyên đời” thật lạ nhưng lại khá hay. Độc đáo thật! Chắc
hẳn ai cũng cần cái “duyên đời” ấy.
Rồi ông chúc
những người quên mình, hy sinh vui Xuân riêng để gìn giữ an bình cho dân, cho
nước: “Rót thêm tràn đầy chén quan san,
chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng
người vì nước quên thân mình.” Thời nào cũng vậy, những người lính luôn
đáng trân trọng vì họ quên hạnh phúc riêng mà lo cho hạnh phúc của cộng đồng
dân tộc. Ngày Tết, chắc chắn họ cũng cần lắm một ly rượu mừng Xuân. Đó là công
bằng!
Cuộc đời luôn có
sự nối kết, tình liên đới. Không gì hơn mẫu tử tình thâm. Con đi xa thì nhớ Mẹ,
còn Mẹ cũng nhớ thương con, Xuân về mà niềm vui chưa trọn vẹn: “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già, từ lâu mong con
mắt vương lệ nhòa.” Thương biết bao khi Mẹ con không được sum họp trong
ngày Xuân. Thương lắm, nhưng cũng chỉ biết cầu xin ơn trên: “Chúc bà một sớm quê hương, bước con về hòa
nỗi yêu thương.” Có hòa bình đích thực thì Mẹ con mới khả dĩ đoàn tụ, nước
mắt có rơi thì cũng là lệ mừng vui chứ không là lệ u sầu.
Mọi người yên ấm
vui Xuân nhưng không thể quên những người còn vương sầu, và xin nâng ly cầu
chúc: “Á a a a, hát khúc hoan ca thắm
tươi đời lính; á a a a, chúc mẹ hiền dứt u tình.” Không ai còn chút u tình
nào thì Xuân mới trọn niềm vui.
Mùa Xuân là mùa
yêu thương, mùa chim én xây tổ ấm, chúng ta nâng ly cầu chúc những người đang
yêu nhau: “Rượu hân hoan mừng đôi uyên
ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương.” Giới nghệ sĩ thường là những người cô
đơn. Thi sĩ bị chê là lãng mạn, ca nhạc sĩ thì bị coi là “xướng ca vô loài.”
Lưỡi không xương nên cỡ nào cũng chê bôi được. Có lẽ NS Chương có “máu nhạc”
nên ông thông cảm và mời gọi mọi người chúc mừng giới nghệ sĩ: “Nào cạn ly mừng người nghệ sĩ, tiếng thi ca
nét chấm phá tô thêm đời mới.”
Giới nghệ sĩ là
những người làm đẹp cho đời bằng các tác phẩm nghệ thuật, chính các tác phẩm đó
là “món ăn tinh thần.” Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn cần bồi
dưỡng tinh thần nữa. Cần lắm, vậy tại sao người ta lại chỉ chú trọng vật chất?
Có tự mâu thuẫn không?
Dù vui hay buồn,
dù sướng hay khổ, dù đời thường hay tôn giáo, ai cũng luôn cần sự hòa bình đích
thực: “Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng
liêng, chúc non sông hoà bình, hoà bình, ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy
quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi.” Lời cầu chúc là
điều ước nguyện, mà điều ước nguyện nào cũng thực sự thiêng liêng, cần lắm
trong cuộc sống thường nhật.
Khi người ta mơ
ước là người ta đang tin tưởng, tin chắc thì sẽ được, như người Pháp nói: “Vouloir, c’est pouvoir” (Muốn là được).
Quả thật, niềm tin rất cần trong cuộc sống đối với bất kỳ ai. Hãy tin tưởng và
mừng vui: “Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày
mai sáng trời tự do, nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà.”
Đẹp lắm hai tiếng “hòa bình.” Tự do và hòa bình đều liên đới với nhau.
Cuối cùng, NS
Chương dùng câu kết (coda) ngắn gọn và đầy ý nghĩa, tạo hứng khởi cho chúng ta,
và niềm tin đó cứ dâng cao theo giai điệu đi lên cao vút: “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình dâng phơi phới.”
Còn về đời sống
tâm linh, chúng ta có cần cầu chúc nhau điều gì?
Chắc hẳn có nhiều
điều lắm, nhưng điều cần thiết trước tiên là chúc bình an. Chúa Giêsu căn dặn: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói:
“Bình an cho nhà này!” (Lc 10:5) Sau khi sống lại, khi các Tông đồ và các
bạn hữu đang tụ họp trong phòng, Chúa Giêsu hiện ra và nói: “Bình an cho anh em.” (Lc 24:36) Thánh
Phaolô cũng nhắc tới bình an: “Người đã
đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho
những kẻ ở gần.” (Ep 2:17)
Quả thật, bình an
là điều tối cần thiết cho mọi người, không trừ ai. Bình an của Chúa càng cần
thiết hơn vì bình an đó quá đặc biệt: “Thầy
để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho
anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga
14:27)
Trong Thánh Lễ hằng
ngày, Giáo Hội cũng vẫn mời gọi chúng ta chúc bình an cho nhau. Lúc đó, chúng
ta có thực sự chúc bình an cho nhau hay chỉ là làm theo nghi thức? Chúc bình an
cũng bao hàm lòng yêu thương: “Nếu anh em
yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi
cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.” (Lc 6:32) Nghe Chúa Giêsu nói vậy, bạn
có thấy “nhột gáy” không?
Người Anh có câu
nói chí lý: “Let bygones be by gones”
(Chuyện gì đã qua thì cứ cho qua), nghĩa là tha thứ cho nhau, có vậy thì mới có
thể nâng ly rượu cùng mừng Xuân mới và chân thành chúc nhau: Chúc Mừng Năm Mới.
TRẦM THIÊN THU
✽ Chuyện Cuối Năm – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/11/chuyen-cuoi-nam.html
✽ Chuyện Đầu Năm – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/chuyen-au-nam.html
✽ Câu Đối Tết – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/01/cau-oi-tet.html
✽ Chuyện Vuông Tròn – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/02/chuyen-vuong-tron.html
✽ Cung Chúc Tân Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/cung-chuc-tan-xuan.html
✽ Phúc Lộc Thọ – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/phuc-loc-tho.html
✽ Tính Tết Nết Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/01/tinh-tet-net-xuan.html
✽ Tục Lệ Tết – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/01/tuc-le-tet.html
✽ Tết Lì Xì Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/01/tet-li-xi-xuan.html
✽ NS Phạm Đình
Chương sinh ngày 14-11-1929 tại Bạch Mai (Hà Nội). Quê nội ở Hà Nội
và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc,
thân phụ là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người
con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ kết hôn với nữ kịch
sĩ Kiều Hạnh, và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca
sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Người vợ sau của
ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca
sĩ Thái Hằng, vợ NS Phạm Duy), con trai thứ là NS Phạm Đình Chương,
và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Ông được nhiều
người chỉ dẫn nhạc lý, nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng
chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và
Phạm Thị Băng Thanh gia nhập Ban Văn nghệ Quân đội ở Liên khu IV.
Phạm Đình Chương
bắt đầu sáng tác lúc 18 tuổi (1947), nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông
thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng
mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng (viết chung với
Phạm Duy), Hò Leo Núi,... đều có nét hùng kháng, tươi trẻ.
Năm
1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh ca sĩ Hoài
Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng
Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của
miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc Giao
Duyên, Kiếp Cuội Già, Được Mùa, Tiếng Dân Chài,... Thời gian sau
đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm Đêm, Đợi
Chờ, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Xuân Tha Hương,...
Sau
khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình
ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức,
buốt giá tâm can: Đêm Cuối Cùng, Thuở Ban Đầu, Người Đi Qua Đời
Tôi, Nửa Hồn Thương Đau, Khi Cuộc Tình Đã Chết,...
Ông
được coi là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên
tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Có thể nói rằng Phạm Đình Chương là một
trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở
thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi Mắt Người Sơn
Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa
Hồn Thương Đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm Nhớ Trăng Saigon (thơ
Du Tử Lê), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Màu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa),
Buồn Đêm Mưa (thơ Huy Cận),... Ông cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca
bất hủ “Hội Trùng Dương,” viết về ba con sông Việt Nam: Sông Hồng, sông
Hương và sông Cửu Long.
Sau
1975, ông định cư tại California (Hoa Kỳ), và qua đời ngày 22-8-1991.
✽ Kiêng Cữ & Đức Tin – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/01/kieng-cu-va-uc-tin.html
✽ Mùa Xuân & Số 5 – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/mua-xuan-va-so-5.html
✽ Mùa Xuân Đầu Tiên – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/mua-xuan-au-tien.html
✽ Mùa Xuân Ở Đâu? – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/mua-xuan-o-au.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment