Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Chữ HẠNH

Ca dao Việt Nam có câu: “Người trồng cây HẠNH người chơi – Ta trồng cây ĐỨC để đời mai sau.” Đó cách nói ẩn dụ, dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng. Cây Hạnh là cây mận, ngụ ý nói tới Hạnh Kiểm – nhân đức nơi con người. Trong đó, chữ “hạnh” đối với chữ “đức.” Cây Đức là ẩn dụ về đức hạnh của con người. Câu ca dao này đề cao giá trị đạo đức qua việc tu dưỡng. Trồng cây cối chỉ có lợi vài tháng hoặc nhiều năm, nhưng trồng “cây đức” sẽ lợi ích mãi mãi.

Làm gì cũng phải kiên trì, tu tâm dưỡng tính càng phải kiên trì hơn. Lợi ích không thấy ngay nhưng chắc chắn sẽ hữu ích, đồng thời phải miệt mài ngày đêm, và khởi đầu từ nền tảng vô giá: “Tiên học Lễ, hậu học Văn.” Được giáo dục và tiếp thu tốt, con người đó sẽ tốt lành và hữu dụng. Tiền nhân nói đơn giản mà thâm thúy: “Ở có đức mặc sức mà ăn.” Đặc biệt là có lợi về tinh thần, như ca dao nói: “Ở hiền thì lại gặp lành – Những người nhân đức Trời dành phúc cho.”

TỪ NGỮ

Chữ “Hạnh” có nhiều nghĩa: Phẩm hạnh, hạnh kiểm; may mắn, phúc lành; hy vọng, kỳ vọng; thương yêu, sủng ái; thương xót, lân mẫn, lân tuất; khen ngợi, khuyến khích. Phạm vi bài này chú trọng ý nghĩa Nhân Đức. Trong tứ đức, Hạnh là đức thứ tư, được xem là quan trọng nhất đối với phụ nữ. Chữ “Hạnh” là hạnh kiểm, kín đáo, đạo đức, nhân hậu, thủy chung, son sắt, yêu thương, nề nếp,… Đức hạnh của phụ nữ được thể hiện qua các mối quan hệ phu thê, mẫu tử, phụ tử. Phụ nữ phải biết giữ gìn phẩm hạnh, tiết hạnh, lễ giáo gia phong.

Có nhiều loại “hạnh” như hạnh ăn uống, hạnh đi đứng, hạnh nằm, hạnh ngồi, hạnh ngủ, hạnh ăn mặc, hạnh đầu tóc, hạnh ăn ở, hạnh làm việc, hạnh nói năng, hạnh đối xử, hạnh hiếu đễ, hạnh lễ nghĩa, hạnh nhẫn nhục, hạnh chịu đựng, hạnh giữ mình,... Rất đa dạng.

Riêng “hạnh” về lời nói có liên quan nhiều dạng: [1] không nói to, [2] không lắm chuyện, [3] không thêm bớt, [4] không ngắt lời, [5] không mập mờ, [6] không lấy lòng, [7] không nói hành, [8] không ba hoa, [9] không điêu ngoa, [10] không khích bác, [11] không khoác lác, [12] không càm ràm, [13] nói thật lòng, [14] nói đầy đủ, [15] nói mạch lạc, [16] nói chắc chắn, [17] nói ý tứ, [18] nói điều cần, [19] nói sự thật, [20] nói nghiêm túc.

CHUYỆN KỂ

1. Một chàng trai nhận ra thầy giáo dạy tiểu học của mình trên đường. Anh lại gần ông giáo già và hỏi: “Thầy có nhận ra em không? Em là học sinh của thầy đây.” Ông giáo già thản nhiên: “À, thầy nhớ là dạy em hồi lớp ba. Bây giờ em làm gì rồi?” Chàng trai nói: “Em cũng đi dạy học. Chính thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến em, nên em cũng muốn đi dạy những em nhỏ.”

Ông giáo già cười: “Vậy sao? Cho phép tôi tò mò một chút, ảnh hưởng của tôi thể hiện về điều gì?” Chàng trai ngạc nhiên: “Thầy thực sự không nhớ gì sao? Thầy cho phép em nhắc lại chuyện cũ nhé.” Rồi chàng trai kể lại rằng...

Có lần một bạn học đến lớp đeo một chiếc đồng hồ rất đẹp được bố mẹ tặng. Bạn ấy tháo ra và đặt nó vào ngăn bàn. Em luôn mơ ước có một chiếc đồng hồ như thế. Em đã không kiềm chế được lòng tham và quyết định lấy chiếc đồng hồ đó. Một lúc sau, bạn ấy đến chỗ thầy, vừa khóc và vừa than bị mất đồ. Thầy nhìn khắp cả lớp một lượt rồi nói: “Ai đã lấy chiếc đồng hồ của bạn, xin hãy mang trả cho bạn ấy.”

Em rất xấu hổ, nhưng em không muốn bỏ chiếc đồng hồ ra, do vậy em đã không nhận lỗi. Thầy đi ra đóng cửa lớp lại và ra lệnh cho tất cả học sinh nam đứng dọc bờ tường. Thầy báo trước: “Thầy sẽ khám túi tất cả các em với một điều kiện: tất cả phải nhắm mắt lại.” Chúng em nghe lời thầy, và em cảm thấy đó chính là khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong thời thơ ấu của mình.

Thầy đi từ đứa này đến đứa khác, sờ từ túi quần này sang túi quần khác. Khi rút chiếc đồng hồ ra khỏi túi quần của em, thầy vẫn tiếp tục đi đến đứa học trò cuối cùng. Sau đó, thầy nói: “Các em, tất cả đã xong. Các em có thể mở mắt ra và đi về bàn của mình.” Thầy đưa trả lại chiếc đồng hồ cho bạn ấy và không bao giờ nói gì về việc đó.

Ngày hôm đó, thầy đã cứu vãn danh dự và tâm hồn em. Thầy đã không tố giác em là kẻ cắp, kẻ lừa dối, đứa vô tích sự. Thầy cũng không cần nói chuyện với em về điều đó. Mãi sau này, em mới hiểu tại sao. Bởi vì thầy là người thầy chân chính, thầy không muốn làm hoen ố phẩm cách một đứa trẻ chưa trưởng thành. Bởi vậy, em đã trở thành thầy giáo như thầy.

Cả hai im lặng, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Rồi chàng trai hỏi: “Chẳng lẽ hôm nay nhìn thấy em, thầy không nhớ chuyện đó sao?” Ông giáo già trả lời: “Vấn đề là ngày xưa, khi soát túi quần các em, thầy cũng NHẮM MẮT.”

2. Nhà trí thức kiêm thi sĩ François Coppée (1842–1908), người Pháp, cộng tác với tờ Journal de Paris. Mỗi bài đăng của ông được trả rất hậu hĩnh hồi cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Khi thấy báo này cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin giám đốc tờ báo đó cho ông ngưng cộng tác. Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc nên nói: “Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn franc (tiền Pháp) mỗi năm.” Tuy nhiên, ông François mỉm cười và trả lời: “Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc. Tôi biết ông luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng với tôi. Nhưng đây là vấn đề LƯƠNG TÂM của tôi.”

Cả hai câu chuyện đều đề cập vấn đề Lương Tâm, tất nhiên liên quan chữ “Hạnh” của con người. Vấn đề có vẻ đơn giản mà rất phức tạp, thậm chí là quá nhiêu khê. Thật không dễ gì khi phải quyết định, vì “cái tôi” luôn ngăn cản. Phải là người thực sự có đức hạnh thì mới có thể hành động như ông giáo già và ông François Coppée.

CUỘC SỐNG

Thời Cựu Ước có bà Rút “là một phụ nữ đức hạnh,” (R 3:11) được mọi người quý mến, yêu thương. Kinh Thánh xứng đáng: “Phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục. Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời; không chi quý giá bằng người tiết hạnh. Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa.” (Hc 26:14-16) Và Kinh Thánh có lời khuyên dành cho quý ông: “Đừng rời bỏ người vợ khôn ngoan đức hạnh, vì duyên dáng của nàng quý hơn cả vàng nữa.” (Hc 7:19)

Có nhiều loại “Hạnh” được đề cập như lời khuyên trong sách Huấn Ca: “Con phải biết thẹn thùng xấu hổ trước mặt cha mẹ, vì chuyện dâm ô, trước mặt người quyền cao chức trọng vì những lời dối trá, trước mặt những ai cầm quyền xét xử vì hành vi phạm pháp, trước mặt cộng đồng, trước mặt toàn dân vì lối sống vô đạo, trước mặt các bạn bè thân hữu vì những chuyện bất nghĩa, bất nhân, trước những người cùng xóm cùng làng vì những chuyện trộm cắp. Con phải biết thẹn thùng xấu hổ vì không giữ lời thề nguyền cam kết, hay đã giơ tay xin bánh mà ăn, vì lăng nhục khi nhận hoặc cho, hay làm thinh trước những ai chào hỏi, vì gặp gái bán dâm mà nhìn chòng chọc, hay gặp họ hàng thân thích mà ngoảnh mặt đi, vì chiếm của, chiếm quà người ta, hay mải mê nhìn phụ nữ có chồng, vì săn đón đầy tớ gái người ta – tới gần giường cô ấy làm gì! Con phải biết thẹn thùng xấu hổ vì làm nhục bạn bè – đã cho người ta thì đừng làm nhục! – vì học lại cho người khác điều đã nghe, hay tiết lộ những điều bí mật. Có vậy con mới biết thế nào là xấu hổ thật và sẽ gây được thiện cảm với mọi người.” (Hc 41:17-27)

Là con người, dù nam hay nữ, cũng phải trau chuốt chữ “Hạnh” suốt đời, như Kinh Thánh cho biết: “Người đức hạnh lưu danh muôn thuở, vì được cả Thiên Chúa lẫn người đời biết đến.” (Kn 4:1) Chữ “Hạnh” cũng được cụ Nguyễn Đình Chiểu đề cập trong tác phẩm Lục Vân Tiên: “Trai thời Trung Hiếu làm đầu – Gái thời Tiết Hạnh là câu trau mình.”

Đức Hạnh đối lập với Thói Xấu nhưng có liên quan với nhau. Thánh Gioan Climacus cho biết: “Ma quỷ thường làm hại linh hồn con người bằng cách lấy đức hạnhviệc thiện tu đức của con người bày ra trước mắt để dẫn con người tới kiêu ngạo.” Và Thánh “Bông Hoa Nhỏ” Têrêsa nói: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn quảng đại bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm tự mãn.” Đừng ảo tưởng hoặc ngộ nhận kẻo chưa Khôn đã Khốn!

Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi – cách riêng là Năm Sự Vui, tín nhân được nhắc nhở phải cầu xin để có được các nhân đức: khiêm nhường, bác ái, nghèo khó, vâng lời, trung tín (giữ nghĩa cùng Chúa).

Cuộc sống nhiêu khê, luôn phải nỗ lực không ngừng. Ca dao Việt Nam nói: “Khúc sông bên lở bên bồi – Bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm.” Hình ảnh con sông cụ thể và rõ ràng, ai cũng nhân thấy. Chúa Giêsu cũng rất thực tế khi Ngài nói: “Phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Mt 25:29; Lc 19:26)

Lạy Thiên Chúa, xin ban thêm cho chúng con các nhân đức đối thần và đối nhân để chúng con sống xứng đáng là con cái và chứng nhân của Ngài. Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, xin cầu thay nguyện giúp chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo TTĐM tháng 9+10 năm 2024, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc tại Hoa Kỳ]

Chữ CÔNG – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/06/chu-cong.html
Chữ DUNG – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/07/chu-dung.html
Chữ NGÔN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/08/chu-ngon.html

 Chữ NHÂN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/01/chu-nhan.html
 Chữ LỄ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-le.html
 Chữ NGHĨA – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-nghia.html
 Chữ TRÍ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/04/chu-tri.html
 Chữ TÍN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/chu-tin.html

 Chữ KHỔ – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/09/chu-kho.html
 Chữ LƯƠNG – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/chu-luong.html
 Chữ NGỜ – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/08/chu-ngo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment