Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

Chữ TRÍ

Người Sáng Trí Miệt Mài Niệm Lời Chúa
Kẻ Khôn Ngoan Chăm Chỉ Nghe Dụ Ngôn

Hc 3:29 đã xác định như vậy. Tác giả sách Khôn Ngoan cho biết: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hóa Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ.” (Kn 13:1-2)

Lời đó nghe có vẻ “nặng nề” lắm, nhưng đó là sự thật – dù rất phũ phàng. Vả lại, chính Thiên Chúa đã phân biệt và xác định với con người: “Này, kính sợ Chúa Thượng, đó là Khôn Ngoan, tránh xa điều ác, đó là Trí Hiểu.” (G 28:28) Rất rõ ràng, rất rạch ròi!

TRÍ TUỆ ĐỜI THƯỜNG

Chữ Trí là một đức tính trong “ngũ thường” (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) và là một tiêu chuẩn ứng xử của con người. Khổng Tử nói: “Trí giả bất hoặc.” – Bậc trí tuệ không mụ mị. Đó là cách lý giải về chữ Trí. Khi con người có kiến thức sâu rộng, hiểu rõ sự vật, phân biệt thị phi, phải trái, thì mới đạt được mức độ “bất hoặc” – không mụ mị.

Chữ Trí liên quan chỉ số IQ, và được ghép với nhiều chữ khác: Trí Tuệ, Trí Thức, Trí Lực, Trí Khôn, Tâm Trí, Mưu Trí,... Chữ Trí dùng để nói về người học rộng biết nhiều, tâm sáng, có thể nhìn thấu thật giả của vạn vật trên đời, và khéo xử trí trong tình huống khó khăn.

Trí tuệ là sáng suốt, ngôn luận là nói năng, luôn đi thẳng vào vấn đề chính. Ngôn luận là cách biểu đạt bên trong và biểu hiện ra bên ngoài về tư tưởng và trình độ của chính người đó. Người có trình độ thế nào thì sẽ nói ra những lời như thế ấy. Chỉ khi nào hiểu rõ trắng đen, phân biệt thị phi, thì mới có thể nói về đạo lý. Điều đó chứng tỏ rằng nếu ai biết dùng lời nói để làm sáng tỏ đạo lý và đi đúng trọng tâm vấn đề thì đó là người thông thạo, có hiểu biết và thông minh. Chữ Trí cũng được mở rộng nghĩa là thông hiểu sự việc và trí thông minh.

Lê Quý Đôn đề cập chữ Trí: “Phi trí bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt.” Câu “Phi trí bất hưng” như một quy luật về sự hưng thịnh của một quốc gia. Sức mạnh của chữ Ổn, chữ Phú và chữ Hoạt đủ để nói về mục đích hướng tới, nhưng trước tiên là chữ Trí. Câu “có thực mới vực được đạo” là sự đúc kết thường đi kèm với câu vè “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.” Nói về nghĩa, người ta hay đề cập câu nói của Mạnh Tử: “Hằng sản, hằng tâm.” – Có của cải, có lòng tốt.

Mạnh Tử cũng nói về mối liên quan giữa chữ Trí và chữ Tâm: “Thị phi chi Tâm, Trí chi đoan dã.” – Tâm phân biệt phải quấy, Trí là hạng đứng đầu. Sách Trung Dung nói: “Chí thành chi đạo khả dĩ tiền tri.” – Người được đạo chí thành có thể biết trước được mọi việc.”

Trí tuệ sức khỏe và là tài sản quý giá của mỗi con người. Trí tuệ bao gồm Trí là thấy và Tuệ là hiểu. Trí tuệ là sự thông minh, am hiểu và sáng suốt. Khi có trí tuệ, con người không dễ sa vào những thói u mê, tội lỗi, nhưng luôn thể hiện sự hiểu biết nhạy bén, tận dụng tốt tiềm năng của trí óc. Tiền nhân có câu: “Trí giả nhạo thủy” – Người có trí luôn thông suốt như dòng nước có thể chảy qua được tất cả các rào cản. Chữ Trí đề cập việc đạt được tính kiên nhẫn, tĩnh tâm và suy ngẫm sâu sắc. Nên rèn luyện tâm trí để có thể hiểu biết thấu đáo thực tại.

Có ngụ ngôn “Giải Đáp Thắc Mắc” như thế này: Một thanh niên nọ hay than vãn về cuộc sống bế tắc của mình và muốn tìm cách giải thoát. Một hôm, anh nằm mơ thấy mình giao tiếp được với thần linh. Nhìn vẻ mặt đáng thương của anh, thần linh nói: “Con có việc gì cần ta giúp phải không?” Anh ta đáp: “Thưa thần linh, con có mấy câu hỏi xin được thỉnh giáo.” Thần linh nói: “Được, ta cho phép ngươi hỏi ba câu.”

Anh ta hỏi câu thứ nhất: “Tại sao con rùa già tu hành trên 500 năm mà vẫn chưa biến thành rồng?” Thần linh nói: “Vì con rùa ấy không bỏ được cái mai nặng nề ở trên lưng.” Anh ta hỏi câu thứ hai: “Tại sao vị đạo sĩ tu hành gần trăm năm mà vẫn không thể bay lên trời?” Thần linh đáp: “Vì trong lòng đạo sĩ ấy vẫn còn quyến luyến chiếc gậy của mình.” Anh ta hỏi câu thứ ba: “Tại sao cô con gái xinh đẹp của viên quan trong vùng lại không nói được?” Thần linh cho biết: “Đơn giản thôi, chỉ cần gặp được ý trung nhân thì cô ấy sẽ nói được.”

Dứt lời thần linh liền biến đi, chàng thanh niên tỉnh giấc và phần nào hiểu được những nguyên nhân ở đời. Phải biết buông bỏ để nhẹ mình, người như vậy hẳn là phải có lý trí sáng suốt và mạnh mẽ.

TRÍ TUỆ TÂM LINH

Lý trí cần đức tin và đức tin cần lý trí, nhờ đó mà người ta không mê tín dị đoan, cuồng tín hoặc tin nhảm nhí. Thánh Phaolô mạnh mẽ xác quyết: “Tôi biết tôi tin vào ai.” (2 Tm 1:12) Thật khôn ngoan khi Thánh Vịnh gia cầu nguyện: “Con là tôi tớ Ngài, xin ban TRÍ THÔNG MINH để con được am tường thánh ý.” (Tv 119:125) Thánh Isaak Syria nói: “Nếu không xa lánh thế gian, chẳng ai có thể gặp được Thiên Chúa. Khi nói xa lánh, tôi không có ý nói về việc thay đổi chỗ ở thể lý, nhưng là xa lánh các sự trần tục. Nhân đức siêu thoát hệ tại ở chỗ không để TÂM TRÍ vướng bận về trần thế.” Thánh Nilus Sinai cho biết: “Khi bừng cháy lửa khát khao Thiên Chúa, có thể nói rằng TÂM TRÍ anh em sẽ dần dần giũ sạch được nhục dục và mọi suy tư hoặc ký ức đã bị gây ra do các ấn tượng xấu xa; đồng thời nó được tràn đầy lòng kính thờ và hân hoan. Bấy giờ, anh em có thể kết luận rằng nó đã đến biên cương của sự cầu nguyện.”

Thánh Barsanuphius phân tích: “Khi một người thoát được cảnh CHIA TRÍ và thấy TÂM TRÍ được Chúa soi sáng, được tràn ngập niềm vui, họ đã gần đạt đến chỗ cầu nguyện hoàn hảo.” Thánh Anthony Cả giải thích: “Sự dữ gắn liền với bản tính của chúng ta như hoen rỉ với sắt, hoặc cáu ghét với thân xác. Nhưng hoen rỉ không do người thợ sắt và cáu ghét không do cha mẹ tạo ra thế nào, thì sự dữ cũng không do Thiên Chúa làm ra như vậy. Ngài ban cho con người LƯƠNG TÂM và LÝ TRÍ để tránh lánh sự dữ, vì Ngài biết nó tai hại và đem lại khổ hình cho họ.”

Trong Thông điệp “Spe Salvi” (Được Cứu Nhờ Hy Vọng, số 23), Đức Benêđictô XVI đã nói về bản chất, giá trị và vai trò của lý trí: “Quả thật, LÝ TRÍ là hồng ân cao quý Thiên Chúa ban cho con người, và sự chiến thắng của LÝ TRÍ trên sự phi lý cũng là một mục tiêu của đức tin Kitô giáo. Nhưng khi nào thì LÝ TRÍ thực sự làm chủ? Phải chăng khi LÝ TRÍ được tách ra khỏi Thiên Chúa? Phải chăng khi nó trở nên mù lòa trước Thiên Chúa? Phải chăng LÝ TRÍ của quyền lực và của hành động đã là toàn bộ LÝ TRÍ? Nếu tiến bộ, để thực sự là tiến bộ, phải cần đến sự tăng trưởng luân lý của nhân loại, thì LÝ TRÍ của quyền lực và hành động còn cần hòa nhập vào việc phân định thiện ác cách khẩn thiết hơn nữa, nhờ LÝ TRÍ mở ra với những sức mạnh cứu độ của đức tin. Chỉ có như thế lý trí mới trở nên thực sự nhân bản, và có khả năng chỉ đường cho ý chí, và LÝ TRÍ chỉ làm được điều này khi nó biết vượt lên chính mình. Ngược lại, khi mất quân bình giữa khả năng vật chất và sự thiếu phán đoán của con tim, thì tình trạng đó sẽ trở nên một đe dọa cho con người và toàn thể tạo thành… Không còn nghi ngờ chút nào rằng Thiên Chúa thực sự bước vào cuộc sống của con người, không chỉ đơn thuần vì chúng ta tưởng nghĩ đến Ngài, nhưng chính Ngài đích thân đến gặp gỡ và ngỏ lời với chúng ta. Chính vì thế mà LÝ TRÍ cần đến đức tin để hoàn toàn là chính mình: LÝ TRÍ và ĐỨC TIN cần đến nhau để hoàn thành bản chất và sứ mạng đích thực của mình.”

Thánh Augustinô xác định: “Tôi tin để hiểu, và tôi hiểu để tin.” (Augustine, Serm. 43, 7, 9) Đức tin soi sáng tâm trí và giúp cho lý trí nắm bắt được các chân lý nền tảng về thực tại.

Kinh Thánh cho biết: “Người tóc bạc được trí khôn ngoan, bậc tuổi cao có tài thông hiểu.” (G 12:12) Quả thật, người có trí tuệ và thông hiểu là người có phúc: “Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán.” (Cn 3:13) Người biết sử dụng trí tuệ cũng là người có phúc: “Phúc thay kẻ nghiền ngẫm khôn ngoan, và biết dùng trí khôn mà suy luận.” (Hc 14:20)

Trí tuệ liên quan khôn ngoan: “Người có trí khôn ngoan được coi là sáng suốt, lời ngọt ngào làm cho sức thuyết phục gia tăng.” (Cn 16:21) Trí tuệ cũng liên quan lời nói: “Trí khôn ngoan làm miệng nên khéo léo và thêm sức thuyết phục cho đôi môi.” (Cn 16:23) Mọi sự đều có tính liên đới, Kinh Thánh cho biết điều đáng suy tư và phải cân nhắc: “Trí khôn ngoan hơn cả sức mạnh, nhưng cái khôn của người nghèo lại bị khinh dể, lời người ấy nói, chẳng ai chịu lắng nghe. Trí khôn ngoan mạnh hơn vũ khí, nhưng một kẻ vụng dại làm hỏng biết bao việc tốt lành.” (Gv 9:16 & 18)

Tất cả đều bởi Thiên Chúa, bởi vì “trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Ngài mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.” (Hc 15:18) Ngài “toàn năng, trí tuệ khôn lường” nhưng Ngài “chẳng khinh thường ai cả.” (G 35:5) Chúng ta chẳng là gì mà lại kiêu sa thái quá. Chúng ta phải xét mình để nhận thức đúng đắn: “Bản thân chúng ta, cùng với ngôn từ, với toàn bộ trí tuệ và tài năng, tất cả đều nằm trong tay Thiên Chúa.” (Kn 7:16)

Càng thông minh, giỏi giang, càng phải khiêm nhường, bởi vì “kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào.” (Cn 16:18) Thiên Chúa yêu quý người khiêm nhường, ai khiêm nhường sẽ làm Ngài vui lòng và có lợi: “Khi Đức Chúa hài lòng về lối sống của ai, Ngài khiến cả quân thù cũng làm hòa với kẻ ấy.” (Cn 16:7)

Và họ còn được nhiều lợi ích khác nữa: “Nếu đẹp lòng Đức Chúa cao cả, người ấy sẽ dư đầy trí thông minh, ban phát lời khôn ngoan như mưa móc tràn trề, dùng lời kinh mà chúc tụng Đức Chúa. Nhiều người sẽ khen ngợi người ấy thông minh, trí thông minh đó sẽ không bao giờ bị quên lãng, hình ảnh người ấy sẽ không phai mờ và danh thơm sẽ trường tồn qua muôn thế hệ.” (Hc 39:6 & 9) Được như thế thì hạnh phúc biết bao!

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 4:17d; Et 5:1a; 2 Mcb 6:30; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 10:12; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20) Ngài “đã thấy và đã đếm khôn ngoan, Ngài đổ mưa am tường và hiểu biết của trí tuệ, nâng cao vinh dự của những kẻ gắn bó với khôn ngoan.” (Hc 1:19) Và chắc chắn rằng “chỉ mình Đấng Toàn Tri mới biết đức khôn ngoan, chỉ có trí tuệ Ngài mới thông suốt được. Ngài đã thiết lập cõi đất cho bền vững muôn đời, đã cho thú vật tràn đầy mặt đất.” (Br 3:32)

Ngôn sứ Isaia cho biết: “Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất. Ngài không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Ngài khôn dò thấu.” (Is 40:28) Ngài sẽ ban cho ai cần và biết cầu xin, nhưng phải theo ý Ngài: “Ai đẹp lòng Thiên Chúa thì Ngài ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui.” (Gv 2:26)

Con người là sinh vật cao cấp, hơn loài vật nhờ có trí khôn. Thiên Chúa ban trí khôn cho mọi người từ khi làm người, và chúng ta phải sử dụng trí khôn một cách đúng đắn. Và Kinh Thánh khuyên: “Hãy học cho biết đâu là khôn ngoan, đâu là sức mạnh, đâu là thông hiểu, đâu là trường thọ và sự sống, đâu là ánh sáng soi con mắt, và đâu là bình an.” (Br 3:14)

Lạy Thiên Chúa, xin cho con nhận biết Ngài và ý thức thân phận con để con tin yêu Ngài suốt đời. Xin ban cho con đủ trí tuệ để yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân, để có thể hoàn thiện theo ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo TTĐM tháng 04-2024, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]

 Chữ NHÂN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/01/chu-nhan.html
 Chữ LỄ – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-le.html
 Chữ NGHĨA – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/02/chu-nghia.html
 Chữ TÍN – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/chu-tin.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment