Requiescat In Pace – Xin Cho Các Linh
Hồn Nghỉ Yên!
Thánh TS Tôma Aquinô cho biết: “Trong tất cả lời cầu nguyện, lời cầu nguyện xứng đáng nhất được Thiên Chúa chấp nhận là lời cầu nguyện cho người đã qua đời, bởi vì lời cầu nguyện đó hàm chứa tất cả đức ái, cả thể lý và tinh thần.” Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa – vì Ngài không thể không đáp lại lời cầu của người tín thành. Lời cầu nguyện vô cùng kỳ diệu!
Lời cầu nguyện của người công chính dành cho
người khác càng có giá trị gấp bội. Thánh Margaret Maria Alacoque: “Một linh hồn công chính có thể xin được ơn
tha thứ cho cả ngàn tội nhân.” Cầu nguyện cho người khác cũng là cầu nguyện
cho chính mình.
Cố NS Trầm Tử Thiêng viết ca khúc “Tưởng
Niệm” năm 1972 – Mùa Hè Đỏ Lửa kinh hoàng ở Quảng Trị, để tưởng nhớ những người
ngã xuống. Ông tâm sự: “Ta nghiêng tai
nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới. Ta nghiêng vai soi lại tình
người, thì bóng chiều chìm xuống đôi môi. Đang đam mê cho đời nở hoa, chợt bàng
hoàng đến kỳ trăn trối. Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng hụt
mất trên tay.”
Vì thế, con người khắc khoải khôn nguôi: “Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ;
ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ. Bàn tay làm sao giữ, một đời vừa đi
qua? Bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha?” Cuối cùng, “trong cơn
đau một vùng hương khói, kéo ta về, về cõi hư vô…”
Cái chết là nỗi buồn sâu thẳm nhất, to lớn
nhất. Nhưng đời tín nhân vẫn tràn trề hy vọng. Tục lệ dòng Carthusian rất hay: Khi
một đan sĩ qua đời, đan sĩ đó được chôn nơi huyệt do mình tự đào lúc còn sống và không
để bảng tên. Điều đó không có nghĩa là đan sĩ chờ chết mà là tin tưởng vào sự
sống đời đời. Thi hài đan sĩ được chôn cất trong bộ áo dòng trắng, mặt che bằng
tấm vải trắng, đặc biệt là không có quan
tài. Thật ý nghĩa biết bao!
1.
MỘT GIẢ THUYẾT THẬT
Có nhiều cách giả sử – hoặc ví dụ. Người ta
chỉ giả sử điều tốt chứ chẳng ai ví dụ điều xui xẻo. Giả sử là dạng “nếu,” một kiểu
ước mơ – dĩ nhiên có thể hoặc không thể hiện thực. Đặc biệt có cách giả sử rất
thực tế, chắc chắn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào: Chết. Chắc hẳn có người cho là xui
xẻo, bởi như vậy là dại dột và ngu xuẩn. Thật ra không phải vậy, cách giả sử
khôn ngoan đấy!
Khi đang vui sống, không ai muốn đề cập sự
chết, thế nhưng chẳng ai thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần. Chắc chắn chết là
điều thực tế, là vấn đề rất thật – thật hơn cả sự thật. Dù đó là “chuyện xui
xẻo” thì cũng cứ bình tĩnh đặt vấn đề: “Nếu chỉ còn một ngày để sống.” Có bao giờ bạn nghĩ
như vậy? Và
tính thế nào?
Ai cũng biết một điều chắc chắn rằng lá xanh
hay lá vàng vẫn có thể “rụng” bất kỳ lúc nào, dù gió to hay gió thoảng, thậm
chí là không có gió; trái xanh hay trái chín thì người ta cũng có thể “hái” bất
cứ lúc nào – sáng, trưa, chiều, tối, hoặc đêm khuya. Phản ứng thế nào
và làm gì? Chết lúc nào tốt, lúc nào xấu? Giờ nào chết thì “hên” và lúc nào
chết thì “xui”? Ai có thể cưỡng lại tử thần? Biết 9 giờ sáng hên mà không chết,
lại chết vào 6 giờ tối? Tương tự, biết thời điểm nào đó “hên” và thuận tiện mà
sao không sinh? Muốn có được không? Xui hay hên là do mình. Chẳng ai biết mình chết lúc
nào và cách nào. Khi sắp chết mới biết mình… sắp chết. Có thể muộn mất rồi!
Mệnh đề “Nếu chỉ còn một ngày để sống” là một
giả-thuyết-thực-tế, một cái “nếu” rất thật, thật đến nỗi điều đó có thể xảy ra
bất kỳ lúc nào, thậm chí là ngay bây giờ – mặc dù ai đó mới vài tuổi, ngoài đôi
mươi, tứ tuần, trung niên, thất tuần, bát tuần, hoặc xấp xỉ… trăm tuổi. Con
người hoàn toàn có “điểm mù” về vấn đề này.
Tuy nhiên, cái
“nếu” đó rất ý nghĩa và quan trọng – dù bạn là ai, ở cương vị nào, có hay không
có niềm tin tôn giáo. Chuyện kể rằng một lần nọ, khi đang giờ chơi tại Khánh Lễ
Viện, Thánh Don Bosco hỏi cậu Saviô: “Nếu
chỉ còn một giờ nữa con chết, con sẽ làm gì?” Cậu đáp ngay: “Con vẫn tiếp tục chơi.”
Câu trả lời Thánh
“nhí” Saviô thật tuyệt vời, vì đó là thi
hành Ý Chúa trong hiện tại. Giờ nào việc nấy. Dù là việc đọc sách thiêng
liêng hay đọc kinh, cầu nguyện, làm từ thiện,... nếu không “đúng lúc” thì cũng
vô nghĩa. Điều đó cho thấy “nhiệm vụ hiện tại” rất quan trọng qua cách thể hiện
đức tin. Dù là ai thì trước tiên vẫn phải là con người, không chỉ phải giữ luật
sống của một người bình thường mà còn phải lưu ý rằng mình cũng sẽ chết, dù
bệnh tật hay khỏe mạnh. Đó là một thực tế vừa minh nhiên vừa mặc nhiên, có sợ
cũng chẳng thoát, vậy thì đừng sợ, cứ thản nhiên chờ đợi!
Người danh giá
hay vô danh, người giàu hay nghèo, người lớn hay nhỏ, người giỏi hay dốt, người
tài năng hay bình thường, người có tín ngưỡng hay vô thần, người xấu hay đẹp,
người cao hay thấp, nam hay nữ,… cuối cùng ai cũng hoàn toàn giống nhau: “Tay trắng vẫn hoàn trắng tay.” Nhắm mắt
xuôi tay là… “chấm hết” đời này! Ai cũng biết vậy, thế mà người ta vẫn cứ tranh
giành nhau, chi li từng chút. Quả thật, “cái tôi” rất lớn, như Pascal xác định:
“Cái TÔI là đáng ghét.” Nhưng mấy ai
dám ghét mình? Chúa Giêsu nói “từ bỏ mình” theo nghĩa đen chứ chẳng cần bóng
gió chi cả. (x. Mt 10:37-39; Lc 14:26-27) Khó lắm, thế nên phải cố gắng “tập
chết” mỗi ngày.
Hơi thở cũng như sợi dây có hai đầu. Và ai cũng một lần trút hơi thở
cuối cùng, giã biệt trần gian để hóa thành cát bụi. Giống nhau cái chết, nhưng
hình thức khác nhau theo “thói đời.” Người giàu chết, tiền của và vàng bạc
không thể cứu họ. Nhưng người giàu chết trên đống vàng, họ chết “sướng” chứ
không chết “khổ” như người nghèo, quan tài là loại mắc tiền nhất, đám tang thật
lớn, những vòng hoa tươi đủ sắc màu, không đủ chỗ đặt vòng hoa, cờ giăng rợp
trời, cáo phó khắp nơi, người vào kẻ ra nườm nượp, khách toàn những “ông kia,
bà nọ,” khói nghi ngút tỏa ra từ những nén nhang thơm loại mắc tiền, khoản
phúng điếu tính hàng trăm triệu, kèn trống rộn ràng, thậm chí còn có cả chương
trình ca múa nhạc cho thiên hạ thưởng thức; nếu người giàu là người có đạo thì
gia đình tổ chức lễ đồng tế, tiệc tùng linh đình, không ai khóc, ai cũng hớn hở
bắt tay nhau,...
Người giàu chết vừa “sướng” vừa “công khai.” Ngược lại, người nghèo
chết âm thầm, chết trong đau khổ, chết vì không có tiền chạy chữa, chết hèn hạ,
chết tủi nhục, chết đau đớn, chết thê thảm, chẳng ai thèm chú ý, không ai phúng
điếu, vắng hơn Chùa Bà Đanh, bát nhang lạnh tanh, quan tài như chiếc thùng gỗ,
thật đúng là đám ma!
Người giàu
được nhiều người tới phúng viếng, nghĩa là được nhiều người cầu nguyện cho, họ
còn có nhiều tiền để xin lễ – tiền riêng và tiền phúng điếu. Còn người nghèo
không ai phúng viếng thì có ai thương mà cầu nguyện? Lấy tiền đâu mà xin lễ? Nếu
xét theo “tầm nhìn” của phàm nhân, chắc chắn người giàu vào Thiên Đàng mau hơn
người nghèo. Nhưng thật hạnh phúc và an ủi, vì Thiên Chúa không xét theo kiểu
của loài người mà chỉ xét theo “công” và “tội.” Trong dụ ngôn “Người Giàu và
Ladarô Nghèo Khổ,” Tổ phụ Ápraham nói với người giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi
nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con
đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được,
mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16:25-26)
Thiên Chúa là
Đấng chí thánh, chí minh, chí công, chắc chắn Ngài sẽ đòi công lý cho người
nghèo!
2. CHỈ MỘT CHUYẾN ĐỜI
Đời phàm nhân là chuyến
lữ hành miệt mài. Chuyến đời có thể dài hoặc ngắn, nhưng ai cũng có hai điểm:
Sinh và Tử – khởi hành từ lúc sinh ra và kết thúc vào lúc giã biệt trần thế.
Sinh ra thì không đáng lo, nhưng chết rất đáng lo. Chết là chuyến định mệnh,
không ai tránh khỏi!
Thánh Phaolô đã
xác định: “Phận con người là phải chết
một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Tiền bạc, danh vọng, sự
nghiệp,… mọi thứ đều không thể đem theo. Của thế gian trả lại thế gian, chỉ có
một thứ duy nhất có thể đem theo: Nhân Đức. Có truyện ngụ ngôn “Hành Trang Cuộc
Đời” thế này...
Một người hấp hối
thấy Chúa vừa ưu ái trao cho chiếc vali vừa nói: “Đến giờ con ra đi rồi!” Người này ngạc nhiên: “Bây giờ sao Chúa? Sớm quá, con còn nhiều việc chưa làm!” Cuộc đối
thoại tiếp tục:
– Rất tiếc vì tới
giờ con phải ra đi thôi!
– Có gì trong vali vậy, thưa Chúa?
– Hành trang của con đó.
– Sở hữu của con, y phục, tiền bạc, phải không Ngài?
– Các vật đó không phải của con, chúng thuộc về trái đất!
– Vậy có phải ký ức của con?
– Không phải của con, của thời gian!
– Phải chăng tài năng của con?
– Không phải của con, của hoàn cảnh!
– Có phải bạn bè hay gia đình con?
– Rất tiếc cũng không phải của con, đó chỉ là tiến trình
cuộc đời.
– Phải chăng vợ và con của con?
– Không phải của con, mà là tâm tư con!
– Có phải là thân xác của con?
– Cũng không phải của con, nó là cát bụi!
– Phải chăng tâm linh con?
– Không, đó là của Ta!
Người chết nhận chiếc vali Chúa trao và hồi hộp mở ra
xem. Bên trong KHÔNG CÓ GÌ CẢ. Hoàn toàn trống rỗng! Trong nỗi bàng hoàng,
người này nói: “Không có cái gì là của
con cả!” Chúa nói: “Đúng thế, tất cả
THỜI GIAN CON SỐNG mới thực sự là của riêng con.”
Hằng ngày, lúc nào
cũng có người chết. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải luôn nghĩ tới sự chết của
mình, không chỉ nghĩ dịp Mùa Chay, tháng Cầu Hồn, hoặc một dịp đặc biệt nào đó.
Cái chết có thể xảy đến với bất cứ ai vào bất cứ giây phút nào, đừng tưởng mình
còn trẻ hoặc khỏe mạnh mà khinh suất. Mỗi người chỉ có một chuyến đời mà thôi, có
điều quan trọng chắc chắn: KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI. Đừng ảo vọng, chớ hoang
tưởng!
Cuộc đời có nhiều
chuyến xe, đặc biệt nhất là Xe Tang. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một chuyến đời
duy nhất, không thể rút kinh nghiệm cho chuyến khác. Vấn đề không phải là hành
trình dài hay ngắn, đi trên đường đất bụi mù hay đường nhựa trơn láng, đường
hẹp hay đường rộng. Vấn đề quan trọng là “chuyên chở” những thứ gì trong chuyến
đời của chúng ta.
Có mở thì có đóng. Cuộc sống có nhiều “cái
cuối.” Cuối giờ. Cuối ngày. Cuối tháng. Cuối năm. Đặc biệt nhất là cuối đời. Định luật
muôn thuở và bất biến. Thời gian không nhanh, không chậm, muôn thuở vẫn vậy.
Cảm giác nhanh hay chậm là do cảm giác của con người tùy thuộc cảm xúc vui hay
buồn. Người ta vui thì thấy thời gian trôi qua mau, người ta buồn thì thấy thời
gian trôi qua chậm. Người trẻ thấy thời gian “dài” với sắc màu tươi sáng, người
già thấy thời gian “ngắn” với sắc màu u ám. Chuyện đời rất ư bình thường!
Cuộc đời hay cuộc
sống, được gọi là “dòng đời” vì nó cũng trôi đi như dòng sông. Sông hoặc biển
đều có sóng. Cuộc sống cũng có một loại sóng đặc trưng là “sóng đời.” Sóng cứ
vỗ miên man, trăm năm dài mà ngắn. Đời người qua nhanh tựa bóng câu qua song cửa
sổ. Nguyễn Gia Thiều diễn tả: “Đời người
như bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi.” (Cung Oán Ngâm Khúc) Đó là sự thật
minh nhiên, như Thánh Vịnh gia nhận định: “Kiếp
phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, Một cơn gió thoảng
là xong, Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103:15-16)
Kiếp người não nề
quá! Nhưng đó là sự thật mặc nhiên và minh nhiên. Không thể làm gì, không còn
cách khác. Xem chừng đành thúc thủ, nhưng người ta vẫn có thể “quản lý” những
“vật dụng” trong “chuyến đời” của mình. Chẳng còn cách nào khác hơn là “sống
tốt.” Có nhiều cách sống tốt, nhưng có thể tạm tóm lược qua mấy điểm chính: Nghiêm
túc, tử tế, nhân bản, yêu thương, hòa nhã, và luôn sống tích cực trong mọi hoàn
cảnh. Chỉ những ai biết yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người.
Tâm sự về chuyến
đời, Thánh Faustina cho biết: “Tôi luôn
hiện diện trước mặt Thiên Chúa trong linh hồn tôi, và tôi kết hiệp mật thiết
với Ngài. Tôi làm việc với Ngài, tôi giải trí với Ngài, tôi chịu đau khổ với
Ngài, tôi vui mừng với Ngài; tôi sống trong Ngài và Ngài sống trong tôi. TÔI
KHÔNG BAO GIỜ CÔ ĐƠN, vì Ngài luôn đồng hành với tôi.” (Nhật Ký, số 318) Ước
gì chúng ta cũng cảm nghiệm như vậy!
3.
HÀNH LÝ YÊU THƯƠNG
Tháng Cầu Hồn nhắc người sống nhớ tới người đã khuất, tức là nhắc về
tình yêu thương đối với cả người đã chết và người còn sống với chúng ta. Nhìn
thấy nhau hằng ngày mà không thương nhau thì chẳng mong gì khi đã khuất bóng
tịch liêu!
Người ta có câu: “Lúc sống thì
chẳng cho ăn, đến khi đã chết làm văn tế ruồi.” Sống thì coi nhau như kẻ
thù, chết thì khóc thét. Để làm gì? Vô ích! Có chăng chỉ là “che mắt” thế gian.
Giả hình chính hiệu! Được thương thì xương không còn. Phũ phàng quá! Vì thế,
một danh nhân đã nói: “Hãy sống như mình
sắp chết, và hãy hành động như mình bất tử.”
Nhà sinh tử học Elisabeth Kübler-Ross nói: “Nếu bạn có thể coi cái chết là
người bạn vô hình thân thiết trên lộ trình sự sống của bạn, nó sẽ nhắc nhở
bạn một cách ôn hòa, không nên chờ đến ngày mai mới bắt tay làm những việc mà
bạn phải làm thì bạn sẽ học được cách sống đúng với ý nghĩa cuộc sống mà bạn
đang có, chứ không sống dật dờ cho qua ngày đoạn tháng.” Còn triết gia
Heidegger nói: “Chính sự giao thiệp với
cái chết của chính mình như là giới hạn
tuyệt đối nên con người càng thấy rõ ý nghĩa và tính cấp thiết đích thực
của việc làm người.”
Doanh nhân Steve Jobs
luôn cảnh giác: “Hãy nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất để có
thể tránh được cạm bẫy của ý tưởng cho rằng bạn có cái gì đó để mất. Cái chết
là phát minh vĩ đại nhất của sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống, xóa
cái cũ để mở đường cho cái mới.” Triết lý sống thật cao siêu!
Tắt thở. Nhắm mắt. Xuôi tay. Chẳng ai hơn ai. Cũng vẫn con người đó,
sống thì gọi là “người,” chết thì gọi là “ma.” Nghe lạ mà chẳng lạ, bởi vì người
ta vẫn gọi là “đám ma” chứ có ai nói là “đám người” đâu? Kiếp này có liên quan
kiếp sau, không phải là “kiếp sau” theo “vòng luân hồi” hoặc “luật nhân quả,”
mà là theo ý nghĩa của Kitô giáo.
Trong Truyện Kiều, câu 2997-2998, cụ thi hào Nguyễn Du nhận định: “Rõ ràng hoa rụng hương bay – Kiếp sau họa
thấy kiếp này hẳn thôi.” Cuộc Chung Thẩm (Mt 25:31-46) cho thấy “mối liên
quan” giữa kiếp này và kiếp sau, đúng là “kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.”
Tư tưởng của cụ Nguyễn Du vẫn phù hợp.
Con người luôn trăn trở về thân phận của mình. Không chỉ là băn khoăn về sự chết, mà ngay cả những lúc đêm đen buông xuống, không gian tĩnh mịch, người ta không thể không trầm tư suy nghĩ. Càng trăn trở, càng băn khoăn, càng thắc mắc, càng tìm hiểu, nhưng con người vẫn chẳng có ai thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời này.
Chính tình yêu thương là chìa khóa vạn năng có thể mở được mọi cánh
cửa, kể cả Cửa Thiên Đàng. Yêu thương đòi hỏi phải từ bỏ mình và vác thập
giá. Đó là điều không dễ, thế nên Chúa Giêsu đã khuyến cáo. Quả thật, yêu người
khó lắm! Tại sao khó? Thánh LM Gioan Maria Vianney cho biết: “Lý do chúng ta không có cách giải quyết tốt
vì chúng ta coi trọng mình quá nhiều.” Chính “cái tôi” cản trở mọi thứ.
Tuy nhiên, không
thể không yêu thương nếu thực sự muốn vào Nước Trời. Điều quan trọng và cần
thiết là yêu thương nhau ngay kiếp này, ngay lúc này, chứ không lần lữa hoặc
hẹn mai hẹn mốt. Bởi vì chết rồi làm sao yêu thương? Đừng tiếp tục giả hình,
dừng lại ngay kẻo muộn!
Một lần sinh, một
lần sống, và một lần chết. Chết là ngưỡng sinh – tử, là hóa thân cát bụi thành
bất tử: “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi
dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống
thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà
trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1 Cr 15:42-44)
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót và tha thứ cho các
linh hồn, xin cứu độ chúng con và toàn thế giới. Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin
nguyện giúp cầu thay cho chúng con bây giờ và trong giờ lâm tử. Chúng con cầu
xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mùa
Cầu Hồn – 2022
[Đăng báo ĐMHCG số 345, tháng 11-2022, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Nghĩa Tử Là Nghĩa Tận – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/11/nghia-tu-la-nghia-tan.html
VÉ THIÊN ĐƯỜNG
TRẦM THIÊN THU
✽ Trăm Nhớ Ngàn Thương
✽ Luyện Hình Trên Thế Gian
✽ Giáo Dục Con Cái Về Sự Chết
Ca khúc TƯỞNG NIỆM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment