Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

MỘT THỜI

Theo diễn tiến bình thường, cuộc đời phàm nhân theo quy trình tự nhiên: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Đó là quy luật muôn thuở và bất biến. Có thể có người “ngoại lệ” chỉ qua ba “chặng” là Sinh – Bệnh – Tử, hoặc hai “chặng” là Sinh – Tử. Nói chung, không ai không đi qua hai “chặng Sinh và Tử.
Sợi dây có hai đầu, mọi việc có Khởi Đầu và Kết Thúc, nói ngắn gọn là Mở và Kết. Đời người cũng vậy, không thể khác được. Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai là ba “thời” của con người. Ba “thời” này đan quyện với quy trình Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Và bất cứ thứ gì cũng chỉ có một thời, nay có, rồi mai hư hoặc mất. Có thể gọi đó là “chuyện hợp – tan.”
Người ta mừng khi một người được sinh ra, và người ta buồn khi một người từ giã cõi trần. Cười biến thành Khóc. Hai động thái trái ngược.
Tháng Mười Một là dịp chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Hình, đồng thời cũng là lời “nhắc khéo” để mỗi người phải tự chuẩn bị cho “cuộc ra đi” của chính mình, chắc chắn không ai “phụ giúp” gì đâu!
Chết là một cuộc “về nguồn,” sinh ra từ cái gì thì lại trở về cái đó. Và đó là quy luật muôn thuở: “Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất.” (Gv 3:20) Phàm nhân chỉ là cát bụi, (Tv 103:14) chẳng đáng gì. Thật vậy, Kinh Thánh đã xác định: “Con tim của bạn là tro bụi, hy vọng của bạn hèn hơn đất, cuộc đời của bạn tệ hơn bùn.” (Kn 15:10) Thế thì có gì oai phong lẫm liệt mà sao lại dám kiêu ngạo, vênh vang tự đắc?
Người ta thường nói: “Quan nhất thời, dân vạn đại.” Ý nói là đừng hống hách khi có chức, có quyền, phải sống sao cho phải đạo làm người mà để đức cho con cháu. Còn dân đen thì mãi mãi là dân thường thôi. Có “thời” thì rồi cũng đến lúc… “thôi” – tức là “hết.” Thời vần với Thôi, Tài vần với Tai. Thế đấy!
Sách Giảng Viên cho chúng ta biết rõ về cái mà chúng ta gọi là “một thời” nay. Biết không phải để biết cho vui, cũng không phải để bi quan hoặc yếm thế, mà biết để khả dĩ chân nhận mình là ai, là gì, và tất nhiên không thể bất tử: “Phận con người là phải CHẾT một lần, rồi sau đó chịu PHÁN XÉT.” (Dt 9:27)
Ông Côhelét là con của vua Đavít, tức là Salômôn, làm vua cai trị Israel và ngự tại Giêrusalem. Ông nhận xét:
“Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.” (Gv 1:2-8)
Lời ông nói về những điều rất ư là bình thường, thế nhưng lại có gì đó rất khác thường. Nhận xét có vẻ bình thường mà lại rất tinh tế: “Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Gv 1:9)
Bình thường mà khác thường, nhưng lạ mà không lạ: “Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: ‘Coi đây, cái mới đây này!’, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.” (Gv 1:10-11)
Càng thêm tuổi, người ta càng thêm kinh nghiệm, và càng nghĩ đến giây phút “một đi không trở lại.” Không ai thoát “lưỡi hái” của Tử Thần. Nhưng càng lo sợ thì càng đau khổ, càng đau khổ thì càng lúng túng, càng lúng túng thì càng hoảng hốt, càng hoảng hốt thì càng nguy hiểm. Cái gì cũng có một thời. Trình thuật Gv 3:1-8 nói về cái “một thời” ấy – tức là cái chết. Nào, hãy bình tâm mà suy xét:
“Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa.”
Đó là mười bốn “cặp đôi” đối-nghịch-lẫn-nhau. Từ đó, chúng ta có thể tự suy tư thêm về các “cặp đôi” khác. Rất nhiều và rất nhiều các “cặp đôi” khác hiện hữu trong cuộc sống đời thường trần gian này.
Tác giả sách Giảng Viên đặt vấn đề: “Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.” (Gv 3:9-11) Những gì đã có sẵn mà con người vẫn không sao biết rõ nguyên nhân, người ta miệt mài tìm hiểu mà vẫn không thể hiểu hết, chẳng hạn như chuỗi ADN rất đơn giản mà lại rất phức tạp!
Suy nghĩ nhiều cũng nhức đầu, không khéo lại bị rối, nguy hiểm nhất là có thể mất đức tin. Thôi, đừng nghĩ chi cao vời hoặc xa vời, cứ chấp nhận những gì bình thường để khả dĩ cảm nhận sự hạnh phúc: “Tôi nhận ra rằng đối với con người, không có hạnh phúc nào hơn là hưởng thú vui và sống thoải mái. Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi. Mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.” (Gv 3:12-14)
Người ta sáng chế cái này hoặc phát minh cái nọ, đó chẳng qua chỉ là khéo léo “kết hợp” những gì đã có sẵn, những thứ mà Thiên Chúa đã sáng tạo từ thuở khai thiên lập địa. Thậm chí có những thứ chỉ vì ngẫu nhiên hoặc do “lỡ tay” mà tìm ra một nguyên lý nào đó. Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Điều gì đang có, xưa kia đã có, điều gì sẽ có, xưa đã có rồi. Thiên Chúa kiếm tìm điều không còn nữa.” (Gv 3:15) Tác giả sách Giảng Viên cho biết: “Tôi lại còn thấy dưới ánh mặt trời: có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử. Và tôi tự nhủ: người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Vì mọi sự, mọi việc, đều có thờicó lúc.” (Gv 3:16-17)
Vâng, không có gì bền vững với thời gian, ngay cả những thứ trừu tượng như tình yêu hoặc cảm xúc của con người cũng “biến tấu” theo thời tiết. Và cuối cùng, đây là “điểm đồng quy” của mọi thứ: “Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất.” (Gv 3:20) Ai cũng có “một thời” và trở về “một nơi,” khép lại một “vòng sinh tử” – tròn hay không còn tùy cách sống của mỗi người. Thâm thúy và chí lý quá chừng!
Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, thực sự hạnh phúc, hạnh phúc ngay từ đời này, nếu chúng ta không hạnh phúc là vì chúng ta tìm kiếm những điều xa vời, viễn vông, hoặc mơ mộng hão huyền. Hạnh phúc không ở xa, nó ở ngay trong tầm tay của chúng ta: “Đối với con người, không có gì tốt hơn là hưởng những thú vui do công việc chính mình làm ra, vì đó là phần nó đáng được.” (Gv 3:21)
Cuộc đời nào có là bao, trung bình chỉ là 60 năm, may ra thì thêm chút chút: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90:10) Càng sống lâu thì càng khổ. Người ta kinh nghiệm đầy mình nên đã đúc kết một câu ngắn gọn: “Đời là bể khổ”. Ôi chao, nghe mà nẫu lòng quá! Có lẽ vì thế mà tác giả sách Giảng Viên nhắn nhủ: “Người nào được sống lâu năm, tận hưởng đi cho sướng; nhưng phải nhớ rằng những chuỗi ngày đen tối sẽ dài lâu, và những gì sẽ đến đều là phù vân cả.” (Gv 11:8) Sau liên từ “nhưng” mới là điều quan trọng, cần lưu ý.
Cuộc đời đầy đau khổ, trải dài qua chuỗi Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Đời là thế, không lẽ cứ ngồi buồn và than thân trách phận, kêu trời gọi đất? Không thể được! Vậy thì phải làm gì? Sống chung với lũ và đi xuyên qua đau khổ. Tự cứu mình rồi Trời sẽ cứu. Hãy nghe Paul Claudel (1868-1955, người Pháp, thi sĩ kiêm nhà viết kịch và nhà ngoại giao) xác định: “Chúa Giêsu xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau.” Thật là tuyệt vời!
Kinh Thánh mách nước thế này: “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ: cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích. Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.” (Gv 11:9) Vui cứ vui, mừng cứ mừng, cứ tận hưởng, nhưng chớ có quên nhiệm vụ. Càng tránh đau khổ thì càng đau khổ, hãy dám đối đầu với nó và đạp trên nó mà đi, nhờ đó mà có thể sống thanh thản, không lệ thuộc vào nó: “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn, khử trừ đớn đau khỏi thân xác, vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.” (Gv 11:10)
Hãy nhớ lời ông hoàng Salômôn nói về cuộc đời trần gian: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” (Gv 1:2) Và hãy nghe ông nhắc lại lần nữa: “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả!” (Gv 12:8) Biết vậy không phải để mà bi quan, yếm thế, mà là để biết mình và sống tích cực hơn.
Cuộc đời luôn có những điều éo le mà chúng ta không thể hiểu nổi. Nhưng có những thứ éo le do chúng ta bày ra để đối xử với nhau: “Cái khôn của người nghèo bị khinh dể, lời người ấy nói chẳng ai chịu lắng nghe.” (Gv 9:16) Đó là một dạng đau khổ, nhưng đối với điều này thì tại cách đối xử của chúng ta với nhau, không thể đổ lỗi cho Thiên Chúa.
Có người sướng một thời, có người khổ một thời. Đó là một ẩn số vô cực. Nhưng chắc chắn đau khổ rất có giá trị nên Chúa Giêsu mới không ngừng đề cập, và Ngài còn khuyên chúng ta phải chịu đau khổ, dám từ bỏ chính mình mà vác thập giá trong suốt cuộc đời. (x. Mt 10:38; Mt 16:24) Thiên Chúa hết mực yêu thương chúng ta, vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài, và Ngài không thể chối bỏ chính các chi thể của Ngài – tức là chúng ta.
Thánh Phaolô : “Anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân. Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.” (2 Tx 1:4-5)
Văn thi sĩ Clive Staples Lewis (1898-1963, Anh quốc) chia sẻ cảm nhận sâu sắc: “Thiên Chúa thầm thì với chúng ta khi chúng ta vui, nhưng Ngài nói to trong lương tâm của chúng ta khi chúng ta đau khổ.” Lại một ý tưởng hay và độc đáo quá!
Các thánh là những người cảm nhận sâu sắc về đau khổ, mỗi người mỗi cách. Thánh Vincent de Paul (1581-1660) phân tích: “Một người càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói.” Còn Thánh Aloisiô Gonzaga (1568-1591) nói: “Người nào muốn yêu mến Thiên Chúa nhưng lại không muốn vì Ngài mà chịu đau khổ thì không thể yêu Ngài cách chân chính.”
Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Cái “tiếng tăm” ở đây có thể là tiếng tốt hoặc tiếng xấu. Tuy nhiên, người ta chỉ có một lần SINH, một lần SỐNG, và một lần CHẾT. Chắc chắn KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI, nghĩa là không thể thay đổi được gì ở kiếp sau.
Xin được nhắc lại lời hay ý đẹp và tốt lành, như lời nhắc nhở chúng ta. Lời này được khắc trên nền cũ của Đại Giáo Đường Liibeek ở Đức quốc:
Con gọi Ta là Tôn Sư nhưng con chẳng vâng lời Ta.
Con gọi Ta là Ánh Sáng nhưng con chẳng thèm nhìn Ta.
Con gọi Ta là Chính Lộ nhưng con chẳng thèm đi trên đó.
Con gọi Ta là Nguồn Sống nhưng con chẳng ước muốn Ta.
Con gọi Ta là Thượng Trí nhưng con chẳng theo Ta.
Con gọi Ta là Tuyệt Mỹ nhưng con chẳng yêu Ta.
Con gọi Ta là Phú Quý nhưng con chẳng xin Ta.
Con gọi Ta là Vĩnh Cửu nhưng con chẳng tìm Ta.
Con gọi Ta là Ân Sủng nhưng con chẳng tin Ta.
Con gọi Ta là Quyền Quý nhưng con chẳng phục vụ Ta.
Con gọi Ta là Uy Quyền nhưng con chẳng tôn vinh Ta.
Con gọi Ta là Công Chính nhưng con chẳng bảo dưỡng Ta.
Con gọi Ta là Thiên Chúa nhưng con chẳng thờ lạy Ta.
Con gọi Ta là Tình Yêu nhưng con chẳng khao khát Ta.
Con gọi Ta là Dũng Lực nhưng con chẳng kính sợ Ta.
Con gọi Ta là Đấng Thánh nhưng con chẳng noi gương Ta.
Con gọi Ta là Nhân Lành nhưng con chẳng tự hạ.
Nếu Ta kết án con, con không thể trách Ta được!
Một giờ trôi qua, một ngày trôi qua, một tuần trôi qua, một tháng trôi qua, một năm trôi qua,… cứ thế và cứ thế, rồi một thời trôi qua, đó là những dấu chấm câu hoặc để xuống dòng, phân đoạn. Cuối cùng là một đời trôi qua. Đó mới là dấu chấm hết – dấu chấm quan trọng nhất trong “bài thi” của cuộc đời vậy.
Qua cuộc đời này, người ta có ba hướng tới: vào Thiên Đàng, vào Luyện Ngục (Luyện Hình), hoặc vào Hỏa Ngục (Địa Ngục). Nhưng cuối cùng chỉ còn hai hướng: Thiên Đàng hoặc Hỏa Ngục. Cần phải biết rằng Luyện Ngục không là “cơ hội thứ hai” đối với ơn cứu độ. Nếu một người chết khi xa cách Thiên Chúa, người đó không còn cơ hội thứ hai, bởi vì con người chỉ một lần sinh và một lần tử, “rồi sau đó CHỊU PHÁN XÉT.” (Dt 9:27)
Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) không làm ngơ những khiếm khuyết và tội lỗi, nhưng LCTX tẩy xóa chúng và sửa chữa tình trạng hư hại… và chúng ta được mời gọi thông hiệp với LCTX.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhiều lần Ngài đã nói rằng CÓ HỎA NGỤC, vì thế hỏa ngục phải có thật! Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã nói về hỏa ngục hơn 50 lần! Ngài nói cho chúng ta biết về “lò lửa”, nơi người ta “phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:42) Ngài nói với chúng ta về hỏa ngục với “lửa không hề tắt.” (Mc 9:43) Ngài giải thích cho chúng ta biết rằng hỏa ngục là nơi đau khổ đời đời, không thể rút lại hoặc giảm bớt đau khổ, như trong dụ ngôn “phú hộ và Ladarô.” (Lc 16:19-31)
Lửa Hỏa Ngục không như chúng ta thấy trên thế gian, gọi là “lửa” vì phàm ngôn chỉ diễn tả được như vậy. Lửa chúng ta biết ở thế gian chỉ là “gió mát” so với lửa ở hỏa ngục.
Các thánh đã qua một thời trần gian, họ sống tốt nên được Thiên Chúa đón vào Thiên Đàng và thuộc Giáo Hội Vinh Hiển; các linh hồn cũng đã qua một thời trần gian, vì chưa sống hoàn thiện nên còn phải chịu thanh luyện một thời gian rồi chắc chắn sẽ được vào Thiên Đàng, họ thuộc Giáo Hội Đau Khổ; chúng ta cũng sẽ qua một thời trần gian, nhưng nay còn phải phấn đấu nên thuộc Giáo Hội Chiến Đấu.
Ai trong chúng ta cũng đã có visa, nhưng có loại “trắng” và “đen.” Màu sắc của visa không do nhà cung cấp, mà tùy chúng ta quyết định – sống tốt thì được đi chuyến bay lên thẳng, sống xấu thì đi chuyến bay xuống xuống thẳng. Chuyến nào cũng thẳng nhưng số phận khác nhau. Thật chí lý khi người ta nói: “Sinh ký, tử quy – sống gởi, chết về.”
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. (Tv 130:3-4) Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu, vì Bửu Huyết cứu độ của Chúa Giêsu, và vì Châu Lệ đau khổ của Đức Mẹ, xin Chúa thương cứu các linh hồn nơi Luyện Hình và xin thương xót chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

 Vành Khăn Tang – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/vanh-khan-tang.html
 Viếng Nghĩa Địa – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/11/vieng-nghia-ia.html
 Trăm Nhớ Ngàn Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/tram-nho-ngan-thuong.html
 Chuyến Lữ Hành – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/11/chuyen-lu-hanh.html
 Nhớ Cội Nguồn – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/10/uong-nuoc-nho-nguon.html
 Ví Dụ – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/vi-du.html
 Lễ Cầu Hồn – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/10/le-cau-hon.html
 Đôi Bờ – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/10/oi-bo.html
 Trình Diện – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/10/trinh-dien_26.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment