Cuộc sống con người luôn có những khoảng mong chờ. Thuở nhỏ mong mẹ đi chợ về, lớn lên chờ dịp tốt để thăng tiến, tín nhân đợi nhau đi hành hương, chờ tới lượt xưng tội,... Đủ dạng chờ đợi trong đời thường. Người có thể chờ đợi là người kiên trì – một đức tính luôn rất cần thiết, cả đời thường và tâm linh.
Thánh Bêđa Khả
Kính nói: “Mong đợi làm cho chúng ta an toàn
tiến vào thành vĩnh phúc.” Nhận xét của Thánh Sibyllina Pavia như một định
nghĩa: “Mong đợi giống như đồ đựng, đồ
đựng càng lớn thì chứa được càng nhiều, đồ đựng càng nhỏ thì chứa được càng ít.
Mong đợi lớn thì được ân sủng nhiều, mong đợi nhỏ thì được ân sủng ít.” Bác
học Thomas Edison đã từng thi trượt môn toán, bị thầy dạy chê là “ngu như con
lừa” và phải thất bại tới 14.000 lần rồi ông mới có thể phát minh bóng điện. Sức kiên trì mãnh liệt vì có niềm tin sâu
thẳm.
Cần cố gắng tự hứa làm theo lời ngôn sứ Isaia khuyên: “Hãy mở một con đường cho Đức
Chúa, giữa đồng hoang, hãy
vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng
ta. Mọi thung lũng
sẽ được lấp đầy, mọi núi
đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành
đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng
đất phẳng phiu.” (Is 40:3-4) Cũng như Thánh Gioan chỉ bảo: “Hãy dọn sẵn con đường
của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1:3)
Rất cần có “khoảng sa mạc” dành riêng cho
Thiên Chúa, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào. Trong đó, tín nhân tâm sự với Ngài, dù biết rằng chúng ta chưa nghĩ điều gì đó thì
Ngài đã biết rõ mọi sự rồi.
TÍN NGUYỆN
Đối với phàm nhân, khoảng chờ đợi luôn là
khoảng thời gian dài nhưng lại có niềm vui riêng biệt, dẫu đôi khi có bồn chồn,
khắc khoải, thậm chí là “khổ sở” lắm. Thí sinh hồi hộp chờ kết quả thi. Nông
dân thắc thỏm mong mưa để gieo hạt, rồi lại lóng ngóng đợi ngày thu hoạch.
Những người yêu nhau thao thức trông ngóng nhau từng phút, từng giây. Và còn
rất nhiều mối chờ khác đã, đang và sẽ luôn tồn tại trên cõi đời này. Riêng với
Kitô hữu có một mối chờ đặc biệt hơn, điều mà đối với người không có niềm tin
tôn giáo coi là mơ hồ, thiếu thực tế hoặc ảo tưởng. Đó là mong chờ Đấng Thiên
Sai đến giải thoát nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức
Kitô Giêsu.
Bất cứ ai mong chờ điều gì đó luôn có vẻ trầm
tư, mặc nhiên mang nét bâng khuâng, được thể hiện qua màu tím. Cõi lòng chờ đợi
luôn là cõi-lòng-tím. Trong cổ tích hay thần thoại, những người cùng khổ luôn
được thần tiên cứu giúp. Trong thời đế quốc và thực dân, nhân dân Việt Nam đã
từng ròng rã bao năm trường khao khát được giải thoát khỏi ách nô lệ. Và niềm
vui thực sự được nhân lên khi chính người Việt Nam làm chủ đất nước. Chúng ta
đang ở thiên niên kỷ thứ ba. Như vậy, Đấng Thiên Sai đã giáng trần hơn hai ngàn
năm. Ngài đến như một phàm nhân để cứu độ nhân loại, nhưng nhân loại còn trông
đợi Ngài giáng lâm lần hai trong ngày Cánh Chung – khi lời hứa được kiện toàn.
Cuộc sống thế gian này chỉ là thời kỳ quá độ,
làm cầu nối vào cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Thế nhưng cuộc đời có bao chước
cám dỗ, bao điều khiến lòng người chia trí hoặc thoái hóa trên suốt chặng đường
trần thế: Tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục, quyền thế, chức tước, ghen
ghét, thù hận,… Vì thế Chúa Giêsu đã căn dặn: “Hãy tỉnh thức.” (Mt 24:42 & 25:13) Đặc biệt hơn, Ngài nhấn
mạnh: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để
khỏi sa chước cám dỗ. Tinh thần thì sẵn sàng, nhưng thân xác thì yếu đuối.”
(Mt 26:41) Như vậy, chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ, vì “cầu nguyện là sức
mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa.” (Thánh Augustinô)
Thánh Ephraem
Syria nói: “Các
nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, ngăn chặn
sự tức giận, ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ. Lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh
Thần vào linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng.” Cầu nguyện là cuộc đàm đạo thân mật giữa
Thiên Chúa và con người. Cầu nguyện không chỉ đơn thuần là “xin” mà còn là xưng
tụng và tôn vinh Đấng đã yêu ta từ trước muôn đời bằng tình thương vô thủy vô
chung. Không có gì cân xứng để chúng ta đáp lại. Tình yêu chỉ có thể đáp lại
bằng tình yêu. Cần có thái độ dứt khoát, vì Thiên Chúa muốn vậy: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng
lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì
ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”
(Kh 3:15-16)
Trong xã hội loài người, hai người yêu nhau
luôn nôn nóng và mong muốn gặp nhau, ít nhất cũng là qua thư từ, email, điện
đàm,… Khi được gặp nhau, họ không nói gì, chỉ cần nhìn nhau cũng thấy thỏa mãn.
Đối với người yêu Chúa, cầu nguyện phải là điều tất yếu, là “đường dây nóng” để
liên lạc với Ngài, là nhiên liệu cho cỗ máy hoạt động, là nắng ấm khi giá lạnh,
là cơn mưa khi hạn hán, là tất cả những gì không thể thiếu, là chất cần thiết
nhất của sự sống: Không khí. Thiếu cầu nguyện, tâm hồn hóa xanh xao, gầy guộc,
èo uột, vàng võ, héo úa.
Cầu nguyện không hẳn là đọc kinh, nếu đọc
kinh thì phải suy niệm theo lời kinh. Đọc nhiều, đọc to, đọc nhanh như chạy đua
thì chẳng khác gì mở CD hoặc USB có sẵn phần thu âm. Cuộc sống ngày nay quá xô
bồ, ồn ào vì những lo toan đời thường, khó tập trung, thế nên luôn phải nỗ lực.
Hãy nhìn vào một đôi nam nữ trên một chuyến xe hay ở công viên, họ thủ thỉ với
nhau y như chỉ có riêng hai người vậy. Họ dễ dàng “quên” tất cả những gì xảy ra
xung quanh để có thể tạo nên một “thế giới riêng” của họ. Bất kỳ lúc nào hoặc ở
đâu, tín nhân vẫn có thể tạo ra một “sa mạc riêng” ngay trong lòng mình để tâm
sự với Người Yêu Chí Thánh là Thiên Chúa, không cần nói nhiều hoặc văn vẻ với ý
này ý nọ, chỉ cần hướng tâm lên Ngài là đủ.
Chuyện kể rằng, trên bãi biển vắng, linh hồn
thấy có hai loại dấu chân khi vui, nhưng chỉ thấy một loại dấu chân khi buồn.
Linh hồn hoảng hốt. Nhưng chính lúc linh hồn thấy một loại dấu chân là lúc linh
hồn đang được Thiên Chúa cõng trên lưng như chủ chiên cõng một con chiên nhỏ
yếu. Thánh Augustinô trải nghiệm: “Ngài
có đó khi ta tưởng đơn côi, Ngài thương ta khi mọi người ghét bỏ, Ngài nghe ta
khi chẳng ai đáp lại.” Đôi khi mỏi mệt và thất vọng, lòng người lại hồi
sinh khi có Thiên Chúa. Ngài luôn ở bên chúng ta mọi nơi mọi lúc, cho đến tận
thế.
THỎA NGUYỆN
Điều gì phải đến rồi cũng đến – dù buồn hay
vui. Thời gian trôi bình
thường theo thiên luật mà con người cảm thấy mau quá! Giáng Sinh lại về. Và cuối năm lại tới...
Đây cũng là dịp nhắc nhở con người, nhất là đối với tín nhân, về chuyện Sinh –
Tử. Đặc biệt hơn, Giáng Sinh là dịp tốt để suy tư về nhân đức khó nghèo, về
chuyện giàu – nghèo trong xã hội loài người.
Thỏa nguyện khi khoảng mong chờ kết thúc: Con
Chúa giáng sinh làm người. Mọi người đều hân hoan, niềm vui rạo rực rất lạ. Chúng
ta không biết tặng
quà sinh nhật cho Hài Nhi Giêsu bằng thứ gì, mà Ngài cũng chẳng cần, vì Ngài còn cho chúng
ta nhiều thứ hơn chúng ta mong đợi,
nhưng chắc chắn Ngài muốn chúng ta noi gương Ngài sống đơn nghèo.
Người nghèo khổ lắm, không đủ ăn đủ mặc đã
đành, còn chịu áp bức, đàn áp, bị đối xử bất công. Ngày xưa, “có khách đến thăm
người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt
đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm
thịt đãi người đến thăm ông.” (2 Sm 12:4) Oan ức lắm mà đành chịu!
Và còn hơn nữa, “phường gian ác lôi trẻ mồ
côi ra khỏi bầu sữa mẹ, bắt người nghèo nộp con làm của cầm.” (G 24:9) Nghèo
thì khổ – khổ lắm, vì họ “vất vả vẫn thiếu hụt miếng ăn, ngưng làm việc là bần
cùng thiếu thốn.” (Hc 31:4) Sự kỳ thị rõ ràng ngay từ trong gia đình: “Kẻ nghèo túng bị mọi anh em khinh rẻ, bạn
hữu lại càng lánh xa!” (Cn 19:7) Giàu thì oai – oai lắm, vì họ “vừa ăn cướp
vừa la làng, còn người nghèo bị thiệt thì lại phải năn nỉ.” (Hc 13:3) Khoảng
cách giàu – nghèo dễ dàng nhận ra: “Người
giàu trượt chân thì được bạn bè nâng đỡ, còn kẻ nghèo mà ngã thì bị bạn hữu bỏ
rơi. Người giàu mà có lỡ, thì nhiều người cứu gỡ cho, có nói bậy, người ta cũng
cho là phải. Kẻ nghèo có lỡ, thì người ta chê trách, có nói hay, thiên hạ cũng
chẳng kể vào đâu. Người giàu lên tiếng thì mọi người im lặng, người ta đưa lời
của nó lên tận chín tầng mây; khi kẻ nghèo lên tiếng thì họ bảo: ‘Ai vậy?’ Nếu
nó vấp, họ sẽ xô cho té nhào.” (Hc 13:21-23) Chuyện “xóa đói, giảm nghèo”
chỉ là khẩu hiệu, là bức bình phong, là “chiêu bài” mà thôi.
Thế nhân lộng hành đủ kiểu. Chuyện nhỏ hơn con thỏ mà người ta sẵn sàng
ra tay sát hại nhau,
kể cả những người thân thuộc máu mủ, hung khí lúc nào họ cũng có sẵn; chuyện
phá thai xảy ra hằng ngày nhiều hơn
cơm bữa; người ta coi khinh người nghèo, xúc phạm nhân phẩm, coi thường nhân vị của người khác; bạo lực và đàn áp khắp thế giới, người ta đang tâm tước đoạt nhân quyền của người khác một cách trắng trợn; bạo hành và bạo lực xảy
ra ngay trong các gia đình; không chỉ thế quyền đàn áp tôn giáo mà chính các tôn giáo cũng kèn cựa lẫn nhau. Em thấy Thánh Phaolô đã nói như một lời tiên tri: “Mầu nhiệm của sự
gian ác đang
hoành hành.” (2 Tx 2:7) Thật đáng sợ!
Người ta không thương người nghèo như Chúa dạy, mà
người ta còn lợi dụng
những người yếu thế đủ kiểu, kể
cả các trẻ em
nghèo, họ bắt chúng đi ăn xin hoặc bóc lột sức
lao động để phục vụ cho tham vọng ích kỷ của họ. Có rất
nhiều hoàn cảnh đáng
thương lắm. Chuyện đời đã vậy, chuyện đạo cũng không kém phần rắc rối, người ta cũng vẫn coi trọng chức quyền, thích người giàu, phe cánh đủ kiểu, dân không nói thì họ lên mặt, nói ra thì bị trù dập, mà họ cũng chẳng thèm nghe. Bề trên và bề dưới cũng
vẫn có “khoảng cách” nhất định, đôi khi khó lấp đầy. Buồn thay!
Chính Chúa Giêsu đến để minh xét cho những
người thấp cổ bé miệng được giải oan và được sống đúng cương vị con người của họ. Dấu chỉ để các
mục đồng nhận ra Hài Nhi Giêsu: “Một trẻ
sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Đơn nghèo mà kỳ diệu, vì Hài
Nhi đó là Thiên Vương, là Đấng Thiên Sai, là Chúa Cứu Thế, là Đấng Cứu Độ duy
nhất của nhân loại. Đó cũng là dấu chỉ để tín nhân nhận ra Chúa Giêsu sống động
nơi những con người nghèo hèn giữa thế giới ngày nay vậy.
(Lc 2:14)
Lạy
Chúa Hài Đồng, xin cảm tạ Ngài đã đến với nhân loại. Chúng con thực sự cần Ngài
và khao khát Ngài, xin soi đường dẫn lối cho chúng con. Xin hoán cải và biến
đổi chúng con, xin cho chúng con nhận ra Ngài hiện thân nơi người nghèo và
người hèn mọn, và xin giúp chúng con sống đơn nghèo như Ngài. Xin ban Thánh
Thần thánh
hóa và hiệp nhất mọi người nên một như Tôn
Ý Chúa Cha. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM tháng 12-2023, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Cánh Vạc Mùa Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/11/canh-vac-mua-vong.html
✽ Nhận Diện Chúa Giêsu – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/09/nhan-dien-chua-giesu.html
✽ Hy Vọng Trong Khoảng Mong Chờ
✽ Mùa Vọng Mời Gọi Sống Nghèo Khó
✽ Mùa Vọng Bảo Đảm Chúng Ta Sống Sót Thời Cuối
✽ Thằng Bo – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/thang-bo.html
✽ Màu Xanh Noël – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/mau-xanh-noel.html
✽ Mưa – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/11/mua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment