Mỗi dịp Giáng Sinh về, từ hơn nửa thế kỷ qua, người ta đã khá “quen” với ca khúc “Bóng Nhỏ Giáo Đường” của NS Nguyễn Văn Đông, nhưng bài này được ông ký với bút danh Phượng Linh. “Bóng Nhỏ Giáo Đường” có thể là một ngôi thánh đường nhỏ bé và đơn nghèo, cũng có thể là bóng dáng người yêu bé nhỏ, một cô nàng nào đó...
Không biết tôi có “duyên nợ” gì với NS Nguyễn Văn Đông hay không mà ngay từ hồi đó, tôi đã cảm thấy “hợp” với nhạc của ông, nhất là bài “Mùa Sao Sáng.” Từ thuở còn là thiếu nhi, tôi thường nghe nhạc nhiều qua làn sóng phát thanh ngày xưa, hầu như nghe cả ngày lẫn đêm, cứ rảnh là nghe, có lẽ nhờ vậy mà tôi biết được nhiều “tên tuổi” thời đó.
Ngày xưa người ta
in những tờ nhạc nhiều lắm, trên các làn sóng giới thiệu rõ ràng tên tuổi tác
giả chứ không như ngày nay, người ta thường giới thiệu tên ca sĩ chứ tác giả
chẳng được coi ra gì, dù tác giả là người “thai nghén” và “sinh ra” tác phẩm.
Chính “cha đẻ” lại bị lãng quên! Ngược lại, trên đài phát thanh hoặc truyền
hình, ngày nay người ta “vô tư” giới thiệu bài hát nào đó “của” ca sĩ này, ca
sĩ nọ, chứ không phải của nhạc sĩ. Ngôn ngữ sai bét nhè như thế mà người ta
không chịu sửa. Tệ thật! Làm văn hóa mà xem chừng lại phi văn hóa quá đỗi!
“Bóng Nhỏ Giáo
Đường” là ca khúc được NS Nguyễn Văn Đông viết trong thời chiến, với tâm trạng
một binh sĩ tác chiến nơi chiến trường xa. Giáng Sinh đang đến gần, nỗi nhớ nhà
và nhớ người yêu da diết, người lính “thăm dò” thế này: “Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu, cách xa lâu rồi không
biết em còn giận hờn anh nữa thôi. Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong
đêm nhiều sao sáng, dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung trong lời khấn xin
chan chứa niềm tin.” NS Đông rất thích sao sáng, chắc hẳn sao sáng có gì đó
đặc biệt lắm. Đúng vậy, không đặc biệt sao được, vì đó là đêm Con Chúa giáng
sinh, và lại là “mốc” kỷ niệm lúc hai người chính thức “là của nhau.”
Tình yêu đã lên
ngôi, hạnh phúc tràn trề, kỷ niệm đẹp lắm. Thế nhưng niềm vui lại không trọn
vẹn: “Có ai ngờ tình yêu ngày đó gieo
ngang trái sầu lo, lửa binh lan tràn hai đứa đôi đàng mộng đẹp kia vỡ tan.”
Không phải tại chàng hay nàng, mà tại chiến cuộc. Người buồn, cảnh có vui đâu
bao giờ! Vì thế, từng hồi chuông giáng sinh ngân vang niềm vui thì lại hóa sầu
bi: “Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang
trong mùa quan tái, tiếng cầu kinh khe khẽ thôi vang khi quân giặc giẫm tan
ngôi thánh lầu chuông.” Lòng buồn nhưng anh lính vẫn tin tưởng mà cầu
nguyện. Có lẽ ít người dùng từ “quan tái,” nhất là ngày nay. Quan tái là quan
ải, chỉ nơi biên cương, bờ cõi. NS Đông “chơi chữ” khi sử dụng cụm từ “mùa quan
tái,” ý nói người lính đang phải làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc nơi biên giới xa.
Kỷ niệm ùa về khi
Giáng Sinh về, không chỉ kỷ niệm vui mà còn cả kỷ niệm buồn: “Nhớ mãi ngày ấy quân cướp xô bừa hạ gác
chuông, nước mắt em tuôn xót xa quỳ trên đống tro tàn.” Con gái mau nước
mắt là chuyện bình thường, nhưng cô người yêu của anh lính đã khóc vì gác
chuông bị quân địch phá đổ. Chính gác lầu chuông đó là nơi anh lính đã chính
thức tỏ tình với nàng.
Và rồi chính anh
lính cũng đã góp công sức làm lại gác chuông nhà thờ ngày ấy. Kỷ niệm như còn
mới nguyên: “Nhớ mãi ngày ấy anh góp tre
dựng lại gác chuông, với trí ngây thơ vững tin tầm vông giữ Nhà thờ, kỷ niệm
của chúng ta!” Gác chuông ngày xưa đơn giản thôi, nhất là lại ở vùng quê,
tre hoặc tầm vông là vật liệu chính khi xây dựng nhà cửa, tất nhiên với nhà thờ
thì cũng vậy thôi. Gác chuông là phần không thể thiếu ở các nhà thờ, và nó cũng
không thể thiếu trong ký ức yêu của hai người. Thế mà chiến tranh đã nhẫn tâm phá
vỡ! Đúng ra thì không phải lỗi của chiến tranh mà là tội của những người gây ra
chiến tranh.
Thời gian cứ vô
tình trôi, kỷ niệm vui buồn cũng theo anh lính trên mọi chiến tuyến: “Mấy năm rồi buồn vui ngày đó theo anh giữa
trời sương, dẫu xa phương trời nhưng sống muôn đời chuyện lầu chuông thuở xưa.
Và từng đêm anh chắp hai tay xin cho tình yêu đó thấm nhuần trong tay Chúa ban
ơn anh xây lại gác chuông trên kỷ niệm xưa.” Cái hay của người lính là
“chất đạo đức” không vì khổ cực mà phai nhòa, ngược lại còn tăng thêm, anh
chứng minh qua việc cầu nguyện hàng đêm, khi không gian và thời gian trở vào
tĩnh lặng, dù có thể tiếng bom đạn vẫn không ngừng kêu xé không trung…
Niềm tin vẫn còn
thì tất cả vẫn còn. Bóng nhỏ giáo đường nằm sâu lẩn khuất ở miền quê, nhưng
bóng đức tin lại to lớn, có thể che rợp cả bầu trời rộng và lòng người.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con! (Lc
17:5)
TRẦM THIÊN THU
✽ Ánh Sáng Đức Tin – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/anh-sang-uc-tin.html
✽ Đêm Thánh Huy Hoàng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/12/em-thanh-huy-hoang.html
✽ Xin Chúa Thấu Lòng Con – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/xin-chua-thau-long-con.html
✽ Sắc Màu Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/sac-mau-giang-sinh.html
✽ Màu Xanh Noël – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/mau-xanh-noel.html
THẬT TỒI TỆ!
Còn có cái tệ thế này: Thấy có linh mục còn dám lấy bài suy niệm của người khác làm bài của mình, in thành sách luôn. Nhà Văn Đạo thành Nhà Đạo Văn – hoặc ngược lại. Thật khủng khiếp!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment