Bài “Cao Cung Lên”
là một trong những bài Thánh Ca quen thuộc, và hầu như không thể thiếu trong
Mùa Giáng Sinh. Tác giả bài Thánh Ca này là Lm Ns Hoài Đức và Ns Nguyễn
Khắc Xuyên – hai trong các thành viên đầu tiên của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh
do Nhạc sư Hùng Lân sáng lập năm 1945.
“Cao Cung Lên”
được viết ở âm thể thứ nhưng không buồn thảm, tiết tấu chậm lồng trong nhịp 4/4
và chuyển tải một giai điệu du dương, êm đềm, đậm nét Thánh Ca, chia làm hai
phần: Điệp khúc và phiên khúc. Đại đa số các bản Thánh Ca đều có cấu trúc như
vậy.
Điệp khúc là lời
mời gọi mọi người hòa chung niềm vui Giáng Sinh: “Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa, hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn
vương. Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn, một đêm khuya vang vẳng
trong tuyết sương. Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt, hát khen Con Một Chúa
Trời, rày sinh xuống cõi đời. Hỡi người dương thế, lặng nghe cung đàn, mau tìm cho
tới thờ kính Vua giáng trần.”
Ca từ giản dị và
gần gũi, lồng trong giai điệu êm đềm, người nghe dễ cầu nguyện và dễ nâng tâm
hồn lên.
Có lẽ người ta
chỉ quen PK 1, vì câu này được hát nhiều theo sau phần điệp khúc: “Thôi, hỡi trần gian, im tiếng đi mà cung
kính, Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa. Tuy Chúa là Vua muôn nước suy
phục tôn kính, Chúa bỏ ngai vàng sinh xuống trần đêm xưa.”
Các phiên khúc
khác là lời nhắn nhủ với các loài khác, kể cả nhắn nhủ với chính mình:
PK 2: Thôi,
hỡi ngàn mây đen xám u mờ tăm tối, hãy mau tan đi nay Chúa đã xuống đời. Trên
cõi trời cao, sao sáng chân thật đưa lối, hãy mang Tin Lành cho nhân loại nơi
nơi.
PK 3: Thôi,
hỡi trần gian bao tuyết sương cùng gió rét, cớ sao nỡ làm cho Chúa lạnh vô
ngần. Ôi Ðấng Toàn Năng xưa quá yêu người tha thiết, xuống chịu khổ hèn trên
tuyết ngàn dặm sương.
PK 4: Thôi,
hỡi hồn tôi, ghi nhớ trong lòng sâu thẳm: Chúa sinh đêm nay nên bé nhỏ khó hèn.
Tôi quyết từ nay yêu Chúa trong tình đằm thắm, muốn để đền bù lại cõi đời bạc
đen.
“Cao Cung Lên”
nhắc nhở mọi người hãy vui mừng cao rao Thánh Danh Thiên Chúa, nhất là trong
đêm Con Một Giêsu giáng sinh làm người, khởi đầu Chương Trình Cứu Độ của Ngài
đối với nhân loại chúng ta. Xin hợp cùng ca đoàn thiên thần vang lời chúc tụng:
VINH DANH THIÊN
CHÚA TRÊN TRỜI
BÌNH AN DƯỚI THẾ
CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG
(Lc 2:14)
TRẦM THIÊN THU
✽ Ns Hoài Đức tên thật là Giuse Lê Đức
Triệu sinh năm 1922, nguyên tổng thư ký thường trực Ủy ban Thánh nhạc toàn
quốc (1967-1968). Ns Hoài Đức tu học tại Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên (Hà
Nội) từ 1933-1939, tu học tại Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội) từ năm
1945-1953, thụ phong linh mục năm 1959 tại nhà thờ Jeanne d’ Arc (Nhà thờ Ngã
Sáu, Chợ Lớn, Saigon), là giám luật và giáo sư (âm nhạc và Latin) từ năm 1959-1975,
sau đó dạy Toán-Lý-Hóa tại chủng viện Piô XII và là giáo sư tại chủng viện Thừa
Sai Kontum, rồi quản lý Nhà Chung, là chủ tịch Công lý & Hòa bình và giám
đốc Caritas của GP Ban Mê Thuột.
Từ năm 1977-1987, Ns Hoài Đức phải tập trung cải
tạo ở các trại Mê-van, Tân Kỳ (Hà Tĩnh), Phú Sơn (Bắc Thái), Thanh Cẩm (Thanh
Hóa). Từ năm 1999, Ns Hoài Đức lâm trọng bệnh và an dưỡng tại nhà hưu các linh
mục gốc Hà Nội, rồi qua đời ngày 7-7-2007.
✽ Ns Nguyễn Khắc Xuyên có bút hiệu là Hồng Nhuệ,
tên thánh là Giacôbê, sinh ngày 29-11-1923 tại Giáo xứ Kẻ Rùa (nay là giáo xứ
Đàn Giản), thuộc Từ Châu, xã Thanh Trung, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà
Nội), tu học tại chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội, từ năm 1935–1954, thụ phong
linh mục ngày 31-05-1954, rồi gia nhập Hội dòng Xuân Bích và được du học tại Pháp,
nhận bằng Cử nhân Thần học tại Đại học Công Giáo Paris năm 1956, Tiến sĩ Thần
học tại đại học Grégoriana (Roma) năm 1958 với luận án về Đắc Lộ “Le Catéchisme
Du Père Alexandre De Rhodes, 1651 – Phép Giảng Tám Ngày của giáo sĩ Đắc
Lộ, 1651,” về nước dạy học tại chủng viện Xuân Bích (Saigon, 1960-1963), là giáo
sư Đại chủng viện Xuân Bích (Huế) và Đại học Đà Lạt (1962), rồi hoàn tục và lập
gia đình (được Tòa Thánh chuẩn nhận) năm 1968, cuối cùng qua đời ngày 01-02-2005
tại Nha Trang.
Sự nghiệp văn hóa của Ns Nguyễn Khắc Xuyên rất
lớn, có đến hàng trăm đầu sách và bài viết chuyên đề về lịch sử, tôn giáo, tự điển,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment