Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

SẮC MÀU GIÁNG SINH

Giáng Sinh có màu gì? Nếu được hỏi, có lẽ chẳng ai trả lời chính xác được. Giáng Sinh của mỗi người có một màu sắc riêng biệt, có khi rất lạ. Người hạnh phúc có thể thấy Giáng Sinh màu hồng, người ưu tư có thể thấy Giáng Sinh màu xám, người vô tư có thể thấy Giáng Sinh đa sắc màu,…
Nhưng với cách nhìn riêng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông [*] lại thấy Giáng Sinh màu xanh, màu hy vọng, nên ông đã sáng tác ca khúc “Màu Xanh Noël.” Ông cũng là tác giả của ca khúc rất quen thuộc trong Mùa Giáng Sinh là nhạc phẩm “Mùa Sao Sáng” suốt từ hơn nửa thế kỷ qua.
Nhạc phẩm “Màu Xanh Noël” được NS Nguyễn Văn Đông viết ở âm thể Trưởng nhưng lại thoáng nét u buồn, buồn man mác… Tại sao vậy?
Ca khúc “Màu Xanh Noël” nói về tâm trạng của một cô gái yêu một người lính. Hai người đã cùng thề hẹn gặp nhau vào dịp Noël – một thực tế của thời chiến: “Mùa giáng sinh xưa anh hẹn anh sẽ về, ngày đó Noël bên hội sao trần thế.” Nhưng chàng đã trễ hẹn, không phải chàng quên lời hứa tình yêu với nàng mà vì chiến cuộc. Nàng thầm hỏi với chút hờn dỗi của người đang yêu: “Anh có nhớ không anh? Em mặc màu áo xanh lam, xanh như liễu Đà-lạt, một chiều Đông Giáng Sinh.” Màu áo xanh lam là “đặc điểm tình yêu” của họ, nhưng phải là “xanh như liễu Đà-lạt” mới được.
Màu xanh của thi sĩ Nguyên Sa lại “xanh màu lá sân trường.” Ông cũng đã từng si mê màu áo xanh nên ông so sánh: “Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường.” Có lẽ nhiều người thích màu xanh vì nó là biểu tượng của niềm hy vọng, màu xanh kỳ diệu.
Nàng biết chàng lỡ hẹn nhưng nàng vẫn hy vọng và nhớ lại đêm Giáng Sinh năm xưa: “Ngồi chờ rê-vây-dông (réveillons, canh thức), anh kể tích xưa rằng, vào một đêm giá lạnh, rợp trời hào quang thiên thần, và nơi hang Belem, Thiên Chúa sinh trên máng cỏ là Con Chúa Trời.” Có lẽ nàng là người ngoại đạo, còn chàng là người có đạo, thế nên chàng mới kể cho nàng nghe “cổ tích” về Thiên Chúa, và chàng khẳng định bằng đức tin: “Nơi hang Belem, Thiên Chúa sinh trên máng cỏ là Con Chúa Trời.” NS Nguyễn Văn Đông nói vậy là ông đã truyền giáo đấy.
Kỷ niệm đẹp bỗng hóa ký ức bâng khuâng: “Ngày tháng trôi đi qua mau, mùa sao sáng năm nào, giờ cũng Noël một mình em thẫn thờ, quỳ bên hang đá nguyện cầu: Một người chân mây gió được sống gần nhau.” Tuy nàng có chút thất vọng nhưng nàng chưa tuyệt vọng, nghĩa là nàng vẫn có tia sáng hy vọng, nên nàng cầu nguyện cho chàng (người chân mây gió) và nàng “được sống gần nhau.” Tình yêu có nhớ nhung mới là tình yêu đích thực, và tình yêu đích thực sẽ đơm hoa kết trái là đời sống hôn nhân.
Ngày quen nhau, nàng mặc áo màu xanh. Chiếc áo đó vẫn được nàng nâng niu cất giữ cho lần hẹn đêm Giáng Sinh năm sau: “Tà áo năm xưa xanh màu thông Ðà Lạt, dành đến năm sau khi cùng anh dạo phố.” Tình yêu thật đẹp, hẹn hò thật lãng mạn, nàng chỉ muốn mặc áo xanh khi có chàng bên cạnh cùng dạo phố, và cũng là dấu ấn không thể phai nhòa: “Để nhớ Giáng Sinh xưa, kỷ niệm ngày Chúa ra đời, cho em sống lại màu xanh ái ân.” Kỷ niệm tình yêu đã là tuyệt vời, kỷ niệm đó còn trên cả tuyệt vời vì đó chính là “kỷ niệm ngày Chúa ra đời.” Kỷ niệm tình yêu của họ đã được ghi dấu của Ơn Thánh, thế thì sao lại không tuyệt vời chứ?
Kỷ niệm vui là kỷ niệm buồn, kỷ niệm buồn là kỷ niệm buồn hơn. Cái vui không làm người ta nhớ lâu, nhưng cái buồn khiến người ta nhớ mãi. Buồn mà không lụy, khổ mà không đau, sầu mà không thảm, cảm mà không phiền, nguyền mà không rủa,… để làm gì? Để màu xanh vẫn thắm sắc hy vọng.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14) Ngài tuân phục lệnh Chúa Cha và vui lòng chấp nhận kiếp phàm nhân vì quá yêu chúng ta, những tội nhân khốn nạn, để rồi Ngài dùng lòng thương xót bao la của Thiên Chúa mà cứu độ chúng ta bằng cái chết trên Thập Giá, giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của ma quỷ và bóng đen tội lỗi.
Con Thiên Chúa giáng sinh làm người cũng là để nối kết muôn người trong tình liên đới, để mọi người xích lại gần nhau, sát nhau, không còn khoảng cách nào, dù chỉ là khoảng cách nhỏ bằng sợi tóc.
Ca khúc “Màu Xanh Noël” của NS Nguyễn Văn Đông nhắc nhở chúng ta phải biết nối kết với nhau bằng Tình yêu của Thiên Chúa, vì “chỉ có một Thiên Chúa, một Niềm Tin và một Phép Rửa.” (Ep 4:5) Đó mới là Sắc Màu Giáng Sinh đích thực!

TRẦM THIÊN THU

[*] Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15-3-1932 tại quận 1 (Saigon), nguyên quán ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu. Ông có các bút danh khác là Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử. Ông là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình ca Việt Nam, tác giả của nhiều ca khúc tân nhạc nổi tiếng như Chiều Mưa Biên Giới, Hải Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Ai Đi Ngoài Sương Gió, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Chiều Mưa Biên Giới, Cay Đắng Tình Đời, Bẽ Bàng,... Ngoài ra ông còn là soạn giả của một số tuồng cải lương thịnh hành như Tiếng Hạc Trong Trăng, Nửa Đời Hương Phấn.

Ông là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Từ năm 1958, ông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Saigon, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc...

Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân,... Hai cơ sở của ông cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở tuồng và cải lương. Chính Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly (Sơn Ca 7), Thái Thanh và Ban nhạc Thăng Long (Sơn Ca 10), Lệ Thu (Sơn Ca 9), Phương Dung (Sơn Ca 5 và 11), Giao Linh (Sơn Ca 6), Sơn Ca (Sơn Ca 8)... và một số album riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Thanh Tuyền là một trong các học trò của NS Nguyễn Văn Đông.

 Ánh Sáng Đức Tin – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/anh-sang-uc-tin.html
 Bóng Nhỏ Giáo Đường – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/bong-nho-giao-uong.html
 Đêm Thánh Huy Hoàng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/12/em-thanh-huy-hoang.html
 Xin Chúa Thấu Lòng Con – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/xin-chua-thau-long-con.html
 Màu Xanh Noël – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/mau-xanh-noel.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment