Bắt đầu Tân Niên Phụng Vụ, khởi đầu Mùa Vọng, chuẩn bị Giáng Sinh, tôi
chợt nhớ tới ca khúc “Mùa Sao Sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (đại tá quân đội VNCH), một ca
khúc thường được nghe vang lên trong mùa Giáng Sinh, chắc hẳn nhiều người đã
quen thuộc ca khúc này.
Lời thoại mở đầu ca khúc này mang tâm tình của một
người ngoại đạo: “Lạy Chúa, con là người
ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao.” Có thể nói rằng nghe ca khúc
này phải nghe giọng trầm ấm và chắc giọng của ca sĩ Giao Linh mới “đã” cái lỗ ráy.
Ca khúc “Mùa Sao Sáng” được viết ở âm thể Trưởng, với giai điệu giản dị
nhưng vẫn sáng đẹp và nhẹ nhàng, nghe như thánh ca, và ca từ cũng đẹp: “Một mùa sao sáng, đêm Noël Chúa sinh ra đời,
người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui. Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ
bi bao la, tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam.” Ông không chỉ
hướng về Chúa mà còn hướng về Mẹ Maria, mặc dù ông không là tín nhân Công giáo.
Ai cũng trải qua nhiều “Mùa Sao Sáng,” càng nhiều tuổi càng trải qua
nhiều mùa Đông: “Từ mùa Đông trước qua
mùa Đông tiếp theo sau này, người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi.” Vấn đề là còn giữ được niềm tin, dù là niềm tin đời thường hoặc niềm tin tôn
giáo. Nhưng chiến tranh và loạn lạc, cho dù “giặc
tràn về quê hương tôi, giặc diệt niềm tin Kitô,” nhưng “lớp lớp đoàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao.” Và ông
lại hướng về Đức Mẹ: “Lạy Mẹ đồng trinh
ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn, đất nước này đây sáng đức tin Chúa
trên trời cao.”
Ông không có niềm tin Kitô giáo nhưng ca từ ông
viết nghe đầy “chất” Công giáo. Phải chăng ông là người ngoại đạo nhưng luôn
hướng về Chúa, luôn tin rằng “lớp lớp đoàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời
cao” để “đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”? Và tôi gọi ông là
người-ngoại-đạo-có-niềm-tin.
Mùa Sao Sáng lại về, ông tâm sự: “Đêm
nay tôi nhớ người chưa trở lại, chênh chếch mùa sao lạc loài, ôi những mùa sao
lẻ đôi! Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, thương những mùa sao hồng
đào, ôi những mùa sao cách xa!” Chiến tranh là thế, người tiền tuyến, kẻ
hậu phương, yêu nhau mà không được gần nhau. Buồn lắm! Và nỗi nhớ ùa về ngập
lòng, khoảng xa vắng mênh mông…
Mùa Sao Sáng dành cho mọi người, của mọi người, dù lương hay giáo: “Một mùa Đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra
đời, một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao. Lạy Mẹ Đồng Trinh
ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn, đất nước này đây sáng đức tin Chúa
trên trời cao.” Da diết quá, tha thiết quá, tâm tình quá, chân thành quá!
Mùa Sao Sáng nên rất nhiều sao lấp lánh và nổi bật trên nền trời đêm
đen: “Một mùa sao sáng ôi mùa sao chói
chang muôn đời, vạn lời truyền rao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao. Lạy Mẹ
Đồng Trinh ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn, đất nước này đây sáng đức tin
Chúa trên trời cao.”
Ở NS Nguyễn Văn Đông có điều gì đó đặc biệt, đó là ông luôn hướng tâm
lên Đức Mẹ, ông cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc: “Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn, người Việt cùng thương nhau hơn, đất nước
này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.”
Một Mùa Sao Sáng nữa lại về, Ánh sáng Đức tin rạng ngời, xin cầu chúc
mọi người được sống trong công lý và hòa bình đích thực: Giáng Sinh An Lành và Năm Mới Hạnh Phúc – Merry
Christmas and Happy New Year.
TRẦM THIÊN THU
✽ Bóng Nhỏ Giáo Đường – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/bong-nho-giao-uong.html
✽ Đêm Thánh Huy Hoàng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/12/em-thanh-huy-hoang.html
✽ Xin Chúa Thấu Lòng Con – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/xin-chua-thau-long-con.html
✽ Sắc Màu Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/sac-mau-giang-sinh.html
✽ Màu Xanh Noël – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/mau-xanh-noel.html
✽ Đêm Thánh Huy Hoàng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/12/em-thanh-huy-hoang.html
✽ Xin Chúa Thấu Lòng Con – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/xin-chua-thau-long-con.html
✽ Sắc Màu Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/sac-mau-giang-sinh.html
✽ Màu Xanh Noël – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/mau-xanh-noel.html
✽ Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15-3-1932
tại quận 1 (Saigon), nguyên quán ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 1946, gia
đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu. Ông có các bút
danh khác là Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông
Phương Tử. Ông là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình ca Việt Nam, tác giả của nhiều
ca khúc tân nhạc nổi tiếng như Chiều Mưa Biên Giới, Hải Ngoại
Thương Ca, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Ai Đi Ngoài Sương Gió, Bóng Nhỏ
Giáo Đường, Chiều Mưa Biên Giới, Cay Đắng Tình Đời, Bẽ Bàng,... Ngoài ra ông
còn là soạn giả của một số tuồng cải lương thịnh hành như Tiếng Hạc Trong Trăng, Nửa
Đời Hương Phấn.
Ông là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần
ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh
Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy
Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Từ năm 1958, ông là
trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Saigon, gồm những danh
ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh
Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc...
Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental
và Sơn Ca nổi tiếng, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn
Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân,... Hai cơ sở của ông cho ra đời nhiều chương
trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở tuồng và cải lương. Chính
Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà
trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi
tiếng trong đó có Khánh Ly (Sơn Ca 7), Thái Thanh và Ban nhạc Thăng
Long (Sơn Ca 10), Lệ Thu (Sơn Ca 9), Phương Dung (Sơn Ca 5 và 11),
Giao Linh (Sơn Ca 6), Sơn Ca (Sơn Ca 8)... và một số album riêng cho nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Thanh Tuyền là một trong các học trò của NS Nguyễn Văn
Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment