Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

KỸ NĂNG KITÔ GIÁO CHO NGÀY TẬN THẾ

Có một số kỹ năng mà thế giới sẽ cần trong bóng tối ảm đạm nhất. Là Kitô hữu, chúng ta có khởi đầu thuận lợi. Cá nhân tôi không nghĩ rằng thế giới sẽ sớm kết thúc. Nhưng tôi biết rất nhiều người nghĩ vậy.

Một số là những người lo lắng thế tục, những người nhìn thấy những điều khoa học viễn tưởng trở thành sự thật. Họ lo lắng về người ngoài hành tinh, về UFO – vật thể bay không xác định, người máy và trí tuệ nhân tạo. Tôi cố gắng có thái độ Công giáo hơn đối với người ngoài hành tinh và công nghệ tiên tiến.

Những người khác là những người lo lắng về tôn giáo thấy lời tiên tri này hay lời tiên tri khác lờ mờ phía trước. Họ có một điểm: Chúa Giêsu và giáo lý, cả hai đều mong đợi thời kỳ đen tối. Tôi không đủ tư cách để đánh giá bất kỳ lời tiên tri cụ thể nào ngoại trừ trích dẫn câu nói của Chúa Giêsu: “Không ai biết ngày hay giờ đó.” Và Đức Mẹ Fatima nói: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ chiến thắng.”

Mặc dù vậy, tôi đủ điều kiện theo một cách: Việc trở thành một Kitô hữu đem lại cho tôi ân sủng để có được tập hợp các kỹ năng mà thế giới sẽ cần trong bóng tối ảm đạm nhất.

1. ĐỪNG VÀO HÙA – HÃY CHIA SẺ 

Tôi vẫn nhớ nỗi sợ hãi Y2K. Những người bạn của chúng tôi, giống như rất nhiều người vào đầu thế kỷ trước, đã tin chắc rằng máy tính sẽ hỏng hóc và khiến thế giới hoảng loạn và suy sụp, vì vậy họ đã dự trữ một số thực phẩm cơ bản có thể dự trữ được. Năm 2000 đến và không có cuộc khủng hoảng kỹ thuật số nào xảy ra, họ lấy số thực phẩm mà họ đã tiết kiệm để phân phát cho bạn bè như một hành động khiêm tốn và từ thiện.

Điều đó cho thấy hành vi thực tế mà họ cần trong cơn khủng hoảng. Không có gì sai khi chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra, nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể thu thập đủ lương thực để biến gia đình mình thành một thế giới riêng trong tương lai vô định. Cách duy nhất để sẵn sàng cho những thời điểm khó khăn là học cách phục vụ và chia sẻ.

Lời khuyên này là một câu thành ngữ trong Cựu Ước: “Người tử tế sẽ được chúc phúc, vì đã đem cơm bánh cho người nghèo.” (Cn 22:9) Thánh Gioan Tẩy Giả nói: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.” (Lc 3:11) Thánh Phaolô còn đi xa hơn: “Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống.” (Rm 12:20)

2. HỌC KẾT NỐI – KHÔNG ẨN NÁU 

Nhiều câu chuyện hậu khải huyền vẽ nên một bức tranh về một tương lai đen tối, nơi không ai đáng tin cậy và bí quyết thành công là ẩn náu. Nhưng đó không phải là cách thế giới tồn tại. Những người tị nạn trước đây chứng thực rằng khi bạn dễ bị tổn thương nhất, bạn sẽ thực sự gặp phải những người vô tâm và tàn nhẫn, nhưng hầu hết bạn sẽ thấy rằng con người đã cố gắng hết sức để giúp đỡ những người khác.

Là những Kitô hữu, chúng ta tình cờ thuộc về một tôn giáo được tôi luyện từ những kinh nghiệm tị nạn. Lời khuyên trong Cựu Ước được tóm tắt trong 613 điều luật của Do Thái giáo được thiết kế để kết nối dân Chúa với bất kỳ ai chia sẻ các giá trị của Israel, kể cả người lạ, nhưng cấm bất kỳ sự thỏa hiệp nào với những người sẽ phá hủy các giá trị của Israel. Chúa Giêsu đã chuyển các giá trị sang Thiên Đàng và ban cho chúng ta Tám Mối Phúc làm điều tương tự. Nếu bạn muốn thành công khi thời gian tăm tối, hãy học cách hòa hợp với những người khác.

3. ĐỪNG LO LẮNG – HÃY TÍN THÁC

Không chỉ tổ tiên của chúng ta là những người tị nạn, mà cả những người theo Kitô giáo hiện nay đang ở khắp nơi trên thế giới. Ở Mỹ, chúng ta tình cờ sống ở một đất nước mà mọi người chạy trốn đến hơn là rời đi, vì vậy thật dễ dàng để quên rằng nỗi đau khổ thực sự như thế nào ở bên ngoài biên giới của chúng ta.

Trớ trêu thay, những người khá giả đôi khi lại lo lắng nhiều hơn những người đã học được qua kinh nghiệm cá nhân rằng Thiên Chúa quan tâm họ.

Để dạy các môn đệ tin tưởng vào Thiên Chúa, Chúa Giêsu sai các ông đi từng hai người một để trông cậy vào lòng thương xót của người lạ. Thật vậy, từ khi sự thiếu tin tưởng dẫn đến sự sa ngã của Ađam và Êva, tất cả lịch sử cứu độ có thể được coi là câu chuyện về Thiên Chúa gặp gỡ dân Ngài trong gian khổ để chứng minh rằng họ có thể tin cậy Ngài — từ Nôê đến Đanien, từ Giuse trong Cựu Ước tới Giuse trong Tân Ước. Chúng ta cần thực hành những kỹ năng mà họ đã học được, bằng cách cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, cố gắng khi khó khăn và sống quảng đại.

4. ĐỪNG IM LẶNG – HÃY CHIA SẺ HY VỌNG

Elie Wiesel, người sống sót sau vụ tàn sát, cho biết rằng hy vọng là bí quyết để sống sót trong các trại tập trung – nhưng các tù nhân chỉ có thể lấy hy vọng từ lẫn nhau. Lm Emil Kapaun đã phục vụ các binh sĩ và tù nhân chiến tranh trong cuộc chiến Triều Tiên bằng cách chia sẻ những chuyện cười, tặng quà và cầu nguyện: bất cứ điều gì đem lại hy vọng cho họ.

Đó là công việc của chúng ta, nếu và khi khủng hoảng xảy ra: Đem hy vọng đến cho mọi người. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Chúng ta không biết tương lai sắp đặt cho chúng ta điều gì, nhưng chúng ta chắc chắn rằng tương lai sẽ an toàn trong tay Chúa Kitô, Vua của các vua và Chúa của các chúa.”

Chúa Giêsu có kế hoạch tổng thể để bảo đảm rằng mọi người đều nghe thấy niềm hy vọng đó, khi mọi thứ trở nên thực sự khó khăn. Kế hoạch của Ngài là bạn và tôi sẽ nói với họ.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Lễ Đức Mẹ Mông Triệu – 2023

 Thiên Đàng, Hỏa Ngục Hai Bên
     https://tramthienthu.blogspot.com/2015/07/thien-ang-hoa-nguc-hai-ben.html

 Chúa Sắp Giáng Lâm – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/chua-giesu-sap-giang-lam.html
 Giáo Hoàng Cuối Cùng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/giao-hoang-cuoi-cung.html
 Chuông Điểm Giờ G – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/gio-g-iem-chua.html
 Giờ G Đã Điểm Chưa – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/gio-g-iem-chua.html
 Sứ Điệp Tận Thế – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/09/su-iep-tan-the.html
 Trước Vành Móng Ngựa – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/10/truoc-vanh-mong-ngua.html
 Vấn Đề Cánh Chung – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/11/van-e-canh-chung.html
Chung Thẩm – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/chung-tham.html
Dấu Chấm Hết – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/11/dau-cham-het.html
 Tại Sao Chúa Chưa Trở Lại?
     https://tramthienthu.blogspot.com/2023/02/tai-sao-chua-giesu-chua-tro-lai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment