Thế kỷ 17, cả vua Louis XIV và Khang Hy (Khang
Hy) đều có ước muốn chung là biết về thế giới, cuộc trao đổi văn hóa giữa hai
quốc gia có điểm chung. Các nhà truyền giáo Âu châu đã đưa khoa học và nghệ
thuật Âu châu sang Trung quốc (TQ). Nghệ thuật TQ và những ảnh hưởng đã tạo
chuyến “kinh lý” vòng quanh về nghệ thuật và văn chương Âu châu.
Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn gặp nhau. Mặc dù
vua Louis cố gắng tiếp kiến hoàng đế Khang Hy, nhưng số phận đã giữ họ cách xa
nhau suốt đời. Ngày 6/8/1688, vua Louis viết thư gởi hoàng đế Khang Hy, nhưng
thư không đến tay người nhận. Ngày nay lá thư đó vẫn được lưu trữ tại Văn khố
Ngoại giao Pháp quốc (French Foreign Affaires Archives).
Cả đời họ chưa một lần tận mặt gặp nhau, họ
không biết mình sẽ có điểm chung về cách nhìn tương lai trong những trường hợp
đặc biệt nhất, qua các cuộc triển lãm được hai quốc gia tổ chức.
ĐỒNG HỒ TINH XẢO VÀ
TIẾP CẬN HOÀNG ĐẾ
Mục đích chính của các nhà truyền giáo Âu
châu là truyền đạo Kitô. Họ nghĩ tốt nhất là đích thân gặp hoàng đế TQ. Nhưng hệ
thống tôn ti trật tự nghiêm và văn hóa Khổng Tử (Confucian culture) thấm sâu đã
khiến họ không được phép tiếp kiến hoàng đế.
Các nhà truyền giáo nghĩ đến khoa học tân
tiến của Âu châu và nghệ thuật ngoại lai có thể thu hút sự chú ý của các nhà
lãnh đạo tối cao của TQ.
Đó là những chiếc đồng hồ tinh xảo mà nhà
truyền giáo Ý Matteo Ricci đem đến đã tạo được sự chú ý của hoàng đế nhà Minh
(Ming), và mở cửa cho họ vào Tử Cấm Thành (Forbidden City).
ĐỒNG
HỒ CỦA MATTEO RICCI
Sinh nhật thứ 58 vào ngày 3/5/1610, Ricci qua
đời tại Bắc kinh. Dưới triều nhà Minh, đáng lẽ Matteo được an táng ở Macao,
nhưng hoàng đế cho phép an táng ông ở Bắc kinh vì ông có những cống hiến cho
khoa học.
Bí quyết vào Tử Cấm Thành của Matteo Ricci lại
không là bí quyết chi cả. Ricci dược các nhân vật cao cấp TQ chú ý nhờ cách
giới thiệu các vật dụng tôn giáo và khoa học – như các hình lăng trụ, bản đồ và
thập giá.
Năm 1601, Ricci được hoàng đế Hoàn Lễ (Wan Li,
1563-1620) mời đến Tử Cấm Thành, ông là người Tây phương đầu tiên được vào cung
điện. Như một món quà, Ricci đem theo hai chiếc đồng hồ tặng cho hoàng đế. Hoàng
đế Hoàn Lễ tỏ ra không quan tâm về Kitô giáo mà Ricci có ý truyền bá. Tuy
nhiên, ông bị mê hoặc bởi hai chiếc đồng hồ mà Ricci tặng. Để có thể nghe tiếng
chuông đồng hồ gõ, hoàng đế Hoàn Lễ đã mời Ricci tới cung điện để chứng minh.
Hồ sơ lịch sử cho biết chiếc đồng hồ lớn gõ
một tiếng lúc 1 giờ chiều và gõ mười hai tiếng lúc nửa đêm và buổi trưa. Chiếc
đồng hồ nhỏ gõ một tiếng mỗi 15 phút và gõ bốn tiếng mỗi giờ. Xét ngoại vi, những
chiếc đồng hồ là cuộc hội ngộ huyền bí của thời gian và âm thanh. Xét nội vi,
chúng là một hoạt động phức tạp của cơ cấu và thiết bị.
Hoàng đế Hoàn Lễ thích những chiếc dồng hồ
đến nỗi ông cho phép Ricci lưu trú tại thủ đô Bắc kinh. Với phép của hoàng đế,
Ricci có thể ra vào Tử Cấm Thành để chỉnh đồng hồ cho hoàng đế. Ricci mất ba
ngày để chỉ cho các thái giám (eunuch) biết cách sử dụng đồng hồ.
Mặc dù cửa cung điện mở cho các nhà truyền
giáo Ý, Ricci vẫn không được tiếp kiến hoàng đế. Cơ hội duy nhất để thấy hoàng
đế là ở buổi thiết triều (imperial court), nơi mà Ricci và các quan cao cấp quỳ
trước bệ rồng. Hoàng đế Hoàn Lễ thích ở trong cung và để việc triều chính cho
các quan. Cũng nhờ những chiếc đồng hồ kia mà hoàng đế cho phép Ricci xây dựng
nhà thờ ở miền Nam Bắc kinh.
NHẠC
TÂY NGHE “LỌT TAI” HOÀNG ĐẾ NĂM 1670
Năm 1670, hoàng đế Khang Hy, hoàng đế thứ hai
đời nhà Thanh (Qing), truyền lệnh cho các nhà truyền giáo có thể dùng các nhạc
cụ để hòa nhạc và chơi bản sonata (bản nhạc soạn riêng cho piano hoặc cho piano
và violon) của nhà truyền giáo nhạc sĩ Ý Teodoricus Pedrini. Buổi biểu diễn này
là lần đầu tiên sonata được chơi ở TQ. Nhưng nhiều nhạc công thiếu kỹ năng nên
hoàng đế tức giận kết thúc buổi hòa nhạc và giải tán ban nhạc.
Nhưng điều mà hoàng đế Khang Hy nghe được đã
khiến ông quan tâm nhiều đến âm nhạc Tây phương. Hai ngày sau, cũng ban nhạc đó
được triệu tập để biểu diễn lại trong cung.
Hoàng đế chăm chú nghe suốt bốn giờ liền và hoàn
toàn bị âm nhạc thu hút. Trong những đoạn cao trào, hoàng đế cũng say với điệu
nhạc.
Nhật ký truyền giáo cho thấy hoàng đế yêu
nhạc và muốn trở thành nhạc sĩ, dù ông không có thiên khiếu. Hoàng đế này thích
nhạc của Pedrini và thường nghe nhạc sĩ này tấu nhạc. Hoàng đế truyền cho
Pedrini dạy Tây nhạc cho các học sinh TQ và hai hoàng tử.
CUỘC
ĐỤNG ĐỘ GIỮA MÀU NƯỚC VÀ SƠN DẦU TÂY PHƯƠNG
Dù họ có ý vậy, các nhà truyền giáo Âu châu
vẫn được người TQ biết đến nhiều về nghệ thuật và khoa học hơn là về các sứ
điệp Kitô giáo mà họ rao giảng. Cùng với những chiếc đồng hồ và Tây nhạc, tranh
sơn dầu của Âu châu cũng được giới thiệu với người TQ qua các nhà truyền giáo –
một số nhà truyền giáo là họa sĩ sơn dầu giỏi.
Dần dần được giới thượng lưu TQ chấp nhận, các
họa sĩ ngoại quốc kết hợp tranh sơn dầu Tây phương với kỹ thuật truyền thống TQ
và có cơ hội làm việc trong các buổi thiết triều. Giuseppe Castiglione, họa sĩ
Ý, là họa sĩ Tây phương nổi tiếng nhất ở TQ thới đó.
GIUSEPPE
CASTIGLIONE
Castiglione được hoàng đế Khang Hy mời vào cung.
Hoàng đế Khang Hy ấn tượng với tài vẽ của Castiglione nên cho phép ông nghiên
cứu tranh truyền thống TQ. 50 năm sau, Castiglione trở nên họa sĩ của hoàng gia,
chứng kiến những thăng trầm của ba vị hoàng đế – Khang Hy, Ung Chính (Yongzheng,
1678-1735) và Càn Long (Qianlong, 1711-1799).
Castiglione chỉnh cách vẽ tranh sơn dầu để
hợp với thị hiếu thẩm mỹ của hoàng đế và mỹ học (aesthetics) bằng cách dùng
giấy thông thảo (rice paper), lụa, mực Tàu và bút cọ của TQ. Tuy nhiên, sự kết
hợp thống nhất của cách vẽ của Tây phương và TQ là cách duy nhất ông có thể vượt
qua những thất thường của buổi thiết triều.
Năm 1762, 16 bức tranh của các họa sĩ Tây
phương ở TQ được gởi sang Pháp để làm thành những bản khắc (dry points, còn gọi
là “bản khắc ngòi khô”), một phương pháp khắc mà cách vẽ được cào xước trực
tiếp lên tấm kim loại (thường bằng đồng) bằng dụng cụ nhọn sắc bén.
Các bức họa này, mô tả cuộc chiến ở biên giới
giữa những năm 1755–1761, được bảy họa sĩ khắc a-xít (etchers) khác vẽ lại, họ
mất 7 năm mới hoàn thành. Năm 1773, các bức họa gốc cùng với các bản khắc ngòi
khô được trả lại Tử Cấm Thành.
PHÁT
TRIỂN ĐẤU TRANH
Việc trao đổi văn hóa giữa các thế kỷ 17 và
18 cũng thúc đẩy việc phát triển khoa học của TQ và xuất hiện các khoa học gia
TQ nổi tiếng.
KHOA
HỌC GIA CÔNG GIÁO TRUNG QUỐC
Hứa Quang Cơ (Xu Guangqi, 1562-1633) là khoa
học gia nổi tiếng của TQ. Ông quen với nhà truyền giáo Ý Matteo Ricci, người mà
ông thường gặp cùng đàm đạo về khoa học Tây phương.
Tình bạn đó đã thay đổi cuộc đời của Ricci. Ông
Hứa biết toán học Tây phương, kể cả thiên văn học, khoa đo đạc (geodesy) và thủy
lực học (hydraulics). Ông đưa các khoa học này vào ứng dụng trong việc canh
nông và công nghệ muối. Là viên quan cao cấp, nhưng ông Hứa theo đạo Công giáo.
Ông cùng với Ricci dịch bản văn gốc về hình học.
Ông Hứa đã dự báo chính xác hiện tượng nhật
thực (solar eclipse) xảy ra ngày 21/6/1629 bằng cách dùng khoa thiên văn của
Tây phương. Thấy ông Hứa tính toán chính xác, hoàng đế Sùng Chân (Chongzhen) đã
cho thành lập Văn phòng Thiên văn (Bureau of Astronomy).
Ông Hứa được phân công điều hành văn phòng
này, và các tu sĩ dòng Tên được mời đến cùng soạn thảo lịch mới. Từ đó, nhiều
sách về thiên văn học Tây phương và công lịch [Gregorian calendar, hệ thống
lịch do Giáo hoàng Gregory XIII (1502-1585) đưa ra và cũng là hệ thống
lịch mà thế giới ngày nay vẫn sử dụng] được giới thiệu với TQ một cách có
hệ thống.
Sau Matteo Ricci, nhiều nhà truyền giáo giỏi
về khoa học và kỹ thuật cũng được vào Tử Cấm Thành, kể cả nhà truyền giáo Đức Johann
Adam Schall von Bell (1591-1666), và nhà truyền giáo Bỉ Ferdinand Verbiest
(1623-1688).
JOHANN
ADAM SCHALL VON BELL
Trước khi Schall được phân công điều hành Văn
phòng Thiên văn, ông đã được hoàng đế cuối cùng đời nhà Minh triệu vào cung và chỉnh
chiếc đàn dương cầm triều cống (tribute piano) của Ricci, không lâu trước khi
hoàng đế nhà Minh sụp đổ.
Khi một vương triều bị lật đổ ở TQ cổ, các
hiện tượng thiên văn là điều quan trọng khi tiên báo người cai trị đất nước
trong tương lai. Schall lợi dụng thời cơ và tặng sách về lịch Tây phương các
nhà lãnh đạo Mãn Châu (Manchu) mới – các nhà lãnh đạo này kế thừa cả hai lý
thuyết và cả chính Schall.
Schall là người thường xuyên ra vào cung để
nói chuyện về khoa học với hoàng đế trẻ Thuấn Chi (Shunzhi, 1638-1661). Dù
hoàng đế này bệnh trầm kha và băng hà khi chưa chấp nhận Kitô giáo, nhưng ông
đã theo lời khuyên của Schall và đặt tên cho hoàng tử 8 tuổi của ông là Khang
Hy, người kế vị Thuấn Chi.
Vị hoàng đế trẻ đối diện vói các thử thách
với quyền hành của mình của các quan cao cấp ngay từ ngày mới lên ngôi. Schall lúng
túng khi đấu tranh và bị kết án tù vì tội mưu phản (treason) và dự báo thiên
văn sai. Ông chết vì tuổi già ngày 15/8/1666. Khi hoàng đế Khang Hy đánh bại
phiến quân và kiểm soát triều chính, ông ra lệnh lấy lại danh dự cho Schall và
dời mộ ông tới gần mộ Matteo Ricci.
Schall sống 47 năm ở TQ. Lượng giác học (trigonometry)
và nhiều công trình khoa học của ông đã được viết và xuất bản tại TQ. Ông xây
dựng một bán cầu sao đôi (double stellar hemisphere) để minh họa chuyển động của
hành tinh và viết 150 hiệp ước bằng tiếng TQ có liên quan vấn đề lịch.
CUỘC
CHIẾN CỦA THIÊN TỬ
Có lúc Ferdinand Verbiest đã là phụ tá của
Schall. Trong một cuộc thi năm 1669, ba năm sau khi Schall qua đời, Verbiest đã
vượt qua các nhà thiên văn TQ với kiến thức về thiên văn học. Ông còn giúp hoàng
đế Khang Hy chống lại các đối thủ.
Trong một cuộc thi, hoàng đế ra lệnh tranh
luận công khai vấn đề liên quan công trạng tương xứng của thiên văn học TQ và
Âu châu. Hai nhà thiên văn, Dương Quang Tuyến (Yang Guangxian) và Verbiest phải
dùng khả năng toán học của mình để xác định bóng của cột đồng hồ mặt trời cố
đinh (gnomon, sun dial stick). Chính bầu trời là thẩm phán.
Hội đồng kín (privy council) gồm các công sứ
quốc gia, các nhân viên Văn phòng Thiên văn, và các quan lại tại Tuyệt Đỉnh Môn
(Meridian Gate) của Tử Cấm Thành. Verbiest, với các dữ liệu chính xác, đã chiến
thắng và liền được bổ nhiệm làm trưởng ban toán học.
DỊ
BIỆT VÀ TƯƠNG ĐỒNG
Người này là học trò, người kia là vũ công. Cả
hai đều là những người lãnh đạo vĩ đại. Hoàng đế Khang Hy thích khoa học và miệt
mài nghiên cứu các lý thuyết tiến bộ của Tây phương, còn vua Louis XIV thích
múa ba-lê nên có biệt danh Vua Mặt Trời (Sun King) sau khi xuất hiện trên sân
khấu trong vai Thần Mặt Trời Apollo. Mặc dù khác nhau nhiều về tính cách và thú
tiêu khiển, họ vẫn có mối quan tâm chung về sự phát triển khoa học trong đất
nước mình.
Vua Louis thành lập Viện Khoa học Pháp quốc (France
Academy of Science) để các khoa học gia họp mặt hằng tuần. Cũng vậy, hoàng đế Khang
Hy thành lập Viện Toán học (Institute of Mathematics), và ông cho dịch các tác
phẩm của Tây phương. Nhưng văn hóa dị biệt nên hai nước có cách phát triển khác
nhau.
Trong một quốc gia tương đối ổn định và
truyền thống như TQ lúc đó, khó có thể chấp nhận các tư tưởng và các lý thuyết
ngoại quốc. Mãi đến cuối thế kỷ 19, sau cuộc biến động lớn về xã hội và khủng
hoảng, người TQ mới nhận ra tầm quan trọng của việc học tập các phương pháp
khoa học của Tây phương.
Trong những ngày đầu, ở mức độ nào đó, thiên
văn học của Tây phương đã giúp hoàng đế Khang Hy thoát khỏi những tên quan lại
muốn tiếm ngôi, chủ trương theo lịch truyền thống TQ và liên tục phạm sai lầm
khi tiên báo một số hiện tượng thiên văn. Khi quyền lực hoàng đế được củng cố, nhiệm
vụ của viện này là tu chỉnh hệ thống khoa học truyền thống TQ, không nghiên cứu
thêm các phương pháp khoa học của Tây phương.
Lịch sử cho thấy hoàng đế đã cấm những vấn đề
liên quan thiên văn học hoặc lý thuyết về lịch trong các cuộc thi cử hồi cuối
triều đại của ông.
Nhưng vua Louis đã để mặc viện này quyết định
các môn học. Các khoa học gia hình thành các chu kỳ riêng mà không có sự can
thiệp của nhà vua. Họ không phải trải qua cuộc sát hạch của nhà vua và không ai
ra lệnh phải làm gì tiếp. Không khí tự do đã giúp cho khoa học phát triển ở đất
nước này.
GIÓ
ĐÔNG THỔI VÀO PHÁP
Trong nhiều năm trao đổi văn hóa cho đến giữa
thế kỷ 18, TQ đã được Tây phương chú ý. Các nhà truyền giáo tới TQ đưa các tác
phẩm về Âu châu, giới thiệu các phương diện hấp dẫn của TQ với dân Âu châu. Các
tác phẩm nghệ thuật TQ trở nên những vật ưa thích của giới quý tộc Âu châu, và
suốt thập niên 1700 bất kỳ thứ gì của TQ cũng được ưa chuộng.
Triết gia Đức Gottfried Wilhelm von Leibnitz
(1646-1716) đọc những cuốn sách về xã hội TQ và thấy rất quan tâm tới cấu trúc ngôi
sao sáu cánh (hexagram) trong cuốn “Sách của Sự Thay Đổi” (Book of Changes).
Leibnitz đề cao Khổng giáo của TQ, và nghĩ họ ảnh hưởng Phong trào Khai sáng (Enlightenment
Movement, người ta cho rằng chính lý trí và khoa học, chứ không phải tôn
giáo, sẽ làm cho nhân loại tiến bộ) ở Đức hồi thế kỷ 18.
Kịch TQ đến Âu châu từ thế kỷ 18. Năm 1735, một
tu sĩ dòng Tên là Prémaire đã dịch vở kịch cổ “Đứa trẻ Mồ côi của Nhà họ Triệu”
(The Little Orphan of the Family Zhao) tới Pháp. Vở kịch này được viết từ thế
kỷ 14 và được phỏng theo một vở kịch trước đó.
Một trong các văn hào nổi tiếng nhất của Pháp
là Voltaire (1694-1778), ông viết những vở kịch về thời gian Prémaire đưa các
bản dịch tới Paris, tuyên bố tác phẩm “Đứa trẻ Mồ côi của Nhà họ Triệu” là kiệt
tác, hơn hẳn những tác phẩm ở Âu châu hồi thế kỷ 14. Voltaire lấy cốt truyện, đặt
cho tác phẩm của ông là “L'Orphelin de Chine” (Đứa trẻ Mồ côi của Trung quốc). Trong
những tác phẩm có sức thuyết phục trong những năm 1740–1760, Voltaire đã trình
bày chi tiết tư tưởng của ông về TQ.
Trong một cuốn tiểu thuyết, ông đưa ra cách
nhìn tương đương của các giá trị luân lý trong các xã hội khác nhau, như giữa
Âu châu và Á châu. Trong một vở kịch, ông đề nghị rằng sức mạnh luân lý bẩm
sinh (innate moral strength) của TQ có thể xoa dịu ngay cả những người Mông cổ
xâm lăng do Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) điều khiển. Voltaire cân nhắc lịch sử
thế giới trong “Tiểu luận về Phong tục và Tinh thần Quốc gia” (An Essay on the
Customs and Spirit of Nations), phần nhiều nói về TQ: “Sự hiểu lầm về các nghi
lễ TQ do chúng ta xét đoán cách thực hành của họ theo cách của chúng ta: vì
chúng ta có nhiều định kiến xuất phát từ bản chất gây hấn của chúng ta đối với
mọi nơi trên thế giới”.
Không thể tìm thấy “vua triết gia” (philosopher-king)
ở Âu châu để minh họa cho cách nhìn của tôn giáo và chính phủ, Voltaire tin
hoàng đế Càn Long sẽ lấp đầy khoảng cách đó, và ông đã làm những bài thơ tôn
vinh hoàng đế.
Lời khen của Voltaire dành cho các tổ chức
của TQ xuất hiện trong một văn bản bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với TQ. Cũng
trong thời gian ngắn ngủi này hồi giữa thế kỷ 18, Âu châu bị TQ “thôi miên”
bằng đồ TQ, thường được mô tả bằng từ ngữ Pháp là “chinoiserie” (kiểu TQ, tính
cách TQ), niềm say mê lối trang trí và thiết kế của TQ hơn là triết lý và cách
cai trị.
Về in ấn và cách diễn tả của nhà và vườn kiểu
TQ, về lụa thêu, thảm, và đồ sứ sặc sỡ, dân Âu châu thấy cách thay thế cho độ
chính xác hình học của lối kiến trúc tân cổ (neoclassical architecture) và tầm
quan trọng của lối thiết kế cầu kỳ (baroque design). Phong cách rococo (cầu kỳ,
lòe loẹt, nặng hình thức, phổ biến ở Âu châu hồi thế kỷ 18) của Pháp là một
phần của phong cách này, ủng hộ màu nhạt, tính bất đối xứng (asymmetry), sự rối
loạn tính toán, và sự hưởng thụ (sensuality).
Cách thể hiện phổ biến đó thấy ở khắp nơi tại
Âu châu, từ thiết kế kiểu TQ trên giấy dán tường và đồ đạc làm đẹp nhà cửa giới
trung lưu đến các chùa chiền, ghế kiệu (sedan chair) mà người ta dùng di chuyển
trên đường phố, và lưới rào (lattice) bao quanh các khu vườn.
Vua Louis XIV được coi là người thích đồ đạc
kiểu TQ. Loại đồ đạc này có thể thấy ở phòng của hoàng hậu và phòng của hoàng
tử. Một số đại tiệc của giới quý tộc cũng dùng đồ TQ là chính. Năm 1667, một
buổi khiêu vũ lớn được tổ chức tại Lâu đài Versailles, nơi vua Louis XIV tổ
chức lễ khai mạc và mặc trang phục TQ. Và 33 năm sau, tại một buổi khiêu vũ ở
cung điện, nhà vua đã xuất hiện trong chiếc xe mui kín kiểu TQ.
KHOA
HỌC VÀ TRUYỀN GIÁO
Tuy nhiên, nghệ thuật và khoa học Tây phương
được giới thiệu với TQ nhờ các nhà truyền giáo quan tâm nhiều đến việc cứu các
linh hồn hơn là truyền bá kiến thức. Từ đó, họ không đến với dân thường. Đó chỉ
là sự biến đổi xã hội quan trọng và sự khủng hoảng cuối thế kỷ 19 mà người TQ
quay sang khoa học Tây phương, vì họ muốn khôi phục đất nước mình.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ China Culture)
✽ Cô Bé
Nô Lệ – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/co-be-no-le.html
✽ Đẻ
Thuê – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/e-thue.html
✽ Sư Tử Cái
– https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/su-tu-cai.html
✽ Giúp
Các Nạn Nhân Nô Lệ Tình Dục
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/giup-cac-nan-nhan-no-le-tinh-duc.html
✽ Cuộc Chiến Chống Nữ Giới – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/05/cuoc-chien-chong-nu-gioi.html
✽ Cuộc Chiến Chống Nữ Giới – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/05/cuoc-chien-chong-nu-gioi.html
✽ Triệu Phú
Mồ Côi – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/06/trieu-phu-mo-coi.html
✽ Độc Đáo Giáo Dục Phần Lan
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/cac-hoc-sinh-phan-lan-ang-uoc-huong-nen.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment