Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

ĐẺ THUÊ

Ngày nay Ấn Độ có thêm nhiều dịch vụ. Vậy sao không mang thai? Nhiều phụ nữ Ấn độ sẵn sàng mang thai dùm nguời khác.

Một  ngày nắng gay gắt bên ngoài Bệnh viện Vô sinh Akanksha, thuộc thành phố nhỏ Anand. Dưới bóng cây gần cổng có một con bò và một gia đình người hành khất. Bên trong bệnh viện, phòng chờ chật những phụ nữ quấn sari đi chân đất. Các y tá loay hoay quanh họ, gọi tên và đưa thuốc. Không khí nồng nặc mùi mồ hôi và mùi xi-măng. Trên tường treo những hình em bé và những bài cắt từ báo. Một bài có tiêu đề “Cái Nôi Của Thế Giới.”

Trong trường hợp này, ẩn dụ cũng là nghĩa đen. Bệnh viện Akanksha là hàng đầu về kinh doanh phát đạt của Ấn Độ, gọi là “du lịch sinh sản” – người ngoại quốc đến nước này để chữa vô sinh và thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, nỗ lực chính của bệnh viện là thành công trong việc dùng phụ nữ để sinh con cho người ngoại quốc. Mang thai dùm ở Ấn Độ giá khoảng 12.000 USD, bao gồm chi phí y tế và tiền đẻ thuê. Ở Mỹ, chi phí có thể lên đến 70.000 USD.

Tại sao việc đẻ thuê phổ biến ở vùng Anand khan hiếm nước với dân số 150.000 người thuộc Gujarat của Ấn Độ? Đó là câu chuyện dài nhưng câu trả lời ngắn gọn thôi. BS Nayna Patel, 47 tuổi, giám đốc bênh viện, một phụ nữ có sức quyến rũ với mái tóc dài, đã đặt Anand lên hàng đầu từ năm 2003, khi bà sắp xếp việc mang thai dùm cho một phụ nữ địa phương muốn “cho mượn” tử cung. Phụ nữ này đã sinh đôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tên tuổi BS Patel nổi như cồn khắp thế giới, bà nhận nhiều đơn đặt hàng, hiên nay bà có 45 phụ nữ muốn mang thai dùm, đa số là phụ nữ nghèo ở các làng gần đó. 27 người trong số họ hiện đang mang thai, mỗi người được trả 5.000–7.000 USD (tương đương tiền lương 10 năm đối với dân quê Ấn Độ). Hơn 50 đứa trẻ đã được sinh ra tại bệnh viện này trong 3 năm qua, ½ là sinh dùm người Tây phương hoặc Ấn kiều sống ở ngoại quốc.

Một ví dụ khác về việc lạm dụng thế giới thứ ba? Toàn cầu hóa là khùng điên? Hệ thống này chắc chắn tự phê phán mình rằng phụ nữ ngoại quốc không đồng ý hoặc không thể trả phí cao để lợi dụng các phụ nữ nghèo ở mức 1/10 giá cả so với trong nước họ. Hệ thống này cũng tránh thói quan liêu hợp pháp và tạo bộ mặt xấu cho phụ nữ ở Mỹ. (Đừng nói rằng Ấn Độ, khác với một số nước phát triển, có hệ thống y tế khá tiến bộ và các BS đều nói tiếng Anh). Hoặc đó có là mối quan hệ lợi ích hỗ tương? Ở mức đánh giá nào đó, việc mang thai dùm ở Ấn Độ là việc kinh doanh trị giá 445 triệu USD/năm.

Jessica Ordenes là chủ một trường nhỏ dạy yoga ở New Jersey. Nóng bức, vô định, uể oải và riêng lẻ. Chồng chị là David cũng tham gia với chị suốt tuần. Chị ngồi ở một phòng vắng khách của một bác sĩ ở bệnh viện Akanksha, uống nước dừa tươi và chờ tiêm hormone mỗi ngày. Chị là một phụ nữ nhỏ nhắn, nữ tính, tóc dài và cột đuôi gà. Chị mặc áo sơ-mi xanh lá và môi son bóng. Chị phải đến Anand vì chị đã 40 tuổi, gần hết tuổi sinh sản. Chị không mang thai nhưng vẫn thấy kinh nguyệt, chị đã mất nhiều năm chạy chữa ở Mỹ để có con mà không được. Chị nói: “Tôi sắp hết trứng, sắp hết hy vọng, và sắp hết kiên nhẫn để chữa trị ở Mỹ. Tôi đọc thấy bệnh viện này trên mạng, tôi cảm thấy Ấn Độ là cơ hội cuối cùng của tôi.”

Ordenes đến vài ngày trước, ở khách sạn gần bệnh viện để tiện đi lại. Chị được tiêm hormone kích thích buồng trứng. Khoảng 10 ngày, trứng sản sinh sẽ được trích ra và cho kết hợp với tinh trùng của chồng. Hai ngày sau đó, nếu “xuôi chèo mát mái,” một số phôi thai sẽ được cấy vào Najima Vohra (30 tuổi, có 2 con, người mang thai dùm Ordenes). Ordenes biết rất ít về người phụ nữ mamg thai dùm. Ordenes mới gặp chị ta 1 lần khi mới đến chữa trị.

Ordenes không phải không có con. Chị đã có 1 con gái 20 tuổi với chồng trước, nhưng tử cung chị nhiễm trùng sau khi sinh mổ nên phải cắt tử cung. Hôn nhân tan vỡ sau đó. Ba năm sau chị gặp David, và họ kết hôn. Chị ray rứt vì không thể có con với David. Chị nói: “Tôi xuất thân từ một gia đình lớn, tôi luôn muốn có nhiều con.” Chị hy vọng ít nhất cũng có 1 con với David để làm cho hôn nhân trọn vẹn.

Bang New Jersey có luật là những người sinh ra do “thuê đẻ” thì không được trợ cấp. Ordenes cảm thấy mệt mỏi đi tìm người đẻ dùm. Chị nói: “Đó là kinh nghiệm làm nản lòng nhất đời tôi.”

Ordenes đang ngồi trong phòng bác sĩ thì một người đàn ông Ấn độ trẻ tuổi bước vào. Không nói gì, anh ta chích kim vào cánh tay chị và hút máu. Chị không hiểu gì, mà cũng chẳng biết anh ta là ai. Anh ta đi ra, chị nhìn vết đỏ xám trên tay và nhún vai: “Dù sao thì nhiều năm đã qua. Mình đang ở Ấn Độ mà.”

Najima Vohra đến bệnh viện một giờ trước để gặp Ordenes và để 2 người làm quen trước khi mọi chuyện được tiến hành. Cũng như các phụ nữ khác đến đây bí mật nhận mang thai dùm, Vohra thấy không thoải mái. Vohra mảnh mai, tóc dài và cột lại phía sau. Chị nói: “Tôi không thể đợi lâu. Tôi rất vui khi BS Patel chọn tôi mang thai dùm, tôi nôn nao đến mất ngủ. Tôi không mắc cở, nhưng dân địa phương đây theo truyền thống và không hiểu biết. Họ nghĩ vậy là sai, vô đạo đức. Họ không tin có thể mang thai mà không sinh hoạt tình dục. Nếu họ biết thì sẽ xa tránh gia đình tôi.”

Vohra sống ở một làng cách Anand 20 dặm, nhưng vợ chồng chị tạm thời đến ở trong thành phố cùng con gái 12 tuổi và con trai 7 tuổi để không ai biết chuyện. Chị nói: “Chúng tôi nói với hàng xóm là chúng tôi đi làm ăn xa. Như vậy không hẳn là nói dối.” Chị không có nghề, chỉ phụ chồng làm sắt vụn, mỗi ngày kiếm được chừng 50–60 rupi (khoảng 1,5 USD). Nếu chị mang thai thành công, chị có 5.500 USD “để lo tương lai cho các con.”

Từ nhỏ tới lớn, Vohra chỉ trồng lúa mì, học hành rất ít. Cha mẹ gả chồng cho chị lúc chị 16 tuổi, vợ chồng chị ở nhà tranh vách đất, năm nào cũng bị xói mòn vì gió mùa. Chị mang thai dùm để có tiền làm 3 việc: mua nhà gạch, lấy vốn cho chồng làm, và cho con ăn học. Chị nói: “Con gái tôi muốn làm cô giáo. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì để con gái có cơ hội. Tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi đã sinh 2 lần rồi.” Bệnh viện quy định những người mang thai dùm phải là những người đã làm mẹ để hiểu những gì liên quan về thể lý và ít có thể gắn chặt tình cảm với những đứa trẻ mà họ sinh ra dùm.

Dĩ nhiên Vohra không thể hiểu mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi sinh. Đây là vấn đề khó khăn đã gây tranh cãi nhiều. Những người mẹ đẻ dùm tại bệnh viện này đều phải làm bản cam kết giao đứa trẻ – tái khẳng định cha mẹ tương lai, nhưng cũng gây tranh cãi về việc phụ nữ (nhiều người không biết chữ) đang bị lợi dụng. Ở Mỹ, chỉ một số bang coi hợp đồng thuê đẻ là hợp pháp. Các bang khác, người mang thai dùm có ít cơ hội đòi quyền làm mẹ.

Vohra lặng ngồi một lúc và xem lại những móng tay nứt của mình. Chị nói: “Nếu tôi cảm thấy buồn sau khi sinh, tôi cũng không tỏ ra. Tôi có thể hiểu Jessica cần con như thế nào. Ở Ấn độ, vô sinh là bị nguyền rủa.”

Ordenes đến lúc 10 giờ sáng. Chị bước đến ôm Vohra dù phụ nữ nghèo ở Ấn Độ bị khinh miệt. Vohra mỉm cười. Ordenes thuê thông dịch viên vì Vohra không biết tiếng Anh. Lúc đó, Ordenes đã sản sinh được 6 trứng nhưng cần thêm thời gian để trứng chín. Chị siết tay Vohra và hứa chăm sóc Vohra trong thời gian mang thai. Ordenes nói: “Chị là thiên thần của tôi.”

Phòng làm việc của Patel tối tăm, chật hẹp, có chiếc máy tính và máy siêu âm. Giữa phòng có chiếc bàn lớn với những chồng hồ sơ. Khách đến nườm nượp. Lên xuống cầu thang nhiều lần để khám cho các bà mẹ mang thai dùm, Patel có khoảng 150 cặp vợ chồng ngoại quốc chờ đến lượt, mỗi tuần có 3 phụ nữ đến xin mang thai dùm. Mỗi ngày Patel làm việc 14 giờ. Chị nói: “Tôi nhận những người có vấn đề về sinh sản. Có một số phụ nữ nhờ người mang thai dùm vì họ không thể bỏ công việc để mang thai.” Chị cũng công nhận có nguy hiểm nếu việc mang thai dùm tiếp tục phát triển ở Ấn Độ. Chị nói: “Có ít quy chế của Hội đồng Y tế Ấn độ về các hoạt động như vậy. Luật phải chặt chẽ hơn để bảo đảm phụ nữ không bị lợi dụng.”

Là khách mời phát biểu tại nhiều hội nghị quốc tế về vô sinh, Patel không bị “quấy rầy” bởi người ngoại quốc – kể cả khách hàng đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Âu châu và Úc châu. Nhưng chị từ chối điều trị cho các vợ chồng đồng tính, chứng tỏ nền tảng văn hóa “bảo thủ” của chị. Chị cho biết: “Tôi nhận nhiều email của những người đồng tính nam và nữ, một số người này viết rất hay nhưng tôi cảm thấy không thể giúp họ.” Những người chị cảm thấy đúng khi giúp đỡ là dân địa phương (những người mang thai dùm). Chị bày tỏ: “Tôi phải chắc chắn phụ nữ đó đã quyết định đúng. Nếu nghi ngờ, tôi không giúp.”

Patel cũng giúp họ kiểm soát chi phí. Chẳng hạn, nếu họ muốn mua nhà thì chị giữ tiền hộ đến khi họ mua nhà. Nếu họ muốn dành tiền cho con cái thì chị đưa họ đến ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản với tên của họ. Chị nói: “Tôi thấy vui khi mọi chuyện xuôi xắn cho họ.”

Trong số đó có Rubina Mondal, 30 tuổi, là nhân viên ngân hàng, chị này đã sinh một bé trai kháu khỉnh cho một cặp vợ chồng người Mỹ ở California. Mondal đã biết đến Patel trong một chương trình truyền hình và đã đến gặp Patel. Mondal ở Kolkata, Đông Ấn, con trai 8 tuổi của chị bị hở van tim, chị muốn mang thai dùm để có tiền chữa bệnh cho con.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Marie Claire)

 Cuộc Chiến Chống Nữ Giới
https://tramthienthu.blogspot.com/2016/05/cuoc-chien-chong-nu-gioi.html
 Cô Bé Nô Lệ
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/co-be-no-le.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment