Mệt mỏi, thất vọng, và lo lắng về con cái khiến cha mẹ “bồn chồn” như đứng trước trái bom hẹn giờ. Với những điều căng thẳng đó, đôi khi những điều nhỏ như con trẻ làm rơi vật gì lên sàn nhà cũng có thể khiến cha mẹ “điên tiết.”
Có thể người mẹ sẽ la lối om sòm khi trẻ không chịu ăn sáng, hoặc có thể hét lên như cháy nhà khi trẻ chạy đi, không cho mẹ lau mặt nó.
Bạn cảm thấy bất lực, đơn độc. Một cuộc nghiên cứu thấy rằng 90% các cha mẹ có con 2 tuổi đều áp dụng ít nhất một cách nào đó về việc “gây hấn tâm lý” (psychological aggression) với con cái. Điều này có thể chỉ là la hét hoặc phản ứng cực đoan như nguyền rủa hoặc hăm dọa đánh. Nếu bạn cảm thấy có lỗi hoặc chỉ thấy “bất an” về việc la hét (nhất là vì chưa bao giờ cảm thấy làm được điều gì tốt). Trong cuốn Mommy Guilt (Người mẹ tội lỗi), các tác giả Julie Bort, Aviva Pflock, và Devra Renner cho biết rằng việc la hét là một trong những điều các bà mẹ cảm thấy có lỗi nhất. Nhưng cũng đừng quá lo lắng!
Đây là vài gợi ý cần lưu ý khi bạn muốn tìm ra cách hiệu quả để dạy con biết cư xử đúng:
1. NHẬN THỨC VÀ PHÂN BIỆT
Không phải la hét kiểu nào cũng giống nhau. Có những kiểu la rầy “hữu ích” mang tính tích cực, nhưng cũng có những kiểu la rầy gây “bất lợi” mang tính tiêu cực. Những động thái này có thể là la hét đứa bé đang chập chững tập đi: “Đừng chạm vào đó!” nếu thấy nó vói tay chạm vào bình nước nóng. Cha mẹ phải ngăn nó lại và không hề có lỗi. Ngăn ngừa nguy hiểm cho con cái là điều tích cực. Nhưng nếu cha mẹ thấy con cái làm gì cũng la rầy thì không đúng, vì như vậy là cha mẹ khó tính và ích kỷ, nghĩa là cha mẹ có lỗi.
2. ĐỪNG LẦM TƯỞNG
Những lúc thất vọng, bạn có thể nói những điều “không hay” đối với con cái. Với cách hiểu hạn chế như vậy, con cái không thể hiểu chính xác ý cha mẹ muốn, nhưng chúng vẫn có thể hiểu những lời vô giá trị hoặc bần tiện. Cũng vậy, nhiều người mẹ bị “sốc” khi nghe con cái cằn nhằn hoặc “nói lại.” Chúng bị coi là cãi cha mẹ, nhưng thực ra không hẳn vậy. Đừng nghĩ: “Con nít, biết gì!” Cha mẹ nói những lời không hay, chúng sẽ “học đòi” theo vô thức. “Rau nào, sâu nấy” là vậy!
3. QUY LUẬT TÍCH CỰC
Tất nhiên trẻ sẽ trắc nghiệm các “biên độ,” tức giận, không chịu ngủ, và có hàng trăm cách để “làm khó” người mẹ. Bạn có thể xử lý các vấn đề này bằng cách bớt la lối nếu bạn có thể ghi nhớ các “quy luật tích cực” và có vài “bí kíp” riêng. Chẳng hạn, bạn có thể “dụ” con trẻ đang hờn giận bằng một bài hát nó thích hoặc làm nó quên đi bằng cách “làm hề” cho nó cười. Trẻ mau giận và cũng mau quên, người mẹ có thể “xoa dịu” trẻ bằng nhiều cách, nhưng phải kiên nhẫn. Bí quá thì cứ “làm ngơ,” con trẻ sẽ… “thua cuộc.” Cha mẹ “lụy” nó thì nó sẽ được nê mà làm tới.
4. TỰ THA THỨ
Đôi khi cần la rầy khi con cái làm điều sai, nhưng đừng thái quá kẻo chúng cảm thấy mình là người xấu. Trong một cuộc phỏng vấn, tâm lý gia George Holden, thuộc Khoa tâm lý tại ĐH Southern Methodist ở Dallas, nói rằng việc la rầy cũng có thể dạy chúng bài học quan trọng về cách xử lý các cảm xúc tiêu cực. Tiến sĩ Holden đã nghiên cứu về hậu quả của hình phạt thể lý đối với con cái và nói rằng, nếu bạn thường xuyên la rầy, đó là dấu hiệu có điều gì đó sai trái. Nếu bạn đang bị căng thẳng hoặc trầm cảm, có thể đó là cách bạn ảnh hưởng tương tác với con cái. Bạn cần được giúp đỡ về vấn đề này để có thể khá hơn trong việc xử lý khủng hoảng với con cái mà không cần phải la hét.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ BabyParenting.about.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment