Trình thuật Lc 12:13-21 kể: Có người trong đám đông nói với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Ngài đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Ngài nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Sau đó Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó’.”
Người giàu được chúc phúc với một vụ mùa bội
thu. Thay vì cảm tạ Chúa vì món quà này, ông lại tích trữ ngũ cốc trong kho lẫm
– trái tim ông bị của cải chiếm hữu. Lúc chết, Chúa gọi ông là kẻ ngu ngốc, vì
ông không giàu những gì quan trọng đối với Thiên Chúa.
Các Giáo Phụ của Giáo Hội và Thánh Tôma Aquinô
thấy trong dụ ngôn này một lời dạy mạnh mẽ về công lý xã hội. Lời dạy của họ
lần lượt được tích hợp vào Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Ở đây chúng ta sẽ
xem xét cách trình bày học thuyết của Thánh Tôma cũng như một số trích dẫn quan
trọng từ các Giáo Phụ.
MỤC ĐÍCH CHUNG VÀ QUYỀN TƯ HỮU
Trước tiên, chúng ta phải xác định rằng con
người có quyền sở hữu tài sản riêng. Tất cả mọi người đều có quyền sử dụng của
cải vật chất. Theo luật nhân văn tích cực, con người cũng có quyền sở hữu tài
sản riêng – điều này cần thiết cho trật tự tốt đẹp của xã hội và việc chăm sóc
đúng đắn cho của cải, nó cũng đóng vai trò là phương tiện kiềm chế lòng tham và
thúc đẩy sự hào phóng (người ta chỉ có thể bố thí nếu có tài sản riêng).
Tuy nhiên, cũng rõ ràng trong truyền thống Giáo
Hội, như được diễn đạt bởi các Giáo Phụ và giáo huấn của giáo quyền, rằng quyền
sở hữu tư nhân phụ thuộc vào mục đích phổ thông của mọi của cải. Nghĩa là,
quyền sở hữu tư nhân không thể được mở rộng đến mức tước đoạt các nhu cầu vật
chất cơ bản của cuộc sống người khác. Mọi người đều có quyền đối với các nhu
cầu vật chất của cuộc sống – khi họ bị tước đoạt những thứ này, trong khi người
khác có của cải dư thừa thì có sự bất công nghiêm trọng xảy ra.
Khi một người có của cải dư thừa – tức là tài
sản và của cải vượt quá nhu cầu hợp pháp của mình, trong khi người khác lại
nghèo đói – thiếu thốn nhu cầu vật chất, như vậy người giàu là kẻ trộm. Của cải
dư thừa mà anh ta sở hữu thuộc về người nghèo, và nếu anh ta từ chối phân phối
của cải của mình cho phù hợp, anh ta đóng vai trò của “kẻ giàu ngu ngốc” trong
dụ ngôn Phúc Âm.
Cùng một học thuyết cơ bản làm nền tảng cho
cả quyền sở hữu tài sản tư nhân và giáo lý chống lại việc sở hữu của cải dư
thừa trong khi người khác đang cần. Mỗi người đều có quyền tự nhiên do Chúa ban
cho để sử dụng trái đất nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân cũng như gia đình. Do
đó, chúng ta có quyền sở hữu tài sản cá nhân, qua đó chúng ta bảo đảm phương
tiện để thỏa mãn nhu cầu của mình. Tuy nhiên, tương tự như vậy, bất cứ khi nào
ai đó thiếu các nhu cầu cơ bản (thức ăn, nước uống, nơi ở, chăm sóc y tế),
người đó có quyền đối với bất kỳ của cải dư thừa nào có trong cộng đồng của
mình. Do đó, THỨC ĂN DƯ THỪA TRONG TỦ LẠNH CỦA BẠN VÀ CỦA TÔI LÀ CỦA NGƯỜI
NGHÈO, SỐ TIỀN DƯ THỪA TRONG TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA BẠN VÀ CỦA TÔI LÀ CỦA
NGƯỜI NGHÈO. Việc bố thí cho người nghèo từ của cải dư thừa của chúng ta KHÔNG
PHẢI LÀ BỐ THÍ, chúng ta CHỈ TRẢ LẠI CHO HỌ những gì vốn thuộc về họ theo quyền
thiêng liêng.
Mọi người đều có quyền duy trì các nhu cầu
thiết yếu của cuộc sống riêng – và điều này bao gồm cả việc tiết kiệm chút gì
đó cho tương lai – tích trữ bất kỳ của cải nào vượt quá mức này, là phạm tội
trộm cắp. Đó luôn là tội và khi người bị thương là một người nghèo thì đó luôn
là tội chết. (Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học II-II, q.66; và GLCG số 2443-2449)
CÁC GIÁO PHỤ
Thánh Ambrôsiô: “Bạn không tặng tài sản của mình cho người nghèo. Bạn đang trao cho họ
những gì là của họ. Vì những gì đã được trao chung cho tất cả mọi người sử
dụng, bạn đã tự cho mình quyền sở hữu. Thế giới được trao cho tất cả mọi người,
chứ không chỉ cho người giàu.” (De Nabuthe, c.12, n.53, trích từ Populorum
Progressio của Đức Phaolô VI)
Thánh Gioan Chrysostom: “Không cho người nghèo được chia sẻ của cải của chúng ta là ăn cắp của
họ và tước đoạt mạng sống của họ. Của cải chúng ta sở hữu không phải của chúng
ta, mà là của họ.” (Bài Giảng về Lazaro 2,5, trích từ GLCG 2446)
Thánh Grêgôriô Cả: “Khi chúng ta quan tâm nhu cầu của những người thiếu thốn, chúng ta
trao cho họ những gì là của họ, không phải của chúng ta. Hơn cả việc thực hiện
các công việc thương xót, chúng ta đang trả món nợ công lý.” (Regula
Pastoralis 3,21, trích từ GLCG 2446)
Các sắc lệnh: “Lấy của người có cũng là tội ác không kém gì từ chối giúp đỡ người
nghèo khi bạn có thể và đang khá giả.” (Dist. XLVII, trích từ ST II-II,
q.66, a.3, obj 2)
Thánh Ambrôsiô: “Chính bánh của người đói mà các ngươi cất đi, chính áo choàng của
người trần truồng mà các ngươi cất đi, chính số tiền các ngươi chôn dưới đất là
giá chuộc và tự do của người nghèo.” (trích từ ST II-II, q.66, a.6)
TỪ CATENA AUREA
Thánh Tôma Aquinô đã viết “Catena Aurea” để
giúp giáo sĩ hiểu Lời Chúa nhiều hơn.
Thánh Grêgôriô Cả: “Vì nếu mỗi người nhận được những gì đủ cho nhu cầu của mình và để lại
những gì còn lại cho người nghèo thì sẽ không có người giàu hay người nghèo.”
Thánh Basiliô: “Ngươi không phải là kẻ cướp sao, khi coi những gì ngươi nhận được là
của riêng mình để phân phát? Ngươi nhận được bánh của người đói, quần áo của
người trần truồng mà ngươi tích trữ trong rương, giày của người đi chân đất đã mục
nát trong tài sản của họ, tiền của người không một xu dính túi mà ngươi chôn
dưới đất. Vì thế ngươi làm hại nhiều người thì ngươi không thể là ân nhân của
họ.”
Thánh Bêđa: “Ai muốn làm giàu trước mặt Chúa sẽ không tích trữ của cải cho mình,
nhưng phải phân phát của cải cho người nghèo.”
TỪ HUẤN QUYỀN
Trước tiên, hãy lưu ý rằng Thánh Grêgôriô Cả
đã nói với huấn quyền (magisterium) thông thường, vì vậy những trích dẫn trên đây
của ngài cần được xem xét lại. Ngoài ra, hãy xem xét rằng trích dẫn đầu tiên từ
Thánh Ambrôsiô được lấy từ một thông điệp của Đức Phaolô VI.
Đức Lêô XII: “Mọi người theo bản chất đều có quyền sở hữu tài sản như của riêng mình.
[…] Nhưng nếu câu hỏi được đặt ra: ‘Tài sản của một người phải được sử dụng như
thế nào?’ thì Giáo Hội trả lời không chút do dự bằng lời của Thánh Tôma Aquinô:
‘Người ta không nên coi tài sản vật chất của mình là của riêng mình, nhưng là
của chung cho tất cả mọi người, để có thể chia sẻ mà không ngần ngại khi người
khác cần.’ […] Đúng vậy, không ai được lệnh phải phân phối cho người khác những
gì cần thiết cho nhu cầu của riêng mình và nhu cầu của gia đình mình; thậm chí
không được cho đi những gì cần thiết một cách hợp lý để duy trì điều kiện sống
phù hợp của mình. […] Nhưng khi những gì cần thiết đã được đáp ứng và địa vị
của một người được bảo đảm công bằng thì việc trao tặng cho người nghèo những
gì còn lại sẽ trở thành bổn phận.” (thông điệp Rerum Novarum, 1891)
Đức Piô XI: “Quyền sở hữu tài sản riêng đã được ban cho con người bởi bản chất, hay
đúng hơn là bởi chính Đấng Tạo Hóa. [...] Đồng thời, thu nhập dư thừa của một
người không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của riêng người đó. […] Ngược
lại, các nghĩa vụ nghiêm trọng về lòng bác ái, lòng nhân từ và sự hào phóng,
vốn dành cho những người giàu có, luôn được nhấn mạnh trong những lời lẽ sâu
sắc của Kinh Thánh và các Giáo Phụ. Tuy nhiên, việc đầu tư thu nhập dư thừa để bảo
đảm các cơ hội việc làm thuận lợi [...] phải được coi là [...] hành động hào
phóng thực sự, đặc biệt phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta.” (thông
điệp Quadradesimo Anno, 2931)
Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (Vatican II,
1965): “Thiên Chúa đã định sẵn trái đất và
tất cả những gì chứa đựng trong đó để mọi người và mọi dân tộc sử dụng. Do đó,
công lý đi kèm với bác ái phải điều chỉnh việc phân phối của cải được tạo ra
sao cho chúng thực sự có sẵn cho tất cả mọi người theo một biện pháp công bằng.
[…] Do đó, khi sử dụng chúng, mọi người phải coi những tài sản hợp pháp không
chỉ là của riêng mình mà còn là tài sản chung, theo nghĩa là chúng phải có thể
sinh lợi không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người khác. Hơn nữa, tất cả
mọi người đều có quyền sở hữu một phần của cải trần gian đủ cho bản thân và gia
đình họ. Đây là điều mà các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ đến khi dạy
rằng mọi người có nghĩa vụ phải giúp đỡ người nghèo, và làm như vậy không chỉ
từ những của cải thừa thãi của họ.”
Đức Phaolô VI: “Sở hữu tư nhân không phải là quyền tuyệt đối và vô điều kiện đối với
bất kỳ ai. Không ai được phép giữ riêng cho mình thứ mình không cần, khi những
người khác thiếu các nhu cầu thiết yếu.” (thông điệp Populorum Progressio,
1967)
Đức Gioan Phaolô II: “Trên hết, với tư cách cá nhân và con người, cần phải từ bỏ não trạng
coi người nghèo là gánh nặng, là những kẻ xâm nhập gây phiền phức khi cố gắng
tiêu thụ những gì người khác sản xuất ra.” (thông điệp Centesimus Annus,
1991)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ NewTheologicalMovement.blogspot.com)
✽ Điều Ước Muộn Màng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/09/ieu-uoc-muon-mang.html
✽ Ân Tình Giêsu – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/09/an-tinh-giesu.html
✽ Cơ Thể Chứng Minh TC – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/09/co-chung-minh-thien-chua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment