Ngài Đỡ Nâng Người Chịu Gian Truân
Đời là bể khổ. Ai cũng đau khổ cách này hay cách khác, dù ít hay nhiều. Khi đó, người ta khó có thể nghĩ rằng sẽ có điều tốt lành ẩn khuất phía sau. Đau khổ có sức mạnh nhị phân: để làm nô lệ và để giải thoát, để chán nản và để hưng phấn, để chai cứng và để mềm mại, để hủy diệt và để canh tân. Nếu cứ mặc kệ, đau khổ có thể làm cho chúng ta không thể nhận ra mình cứng cỏi, xa cách và cay đắng.
Nhưng nhờ Đức Kitô, với Ngài và trong Ngài, đau
khổ có thể đổi mới, thanh tẩy và làm cho tâm hồn chúng ta mở để mến Chúa và yêu
người. Chúa Giêsu biết rõ kiếp người đầy khổ lụy, cho nên Ngài luôn mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách
của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn
anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
(Mt 11:28-30)
Như chúng ta biết, động từ “vác” chỉ hành động
được thực hiện đối với các vật nặng và cần nhiều sức, người ta phải cố gắng
nhiều. Còn đối với các vật nhẹ, người ta chỉ cầm, xách, ôm, thậm chí là lôi,
kéo, hoặc bế, bồng, cõng đối với một đứa bé – nghĩa là không cần phải cố gắng
nhiều. Thập Giá phải được “vác,” điều đó chứng tỏ Thập Giá nặng lắm.
Chúa Giêsu minh định một định luật bất biến: “Ai muốn theo Tôi, phải TỪ BỎ chính mình,
VÁC thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23) Hai động từ với hai hành
động trái ngược: Bỏ cái này để lấy cái kia. Nghe chừng đơn giản mà nhiêu khê,
vì theo Chúa là hành động tiên quyết mà mỗi Kitô hữu phải thực hiện suốt đời. Ngài
luôn bảo chúng ta phải từ bỏ mọi thứ, đặc biệt là ý riêng, chỉ như vậy mới có
thể đi theo Ngài, mà theo Ngài thì chắc chắn không sung sướng, an nhàn hoặc
thảnh thơi, vác thập giá thì phải chịu thiệt thòi, không chỉ vác vài ngày, vài
tháng hoặc vài năm, mà vác triền miên suốt đời. Chính Chúa Giêsu đã vác Thập
Giá lên Đồi Sọ (Mt 27:27-32) để chịu chết cứu độ nhân loại, tín nhân tha thiết
cầu xin ơn “vác thập giá theo chân Chúa” đến cùng.
Chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi khiêm nhường
mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài, Đấng đã khiêm nhường mở lòng đón nhận chúng ta.
Đó là điều thích hợp để chúng ta có thể quay lưng lại với thói kiêu ngạo gây
chia rẽ, và hướng tới sự khiêm nhường cứu độ.
Thật kỳ lạ, chính đau khổ khiến người ta nên
người, còn nhàn hạ hoặc sung sướng sẽ làm cho người ta hư hỏng. Nhà giáo dục
William Arthur Ward (1921-1994, Hoa Kỳ) nói: “Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành.
Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời
là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị
của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi.” Và ông còn phân tích rõ: “Khen ngợi tôi, và tôi có thể sẽ không tin
bạn. Chỉ trích tôi, và tôi có thể sẽ không thích bạn. Làm ngơ tôi, và tôi có
thể sẽ không tha thứ cho bạn. Khuyến khích tôi, và tôi có thể sẽ không quên
bạn. Yêu mến tôi, và tôi có thể sẽ bị buộc phải yêu mến bạn.”
Văn thi sĩ Walter Scott (1771-1832, Tô Cách
Lan) nói: “Loài người sẽ diệt vong nếu
con người ngừng giúp đỡ nhau. Chúng ta không thể tồn tại mà không hỗ trợ nhau. Do
đó, tất cả những người cần trợ giúp có quyền đi tìm sự giúp đỡ từ người khác;
và không ai có khả năng giúp đỡ lại có thể từ chối mà không thấy cắn rứt.” Thi
sĩ ngụ ngôn La Fontaine (1621-1695, Pháp) nói: “Con người phải giúp nhau, đó là luật tự nhiên.” Thật tuyệt vời!
Chúng ta không đơn phương chịu đau khổ, chúng
ta cũng không bị Thiên Chúa bỏ rơi, và cũng không có nghĩa là chúng ta đang bị
trừng phạt vì tội lỗi của mình. Đau khổ của chúng ta chỉ cho thấy rằng thế giới
này không phải là nhà của chúng ta mà là đấu trường để “biết run sợ mà gắng sức
lo sao cho mình được cứu độ.” (Pl 2:12) Nếu vì bất cứ lý do gì mà chúng ta chưa
thực sự trở về với Chúa, chúng ta vẫn có thể bắt đầu lại hành trình này ngay bây
giờ. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài bất cứ lúc nào.
Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối nên Ngài
luôn nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta. Ơn Ngài luôn dồi dào và đầy đủ cho mọi
người, như Ngài đã nói với Thánh Phaolô: “Ơn
của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu
đuối.” (2 Cr 12:9) Đặc biệt chính Ngài đã long trọng hứa với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận
thế.” (Mt 28:20) Và Ngài đã thực hiện lời hứa đó bằng Bí tích Thánh Thể, đó
là cách Ngài ở với chúng ta cả khi vui lẫn lúc buồn, khi cười và lúc khóc giữa
cuộc sống trần gian này. Chúng ta không bao giờ đơn độc.
Chúa Giêsu bổ sức cho chúng ta bằng chính Máu
Thịt Ngài và Lời Ngài. Cả Thánh Thể và Thánh Kinh đều đem lại sự sống cho chúng
ta. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cho biết: “Ai
ăn thịt và uống máu tôi thì được sống
muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống
lại vào ngày sau hết.” (Ga 6:54) Ngược lại, nếu không ăn thịt và uống
máu Ngài thì sẽ “không có sự sống nơi mình.” (Ga 6:53) Và Thánh Phêrô xác nhận:
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết
đến với ai? Thầy mới có những lời đem
lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68) Nhờ hai loại Thần Lương đó, chúng ta đủ
sức vượt qua bể khổ để đến Bến Bình An Vĩnh Hằng.
Ngày xưa, trên đường lên núi Khôrếp, ông Êlia
đã kiệt sức, ông mệt mỏi ngồi dưới gốc cây kim tước và chỉ muốn chết, nhưng
thiên thần hiên ra cho ông ăn bánh và uống nước. Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng,
ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrếp – núi của Thiên Chúa. (1 V
19:8) Ngày nay, chúng ta có “của ăn đàng” là Bánh Các Thiên Thần, là Thánh Thể –
chính Mình Máu Chúa, để có thể đủ sức vượt qua cõi đời này.
Về Lời Chúa – Thánh Kinh, Thánh TS Giêrônimô
nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết
Đức Kitô.” Còn Daniel Webster (luật sư, chính khách, và ngoại trưởng Hoa Kỳ
thứ 14 và 19 dưới thời các Tổng thống William Henry Harrison, John Tyler và
Millard Fillmore) nói: “Giáo dục vô ích
nếu không có Thánh Kinh.”
Thánh Vịnh gia chia sẻ: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ
sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.”
(Tv 19:8) Đúng vậy, bởi vì Thiên Chúa đã hứa: “Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng
đỡ, tay quyền năng củng cố vững vàng.” (Tv 89:22) Và Thánh Vịnh gia cho
biết: “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho
tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự
của Người.” (Tv 23:2-3)
Tục ngữ Việt Nam nói: “Chị ngã, em nâng.” Nâng đỡ nhau là bổn phận chung, không chỉ giúp
đỡ người trong gia đình mà còn phải giúp đỡ mọi người – bất kỳ ai. Thánh Kinh
khuyên: “Hãy nâng đỡ kẻ khác tùy sức con, nhưng cẩn thận giữ mình kẻo ngã.”
(Hc 29:20)
Đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống,
giống như phần cứng đã được cài đặt mặc định, không thể thay đổi, không ai có
thể làm gì hơn. Thật thú vị khi Thánh Kinh cho biết: “Vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải
được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con
đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người.” (Hc 2:5-6) Chính Chúa
Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em
chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)
Chúng ta bất toàn vì chúng ta xấu xa, có chịu
đau khổ cũng không gì oan ức. Ở thế gian này chẳng có gì hoàn hảo: con người
bất toàn, gia đình bất toàn, và Giáo hội cũng bất toàn, nhưng chúng ta có một
Thiên Chúa hoàn hảo tuyệt đối, được Ngài đồng hành, luôn nâng đỡ và bổ sức. Nhờ
đó, chúng ta có thể an tâm lữ hành với niềm hy vọng tràn trề.
Lạy
Chúa, xin lắng nghe và xót thương con; lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. (Tv 30:11)
TRẦM THIÊN THU
✽ Vấn Đề Rước Lễ – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/05/van-e-ruoc-le.html
✽ Rước Lễ – Nên hay
Không? – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/12/ruoc-le-nen-hay-khong.html
✽ Rước Lễ – Ăn Lửa
& Thần Khí – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/ruoc-le-lua-va-than-khi.html
✽ Rước Lễ Bày Tỏ
Tình Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/05/ruoc-le-bay-to-tinh-chua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment