Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

SINH NHẬT ĐỨC MẸ

Chúng ta biết tương đối ít về nguồn gốc của Đức Mẹ, thông tin của chúng ta chủ yếu đến từ Protoevangelium (Tiền Tin Mừng) của Thánh Giacôbê, trong đó có nhiều truyền thuyết và câu chuyện đạo đức về Thánh Anna và Thánh Gioakim, và thời thơ ấu của Đức Mẹ. Tuy nhiên, chúng ta biết thực tế rằng mọi phụ nữ Do Thái sùng đạo đều mơ ước trở thành mẹ của Đấng Mêsia, hoặc ít nhất là sinh ra một cô con gái sẽ là người mẹ như vậy.

Giáo Hội hoàn vũ kỷ niệm ngày sinh của Đức Maria vào ngày 8 tháng 9. Mặc dù Giáo Hội thường tôn vinh các vị thánh vào ngày mất chứ không phải ngày sinh, nhưng có ba trường hợp ngoại lệ: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Gioan Tẩy Giả. Tại sao như vậy? Bởi vì Chúa Giêsu và Thánh Mẫu của Ngài đã thụ thai mà không mắc tội nguyên tổ, và người Công giáo thường tin rằng Gioan Tẩy Giả được sinh ra không có tội do được thánh hóa trong bụng mẹ khi Đức Maria đang mang thai đến viếng thăm bà Êlidabét, khiến cho Gioan “nhảy lên vui mừng.” (Lc 1:44)

Trong ngày lễ này, chúng ta được biết gia phả Chúa Giêsu qua trình thuật Mt 1:1-17, một đoạn Tin Mừng khá lạ lùng, với những cái tên thậm chí còn lạ lùng hơn. Chúng ta có thể hiểu được phần nào hay không?

Thánh Matthêu trình bày một Chúa Giêsu hoàn toàn Do Thái, có ý định cho thấy tính liên tục giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, quả thật là Do Thái giáo hoàn thành trong Kitô giáo. Vì vậy, thánh sử mô tả Chúa Giêsu là “Môsê mới,” Giáo Hội là “Israel mới” và Tin Mừng là “Luật mới.”

Thánh Mátthêu thực hiện điều này theo nhiều cách khác nhau: cấu trúc năm tập trong tác phẩm của ngài song song với năm cuốn trong Torah (Ngũ Thư), thường xuyên sử dụng số bảy, nhiều trích dẫn từ Cựu Ước. Thánh Mátthêu còn làm một điều khác để nhấn mạnh quan điểm này và thực hiện một cách tinh tế tới mức hầu hết độc giả đều bỏ qua.

Gia phả công bố một cách mạnh mẽ nguồn gốc Do Thái của Chúa Giêsu – điều này công bố và chứng minh dứt khoát rằng Chúa Giêsu là con vua Đavít, người mà Đấng Thiên Sai được chờ đợi từ lâu sẽ đến, theo các tiên tri.

Để đánh giá đúng về gia phả, điều quan trọng là phải hiểu rằng người Do Thái (giống như hầu hết các dân tộc cổ đại) có niềm đam mê lớn với giá trị biểu tượng và ý nghĩa của các con số. Đối với họ, “số bảy” là dấu hiệu của sự hoàn hảo tuyệt đối, trong khi “số sáu” là hình ảnh thu nhỏ của sự không hoàn hảo. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi dòng dõi của Đấng Mêsia được chia thành ba nhóm gồm mười bốn tổ tiên (gấp đôi số lượng hoàn hảo và cũng là giá trị số của các mẫu tự trong tên của Đavít.

Đây không là “lịch sử” theo cách hiểu hiện đại của chúng ta về từ ngữ này, đặc biệt vì có nhiều khoảng trống. Nó không cho chúng ta biết dòng dõi của loài người từ Ađam (như trong Tin Mừng theo Luca), mà từ Ápraham, người mà kinh điển La Mã gọi là “cha chúng ta trong đức tin.” Danh sách này được nhấn mạnh bởi các sự kiện quan trọng trong lịch sử Do Thái: nguồn gốc của dân tộc, vương quyền của Đavít, cuộc lưu đày ở Babylon, sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai.

Điều này khác biệt đáng kể so với các gia phả tiêu chuẩn của người Do Thái, đặc biệt ở chỗ một số phụ nữ được bao gồm: bà Tama đã dụ dỗ cha chồng là Giuđa vào cuộc loạn luân; (St 38) kỹ nữ Rakháp của Giêrikhô đã che chở cho các người do thám của Giôsuê; (Gs 2) bà Bát Seva, vợ của Urigia, đã ngoại tình với Đavít rồi cùng ông âm mưu giết chồng mình; (2 Sm 11) bà Rút, vợ của Bôát và con dâu của Naomi, là mẫu mực của tình yêu chung thủy và lòng tận tụy.

Các phụ nữ này đáng chú ý vì nhiều lý do. Đầu tiên, bản chất khó chịu của đa số họ (và cả nhiều đàn ông nữa) là lời nhắc nhở rằng tất cả chúng ta – kể cả Con Thiên Chúa – đến thế giới này với lịch sử. Thứ hai, ba người trong số họ không chỉ là phụ nữ mà còn là người nước ngoài chỉ ra sứ mệnh của Chúa Giêsu đối với Dân Ngoại. Thứ ba, trong một xã hội phụ hệ của người Do Thái, tên tuổi và tài sản được truyền lại qua nam giới chứ không qua nữ giới. Vì vậy, việc đề cập các phụ nữ này là sự xác định chủ yếu về tầm quan trọng của phụ nữ là Đức Maria, “mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.” (Mt 1:16)

Đúng là gia phả. Của Đức Giuse, không phải của Đức Maria. Nhưng trong khi gia sản hợp pháp của Chúa phải đến từ một người đàn ông thì nguồn gốc nhân loại của Ngài lại không đến – một điểm đã được thánh sử nêu bật một cách rõ ràng.

Thánh Mátthêu muốn chúng ta hiểu rằng lịch sử cứu độ đã đạt đến đỉnh cao khi Chúa Giêsu giáng sinh, một điều mới mà Thiên Chúa toàn năng đã chuẩn bị từ muôn đời, sự xuất hiện của Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta – biến cố quan trọng nhất trong lịch sử. Điều đó xảy ra qua trung gian một người phụ nữ, không có sự trợ giúp của một người đàn ông! Hoàn toàn chính xác khi nói rằng với sự xuất hiện của Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, địa vị của phụ nữ đã thay đổi.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14) Mỗi lần chúng ta noi gương Đức Mẹ đáp lại bằng niềm tin và tín thác vào Thiên Chúa, Ngôi Lời lại mặc lấy xác phàm một lần nữa – trong chúng ta và thế giới của chúng ta – như Ngài đã làm cách đây hơn 2000 năm tại ngôi làng nhỏ bé Nadarét.

Nhưng hãy lưu ý: gia phả của Chúa không dừng lại ở việc Ngài được thụ thai và sinh ra. Nhờ ân sủng của Bí tích Rửa Tội, làm cho sự nhập thể cứu chuộc và mầu nhiệm vượt qua của Ngài sẵn có cho chúng ta, chúng ta có đặc ân cao cả được đứng trong hàng ngũ cao quý đó. Chúng ta tỏ ra xứng đáng với vinh dự đó bằng cách được đồng nhất với Mẹ của Chúa Giêsu – người có chung thân phận con người nhưng lại tập trung vào Thiên Chúa tới mức Ngài có thể sử dụng Mẹ để xóa bỏ vòng xoáy tiêu cực của lịch sử nhân loại.

Như Thánh John Henry Newman đã nói: “Người nào buộc tội chúng ta làm cho Đức Maria có thần tính là phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu. Một người như vậy không biết thần thánh là gì... Đối với những gì liên quan Đức Maria, với tư cách là một thụ tạo, một sự khẳng định tự nhiên về sự đồng cảm và sự quen thuộc của chúng ta, rằng Đức Maria không khác đồng loại của chúng ta. Đức Mẹ là niềm tự hào của chúng ta. Như một thi sĩ viết: ‘Bản chất ô uế của chúng ta là sự khoe khoang đơn độc’.”

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, cầu cùng Con Mẹ, Đại Huynh của chúng ta, để chúng ta có thể đáp lại bằng đức tin, đức cậy và đức mến – đối với thời điểm khó khăn của chúng ta.

LM. PETER M.J. STRAVINSKAS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

 Ngày Đặc Biệt – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/09/ngay-ac-biet.html
 Tiền Định Mầu Nhiệm – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/09/tien-inh-mau-nhiem.html
 Sinh Nhật Thánh Mẫu – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/09/sinh-nhat-thanh-mau.html

SINH NHẬT CẦU NGUYỆN
(Kính mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, 8-9)

Kính mừng sinh nhật Mẹ
Ngày Mẹ được làm người
Làm con của Chúa Trời
Rồi làm Mẹ Thiên Chúa

Nếu cuộc đời vắng Mẹ
Chúng con sẽ thế nào?
Giữa cuộc đời bể dâu
Vai đau và vai khổ!

Cầu xin Mẹ bảo vệ
Che chở các thai nhi
Hoán cải lòng người ta
Biết bảo vệ sự sống

Xin ban đức anh dũng
Cho các mẹ mọi nơi
Cho con mình chào đời
Dẫu phải chịu gian khổ

Kính mừng sinh nhật Mẹ
Ngày Mẹ được chào đời
Ông Bà Ngoại tuyệt vời
Xin cảm tạ Thiên Chúa!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment