Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

THIÊN CHÚA Ở GIỮA CHÚNG TA

Khi Thánh Gioan Maria Vianney đến xứ Ars nhỏ bé ít người biết đến, có người cay đắng nói với ngài: “Ở đây chẳng có việc gì để làm.” Ngài trả lời: “Vì vậy, có mọi thứ để làm.”

Ngài bắt đầu hành động ngay lập tức. Ngài đã làm gì? Ngài thức dậy lúc 2 giờ sáng và đến cầu nguyện gần bàn thờ. Ngài đọc Kinh Nhật Tụng, suy niệm và chuẩn bị cho Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ, ngài dâng lời tạ ơn; sau đó ngài ở lại cầu nguyện cho đến trưa. Ngài luôn quỳ trên sàn mà không có ghế quỳ, với chuỗi Mân Côi trên tay và đôi mắt ngài dán chặt vào Nhà Tạm.

Mọi thứ tiếp tục như thế trong một thời gian ngắn. Nhưng rồi... ngài phải bắt đầu thay đổi thời gian biểu. Mọi thứ đến lúc đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong chương trình của ngài. Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria dần dần lôi kéo các linh hồn đến với giáo xứ nhỏ bé đó, đến khi nhà thờ dường như không đủ lớn để chứa đám đông, và tòa giải tội đầy những hàng dài hối nhân. Cha xứ thánh thiện buộc phải giải tội từ 10 tới 18 giờ một ngày. Làm thế nào có sự biến đổi như vậy? Đã từng có một nhà thờ tồi tàn, một bàn thờ đã lâu không được sử dụng, một nhà tạm bỏ hoang, một tòa giải tội cũ kỹ, một linh mục ít tài năng và không có phương tiện để làm bất cứ điều gì. Làm thế nào những điều này có thể đạt mức thay đổi đáng kể như vậy trong một giáo xứ ít người biết đến đó?

Ngày nay, chúng ta có thể đặt câu hỏi tương tự về San Giovanni Rotundo, một thị trấn ở Gargano ở Ý. Vài thập niên trước, nó vẫn là một nơi ít người biết đến giữa những vách đá gồ ghề của một mũi đất. Ngày nay, San Giovanni Rotundo là một trung tâm đời sống văn hóa tinh thần và danh tiếng của nó mang tầm quốc tế. Ở đây cũng vậy, đã từng có một tu sĩ không có triển vọng, ốm yếu, một tu viện nhỏ cổ kính, đổ nát, một nhà thờ nhỏ bé bị bỏ quên, bàn thờ và nhà tạm bị bỏ lại cho người tu sĩ tội nghiệp này, người đã lần chuỗi Mân Côi không mệt mỏi. Làm thế nào có sự thay đổi? Điều gì đã gây ra sự biến đổi kỳ diệu đến với Ars và San Giovanni Rotundo, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ mọi nơi trên trái đất đã đến đó?

Chỉ có Thượng Đế mới có thể thực hiện những sự biến đổi như vậy bằng cách sử dụng, theo cách thức của Ngài, “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.” (1 Cr 1:28) Tất cả do Ngài, do quyền năng thiêng liêng vô hạn của Bí tích Thánh Thể, do lực hấp dẫn toàn năng tỏa ra từ mọi nhà tạm, và tỏa ra từ các nhà tạm ở Ars và San Giovanni Rotunda, đến với các linh hồn qua chức vụ của hai thầy tế lễ đó, “những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.” (1 Cr 4:1)

Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Thánh Thể là gì? Đó là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Đó là Chúa Giêsu hiện diện trong các Nhà Tạm ở các nhà thờ của chúng ta với Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Ngài. Đó là Chúa Giêsu bị che khuất dưới hình bánh, nhưng hiện diện thực sự trong Mình Thánh, để Ngài ngự giữa chúng ta, hoạt động trong chúng ta, vì chúng ta, và sẵn sàng cho chúng ta tùy ý sử dụng. Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng Emmanuel đích thực, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1:23)

ĐGH Piô XII dạy: “Đức tin của Giáo Hội là thế này: Ngôi Lời duy nhất và giống hệt nhau là Ngôi Lời Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, Đấng chịu khổ nạn trên Thập Giá, Đấng hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, và Đấng ngự trị trên Thiên Đàng.”

Chúa Giêsu Thánh Thể ở đây với chúng ta như một người anh, một người bạn, một người phối ngẫu của linh hồn chúng ta. Ngài muốn đi vào trong chúng ta để trở thành thức ăn cho sự sống đời đời, là tình yêu, là sự nâng đỡ của chúng ta. Ngài muốn biến chúng ta thành một phần của Nhiệm Thể Ngài, trong đó Ngài sẽ cứu chuộc và cứu rỗi chúng ta, rồi đưa chúng ta vào vương quốc Thiên Đàng để định cư chúng ta trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu của tình yêu.

Với Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã thực sự ban cho chúng ta tất cả. Thánh Augustinô đã thốt lên: “Mặc dù Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài không thể cho nhiều hơn; dù khôn ngoan vô cùng, nhưng Ngài không biết cách cho nhiều hơn; dù vô cùng giàu có, Ngài cũng không có nhiều hơn để cho.”

Vậy thì, chúng ta nên đến với Thánh Thể. Chúng ta nên hướng về Chúa Giêsu, Đấng muốn biến chính Ngài thành của chúng ta để biến chúng ta thành của Ngài bằng cách khiến chúng ta trở nên “giống như thần thánh.” Thánh Gemma Galgani thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Lương Thực của những tâm hồn mạnh mẽ, xin thêm sức cho con, thanh tẩy con, làm cho con nên giống như Ngài.” Chúng ta hãy lãnh nhận Thánh Thể với tâm hồn trong sạch và sốt sắng. Điều này giống như các thánh đã làm. Sẽ không bao giờ là quá khó khăn để chúng ta làm quen với bí ẩn không thể nói ra này. Việc suy gẫm, học hỏi và suy niệm về Thánh Thể nên có một vị trí quan trọng mỗi ngày trong thời gian biểu của chúng ta. Đó sẽ là thời gian dồi dào phúc lành nhất trong ngày của chúng ta.

Chỉ khi nào ở trên Thiên Đàng thì chúng ta mới hiểu Thánh Lễ là một kỳ công thiêng liêng như thế nào. Cho dù chúng ta ép buộc mình đến mức nào, cho dù chúng ta thánh thiện và được truyền cảm hứng đến đâu, chúng ta vẫn không thể không lắp bắp về công việc thiêng liêng vượt trên con người và các Thiên Thần này.

Một ngày nọ, có người hỏi Thánh Pio Năm Dấu: “Thưa cha, xin hãy giải thích Thánh Lễ cho chúng con.” Ngài trả lời: “Làm thế nào tôi có thể giải thích điều đó cho các bạn? Thánh Lễ là vô tận giống như Chúa Giêsu... Hãy hỏi một Thiên Thần xem Thánh Lễ là gì và ngài sẽ trả lời cho bạn sự thật: ‘Tôi hiểu nó là gì và tại sao được cung cấp, tuy nhiên, tôi không hiểu nó có giá trị tới mức nào.’ Một Thiên thần, một ngàn Thiên Thần, tất cả Thiên Đàng biết điều này và nghĩ như thế.”

Thánh Anphong Liguori xác định: “Chính Thiên Chúa không thể thực hiện một hành động nào thánh thiện hơn và vĩ đại hơn việc cử hành một Thánh Lễ.” Tại sao? Bởi vì Thánh Lễ là sự tổng hợp, bởi vì Thánh Lễ là tổng kết việc Nhập Thể, Cứu Chuộc, chứa đựng Sự Giáng Sinh, Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa Giêsu, những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện vì lợi ích của chúng ta. Công đồng Vatican II dạy: “Trong Bữa Tiệc Ly, đêm mà Ngài bị phản bội, Chúa Giêsu đã bắt đầu Hy Tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Ngài, để tiếp tục Hy Tế Thập Giá trong suốt nhiều thế kỷ cho đến khi Ngài trở lại.” (Sacrosantum Concilium, Hiến chế về Phụng Vụ, số 47) Được soi sáng, Thánh Tôma Aquinô đã viết: “Việc cử hành Thánh Lễ cũng có giá trị như cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.”

Vì lý do này, Thánh Phanxicô Assisi đã nói: “Loài người hãy run sợ, thế giới hãy rung chuyển, cả Thiên Đàng vô cùng xúc động khi Con Thiên Chúa hiện ra trên bàn thờ trong tay linh mục.”

Thật vậy, vì nó làm mới lại Hy Tế cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, nên Thánh Lễ, ngay cả khi được cử hành một mình, cũng đủ lớn để ngăn cản công lý của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Avila đã nói với con cái của bà: “Nếu không có Thánh Lễ thì chúng ta sẽ ra sao? Tất cả những người ở dưới đây sẽ bị diệt vong, bởi vì chỉ có điều đó mới có thể cản trở cánh tay của Chúa.” Không có nó, Giáo Hội chắc chắn sẽ không tồn tại và thế giới sẽ lạc lối một cách vô vọng. Thánh Pio Năm Dấu nói: “Thế giới sẽ dễ dàng tồn tại mà không có mặt trời hơn là không có Thánh Lễ.” Thánh Leonard Port Maurice nói: “Tôi tin rằng nếu không có Thánh Lễ, thế giới giờ đây đã chìm xuống vực thẳm dưới sức nặng của sự xấu xa. Thánh Lễ là sự hỗ trợ mạnh mẽ giúp duy trì nó.”

Thật kỳ diệu là những hiệu quả cứu rỗi mà mọi Hy Tế Thánh Lễ tạo ra trong linh hồn của những người tham dự. Nó nhận được sự buồn phiền và sự tha thứ cho tội lỗi, làm giảm bớt hình phạt tạm do tội lỗi, làm suy yếu ảnh hưởng của Satan và những thôi thúc không thể chế ngự của xác thịt chúng ta, củng cố mối dây liên kết của chúng ta trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm và thảm họa, rút ngắn hình phạt của Luyện Ngục, đem lại cho chúng ta mức độ vinh quang cao hơn trên Thiên Đàng. Thánh Laurence Justinian nói: “Không có cái lưỡi nào của con người có thể liệt kê những ân huệ bắt nguồn từ Hy Tế Thánh Lễ. Tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, thói xấu bị loại bỏ, nhân đức và công trạng gia tăng, âm mưu của ma quỷ bị thất bại.”

Vì vậy, Thánh Leonard Port Maurice đã không mệt mỏi khi khuyến khích đám đông lắng nghe ngài: “Hỡi những kẻ lừa dối, các ngươi đang làm gì vậy? Tại sao các người không vội vã đến các nhà thờ để tham dự càng nhiều Thánh Lễ càng tốt? Tại sao các người không bắt chước các Thiên Thần, những người đi xuống theo từng đội từ Thiên Đàng và đứng ở vị trí của họ quanh bàn thờ của chúng ta để tôn thờ để chuyển cầu cho chúng ta khi cử hành Thánh Lễ?”

Nếu đúng là tất cả chúng ta đều cần ân sủng cho đời này và đời sau, thì không gì có thể giành được chúng từ tay Thiên Chúa cho bằng Thánh Lễ. Thánh Philip Neri thường nói: “Với lời cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa ban ân sủng; Thánh Lễ chúng ta buộc Chúa phải ban chúng cho chúng ta.” Lời cầu nguyện được dâng lên trong Thánh Lễ liên quan toàn thể chức tư tế của chúng ta, cả chức tư tế thừa tác, kể cả ngoài chức tư tế của cá nhân tại bàn thờ, và chức tư tế chung của tất cả các tín hữu. Trong Thánh Lễ, lời cầu nguyện của chúng ta được kết hợp với lời cầu nguyện trong cơn hấp hối của Chúa Giêsu khi Ngài hy sinh chính Ngài cho chúng ta. Một cách đặc biệt trong Kinh Lễ, vốn là tâm điểm, lời cầu nguyện của tất cả chúng ta cũng trở thành lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta.

Hai điều ghi nhớ mà người sống và người chết được tưởng nhớ là những khoảnh khắc quý giá để chúng ta trình bày những kiến ​​nghị của mình. Ngoài ra, trong những giây phút cao cả nhất khi Chúa Giêsu trong tay linh mục trải qua Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Ngài, chúng ta có thể cầu xin cho những nhu cầu của chính mình và chúng ta có thể giới thiệu cả những người thân yêu của chúng ta còn sống và đã qua đời. Các Thánh cho rằng điều đó rất quan trọng, và khi các ngài tự giới thiệu mình với lời cầu nguyện của các linh mục, các ngài đã yêu cầu các linh mục nhớ đến các ngài trên hết.

Đặc biệt là vào giờ chết của chúng ta, các Thánh Lễ mà chúng ta đã tham dự sốt sắng sẽ đem lại cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng lớn nhất, và một Thánh Lễ được cử hành khi còn sống sẽ có ích lợi hơn nhiều Thánh Lễ được cử hành bởi những người khác thay cho chúng ta sau khi chết.

Chúa chúng ta đã nói với Thánh Gertrude: “Con có thể chắc chắn rằng đối với người sốt sắng tham dự Thánh Lễ, Ta sẽ gửi cho họ nhiều vị thánh của Ta để an ủi và bảo vệ họ trong những giây phút cuối đời họ cũng như sẽ có những Thánh Lễ mà họ đã nghe rõ.”

Thật an ủi biết bao! Cha sở xứ Ars có lý do để nói: “Nếu chúng ta biết giá trị của Hy Tế Thánh Lễ, chúng ta sẽ nỗ lực hơn biết bao nhiêu để tham dự Thánh Lễ!” Thánh Phêrô Julian Eymard khuyến khích: “Hỡi tín nhân, hãy biết rằng Thánh Lễ là hành vi tôn giáo thiêng liêng nhất. Bạn không thể làm bất cứ điều gì để tôn vinh Thiên Chúa nhiều hơn cũng như đem lại lợi ích cho linh hồn hơn là sốt sắng tham dự Thánh Lễ, càng thường xuyên càng tốt.”

Vì lý do này, chúng ta phải coi mình là người may mắn mỗi khi có cơ hội tham dự Thánh Lễ. Để không vuột mất cơ hội, chúng ta đừng bao giờ ngăn cản mình vì một hy sinh nào đó, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày thánh.

Chúng ta hãy nhớ đến Thánh Maria Goretti, người đã đi bộ 15 dặm để được dự Thánh Lễ Chúa Nhật rồi trở về nhà. Hãy nghĩ đến Santina Campana, người đã đi lễ trong khi bị sốt cao. Hãy nghĩ đến Thánh Maximilian M. Kolbe, người đã dâng Thánh Lễ khi sức khỏe của ngài ở trong tình trạng tồi tệ đến nỗi một trong các anh em phải đỡ ngài tại bàn thờ để ngài khỏi ngã. Và biết bao nhiêu lần Thánh Pio Năm Dấu đã cử hành Thánh Lễ trong khi ngài bị chảy máu và bị sốt!

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải đặt Thánh Lễ lên trên mọi điều tốt lành khác. Thánh Bernard nói: “Một người xứng đáng bằng cách sốt sắng tham dự Thánh Lễ hơn là phân phát tất cả của cải của mình cho người nghèo và đi hành hương khắp thế giới.” Không thể nào khác được, vì không có gì trên thế giới có giá trị vô hạn bằng một Thánh Lễ.

Chúng ta nên ưu tiên Thánh Lễ hơn là những trò giải trí đơn thuần làm lãng phí thời gian và không đem lại ích lợi gì cho linh hồn chúng ta. Thánh Louis IX, Vua nước Pháp, tham dự vài Thánh Lễ mỗi ngày. Một bộ trưởng của chính phủ phàn nàn và nhận xét rằng ông có thể dành thời gian đó cho các công việc của vương quốc. Vị vua thánh thiện nói: “Nếu tôi dành gấp đôi thời gian cho những thú vui, chẳng hạn như săn bắn, sẽ không có ai phản đối.”

Chúng ta hãy quảng đại và sẵn sàng hy sinh để không đánh mất một điều tốt đẹp lớn lao như vậy. Thánh Augustinô đã nói với các Kitô hữu của ngài: “Những bước chân một người đi dự Thánh Lễ được Thiên Thần đếm; sau đó người ta sẽ được Thiên Chúa ban cho phần thưởng cao cả trong cuộc sống này và trong cõi vĩnh hằng.” Cha thánh xứ Ars nói: “Thật hạnh phúc biết bao khi Thiên Thần Bản Mệnh đi cùng một linh hồn đi dự Thánh Lễ!”

LM. STEPHANO MANELLI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicTradition.org)

Lễ Mình Máu Thánh Chúa – 2023

Thánh Thể – Nếm Trước Hạnh Phúc Thiên Đàng
Thánh Lễ – Lợi Ích Đối Với Trẻ Em
Thánh Lễ – Hành Động Tôn Thờ
Thánh Lễ – Trải Nghiệm Sức Mạnh Biến Đổi
Rước Lễ – Ăn Lửa & Thần Khí
Rước Lễ Bày Tỏ Tình Chúa
Sau Phép Lạ Thánh Thể, Chúa Còn Hiện Diện?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment