Bạn có tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể?
Hãy giơ tay lên nếu bạn muốn lên Thiên Đàng. Hãy giơ tay lên nếu bạn muốn trở thành một vị thánh. Nếu chú ý lắng nghe Phúc Âm, bạn nên có chút sợ hãi ngay bây giờ, vì rõ ràng có những người nghĩ rằng họ đang sống với Chúa Giêsu nhưng lại bị loại ra. Họ nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài.” (Lc 13:26) Nhưng Chúa Giêsu nói: “Tôi không biết quý vị từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt tôi!” (Lc 13:27)
Lời nói rất quan trọng. Chúng ta phải nghe
rất cẩn thận những lời này. Những người bị loại, họ nói gì? Họ nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt
Ngài.” Chúng ta đừng bao giờ lấy lời Kinh Thánh ra khỏi ngữ cảnh của nó,
nghĩa là toàn bộ Kinh Thánh. Chúa Giêsu không bao giờ nói: “Hãy ăn và uống với tôi.” Nhưng Ngài nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho
người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật
là của uống.” (Ga 6:54-55)
Nhưng, lạy Chúa, chúng con đã ăn và uống với Ngài
mà! Không đủ tốt. Chúa Giêsu muốn gì? Ngài muốn chúng ta không dùng bữa với Ngài,
Ngài muốn chúng ta ăn Ngài: “Đây là Mình
Thầy, đây là Máu Thầy.” (Mc 14:22-24) Trong hơn hai nghìn năm, truyền thống
Công giáo Rôma đã mạnh dạn công bố, tuyên xưng và dạy rằng Chúa Giêsu Kitô thực
sự hiện diện với Mình Máu, Linh Hồn và Thần Tính trong Bí tích Thánh Thể khi cử
hành Thánh Lễ. Chúng ta gọi đó là phép lạ của sự biến đổi – sự thay đổi (chuyển
hóa) chất của bánh và rượu thành thịt và máu của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, điều đáng báo động là một cuộc nghiên
cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, cho biết điều này: Trong số những
người Công giáo, chỉ có 31% nhận mình là người Công giáo tự mô tả và nói rằng
họ tin vào sự biến đổi đó. Còn 69% nói rằng họ chỉ tin bánh và rượu là biểu
tượng.
Bạn có thể nói: “Ôi chao, ý họ muốn nói gì vậy? Thế
nào là người Công giáo tự mô tả?” Vì vậy, nghiên cứu này thực sự chi tiết
hơn. Nó nói về đa số những người Công giáo tuân thủ – những người đi lễ một hoặc
nhiều lần mỗi tuần. Vì vậy, đối với những người Công giáo tuân thủ, 63% những
người đi lễ mỗi tuần tin rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện Mình Máu, Linh Hồn
và Thần Tính dưới hình dạng của bánh rượu. Nhưng 39% thì không tin như vậy. Đó
là một thảm họa!
Cho đến khi tôi hai mươi tuổi, tôi chưa bao
giờ nghe lời dạy này và chưa hiểu. Thánh GH Phaolô VI đã nói: “Thế giới của chúng ta không còn lắng nghe
những người thầy, thế giới của chúng ta lắng nghe những nhân chứng.” Vì
vậy, tôi có thể nói với bạn hàng ngàn điều về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu
trong Bí tích Thánh Thể và cách Chúa Giêsu hiện diện thực sự là Mình Máu, Linh Hồn
và Thần Tính. Tôi cũng có thể nói với bạn về những phép lạ Thánh Thể. Tôi có
thể nói chuyện với bạn về điều kỳ diệu của quá trình biến đổi. Tôi có thể nói
về triết học và thần học. Tôi muốn cho thấy cách chúng ta làm chứng rằng Chúa
Giêsu Kitô thực sự hiện diện.
Rõ ràng Chúa Giêsu muốn chúng ta dùng Mình
Máu Ngài. Nhưng, một phần điều đó là chúng ta phải tin. Vì vậy, chúng ta sẽ xem
xét những cách mà chúng ta thể hiện trực quan, cụ thể là chúng ta tin Chúa
Giêsu Kitô thực sự hiện diện – Mình Máu, Linh Hồn và Thần Tính – và cách chúng
ta nên tôn kính Ngài một cách sâu sắc.
1. Khi vào một nhà thờ Công giáo, bạn nhận
phúc lành bằng cách làm dấu Thánh Giá. Đó là lời nhắc nhở về sự thật rằng bạn
là một Kitô hữu đã được rửa tội. Điều đầu tiên mà bạn được kêu gọi để làm khi
bước vào nhà thờ Công giáo là nhìn lên Nhà Tạm. Chúng ta phải làm gì để tôn
kính và tôn thờ Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm? Chúng ta bài gối hoặc cúi chào.
Khi vào một Nhà thờ Công giáo, bạn nên tìm Chúa
Giêsu, chứ không tìm Nhà Tạm. Ngài ngự trong Nhà Tạm. Chúng ta không tôn thờ
vàng, gỗ, đồng, bạc hoặc kim loại. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa là Đấng ngự
trong Nhà Tạm. Đầu gối phải của chúng ta đặt trên mặt đất trong sự tôn kính.
Tôi đã dạy những người phục vụ rằng mắt họ phải nhìn vào Nhà Tạm khi họ cúi gập
người. Khi kết thúc Thánh Lễ và ra về, hãy hướng về Nhà Tạm khi bạn cúi gập
người vì bạn đang nói lời từ biệt với Chúa Giêsu. Khi lái xe đến bất kỳ nhà thờ
Công giáo nào, bạn thực sự nên dừng xe, xuống xe, cúi đầu, rồi tiếp tục lái xe.
Ít nhất thì bạn cũng nên làm dấu Thánh Giá vì Chúa Giêsu thực sự hiện diện
trong tòa nhà của nhà thờ đó. Nhà thờ của chúng ta mở cửa hằng ngày để bạn có
thể vào và viếng thăm Chúa Giêsu. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta làm là bái gối
hoặc cúi đầu.
2. Liên quan các Nhà Tạm. Đó là truyền thống
đáng ca ngợi để có màn che Nhà Tạm. Trong nhà thờ, chúng ta che những gì đẹp
đẽ, bí ẩn, và ban sự sống. Tại sao Nhà Tạm đẹp đẽ, bí ẩn và ban sự sống? Bên
trong Nhà Tạm có gì? Có Chúa Giêsu. Ngài có mầu nhiệm không? Có, Ngài là Mầu Nhiệm
Đức Tin của chúng ta. Ngài là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt. Ngài có ban sự
sống không? Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông
không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga
6:53) Vì vậy, chúng ta che đậy những gì đẹp đẽ, bí ẩn và đem lại sự sống.
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao phụ nữ lại
che đầu? Phụ nữ có đẹp không? Phụ nữ có bí ẩn không? Tại sao phụ nữ bí ẩn? Bởi
vì trong họ có sự bí ẩn của sự sống diễn ra. Phụ nữ có trao tặng sự sống không?
Không có gì khác hơn. Họ không chỉ có thể sinh ra sự sống mà còn có thể nuôi
dưỡng sự sống. Phụ nữ che mặt không phải vì họ xấu xí hoặc là công dân thứ cấp,
dữ dằn hoặc sai trái, mà vì họ xinh đẹp, bí ẩn, đem lại sự sống, và bên trong
họ là điều kỳ diệu.
3. Bên cạnh Nhà Tạm, chúng ta có ngọn đèn chầu
luôn cháy sáng. Tại sao? Bởi vì bên trong Nhà Tạm có Chúa Giêsu Kitô, Thiên
Chúa Ngôi Hai của Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng mà chúng ta được kêu gọi tôn thờ mãi
mãi.
Nến không cần phải có màu đỏ, có thể là màu
tím, màu hồng, màu vàng, màu trắng. Nhiều nơi sử dụng màu đỏ vì nhìn đẹp. Nếu
đang lái xe hơi và gặp đèn đỏ, bạn phải làm gì? Khi gặp đèn đỏ bên cạnh Nhà Tạm,
bạn phải làm gì? Dừng lại, cúi chào và nhận biết Chúa của vũ trụ đang ở trong
đó.
4. Có một truyền thống tuyệt vời trong nhà
thờ của chúng tôi là dùng khăn che chén thánh (đẹp đẽ, bí ẩn và đem lại sự sống).
Chúng ta che điều gì? Che chén và đĩa sẽ được đưa lên bàn thờ, sau đó vén khăn che
lên như thể chúng ta có cơ hội đi vào sự huyền nhiệm. Trong Cựu Ước có một ngôi
đền, cái gì ở trung tâm ngôi đền trong Cựu Ước? Hòm Bia Giao Ước. Khu vực đặt
Hòm Bia Giao Ước được gọi là Nơi Cực Thánh. Người ta vào Nơi Cực Thánh bằng
cách nào? Chỉ một tư tế được phép vào đó mỗi năm một lần. Họ phải đi qua một
tấm màn che. Ngày Chúa Giêsu chịu chết, tấm màn đó đã bị xé đôi từ trên xuống
dưới. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta có thể đi qua tấm màn che để vào Nơi Cực
Thánh, nơi Chúa Giêsu Kitô hiện diện Mình Máu, Linh Hồn và Thần Tính.
5. Chén và đĩa được lót bằng gì? Vàng. Nếu
chén bằng gỗ, bằng gốm, bằng thủy tinh, bằng thiếc, bằng bạc, Giáo Hội không
muốn như vậy. Vua của các vua và Chúa của các chúa xứng đáng với những thứ tốt
nhất. Vàng có ý nói rằng “Con yêu Ngài, Ngài xứng đáng như vậy, con dành cho Ngài
mọi thứ của con.” Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, hoàn toàn xứng đáng.
6. Vải phủ. Khi bạn chết, bạn sẽ được sáu
người khiêng quan tài của bạn. Trong đám tang Công giáo, người ta dùng một tấm
vải trắng lớn để phủ trên quan tài. Cái đó được gọi là vải phủ, thể hiện nỗi
buồn thảm. Chúng ta dùng gì trong Thánh Lễ? Khăn phủ. Một tấm vải trắng phủ lên
chén lễ. Tại sao? Bởi vì chúng ta tin rằng rượu bên trong chén thánh đó sẽ trở
thành Máu Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta tin như vậy, chúng ta không muốn nó bị
ô nhiễm, không muốn côn trùng bay xung quanh, vì chúng ta tin đó là Máu Chúa
Giêsu. Do đó, chúng ta sử dụng khăn phủ vì muốn Máu Ngài được tôn kính và tinh tuyền.
7. Trong Thánh Lễ, khi tung hô “Thánh, Thánh,
Thánh” thì mọi người cúi đầu. Tại sao chúng ta quỳ gối khi đọc Lời Nguyện Thánh
Thể? Đúng ra là chúng ta nên phủ phục hoàn toàn trên mặt đất. Tôi đã khuyến
khích người ta phủ phục hoàn toàn trước Chúa khi cầu nguyện ở nhà, khi đến Nhà Thánh
Thể của giáo xứ, hãy phủ phục trước Thiên Chúa. Đó là những gì các đạo sĩ đã
làm khi gặp Chúa Hài Nhi. Vì vậy, chúng ta quỳ gối vì có Chúa ở đó. Nếu Chúa
Giêsu xuất hiện trong nhà thờ ngay bây giờ, chúng ta sẽ ngã sấp mặt trước Đấng
Hiện Hữu vĩ đại. Ít nhất chúng ta cũng có thể quỳ xuống khi Ngài hiện diện giữa
chúng ta trong hình bánh và rượu.
8. Điều mà đa số người Công giáo ghét hoặc
yêu liên quan Thánh Lễ là bình hương hoặc lư hương. Một bình hương được sử dụng
khi chúng ta xông hương Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng xông hương trước
khi công bố Phúc Âm và những nghi lễ tương tự, nhưng tôi tin rằng điều quan
trọng nhất mà chúng ta xông hương trong Thánh Lễ là Mình Máu Chúa Giêsu. Chúng
ta có xông hương Chúa bởi vì Ngài là Thiên Chúa. Hãy đọc sách Khải Huyền, hãy đi
xuyên suốt Kinh Thánh – hương trầm được dùng nhiều lần để tôn kính sự hiện diện
của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không làm điều đó, chúng ta có tin Ngài thực sự là
Thiên Chúa? Xông hương là một biểu tượng sâu sắc.
9. Tại sao chúng ta rung chuông trong Thánh Lễ?
Có thể chúng ta bị phân tâm, nhưng ít nhất lúc đó chúng ta sẽ nhìn lên và thấy
Chúa. Chuông được rung lên ngay lúc quan trọng nhất, khi đôi tay linh mục đặt
trên bánh rượu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa, sau đó Mình Máu Thánh được giơ lên
cao cho mọi người thờ kính.
10. Đĩa thánh được thiết kế để làm gì? Để hứng
lấy các mảnh vụn hoặc Mình Thánh rơi xuống. Cuối Thánh Lễ, linh mục lau sạch
chén và đĩa. Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể
thì chúng ta phải tôn kính Ngài. Chúng ta có 14 chặng Thánh Giá. Chúng ta không
muốn chặng thứ 15 khiến Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ tư. Chúa Giêsu ngã ba
lần là đủ đau khổ lắm rồi.
Chúa Giêsu nói rõ ràng trong Kinh Thánh rằng
những ai đã ăn uống với Ngài, thậm chí Ngài cũng không hề biết, bởi vì chúng ta
không được kêu gọi để dùng bữa với Thiên Chúa, mà chúng ta được kêu gọi để ăn
Mình và uống Máu Ngài. Thế giới của chúng ta không còn lắng nghe thầy dạy, người
ta muốn lắng nghe những chứng nhân.
Trên đây là 10 cách sâu sắc mà chúng ta tin
nhận Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện cả Mình Máu, Linh Hồn và Thần Tính trong
Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tổ chức các cuộc rước lễ Mình Máu Thánh Chúa – Corpus
Christi, chúng ta đưa Chúa Giêsu ra khỏi nhà thờ vì chúng ta xác tín rằng Ngài
thực sự hiện diện.
Trong mỗi dịp lễ Phục Sinh, Giáng Sinh, đám
cưới và đám tang, trước khi rước lễ, tôi cố gắng nói với người có thể rước lễ
và người không được rước lễ, không phải vì tôi muốn loại trừ mọi người mà vì
chúng ta thực sự cần bảo vệ và canh giữ Chúa của chúng ta. Một người không được
rửa tội thì họ không được rước lễ. Nếu họ không sống trong tình trạng ân sủng,
họ cũng không được rước lễ. Chúng ta làm điều này xuất phát từ tình yêu và sự
mời gọi bởi vì Ngài thực sự hiện diện. Tại giáo xứ của tôi có Chầu Thánh Thể
suốt ngày và suốt tuần. Người ta có 24 giờ mỗi ngày để thờ lạy Chúa Giêsu Kitô,
Ngôi Lời hóa thành nhục thể, Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria.
Nếu bạn không tin, xin cứ đến nói chuyện với
tôi, vì tôi đã không tin cho đến khi tôi 20 tuổi. Đó là một trong những bi kịch
lớn nhất của cuộc đời tôi. Vì vậy, tôi biết bạn đang ở đâu. Tôi không biết
những gánh nặng và vất vả, những khó khăn và thử thách trong cuộc sống của bạn,
cùng với những nỗi thất vọng. Thực tế là bạn đến tham dự Thánh Lễ không phải để
ở với Chúa Giêsu nhưng để ăn chính Mình Máu Ngài, không phải để đến gần Ngài
nhưng để đi vào trong Ngài. Đó là Thiên Chúa của vũ trụ mà chúng ta tuyên xưng,
và đó là điều mà mỗi Thánh Lễ là một lời mời gọi mạnh dạn tuyên bố. Hãy mạnh
dạn công bố những gì Ngài nói trong Kinh Thánh. Hãy mạnh dạn sống và làm như
vậy, hãy trở thành môn đệ, người rao giảng và làm chứng về đức tin. Amen.
LM. JONATHAN MEYER
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
[Đăng báo ĐMHCG số 431, tháng 07-2022, Dòng
Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Kính Thờ Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/04/kinh-tho-thanh-the.html
✽ Thánh Thể Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/03/thanh-chua.html
✽ Thánh Thể Chữa Lành – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/03/thanh-chua-lanh.html
✽ Cầu Nguyện Trước Thánh Thể
https://tramthienthu.blogspot.com/2020/06/cau-nguyen-truoc-thanh-the.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment