Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

THÁNH THỂ CHỮA LÀNH

Một người Công giáo muốn được chữa lành tâm linh giống như một người đang trên đi trên một hành trình. Chúa Thánh Thần giúp người đó nhận biết “vết thương lòng” của mình và đưa người đó đi gặp Chúa Giêsu. Hành trình chữa lành có thể so sánh với hành trình của hai môn đệ trên đường đi tới Emmau.
Ngày Chúa Giêsu phục sinh, hai ông tới làng Em-mau. Họ nói với nhau về các sự kiện mới đây. Hẳn là họ lo lắng, không còn hy vọng. Họ làm gì khi Chúa Giêsu đã bị đóng đinh? Thất vọng? Rồi Chúa Giêsu đến gần họ và bắt đầu nói chuyện với họ. Họ không nhận ra Ngài.
Rồi Ngài nói với họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ đứng chết lặng, buồn bã. Khi đến gần Em-mau, Ngài như muốn đi xa hơn, nhưng họ nài ép Ngài: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Ngài đã ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài, nhưng Ngài lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Ngài bẻ bánh. (Lc 24:13-35)
Hành trình tới sự chữa lành nhờ Thánh Thể gồm nhiều cảm xúc trải nghiệm bởi hai môn đệ đi tới Em-mau. Họ lo lắng và thất vọng khi thấy những gì hứa hẹn đều chấm hết. Chúa Giêsu đến gần, nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Ngài. Chúng ta cũng có lúc ở trong tình trạng mù và điếc tâm linh như vậy, vì sự hiểu biết của chúng ta tối tăm.
Thiên Chúa quan phòng sẽ sắp xếp cuộc gặp gỡ lạ lùng mà chúng ta có thể thấy. Con mắt của chúng ta sẽ được mở ra khi Ngài bẻ bánh, tâm hồn chúng ta sẽ lại bắt đầu cháy lửa yêu mến. Thánh Thể thắp sáng lửa mến để chữa lành vết thương của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ chuyển những kinh nghiệm đau thương thành những điều tốt đẹp – vào thời điểm hoàn hảo của Ngài. Cay đắng phai nhạt. Lòng tin lại bắt đầu. Đức Kitô hấp thu hết đau khổ. Một hành trình mới lại khởi đầu: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cr 5:17)
THÁNH THỂ THƯƠNG XÓT
Lãnh nhận Thánh Thể cách xứng đáng sẽ chữa lành chứng bệnh tội lỗi. Tôi là người được chữa lành nội tâm nhờ các bí tích, đặc biệt là việc rước lễ hằng ngày. Nhu cầu bắt đầu khi gia đình có hai nỗi đau khiến tôi đau lòng. Nhờ ơn Chúa, tôi hiểu rằng vì hai nỗi đau đó mà tôi nhận ra chính mình. Khi ngoài 30 tuổi, hai nỗi đau đó đã khiến tôi nghi ngờ người khác và nghi ngờ chính mình. Rồi khi an toàn làm con cái Chúa, tôi được trải nghiệm tình thương của gia đình và bạn bè. Vì những lời thô lỗ và hành vi thô bạo, cuộc chiến tâm linh xảy ra giữa con người thật và giả của tôi.
Khi cầu nguyện, tôi có ý tưởng bất chợt: “Hãy quan tâm chữa lành để con không làm cho vết thương của con trên Nhiệm Thể của Ta là Giáo Hội.” Chúa Giêsu trong Thánh Thể trở nên Thần Y của tôi. Khi tham dự Thánh Lễ hằng ngày, Lòng Thương Xót thấm vào vết thương lòng của tôi, chữa lành ký ức đau thương của tôi. Vài linh mục cũng giúp đỡ tôi; một vị đích thân hằng tuần hướng dẫn tôi theo Linh Đạo của Thánh Ignatio Loyola trong suốt một năm. Tôi học cách lắng nghe, cách nhận biết tiếng nói nhỏ nhẹ của Chúa, và cách nhận biết những khoảnh khắc của tâm hồn mình – xa cách, an ủi, ý thức,...
Sự cẩn trọng đòi hỏi chúng ta đừng quá chú trọng việc chữa lành nội tâm, vì Đức Kitô cũng chữa lành qua các y bác sĩ. Việc chữa lành, phán quyết, và việc trừ tà của Giáo Hội là cách khác do Đức Kitô chữa lành, đa số chúng ta thường tham vấn các chuyên viên y tế. Không ngạc nhiên khi Lòng Chúa Thương Xót tác động qua nhiều cách thức để chăm sóc những người được yêu thương. Thiên Chúa muốn chúng ta là tổng thể và thánh thiện.
NHẬN BIẾT MÌNH TRONG THÁNH THỂ YÊU THƯƠNG
Quan điểm Công giáo của Lm Jim McManus về việc chữa lành qua sự tha thứ, và cần tự tin về cuộc sống hạnh phúc để có sự hiểu biết. Thiên Chúa muốn đưa chúng ta có sự chấp nhận vui vẻ và biết ơn. Lm. McManus gọi đó là tâm linh của sự tự tin đích thực mà chúng ta nhận biết mình là con cái quý giá của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta sống trong “căn nhà của lời nói hủy hoại” làm kiệt quệ cuộc sống, kiềm chế chúng ta. Những lời nói xây dựng có sức động viên ngay cả khi sửa dạy. Sự chữa lành bắt đầu khi chúng ta di chuyển từ “căn nhà của lời nói hủy hoại” tới “căn nhà căn nhà của lời nói xây dựng.” Có nhiều cơ hội xây dựng nhau về tinh thần và tình cảm, chúng ta cũng thường làm điều ngược lại. Người ta hoặc ma quỷ nói dối về chúng ta nhưng Chúa Cha nói thật về chúng ta. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. (Rm 8:39) Đức Kitô có đủ cho bạn?
Cầu nguyện, lắng nghe, và được tham vấn nhiều người trong những cuộc tĩnh tâm quốc tế, tôi phát hiện một căn bệnh phổ biến mà người ta phải đấu tranh với chính mình về những gì mình “làm” hoặc “có.” Điều này trái ngược với quan điểm Công giáo về việc nhận biết rằng chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (x. 1 Cr 6:19) Thánh Thể tô điểm Đền Thờ của Thiên Chúa.
Lm McManus hiểu sự khác nhau về tâm lý và thần học, nhưng ngài cũng biết sự tổng hợp về cấu trúc tâm lý liên quan tâm linh. Thử thách này là điều cốt lõi về vấn đề “Tôi là ai?” Chúa Giêsu muốn đem sự tự nhận thức của chúng ta để sắp xếp với sự thật về tình yêu Thiên Chúa. Thánh Thể ảnh hưởng điều này, vì nhờ đó mà chúng ta được kết hiệp với Đấng Nhập Thể. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu khi chầu Thánh Thể, Ngài sẽ phản chiếu bản chất của chúng ta để chúng ta biết và chữa lành lòng tự tin của chúng ta theo tình yêu của Ngài.
THÁNH THỂ CHỮA LÀNH, PHỤC SINH, TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Qua Thánh Thể, chúng ta tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu về thể lý. Đây là sự phân định quan trọng. Phúc Âm có nói về những người được chữa lành, và chúng ta biết rằng ai chạm vào Chúa Giêsu thì được chữa lành: “Dân địa phương nhận ra Đức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.” (Mt 14:35-36) Khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta thực sự chạm vào Chúa Giêsu, việc rước lễ của chúng ta thuộc về thể lý và tâm linh. Chúng ta chạm vào Chúa như những tội nhân sám hối cần được chữa lành và lãnh nhận Ngài đúng với giáo luật. Xưng tội và rước lễ là giao điểm của hai dòng sông Lòng Thương Xót có sự chữa lành.
Thánh Thể lấp đầy khoảng cách giữa nhân tính sa ngã và nhân tính được cứu chuộc, chuẩn bị cho chúng ta về nhân tính vinh quang khi Đức Kitô tái lâm. Chúng ta đang trong quá trình thần hóa nhờ sự sống của Thánh Thể. Đây là quá trình chữa lành từ bản chất sa ngã (tội lỗi) trở thành bản chất được cứu chuộc (thánh hóa) để đạt tới bản chất vinh quang (kết hiệp với Thiên Chúa: thị kiến). Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của quá trình biến đổi trong Đức Kitô để chúng ta được chữa lành. Thánh Phaolô thường nói về Chúa Thánh Thần, Đấng thâm nhập mọi lĩnh vực của chúng ta, sẽ nắm giữ chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần mở ra các mầu nhiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và làm cho chúng ta được tự do. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đi gặp Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, qua đó chúng ta được ghép lại như cành với cây nho. (x. Ga 15:4) Sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Thánh Thể là quan trọng vì thân thể chúng ta như “đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (x. 1 Cr 6:19)
Chữa lành là phục sinh. Cái gì đã chết thì được hồi sinh, cái gì đã bị bệnh thì được khỏe lại, cái gì đã nhiễm thì được tẩy sạch, cái gì đã ngủ thì được đánh thức. Thánh Thể làm cho chúng ta phục sinh. Lm Lawrence Lovasik nói: “Việc rước lễ thiết lập giữa Chúa Giêsu Kitô và chúng ta không chỉ về tâm linh mà còn chạm trực tiếp về thể lý qua dạng tấm bánh. Sự sống lại của cơ thể có thể được nhận biết từ sự tiếp xúc trực tiếp này với Đức Kitô. Cơ thể được sống lại của những người lãnh nhận Thánh Thể trong suốt cuộc đời sẽ rất chói lọi bởi vì họ thường xuyên tiếp xúc với Thánh Thể Phục Sinh của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời họ.”
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, xin uốn nắn con để con có thể là vật chứa Lòng Thương Xót của Ngài để chuyển tới người khác. Nhờ kết hiệp với Thánh Thể, xin cho con trở nên con cái của sự sáng, muối cho đời, bánh cho người đói, nước cho người khát, rượu mới và dầu chữa lành cho người khác. Xin cho cho người khác nhìn thấy Ngài trong trái tim của tôi tớ Ngài đây, thấy Ngài trong ánh mắt của con, trong nhiệt huyết của trái tim con, trong công việc con làm, trong lời con nói, trong lời cầu nguyện của con, trong nụ cười của con, trong nước mắt của con, trong sự hèn mọn của con. Xin cho con ẩn náu trong Thánh Tâm thương xót của Ngài để con chiếu tỏa tia sáng thương xót chữa lành của Ngài. Amen.
KATHLEEN BECKMAN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Đêm Chúa Nhật, 22-03-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment