Tôi được đặc ân lớn là dâng lễ nhiều lần trong nhiều tu viện của dòng nữ Thừa Sai Bác Ái. Vì vậy, tôi đã quen nhìn thấy những dòng chữ này ở một nơi nổi bật trong phòng thánh, nơi các linh mục chuẩn bị cho Thánh Lễ: “Hỡi linh mục của Chúa Giêsu Kitô, hãy cử hành Thánh Lễ này như thể là Thánh Lễ đầu tiên, Thánh Lễ cuối cùng, và Thánh Lễ duy nhất.”
Trong những lời này có một lời mời gọi gấp
đôi đối với tất cả các tín hữu, đặc biệt là đối với linh mục, nếu chúng ta cảm
nghiệm được sức mạnh biến đổi mạnh mẽ của Thánh Lễ. Trước hết, chúng ta phải
chuẩn bị Thánh Lễ cho tốt. Không chuẩn bị đúng đắn thì chỉ là xuất hiện trong
Thánh Lễ. Thứ hai, chúng ta phải để hy tế Thánh Thể biến đổi chúng ta từ trong
ra ngoài. Nếu Thánh Lễ biến đổi chúng ta thì chúng ta không thể giữ lối suy
nghĩ và hành động ích kỷ.
Bây giờ chúng ta hãy suy ngẫm về cách chúng
ta đáp lại lời mời gấp đôi này để chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh
Lễ trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Trước hết, chúng ta chuẩn bị Thánh Lễ bằng
lời cầu nguyện cá nhân sâu sắc, nhờ đó chúng ta lắng nghe Chúa Kitô và sau đó
nói với Ngài từ đáy lòng chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện theo cách để cho Đức
Kitô có thể biến đổi trí nhớ, trí tuệ, trí tưởng tượng và ý chí của chúng ta.
Lời cầu nguyện như vậy đòi hỏi chúng ta không chọn lọc lời Ngài nói với chúng
ta và chúng ta không cố gắng che giấu bất cứ điều gì với Ngài.
Lời cầu nguyện như vậy chắc chắn sẽ đào sâu
đức tin và lòng khao khát Chúa Thánh Thể của chúng ta. Cuộc trò chuyện kéo dài
nhưng đầy tính sáng tạo của Chúa Giêsu với đám đông tại Caphácnaum khiến họ
khao khát tấm bánh mầu nhiệm mà Ngài đang ban cho họ: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” (Ga 6:34)
Bí tích Thánh Thể có thể biến đổi chúng ta như thế nào khi chúng ta đón nhận
Chúa Giêsu như một người hoàn toàn xa lạ và ít hoặc không ước muốn hiệp thông
với Ngài sâu xa hơn? Qua lời cầu nguyện chân thành, chúng ta cho phép Chúa
Giêsu đốt cháy tâm hồn chúng ta bằng tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể như
Ngài đã làm cho hai môn đệ trên đường Emmau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:32)
Chúng ta cũng chuẩn bị Thánh Lễ bằng đời sống
hoán cải liên tục. Ngoài việc từ chối tội lỗi, sự hoán cải như vậy còn đòi hỏi sự
phát triển tâm linh không ngừng từ tốt đến tốt hơn. Các tội lỗi chưa sám hối và
sự thờ ơ của chúng ta đối với sự tiến bộ tâm linh ngăn cản chúng ta nhận sự tác
động đầy đủ của ân sủng bí tích từ Thánh Thể. Đó là lý do việc lãnh nhận Thánh
Thể đòi hỏi sự xưng tội thường xuyên qua bí tích Hòa Giải. Đồng thời cũng đòi
hỏi chúng ta phải tự hỏi khi tham dự Thánh Lễ: “Làm sao tôi có thể trở nên giống Chúa Giêsu Kitô hơn và ít là chính
mình hơn qua Thánh Lễ này?”
Việc chúng ta chuẩn bị Thánh Lễ cũng nên bao
gồm đời sống dấn thân phục vụ người khác và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Bí
tích Thánh Thể sẽ tác động đến chúng ta tới mức chúng ta cũng nhận ra Chúa Kitô
nơi anh chị em của mình và cung kính phụng sự Ngài trong họ theo cách phản ánh
tình yêu thương, sự tha thứ và tình yêu vị tha của Chúa Kitô. Chúng ta không
thể mong đợi bất kỳ sự biến đổi nào của Thánh Thể trong cuộc sống khi chúng ta
lợi dụng người khác và trở nên vô cảm với nhu cầu của người khác, nhất là những
thai nhi dễ tổn thương nhất. Làm sao chúng ta có thể biến đổi qua Thánh Lễ khi
cuộc sống của chúng ta là phản chứng hoàn toàn với tình yêu vị tha và hiến mạng
của Chúa Giêsu?
Ngoài việc chu đáo chuẩn bị Thánh Lễ, chúng
ta cũng phải để Chúa Thánh Thể biến đổi cách suy nghĩ và cách đánh giá của
chúng ta. Bánh mới Thánh Thể đòi hỏi cách suy nghĩ và cách sống hoàn toàn mới: “Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa
chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo
những tư tưởng phù phiếm của họ.” (Ep 4:17)
Chúa Thánh Thể của chúng ta chiếu sáng tâm
hồn chúng ta bằng ánh sáng của chính Ngài để chúng ta sẵn sàng “phải cởi bỏ con
người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa
dối, và phải để Thần Khí đổi mới tâm trí.” (Ep 4:22-23) Chúng ta không thể cảm
nghiệm được sự biến đổi của Thánh Thể khi chúng ta vẫn giữ những giá trị và lối
suy nghĩ cũ của mình. Làm sao Đức Kitô có thể biến đổi chúng ta khi chúng ta
chỉ muốn hòa nhập và nên giống người khác, thay vì cố gắng ngày càng nên giống Đức
Kitô mà chúng ta có được sự sống của Ngài một cách nhưng không?
Hỡi anh chị em thân mến của tôi trong Đức
Kitô, điều mạnh mẽ nhất trên thế giới này là sự sống mới của chúng ta trong
Chúa Giêsu Kitô. Thánh Thể là bảo chứng thiêng liêng để chúng ta có được sự
sống đó ngay cả trên thế gian này: “Các
ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương
thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban
cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”
(Ga 6:27) Không gì có thể chấm dứt cuộc sống này của chúng ta trong Chúa Kitô,
ngay cả cái chết và mồ mả.
Sự sống trong Chúa Kitô được ban cho chúng ta
trong mỗi Thánh Lễ. Tại sao chúng ta không được biến đổi mạnh mẽ bởi các Thánh
Lễ chúng ta dâng và tham dự? Tại sao chúng ta mất niềm tin vào sự hiện diện
thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể? Tại sao chúng ta lại quy
phục tinh thần thế gian một cách vô vọng thay vì biến đổi thế giới bằng ánh
sáng của Tin Mừng? Tại sao các giáo sĩ luôn bị lôi kéo vào các vụ bê bối? Tại
sao chúng ta – linh mục, tu sĩ và giáo dân – lại vi phạm và từ bỏ các lời khấn,
lời hứa và lời cam kết hôn nhân một cách dễ dàng như vậy? Tại sao chúng ta lại
trở nên hư hỏng, lười biếng, vô đạo đức, không trung thực, tức giận, không vui
vẻ, vô vọng,... như những người không tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Lễ và
không quan tâm việc rước lễ?
Câu trả lời rất đơn giản: Chúng ta chỉ hiện
diện trong Thánh Lễ. Chúng ta không coi mỗi Thánh Lễ là Thánh Lễ đầu tiên, Thánh
Lễ cuối cùng, hoặc Thánh Lễ duy nhất. Do đó, chúng ta không muốn tiếp nhận Chúa
Giêsu, không sẵn sàng cho phép Ngài biến đổi chúng ta. Ngài luôn đến với mỗi
người chúng ta trong mỗi Thánh Lễ hợp lệ, nhưng Ngài không thể áp đặt chính
Ngài trên chúng ta để biến đổi chúng ta. Chính mỗi chúng ta phải cho phép Ngài
làm như vậy.
Mẹ Thánh Teresa Calcutta nhắn nhủ: “Hỡi linh mục của Chúa Giêsu Kitô, hãy cử
hành Thánh Lễ này như thể là Thánh Lễ đầu tiên, Thánh Lễ cuối cùng, và Thánh Lễ
duy nhất.” Hãy tưởng tượng Giáo Hội của chúng ta sẽ như thế nào nếu tất cả
các tín hữu Công giáo, đặc biệt là các linh mục, sẽ đến gần Hy Lễ Thánh của Thánh
Lễ với những lời của Mẹ Teresa được gieo vào tâm trí và tâm hồn chúng ta một
cách vững bền. Hãy tưởng tượng các phụng vụ và cuộc sống hằng ngày của chúng ta
sẽ như thế nào nếu chúng ta coi mỗi Thánh Lễ là Thánh Lễ duy nhất của mình. Hãy
tưởng tượng niềm tin vui và sự mong đợi mà chúng ta sẽ có trong mỗi Thánh Lễ
nếu chúng ta tiếp cận nó như Thánh Lễ đầu tiên. Hãy tưởng tượng những tấm gương
anh hùng thánh thiện tuyệt vời mà chúng ta sẽ trưng bày nếu chúng ta xem mỗi Thánh
Lễ như “của ăn đàng” (viaticum) của mình, chính Bí tích Thánh Thể cuối cùng của
chúng ta chuẩn bị cho chúng ta gặp trực diện Thiên Chúa.
Quyền năng biến đổi của mỗi Thánh Lễ vẫn còn
bởi vì Chúa Kitô mãi mãi hiện diện thực sự trong mỗi người và mỗi tấm bánh được
thánh hiến. Ngài nói với chúng ta: “Thầy
đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng
lên!” (Lc 12:49) Chúa Giêsu Thánh Thể có quyền năng và ý chí để biến đổi
chúng ta trước, và sau đó là thế giới, qua việc chúng ta tham dự mỗi Thánh Lễ. Điều
Ngài yêu cầu chúng ta là chuẩn bị Thánh Lễ cho tốt và để cho Ngài biến đổi
chúng ta qua Thánh Lễ, phần còn lại chắc chắn Ngài sẽ làm.
LM. NNAMDI MONEME, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Tháng
06-2022
✽ Thánh Lễ & Menkixêđê – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/07/men-ki-xe-e-va-thanh-le.html
✽ Thánh Lễ – Chuẩn Bị – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/05/chuan-bi-thanh-le.html
✽ Thánh Lễ – Kho Tàng Vô Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/kho-tang-vo-gia.html
✽ Thánh Lễ – Lợi Ích Đối Với Trẻ Em
✽ Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/06/thanh-the.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment