Đời là bể khổ. Điều đó như “phần cứng” được cài mặc định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Tuy nhiên, trong Tám Mối Phúc Thật có hai mối “khuyến khích” chịu đau khổ. Đó là mối phúc thứ ba: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an,” (Mt 5:3) và mối phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:10)
Chắc hẳn đau khổ phải là một “hằng số
bí ẩn” có giá trị tuyệt đối. Văn hào Victor Hugo đã so sánh: “Đau khổ cũng như hoa quả. Chúa không khiến
nó mọc lên trên những cành yếu ớt không chịu nổi – Sorrow is a fruit. God does
not make it grow on limbs too weak to bear it.” Đau khổ là mầu nhiệm. Mầu
Nhiệm Đau Khổ là Mầu Nhiệm Thập Giá!
Đau khổ có “dính líu” nước mắt, nước
mắt “dính líu” nỗi buồn, nỗi buồn “dính líu” đau khổ. Một “chu kỳ” độc đáo và
kỳ lạ. Thế nên chúng ta thường gọi là lệ sầu. Lau khô dòng lệ từ đôi mắt thì không khó, nhưng xóa dấu lệ sầu nơi trái
tim thì thật là khó.
Người ta nói: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan.” Chưa
chắc tu là phúc đức hoặc tình là oan trái. Tu là sửa, trước tiên là phải tu
thân, đó là tự hoàn thiện như Chúa dạy. (Mt 5:48) Muốn thoát đau khổ thì không
gì hơn là đi xuyên qua nó. Càng
tránh đau khổ càng chất chồng đau khổ. Cứ để nó “tung tăng” thì lòng mình thanh
thản. Lòng thanh thản thì hết khổ, hết khổ là hạnh phúc rồi đấy. Nghe thì thấy
dễ mà thực hiện thì, chu choa, thật khó quá!
Là người Công
giáo, chúng ta có lúc gặp khó khăn trong việc đánh giá lòng sùng kính Cuộc Khổ
Nạn của Đức Giêsu Kitô. Đó là tình trạng “không thoải mái” khiến chúng ta cảm
thấy mình có tội nặng đối với Đức Giêsu Kitô. Có thể chúng ta vì cảm thấy xấu hổ
mà tránh né Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Mầu nhiệm đau khổ là một phần trong Chuỗi
Mân Côi: Năm sự Thương.
1. CHÚA GIÊSU LO BUỒN ĐỔ MỒ HÔI MÁU
“Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn
thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22:44) Nghĩ đến “chén đắng” sắp phải uống mà nhân
tính nơi Chúa Giêsu cảm thấy rụng rời. Thật đáng sợ biết bao!
Xin Chúa và Đức
Mẹ giúp chúng con ăn năn tội cho nên.
2. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN
“Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người, có kẻ lại
tát Người.” (Mt 26:67; Mc 14:65) Chúa Giêsu chịu những roi đòn
không phải loại bình thường, mà có gắn thêm những cục kim loại. Chúa Giêsu bị
trói, thân thể Ngài bị những dây da như thế đập xuống trong sự căm ghét của bọn
thủ ác, cứ đập một cái thì da thịt xé ra, máu lênh láng. Chúa Giêsu chịu đủ
loại nhục hình tồi tệ nhất, đó là loại “nhục hình tổng hợp.”
Xin Chúa và Đức
Mẹ giúp chúng con biết hy sinh, hãm mình, vui lòng chịu mọi đau khổ hằng ngày.
3. CHÚA GIÊSU ĐỘI VÒNG GAI
“Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo
choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào
tay mặt Người một cây sậy.” (Mt 27:28-29; Mc
15:17; Ga 19:2) Vua chúa thường đội vương miện. Chúa Giêsu là “Vua Dân Do Thái”
nên người ta cho Ngài đội một loại vương miện độc nhất vô nhị: Vòng Gai. Những
chiếc gai nhọn hoắt đâm vào đầu, xoáy tận óc, đồng thời bị người ta mỉa mai và
khinh miệt đủ kiểu. Chỉ nhức đầu thôi mà chúng ta đã cảm thấy như vỡ tung đầu
rồi, thế mà…! Trong khi đó, Chúa Giêsu còn bị quân lính khạc nhổ, nhạo báng,
nguyền rủa không tiếc lời. Nỗi đau đớn thể xác cộng thêm nỗi nhức buốt tâm hồn!
Xin Chúa và Đức
Mẹ giúp chúng con can đảm chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
4. CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo.” (Mt 16:24; Mc
8:34; Lc 14:27) Thập tự để treo một con người lên thì hẳn là không nhẹ. Đã kiệt
sức vì nhịn đói, nhịn khát, và bị hành hạ, Chúa Giêsu còn phải vác Thập Giá đi
trên đoạn đường xa đèo dốc và lởm chởm sỏi đá. Ngài đã phải ngã xuống 3 lần vì
sức nặng của Thập Giá, của tội lỗi nhân loại, trong đó có “phần” của chúng ta.
Có phải vác thập giá theo Ngài thì cũng là vác thập giá của mình mà thôi, vậy
là hợp lý!
Xin Chúa và Đức
Mẹ giúp chúng con hăng say vác thập giá theo Chúa hằng ngày, trong từng hơi thở.
5. CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”
(Mt 23:46) Chết là tột đỉnh của đau khổ.
Phàm nhân không thể cưỡng lại Tử Thần, đó là vì hậu quả tồi tệ nhất của tội lỗi.
(x. Rm 5:12) Chúa Giêsu chịu chết để chúng ta được sống dồi dào. (x. Ga 10:10)
Xin Chúa và Đức
Mẹ giúp chúng con được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.
Cái gì của con
cũng là của mẹ, dù điều đó vui hay buồn, vì con là “máu thịt” của mẹ. Chỉ là
người mẹ trần gian, nhưng người mẹ đó sẵn sàng hy sinh mạng sống riêng để đứa
con được sống – dù đứa con đó tật nguyền. Tương tự, nỗi đau khổ của Chúa Giêsu cũng
là đau khổ của Đức Mẹ. Đại Cuộc Cứu Độ của Chúa Giêsu có công lớn của Đức Mẹ,
chúng ta vẫn tôn xưng Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ.
Sống trên đời, không
ai thích đau khổ,nhưng khi cảm nhận được sự đau khổ thì chúng ta sẽ cảm thấy
thú vị và đau khổ có giá trị kỳ diệu. Hãy học theo Thánh Alphong Ligôriô
(1696-1787, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội) để hiểu rõ về tình yêu của Đức Kitô,
Đấng đã vì yêu mà chết vì chúng ta, và hãy chiêm niệm sự đau khổ của Ngài qua
cái nhìn của Đức Maria. Tất cả các thánh đều tôn sùng cuộc khổ nạn và cái chết
của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã biến sự đau khổ của Đức Kitô thành trung tâm điểm
và tập trung vào cuộc sống đạo đức: “Tôi
đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu
Kitô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1 Cr 2:2)
Chúng ta cùng đi
Đàng Thánh Giá với Đức Mẹ, cùng Đức Mẹ chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa qua mầu
nhiệm đau khổ. Khi đó, hãy nắm lấy tay Đức Mẹ để Người dẫn chúng ta đi suốt các
chặng Đàng Thánh Giá. Năm sự Thương trong Chuỗi Mân Côi rất kỳ diệu nếu chúng ta
thực sự tập trung vào chiều kích của Đức Mẹ và xin Mẹ cho chúng ta được thấy
Chúa Giêsu chịu đau khổ. Đức Mẹ sẽ giúp giảm nhẹ tội lỗi và khuyếch tán Lòng
Chúa Thương Xót.
Bảy nỗi khổ của
Đức Mẹ cũng là lòng sùng kính tuyệt vời giúp linh hồn biết yêu thương, biết
đánh giá cao Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô và Lòng Từ Bi của Đức Mẹ. Bảy nỗi khổ
của Đức Mẹ là:
1. Thánh Simêon nói tiên tri về Đức Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2:35)
2. Hành trình tới Ai Cập: Nghèo khổ, vất vả, gian nan, xa
lạ, chủ nghĩa ngoại giáo của Ai Cập,…
3. Khi lạc mất Con trẻ Giêsu trong Đền thờ, Đức Mẹ rất khổ
sở vì thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa.
4. Gặp Chúa Giêsu vác Thập giá lên Canvê, Đức Mẹ đau khổ đến
nỗi không thể làm gì khác.
5. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, lòng Đức Mẹ cũng thực sự bị
đâm xé.
6. Khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá, Đức Mẹ ôm xác
Con yêu, là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ.
7. Khi an táng Chúa
Giêsu, Đức Mẹ xếp khăn liệm Con và được Thánh Giuse Arimathê dẫn ra khỏi mộ.
Thánh Alphong Ligôriô có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bảy nỗi khổ của Đức Mẹ qua cuốn sách “Vinh Quang của Đức Maria.” Thánh nhân cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ là Vị Tử Đạo vĩ đại nhất vì cuộc tử đạo của Đức Mẹ kéo dài vài thập niên – trước khi Đức Mẹ được Thiên Chúa triệu về Thiên Quốc. Một lưỡi gươm đâm thâu lòng Đức Mẹ trên đồi Canvê và Đức Mẹ bắt đầu chết dần chết mòn từ đó. Đức Mẹ như con nai bị thợ săn bắn trọng thương bằng mũi tên, và Mẹ phải chịu đựng vết thương đó suốt quãng đời còn lại.
Ngày 15 tháng 9
là lễ Đức Mẹ Sầu Bi (trước đây gọi là lễ Đức Mẹ Bảy Sự), thế nên tháng 9 được
Giáo hội dành riêng kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi. Đức Mẹ chịu nhiều nỗi khổ nặng nề
nên Đức Mẹ trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Mùa Chay, Tuần Thánh và lễ Đức
Mẹ Sầu Bi là những ngày đặc biệt để chúng ta suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa
Giêsu và nỗi đau khổ của Đức Mẹ, nhờ đó mà chúng ta có thể vui chịu đau khổ cuộc
đời, là tuân phục Ý Chúa muốn tôi luyện chúng ta nên thánh trên đường lữ hành
thế gian.
Kinh Thánh nói về
những nỗi khổ của Đức Mẹ: “Hỡi thiếu nữ
Giêrusalem, ví ngươi cùng ai, sánh ngươi với ai? Này trinh nữ, cô gái Sion, ai
cứu được ngươi, ai ủi an ngươi? Tai họa ngươi mắc phải lớn quá rồi, lớn tựa
trùng dương, ai chữa nổi?” (Ac 2:13) Đại dương sâu và rộng thế nào? Đó là chiều
sâu và chiều rộng của tình yêu đau khổ mà Đức Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.
Trước những đau khổ đa dạng, dồn dập với nhiều mức độ,
phàm nhân chúng ta cảm thấy “bó tay,” đôi khi cảm thấy rất nản chí. Tuy nhiên,
“dù thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng.” (x. 2 Cr 4:8) Hãy nhớ lại tiền nhân: Đavít
sa ngã vì sắc dục, Phêrô sa ngã vì hèn nhát, Giuđa sa ngã vì tiền bạc,
Phaolô ngã ngựa vì bắt đạo,... Thấy vậy để xác định những “cái bẫy nguy hiểm”
mà cố tránh. Mỗi người có sự yếu đuối riêng với cách ngã khác nhau. Ai cũng ngã
lên ngã xuống, là hình bóng của Chúa Giêsu ngã 3 lần khi vác Thập Giá, nhưng
vấn đề là chúng ta có cố gắng đứng lên hay không. Các thánh cũng ngã nhiều lần,
thậm chí còn ngã đau, nhưng các ngài vẫn làm thánh.
Đề cập “bảy nỗi
đau của Đức Mẹ,” chúng ta nhớ lại “bảy lời cuối của Chúa Giêsu” trên Thập Giá.
Đó là những lời yêu thương tột độ được viết bằng Máu và Nước. Tất cả là tình
yêu. Tình yêu càng lớn thì sức chịu đau khổ càng cao. Thánh nữ Faustina nói: “Tình
yêu lớn có thể thay đổi những điều nhỏ thành những điều lớn, và chỉ có tình yêu
mới có thể thêm giá trị vào hành động của chúng ta.” (Nhật Ký, số 303)
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót các tội nhân chúng
con và xin giúp chúng con kiên tâm vác thập giá cuộc đời mà theo Ngài trong mọi
hoàn cảnh, để chúng con chết vì tội mình, cùng chết với Ngài, và hy vọng được
sống với Ngài. (Rm 6:8; 2 Tm 2:11)
Lạy Mẹ Maria, xin thương hướng dẫn và nâng đỡ chúng con trên những chặng Đàng Thánh Giá của cuộc lữ hành trần gian này, để mai đây chúng con xứng đáng vào Thiên Quốc để vĩnh cư cùng Mẹ và ca tụng Thiên Chúa muôn đời.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG tháng 3-2017, Dòng Chúa
Cứu Thế Kỳ Đồng – Saigon]
✽ Theo Mẹ Lên Canvê – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/04/theo-me-len-can-ve.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment