Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

BỬU HUYẾT và CHÂU LỆ

Tháng Chín là thời điểm đất trời vào Thu, sắc vàng úa, màu u buồn,... khiến lòng người tĩnh lặng mà như có gì đó xao xuyến, rất động.

Cùng là chất lỏng nhưng nước mắt và máu có màu sắc khác nhau, nước mắt có màu trắng trong và máu có màu đỏ thẫm, nhưng cả hai liên quan “tình cảm” và có “hương vị” tương tự: Mặn. Nước mắt và máu đều là chất lỏng, và thường được tính bằng “giọt” (giọt nước mắt, giọt lệ, giọt máu). Thật kỳ lạ vô cùng!

Nói đến nước mắt và máu là nói đến đau khổ, đặc biệt liên quan Ngày Huyết Lệ là Thứ Sáu Tuần Thánh – ngày “đại tang” của các Kitô hữu, đồng thời liên quan 2 ngày khác trong Tháng Chín: ngày 14 đẫm sắc thắm của Bửu Huyết Đức Kitô Giêsu, và ngày 15 đẫm vị mặn Châu Lệ của Đức Maria.

1. BỬU HUYẾT THÁNH TỬ

Máu là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Chức năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể – như khí carbonic và acid lactic. Máu cũng là phương tiện vận chuyển của các tế bào (cả tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể lẫn tế bào bệnh lý) và các chất khác nhau (amino acid, lipid, hormone) giữa các tổ chức và cơ quan trong cơ thể. Các rối loạn về thành phần cấu tạo của máu hay ảnh hưởng đến sự tuần hoàn bình thường của nó có thể dẫn đến rối loạn chức năng của nhiều cơ quan khác nhau.

Có hai vòng tuần hoàn tương đối độc lập về mặt giải phẫu, nhưng liên quan chặt chẽ về mặt chức năng: tuần hoàn phổi (còn gọi tiểu tuần hoàn) và tuần hoàn hệ thống (còn gọi là đại tuần hoàn). Hai vòng tuần hoàn này đều hoạt động chủ yếu bởi sức bơm của cơ tim.

Máu chiếm 7% trọng lượng cơ thể, với tỷ trọng trung bình khoảng 1060 kg/m3, gần giống với tỷ trọng nước nguyên chất (1000 kg/m3). Người trưởng thành trung bình có khoảng 5 lít máu, bao gồm một số loại huyết cầu khác nhau, còn gọi là thành phần hữu hình, và huyết tương. Huyết cầu gồm hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu. Theo thể tích, hồng cầu chiếm khoảng 45% số tế bào máu, huyết tương chiếm khoảng 54,3%, và bạch cầu chiếm khoảng 0,7%.

Máu và tim có mối liên kết chặt chẽ. Mỗi phút, tim bơm khoảng 4,5 lít máu đi khắp cơ thể. Mỗi ngày, một trái tim khỏe mạnh bơm khoảng 2.000 lít máu đi qua 96.500 km của toàn bộ chiều dài hệ thống mạch máu trong cơ thể. Quá đỗi kỳ diệu! Máu, tim, và sự sống như một tam-giác-sống, không thể tách rời. Và chúng ta vẫn nói: “Máu chảy về tim.” Về những người thân thuộc ruột rà, người ta gọi là “họ máu.” Máu là mối liên kết tình cảm thân thiết nhất.

Máu liên quan thập giá. Ngày xưa, thập giá là nhục hình ghê rợn nhất dành cho các tử tội. Chúa Giêsu cũng đã phải chịu nhục hình này vì người ta liệt Ngài vào dạng tương tự “dân anh chị khét tiếng” hoặc “tội phạm nguy hiểm.” Nhưng với Đức Kitô, thế cờ bị Ngài đảo ngược, chính thập-giá-khổ-đau đó lại trở thành“đòn bẩy,” là đường dẫn tới vinh quang, là lối vào ánh sáng, là vũ khí để chiến thắng. Thập Giá trở thành biểu tượng cứu độ và là phương cách giải thoát.

Một Saolê đã từng bách hại “tới bến” đối với những ai yêu mến Thánh Giá, nhưng sau khi ngã ngựa và bị mù mắt thể lý, mắt tâm linh sáng ra, rồi trở thành một Phaolô “không giống ai” với niềm ước mong: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.” (Gl 6:14) THÁNH GIÁ là cái GIÁ để NÊN THÁNH. Thật vậy, vì đó là điều kiện ắt có và đủ mà Đức Giêsu Kitô đã xác định: “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi thì không xứng với Tôi, không thể làm môn đệ của Tôi.” (Mt 10:38; Lc 14:27)

Hơn 1.600 năm sau, ĐGM Pièrre Lambert de la Motte (1624–1679, Hội Thừa Sai Pháp) cũng hóa thành “dị nhân,” không giống ai khi ngài quyết tâm chỉ yêu mến Thánh Giá mà thôi, bằng chứng là ngài đã lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam – bắt đầu từ Hải Phòng (Bắc Việt). Xưa cũng như nay, bất cứ ai thích Thánh Giá đều bị coi là “ngược đời” hoặc “điên loạn.” Thế nhưng Đức Kitô đã khuyến cáo chúng ta phải “mình ên vác thập giá mà theo Ngài.” (x. Mt 16:24) Thật là “căng” dữ nghen! Quả thật, phải thực sự tin tưởng và can đảm mới có thể vững bước trên Con Đường Thập Giá – miệt mài bước đi từng giây phút chứ không chỉ trong thoáng chốc, vài ngày hoặc vài tháng.

Thập giá là dụng cụ để xử tử phạm nhân mà người Phênixi đã dùng trước tiên, sau đó người Rôma cũng dùng, nhưng chỉ dùng hình phạt này cho kẻ nô lệ, dân bị trị, những người thấp hèn và những kẻ phạm các tội nặng nhất như trộm cướp, ít khi áp dụng cho công dân Rôma. Nhà hùng biện trứ danh Cicéron (Rôma) đã mô tả thập giá là “cực hình ghê rợn và độc ác nhất” (crudelissimum et teterrimum supplicium).

Theo nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh, cây Thánh Giá được làm bằng gỗ tùng rất nặng, thanh dọc dài 4,5 m, thanh ngang dài 2,5 m, cả Thập Giá nặng khoảng 100 kg. Vác kéo lê thì giảm sức nặng khoảng 30 kg. Như vậy, Chúa Giêsu còn chịu sức nặng 70 kg đè trên thân xác đã yếu ớt vì đòn vọt, vác khệ nệ trên con đường dài 700 m,và Ngài đã phải ngã quỵ 3 lần. Thông thường, khoảng giữa thập giá có một miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một đinh. Ngày nay các nhà kỹ thuật đã đưa miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ chân và hai chân đóng chụm lại, đó là vì tính mỹ thuật – tức là để nhìn cho “đẹp mắt” mà thôi.

Chúa Giêsu chịu hàm oan và đau khổ tột cùng trên Chặng Đàng Thánh Giá. Cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng là Hành trình Thập Giá, có rất nhiều thứ xấu xa trong mỗi chúng ta để chúng ta phải cố gắng “chết” vì yêu mến Đức Kitô. Hành trình đó là hành trình tử đạo liên lỉ, rất cần ngước nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên Thánh Giá như dân Israel xưa ngước nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành. (Ga 3:13-15)

Cuộc đời Chúa Giêsu đầy những chữ T kỳ diệu. Ngài ra đời trong hoàn cảnh TÚNG THIẾU. Trình trạng khó khăn và chật vật như thế còn gọi là THIẾU THỐN, mà thiếu trước hụt sau thì thật là TE TUA và TƠI TẢ. Trong cuộc sống đời thường, người ta cho cuộc đời đó coi như là TIÊU TÙNG – nói theo kiểu “thời tiết” thì là… TOI (tức là chết).

Tuy là Con nhà nghèo nhưng Cậu Giêsu luôn sống THẬT THÀ, chuyện gì cũng THẲNG THẮN. Sự thường thì những người sống cương trực như vậy thì hẳn là THUA THIỆT, thậm chí người ta còn ghét hết cỡ thợ mộc, bị người ta xa tránh như chạy trốn bệnh dịch vậy.

Bằng chứng minh nhiên là khi Chàng thanh niên Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, người ta tìm đủ cách bắt bí hoặc gài bẫy. Thế nhưng Ngài vẫn TIẾP TỤC giữ vững lập trường. Đâu phải cứ đại đa số là đúng, còn thiểu số là sai? Ngài cứ là chính mình, chẳng ngán ai, chẳng vị nể ai. (Mt 22:16; Mc 12:14; 1 Pr 1:17) Ai làm sai hoặc nói sai là Ngài phang liền.

Đến Giờ Linh của Chúa Giêsu, nhưng trước khi bị bắt, Ngài đã thiết lập Bí tích THÁNH THỂ làm Thần lương nuôi dưỡng nhân loại suốt cuộc lữ hành trần gian. Đêm hôm đó, bản tính nhân loại cũng khiến Ngài cảm thấy TÊ TÁI lòng trong Vườn Dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Thế nhưng Ngài cương quyết TUÂN THỦ (tuân phục, vâng lời) lệnh Chúa Cha, trước sau như một.

Chắc hẳn ai nhìn thấy Ngài gục đầu THAN THỞ với Cha bằng giọng nói THỐNG THIẾT như thế thì cũng phải nẫu cả ruột gan, cầm lòng chẳng đặng và có thể bật khóc. Chúng ta “vô phúc” nên không được sống cùng thời với Ngài để được nghe Ngài nói, nhìn Ngài hành động, thấy Ngài ứng xử, và chứng kiến giây phút Ngài từ giã chúng ta.

Có lần Ngài nói rõ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4) Ngài nói quá THẬT THÀ nên chúng ta cảm thấy THẤM THÍA. Chỉ vì bị ghen ghét mà cuộc đời Ngài thật là THẢM THƯƠNG. Ngài bị bắt và bị hành hạ quá nhiều nên THÂN THỂ Ngài quá đỗi TIỀU TỤY, trông không còn ra dáng người, nghĩa là rất TÀN TẠ. Thế mà vẫn phải tự vác “giường” của mình, té lên té xuống như đứa trẻ chập chững bước đi mà cứ “TUNG TĂNG.” Thở còn ra hơi kia mà! Thế mà người ta còn tàn nhẫn đè Ngài ra mà đóng đinh chân tay Ngài vào THẬP TỰ. Đau cả thể xác lẫn tinh thần, thậm chí mấy thằng đệ tử ruột cũng biến biệt tăm tích. Như vậy, ĐAU chưa nhằm nhò gì đâu, mà phải nói là NHỤC. Còn gì nhục hơn khi chính người tín cẩn nhất của mình lại đành lòng bỏ rơi mình?

Thánh Phaolô kết luận: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2:9-11) Thập giá là vinh quang, là chiến thắng, chứ không là thất bại như loài người suy tưởng. Thi sĩ kiêm kịch tác gia Pièrre Corneille (1606-1684, Pháp quốc) đã có nhận xét thú vị và rất đúng: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh quang.” Thật vậy, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng không có niềm hạnh phúc nào mà lại không có dấu vết của sự đau khổ.

Từ dinh Philatô tới đồi Canvê là một Hành Trình Máu, máu càng lúc càng nhiều và thắm sắc hơn. Thánh sử Gioan tường thuật: “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì MÁU cùng NƯỚC chảy ra.” (Ga 19:31-34) Máu là biểu tượng và là màu sắc của lòng thương xót.

Chính Thánh Gioan đã mục kích sở thị sự kiện này và làm chứng, lời chứng này hoàn toàn xác thực. Thánh Gioan biết mình nói sự thật để cho mọi người cùng tin. Cuối cùng, người ta cũng phải công nhận: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.” (Ga 19:37)

Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới, xin giúp chúng con dứt khoát từ bỏ mình và đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá của Ngài. Amen.

2. CHÂU LỆ THÁNH MẪU

Nước mắt là một dung dịch được tiết ra từ đôi mắt thông qua tuyến lệ. Về mặt sinh học, nước mắt là dung dịch làm sạch bụi bẩn, hơi cay,… tuyến lệ tiết nước mắt để làm ướt mắt, giúp bảo vệ mắt. Về mặt tâm lý, nước mắt là biểu hiện sinh động cho trạng thái tâm lý đặc biệt, gọi là khóc (có thể do buồn, đau khổ, mất mát, tủi thân; cũng có thể do hạnh phúc, vui mừng, sung sướng).

Thành ngữ “nước mắt cá sấu” dùng để chỉ về những kẻ giả hình, giả nhân, giả nghĩa. Thậm chí người ta còn có dạng “khóc mướn.” Tuy nhiên, nước mắt có gì đó rất đặc biệt, và khi nói đến nước mắt, người ta thường nghĩ ngay tới nỗi đau buồn. Nhà thần luận và triết gia Voltaire (1694-1778, Pháp) nói: “Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của nỗi đau buồn.”

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Mater Dolorosa) trước đây gọi là lễ “Đức Mẹ Bảy Sự.” Đó là bảy nỗi đau khổ của Đức Mẹ, ví như bảy lưỡi gươm đâu thâu Trái Tim Đức Mẹ. Bảy nỗi đau buồn đó là:

1. Lời tiên tri của ông Simêon trong ngày Đức Mẹ dâng Con trong Đền Thờ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2:34-35)

2. Cuộc chạy trốn sang Ai Cập qua lời sứ thần báo mộng cho Đức Thánh Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13)

3. Đức Mẹ lạc mất Con Trẻ Giêsu: “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2:43-45)

4. Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá. (x. Mt 27:32; Lc 23:26-32; Mc 15:21)

5. Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thập Giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23:46; x. Mt 27:50; Mc 15:37; Ga 19:30)

6. Chúa Giêsu bị đâm vào cạnh sườn: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19:34)

7. Chúa Giêsu được mai táng trong huyệt đá. (x. Mt 27:57-59; Mc 15:42-47; Lc 23:50-55; Ga 19:38-42)

Đức Mẹ mệnh danh là Đấng Hiệp Thông Cứu Chuộc (Coredemptrix). Danh từ Coredemptrix bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV trong một Thánh Thi được sử dụng tại nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Salzburg (Áo quốc): “Pia, dulcis et benigna, Nullo prorsus luctu digna, Si fletum hinc eligeres. Ut compassa Redemptori, Captivato transgressori, Tu Coredemptrix fieres – Mẹ nhân từ, hiền dịu và khoan dung, Mẹ hoàn toàn không đáng chịu một đau khổ nào. Nếu từ đây Mẹ khóc thương Như Người thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế, Thì với Đấng đã chịu tử hình, Mẹ cũng trở nên Đấng Hiệp Thông Cứu Chuộc.”

Công Đồng Vatican II, dưới triều đại Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, đã minh nhiên nêu rõ sứ mạng Hiệp Thông Cứu Chuộc của Đức Mẹ: “Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Mẹ, và phục vụ Mầu Nhiệm Cứu Chuộc dưới quyền và cùng với Con của Mẹ... Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong Công Cuộc Cứu Rỗi được tỏ rõ, từ khi Mẹ Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết.”

Ngày xưa, lễ Đức Mẹ Sầu Bi còn sử dụng Ca Tiếp Liên: “Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu đang đứng bên cây thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên. Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau buồn. Ôi đau buồn và sầu khổ biết bao cho bà Mẹ đáng suy tôn của một Người Con duy nhất…”

Nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi (1678-1741, ông cũng là tác giả của bản giao hưởng nổi tiếng “Four Seasons” – Bốn Mùa) đã sáng tác bài ca “Stabat Mater Dolorosa” (Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá…), bài này diễn tả nỗi đau khổ tột cùng của Đức Maria.

Kính lạy Mẹ Sầu Bi, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ và can đảm trong mọi nỗi đau khổ để đền tội và cứu các linh hồn, xin Mẹ nguyện giúp cầu thay cho những tội nhân chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo TTĐM số tháng 9 & 10-2023, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]

Thập Giá & Châu Lệ – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/09/thap-gia-va-chau-le.html

STABAT MATER DOLOROSA – Vivaldi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment