Tôi đã mất năm đứa con vì sẩy thai. Sự đau buồn đó không thể trở nên đơn giản bởi vì tôi đã trải qua năm lần. Nếu bất cứ lý do gì mà trở nên khó khăn hơn thì rất khó hiểu. Câu trả lời duy nhất khi đối mặt với đau thương và mất mát là Thập Giá. Đau khổ là điều bí ẩn mà chúng ta phải sống và chịu đựng. Chúng ta không được biết câu trả lời về việc chúng ta mất con cái. Sự đau buồn này được kết hợp bởi nền văn hóa phá thai cho chúng ta biết rằng chúng ta không có quyền đau buồn.
Sảy thai là một trong những lĩnh vực Giáo Hội
vẫn đang thiếu các nguồn lực. Trong khi nhiều người viết đã chia sẻ hành trình
sẩy thai của họ thì vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người mất
con hoặc bị sẩy thai. Người giúp đem lại sự thay đổi này rất có thể chính là
bạn. Người đã phải chịu đựng nỗi thống khổ này và người biết rõ độ sâu thẳm của
nó.
Nhờ chịu sầu khổ mà chúng ta đi sâu vào mầu
nhiệm Thập Giá. Đức Kitô mời gọi chúng ta đi vào nỗi đau khổ của Ngài để Ngài
có thể an ủi chúng ta trong nỗi buồn của mình. Chính vì thế nên tôi cập nhật Mầu
Nhiệm Thương của Kinh Mân Côi về việc sảy thai mà tôi đã viết cách đây tám năm
sau khi trải qua ba lần sẩy thai.
Tôi đã mất năm đứa con, trái tim tôi tan nát
theo cách mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi hy vọng một ngày nào đó, sự mất mát
quá lớn sẽ khiến tôi có khả năng yêu thương người khác trong Đức Kitô nhiều hơn
nữa, vì chính qua đau khổ mà chúng ta học được cách yêu thương nhiều hơn. Tôi cũng
hy vọng cho bạn như vậy.
1. CHÚA GIÊSU HẤP HỐI TRONG VƯỜN DẦU
Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một
thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa
ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu
xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm
hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người
đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy
vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:36-39)
Chúa của chúng ta chịu tràn ngập nỗi buồn. Nó
bẻ cong Ngài xuống đất, và Ngài đổ mồ hôi máu. Theo cách nào đó, đây chẳng phải
là cảm giác mất con sao? Đau đớn không chịu được. Đó là chén mà chúng ta không
muốn uống. Chúng ta muốn ôm con trong tay, nhưng thay vào đó chúng ta phải uống
chén rượu đau buồn này. Chúng ta không đổ mồ hôi máu và thay vào đó phải đổ máu
cho chính đứa con của mình. Đó là nỗi thống khổ không giống bất kỳ nỗi đau khổ
nào khác.
Hãy kết hiệp nỗi sầu khổ của bạn với Đức Kitô.
Ngài biết bạn cảm thấy thế nào. Ngài muốn an ủi và chờ đợi bên cạnh bạn khi bạn
cần. Ngài ở với bạn ngay cả khi bạn không “cảm thấy” sự hiện diện của Ngài và
chỉ nhìn thấy bóng tối của đêm đen. Hãy dâng nỗi đau đớn cho Ngài, tuân phục Thánh
Ý Chúa Cha và giao phó con của bạn cho Ngài.
2. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN
Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho
họ, còn Đức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập
giá. (Mt 27:26)
Chúa của chúng ta đã bị tra tấn dã man trước
khi bị đem đi đóng đinh. Ngài chịu đánh liên tục trên khắp cơ thể. Máu của Ngài
ướt đất. Sảy thai gây tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm hồn. Sẩy thai là nỗi
đau khi chúng ta chịu tổn thương. Chính trong những khoảnh khắc đó, chúng ta
phải kết hiệp chính mình với Đức Kitô bị trói ở cột. Ngài biết rõ nỗi đau đớn
tột cùng về thể xác và tình cảm.
Sẽ có những lúc sầu khổ một mình và cảm thấy
như bị tra tấn. Hãy dâng điều đó cho Đức Kitô. Hãy chia sẻ gánh nặng của bạn với
Ngài. Bạn không đau khổ một mình, hãy kết hiệp sâu sắc với Ngài qua từng cơn đau
của bạn.
3. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI VÒNG GAI
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giêsu vào
trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác
cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu
Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà
nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!”
(Mt 27:27-29)
Trong lúc rất nhục nhã và đau khổ, quân lính
La Mã đội vương miện cho Chúa bằng một vòng gai. Ngài phải “đăng quang” khi
thua trận. Về mặt trí tuệ, chúng ta có thể biết rằng đau khổ là một phần của
cuộc hành trình này, nhưng không ai trong chúng ta chuẩn bị cho gánh nặng của
sự mất mát, đặc biệt là mất một đứa con. Đó là chiếc vương miện không ai muốn
đội, nhưng khi chúng ta sẩy thai mất một đứa con, chúng ta lại phải đội chiếc
vương miện gai của chính mình. Hãy kết hiệp sự mất mát đó với Đức Kitô.
Khi ai đó nói điều gì đó thiếu tế nhị với bạn
về việc sẩy thai, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã bị sỉ nhục khi Ngài chịu chết vì
chúng ta. Khi bạn cảm thấy bị người khác hiểu lầm hoặc xấu hổ vì nỗi buồn của
mình, hãy nhìn lên Ngài vẫn đang đội trên đầu chiếc vòng gai. Hãy xin Ngài giúp
bạn chịu đựng sự mất mát và sự thiếu hiểu biết của người khác mà bạn có thể gặp
phải.
Hãy nhớ rằng một ngày nào đó, vương miện gai
của bạn sẽ được thay thế bằng vương miện vinh quang và hy vọng về ngày gặp lại con
cái trên Thiên Đàng.
4. CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ
Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi
gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha. (Ga 19:17)
Chúa Kitô mời gọi chúng ta bước đi trên Đường
Thập Giá với Ngài trong cuộc sống này để đạt được lời hứa về sự sống đời đời.
Chúng ta phải chịu đựng nỗi đau khổ trong tình yêu, hy vọng rằng nó sẽ đem lại những
điều tốt đẹp hơn. Chúng ta không được biết lý do, nhưng chúng ta luôn hy vọng
rằng nỗi đau của chúng ta sẽ được biến đổi qua Thập Giá. Qua cơn hấp hối này, Đức
Kitô sẽ mở rộng trái tim chúng ta để chúng ta có thể yêu Ngài và những người
khác sâu sắc hơn. Xin con cái của bạn trên Thiên Đàng cầu nguyện cho bạn khi
bạn vác thập giá này.
Hãy để Đức Kitô giúp bạn vác gánh nặng hơn là
dựa vào chính mình. Hãy nhớ Ngài yêu bạn như thế nào. Trong những lúc tuyệt
vọng, hãy cầu xin Ngài nâng đỡ. Ngài luôn ở đó, đặc biệt là trong những thời
khắc đen tối nhất. Ngài ở đó giúp chúng ta đặt chân này trước chân kia. Ngài
thì thầm với chúng ta rằng chúng ta có thể đi tiếp và Ngài giúp chúng ta vác thập
giá. Hãy nhìn lên Người Mẹ Đau Khổ của chúng ta, Đức Mẹ biết nỗi đau khôn tả
khi mất con và Mẹ sẽ đồng hành trong nỗi mất mát của chúng ta.
5. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất,
mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lêma
xabácthani,” nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi
con?” (Mt 27:45-46)
Chúa của chúng ta đã chết trên Thập Giá để đem
lại sự cứu rỗi cho chúng ta. Ngài đã trải qua sự tra tấn và cái chết để cứu
chuộc chúng ta, để chúng ta được sống đời đời trong sự hiệp thông với Ba Ngôi
Chí Thánh. Sảy thai đi kèm với sự đóng đinh qua cái chết của một đứa trẻ. Đối
với một số người có những mất mát lặp đi lặp lại, đối với những người khác có
khi chỉ một lần. Khi chúng ta đau buồn về cái chết của con mình, chúng ta phải
từ bỏ sự kìm kẹp của chúng ta và phó thác chúng cho Đức Kitô chịu đóng đinh
trong niềm tin cậy, giống như Đức Mẹ đã tin cậy vào Chúa khi đứng dưới chân
Thập Giá.
Chúng ta phải kết hiệp nỗi mất mát và đau khổ
của mình với sức mạnh biến đổi và sự thống khổ của Thập Giá. Chúng ta hy vọng
nơi Ngài, Đấng sẽ dẫn dắt chúng ta từ nỗi đau đớn và mất mát này đến niềm vui phục
sinh.
Trong lúc đau buồn và mất mát, hãy kết hiệp với
Đức Kitô trên Đường Thập Giá. Hãy suy gẫm về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục
sinh của Ngài. Hãy hướng về Người Mẹ Đau Khổ của chúng ta trong nỗi đau buồn
của bạn. Lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày 15 tháng 9, ngày sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày
14 tháng 9. Tháng Chín là tháng dành riêng cho Thánh Giá, trong đó chúng ta có
thể hướng về Chúa Kitô chịu đóng đinh trong nỗi đau khổ của chúng ta. Hãy nâng
cao Thánh Giá vì đó là phương tiện mà chúng ta được cứu độ.
Qua nỗi đau khổ này, Ngài đang kéo bạn vào mầu
nhiệm của sự đau khổ và làm cho nó có thể trở thành ống dẫn tình yêu thiêng
liêng. Nhờ tâm hồn chúng ta rộng mở mà Chúa Giêsu Kitô có thể làm công việc vĩ
đại nhất và tốt đẹp nhất trong cuộc đời chúng ta. Điều tốt đẹp hơn sẽ đến từ sự
đau khổ của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy hoặc không hiểu gì
cho đến lúc vào đời sau.
Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, xin cầu thay nguyện giúp
cho chúng con. Amen.
CONSTANCE T. HULL
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Thứ
Sáu, 03-09-2021
✽ Tháng 9 Kính Đức Mẹ Sầu Bi – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/09/thang-9-kinh-uc-me-sau-bi.html
✽ Nguồn Gốc Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/09/nguon-goc-le-uc-me-sau-bi.html
✽ Khóc Với Mẹ – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/09/khoc-voi-me.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment