Nhân chi sơ tính bổn thiện. Vậy tại sao xảy
ra tình trạng bất công trong xã hội? Vì con người vốn dĩ xấu xa, (Lc 11:13)
muốn GIÀNH lấy mọi thứ chứ không muốn DÀNH phần cho người khác. Một trong các
“khoảng cách” của sự bất công là Giàu – Nghèo.
Đề cập vấn đề bất công, Thánh Giêrônimô nói: “Mọi sang giàu đều bắt nguồn từ bất công, vì nếu người này không mất thì người kia làm sao đạt được? Do đó, ý kiến chung này dường như rất đúng: ‘Người giàu là một người bất công, hoặc thừa kế một người bất công.’ Sang trọng bao giờ cũng là kết quả của trộm cắp, nếu người sở hữu hiện tại không ăn cắp thì là tiền nhân của họ.” Và Thánh Ambrôsiô nói: “Người giàu cho người nghèo thật ra không phải là bố thí, nhưng là trả nợ. Luật công bình rất rõ ràng, một người tốt không được tránh né sự thật, không được gây tổn thiệt bất công cho bất kỳ ai, không được lường gạt hay lừa đảo.”
Kinh Thánh xác định: “Tín Nghĩa với Ân Tình nay hội ngộ, Hoà Bình và Công Lý đã giao duyên.”
(Tv 85:11) Hòa bình không chỉ là không có bom đạn và máu lửa, mà là không có
thù hận, hiềm khích, áp bức, bóc lột, cướp phá,... Muốn có hòa bình thì công lý
phải được tôn trọng đúng mức, mặc nhiên bao gồm nhân quyền.
Đơn giản ý nghĩa nhân quyền là quyền của con
người. Mặc dù đồng nghĩa, nhưng tại sao người ta tránh né chữ “nhân quyền” mà
nói là “quyền con người” vậy chứ? Nhân quyền hàm chứa nhiều loại quyền khác.
George Washington (1732-1799, tổng thống đệ
nhất của Hoa Kỳ) nói: “Khi MẤT quyền tự
do ngôn luận, người ta như BẦY CỪU NGU XUẨN bị dắt đến lò sát sinh.” John
Adams (1735-1826, tổng thống đệ nhị của Hoa Kỳ) nói: “Có hai cách để chinh phục và nô dịch hóa một đất nước. Cách thứ nhất
là bằng THANH KIẾM. Cách thứ hai là bằng NỢ NẦN.” Thật đáng quan ngại và
thật đáng sợ!
Rất có thể có người ngạc nhiên về nhận định
của Thánh GH Phaolô VI: “Chính trị là một trong các hình thức bác ái cao cấp
nhất.” Chính trị không là gì xa lạ mà là những gì rất đời thường và liên
quan công lý.
Ai cũng biết rằng chỉ vì kiêu ngạo mà sinh ra
tội lỗi, vì tội lỗi mà hành xử bất công, vì có bất công nên cần có công lý, ở
mọi cấp độ – từ gia đình tới xã hội. Vì thiếu công lý mà người ta nổi loạn, đấu
tranh, để đòi lại công lý – cho chính mình và cho người khác. Chính Chúa Giêsu
đến thế gian để đòi lại công lý cho chúng ta.
Công lý là gì? Đó là công bằng xã hội, là
nghĩa vụ đầu tiên của xã hội, đặc biệt là Thánh Luật của Chúa. Bất công xã hội
là phi công lý. Theo La ngữ, chữ “Justitia” nghĩa là Nữ Thần Công Lý (Lady
Justice), một nhân vật nữ được cách điệu hóa để trở thành biểu tượng của công
lý, pháp luật, được khắc họa và được miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: [1]
một tay cầm thanh gươm (biểu tượng về quyền lực cưỡng chế, quyền uy của toà án;
[2] một tay cầm chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác (biểu tượng cho lẽ
phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị); [3] mắt bịt chiếc
khăn (tượng trưng cho ý tưởng công lý, đối lập với áp lực và sự ảnh hưởng từ
bên ngoài).
Thần Công Lý là một trong các biểu tượng tiêu
biểu, nhưng Thần Công Lý đến từ đâu và ủng hộ cái gì? Chắc chắn vị thần này bảo
vệ công lý và chân lý. Chúa Giêsu đã xác định: “SỰ THẬT sẽ giải phóng quý
vị.” (Ga 8:32) Ngài bị người ta ghét chỉ vì Ngài thẳng thắn và nói thật.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã ban luật về công
lý: “Ngươi không được phao tin đồn nhảm. Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với
kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái; trong một vụ kiện,
ngươi không được ngả theo số đông mà làm chứng, khiến công lý bị sai lệch.
Ngươi không được thiên vị người yếu thế khi họ có việc kiện tụng.” (Xh
23:1-3) Ngài luôn thẳng thắn, nói tận nơi, không vòng vo, vì sợ nên người ta tìm
cách né tránh, thích đường vòng, để thừa nước đục thả câu rồi tìm cách “chơi
bài chuồn” luôn. Con chó sủa to là con chó nhát, và người ta cũng thế.
Cựu Ước và Tân Ước luôn đề cập rõ ràng vấn đề
công lý. Tuy nhiên, công lý không chỉ được thể hiện với người thân quen hoặc
cùng phe, mà còn phải được thể hiện đối với kẻ thù: “Nếu gặp bò hay lừa của
kẻ thù đi lạc, ngươi phải dẫn nó về cho người ấy. Nếu thấy lừa của kẻ ghét
ngươi quỵ ngã vì chở nặng, ngươi không được để mặc người ấy; ngươi phải giúp
người ấy đỡ lừa dậy.” (Xh 23:4-5) Công lý rất cần thiết và rất quan trọng,
phải được tôn trọng tuyệt đối và phải được thể hiện với bất kỳ ai. Thật vậy, Eleanor
Roosevelt xác định: “Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành
cho cả hai phía.” Đó là lý lẽ chung, không dành riêng cho ai, và cũng không
ngăn cấm ai.
Người ta lạm dụng và áp dụng sai trái nên cố
ý làm lệch cán cân công lý. Nhưng từ xưa, sách Đệ Nhị Luật đã nói rõ: “Anh
em KHÔNG ĐƯỢC làm sai lệch công lý, KHÔNG ĐƯỢC thiên vị ai và không được nhận
quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ khôn ngoan hoá ra đui mù và làm hỏng
việc của những người công chính.” (Đnl 16:19) Ngày nay người ta còn nói tới
“chỉ số công lý,” tức là đề cao sự công tâm và tính hợp lý. Horace Walpole định
nghĩa: “Công lý là hành động của sự thật hơn là đạo đức. Sự thật cho chúng
ta biết điều gì do người khác, và công lý thực hiện sự thích đáng đó. Sự bất
công là hành động của dối trá.” Một cách nhận định và lý luận tuyệt vời!
Thực hiện công lý là nhân danh Lòng Thương
Xót của Thiên Chúa. Thế gian bất an vì thiếu công lý, loài người có nhiều kiểu
bất công, vì vậy mà người ta luôn khao khát bình an. Do đó, nhân loại không
ngừng mong chờ Đấng Thiên Sai – Đức Giêsu Kitô – xuất hiện để đòi lại công lý
cho chính nhân, bởi vì họ bị áp bức và bị đối xử tệ quá. Không thể tách rời
công lý và hòa bình, có cái này thì ắt có cái kia, không có cái kia thì cũng
chẳng có cái này. Đó là hệ lụy tất yếu.
Ai không yêu công lý là người không chuộng chân
lý, ai bóp méo sự thật là người không thích hòa bình, ai cố ý né tránh sự thật
là kẻ hèn nhát – đối với cả Chúa và tha nhân. Đó là một hệ lụy vừa minh nhiên
vừa mặc nhiên, không thể biện hộ bằng bất kỳ lý do nào hoặc bất cứ kiểu lý luận
nào. Thiên Chúa là Đấng công chính, (Tv 11:7) là Đấng không ưa thích bạo tàn.
(Tv 11:5)
Từ cổ chí kim, thời nào cũng vậy, xã hội luôn
có bất công, đủ kiểu và đủ mức, nên cần có công lý của Thiên Chúa: “Lòng
kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên
ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho
người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người
nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.” (Is
11:3-4) Còn có bất công vì con người bất chính, thế nên cứ lẩn quẩn trong cái “cùm”
Tham-Sân-Si của kiếp phàm nhân.
Nhân loại biết mình không làm được gì nên
khao khát Đức Kitô như đất hạn chờ mưa. Trong xã hội loài người, có những người
lấy danh nghĩa là công lý nhưng thực ra chỉ mạo danh để trục lợi cho mình mà
làm khổ người khác. Công lý của họ là “đầu môi, chót lưỡi” nên họ hành động
trái ngược, tất nhiên đối nghịch với Thiên Chúa.
Rất hay và chí lý với câu nói như lời cảnh
báo của người Pháp: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác.” Ý
tưởng cụ thể, giản dị mà thâm thúy, đơn giản mà sâu sắc.
Thánh Vịnh gia đã sử dụng lời của vua Salômôn:
“Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài
vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền
lợi kẻ nghèo hèn.” (Tv 72:1-2) Quả thật, công lý luôn “gắn liền” với đám
dân đen, những người vừa nghèo vừa hèn, vừa thấp cổ vừa bé miệng, vừa khốn khổ
vừa bị nhục, không có ăn mà còn bị bóc lột tận xương tủy. Khốn thay những kẻ lạm
dụng quyền bính mà hành hạ người khác, trong khi đáng lẽ phải dùng quyền mà
phục vụ. Thế nhưng họ lại làm sai ý muốn của Thiên Chúa.
Thực sự rất tồi tệ đối với những người có
quyền hành và chức tước chỉ lo vinh thân phì da chứ chẳng làm lợi gì cho dân,
thế mà vẫn “mồm loa mép dải,” thế nên mới có vụ “cóc kiện trời.” Xã hội ngày
nay cũng vẫn có những người “liều mình” như Cóc ngày xưa, nghèo và khổ nhưng
vẫn kiên trì đòi cho được công lý. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng “quan nhất
thời, dân vạn đại,” đáng lẽ biết vậy để sống sao cho dân thương, đàng này họ
lại hiểu theo ý riêng họ, thế nên họ “tận dụng” thời gian làm quan mà “vơ vét”
lợi lộc để hưởng riêng. Thật hèn nhát với lũ “đỉa người” như vậy!
Vì thế, người chân chính cảm thấy thèm sống
thời Tam Hoàng Ngũ Đế, 2852-2205 trước công nguyên. Thời đó, nhân dân an cư lạc
nghiệp, ba vị vua Thuấn, Nghiêu và Vũ được Khổng giáo coi là kiểu mẫu về đạo
đức.
Nay cũng như xưa, xã hội nhân loại vẫn lộn
xộn vì lắm kẻ nhiễu nhương, Thiên Chúa biết rõ đám người “bụng to” (cả đời và
đạo) làm ăn ra sao nên Ngài mới sai Con Một Ngài tới trần gian. Con Một Thiên
Chúa chính là Đức Kitô, là Hoàng Tử Bình An, là Vua Công Lý. Khi Con Ngài tới
cai trị thì đám dân đen mới có thể ngóc đầu lên được. Thánh Vịnh gia cho biết: “Triều
đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt
chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng
cõi đất.” (Tv 72:7-8) Thật tuyệt!
Gioan Tẩy Giả là “biểu tượng” của công lý,
chống lại bất cong. Ông rao giảng trong hoang địa miền Giuđê: “Anh em hãy
sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2) Ông là người đã được ngôn sứ
Isaia đề cập: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức
Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Ông chỉ là “tiếng kêu trong hoang địa” nên
chẳng ai thèm nghe, có nghe thì “tai này qua tai kia” mà thôi. Ông cũng bị
người ta ghét vì ông là người dám nói thẳng nói thật, “chạm tự ái” bất kỳ ai.
Ông luôn thể hiện công lý vì ông yêu chuộng
hòa bình và chân lý của Thiên Chúa, mặc dù biết sẽ thiệt thân. Thật vậy, chính
ông đã mất mạng vì nói sự thật khi ngăn chặn sự ác, tố cáo tội loạn luân. Ông
nói thẳng với vua Hêrôđê: “Ngài không
được phép lấy vợ của anh ngài!” (Mc 6:18) Vua Hêrôđê đã căm thù ông Gioan
và toa rập với chị dâu Hêrôđia lăng loàn và đứa cháu gái khốn kiếp.
Là người sống nội tâm và rất giản dị, với phong
cách rất “bụi đời,” ông Gioan thể hiện cả bề ngoài: mặc áo lông lạc đà, thắt
lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Thế thì đúng là “dân
bụi đời” thứ thiệt, vậy mới là “ngon” vì dám sống “khác người.” Ở đời dễ có mấy
ai, loại “hàng hiếm” luôn quý giá.
Có những người quyết tâm sám hối và xin ông Gioan
làm phép rửa cho họ tại sông Giođan, trải nghiệm số đó có nhiều người Pharisêu và
Sađốc. Thấy vậy, ông với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách
trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3:7) Chúa Giêsu luôn
thẳng thắn, nhiều lần dùng cụm từ “nòi rắn độc” để nguyền rủa những kẻ ưa giả
hình, thích hình thức, sống bất công mà ra vẻ đạo đức.
Ông Gioan nói thẳng: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Mt 3:8-12) Nghe mà thấy “nhột” quá chừng!
Chắc chắn những ai thành tâm thiện chí đều cảm
thấy “rát tai” với những lời thẳng thắn của ông Gioan. Nếu nghe và thấy “giật
mình” thì thật là phúc, bởi vì có cảm thấy như vậy mới chân thành sám hối và cố
gắng chấn chỉnh lối sống, cụ thể là không dám bất công với bất cứ ai – kể cả
với chính mình.
Bất công liên quan bạo lực, áp bức, và hệ lụy
dân oan. Frédéric Bastitat phân tích: “Khi
việc cướp bóc đã trở thành lối sống của một nhóm người trong một xã hội, với
thời gian, nhóm người này sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật để cho phép họ ăn
cướp, và tạo ra một hệ thống luân lý để vinh danh việc cướp bóc của họ.” Thomas
Fuller nói: “Một con cáo không nên là
quan tòa ở phiên tòa xử ngỗng.” Mahatma Gandhi xác định: “Luật lệ không công bằng tự nó là một dạng
bạo lực.”
Chúa Giêsu đã sinh
ra và chịu chết để bảo vệ chân lý và thi hành công lý, để tìm và cứu những gì
đã mất là chính mỗi chúng ta. Vì thế, chúng ta phải đáp lại tình yêu thương cao
cả vô giá của Ngài, nghĩa là chúng ta cũng phải nghiêm túc sống công bình và
bác ái.
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin thêm can đảm cho
chúng con để chúng con sống tích cực, yêu mến chân lý, bảo vệ công lý, và triệt
tiêu bất công. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất
của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG số 428,
tháng 04-2022, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment