Monday, January 31, 2022

CĂN CƯỚC TÍN NHÂN

Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi Kitô hữu được tái sinh và được cấp thẻ căn cước tín nhân, cùng với ba thiên chức: Vương Giả – Tư Tế – Tiên Tri, [*] đồng thời cũng có ơn gọi Chúa dành riêng cho mỗi người. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa.” (1 Cr 7:24)

Có căn cước tín nhân với trách nhiệm qua ba thiên chức, vẫn phải nỗ lực tìm hiểu để khả dĩ nhận ra ơn gọi Chúa dành cho mình. Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu xác định: “Ơn gọi của tôi là yêu thương.” Biết sống yêu thương nhờ có đức tin sâu sắc. Đó là hệ lụy tất yếu. Suốt đời Chị Thánh Teresa đã sống trọn vẹn ơn gọi, hoàn tất bằng những động thái nhỏ nhất.

Những cái nhỏ bé mà lại thực sự rất quan trọng. Chiếc áo có giá trị nhờ có những đường kim mũi chỉ li ti. Ơn gọi yêu thương là ơn gọi thứ nhất của mọi Kitô hữu, những người tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế – sau đó mới có các ơn gọi khác, người thì được ơn này, kẻ thì được ơn kia, không ai hơn hoặc kém. Tất cả là để vinh danh Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu đưa ra “điều răn mới” – mệnh lệnh “yêu thương nhau.” (Ga 13:34-35; Ga 15:12; Ga 15:17) Thánh Vịnh gia đã hân hoan ca tụng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” (Tv 133:1) Yêu thương nhau là sống hòa thuận, quan tâm lẫn nhau.

Bất cứ ai cũng có ít nhất một tặng phẩm thúc đẩy, như Kinh Thánh cho biết: [1] 1 Pr 4:10 – “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, Mỗi Người trong anh em PHẢI DÙNG mà PHỤC VỤ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” [2] Rm 12:6-8 – “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm NGÔN SỨ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn PHỤC VỤ thì phải phục vụ. Ai DẠY BẢO thì cứ dạy bảo. Ai KHUYÊN RĂN thì cứ khuyên răn. Ai PHÂN PHÁT thì phải chân thành. Ai CHỦ TỌA thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc BÁC ÁI thì vui vẻ mà làm.” Đó là bảy loại tặng phẩm thúc đẩy. Mỗi chúng ta đều nhận được một hoặc vài tặng phẩm.

Có tặng phẩm không phải để khoe khoang, tự đắc, mà để vinh danh Chúa và phục vụ người khác. Từ đời đời Thiên Chúa đã tiền định: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Tv 139:13-16) Và còn hơn thế nữa, mỗi người là của riêng Chúa. (Is 43:1)

Kinh Thánh cho biết: Năm vua Útdigiahu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Sêraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6:1-2) Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh, được Ngài kêu gọi là đại phúc cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều hoàn toàn bất xứng.

Ngôn sứ Isaia cho biết thêm về sức mạnh kỳ lạ của lời chúc tụng: “Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. Bấy giờ tôi thốt lên: Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6:4-5) Đối diện với Thiên Chúa, phàm nhân phải run rợ vì thấy mình quá xấu xa. Con mắt trần gian không thể chịu nổi ánh sáng của Thiên Chúa. Môsê đã phải che mặt trước ánh sáng của Thiên Chúa, Saolê (Phaolô) đã hóa mù khi ánh sáng của Thiên Chúa chiếu vào.

Là Đấng nhân từ và thương xót, Thiên Chúa biết chúng ta như thế nào nên Ngài không hề chấp lách, vẫn sẵn sàng cứu chữa chúng ta. Ngôn sứ Isaia dẫn chứng cụ thể: “Một trong các thần Sêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa: Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6:6-8)

Được Thiên Chúa kêu gọi, ngôn sứ Isaia đã mau mắn đáp lại. Đó là vâng lời tuyệt đối, không so đo, không toan tính – nhưng không hề mù quáng. Thiên Chúa cũng kêu gọi mỗi chúng ta làm chứng nhân cho Ngài ở đời này, nhất là trong những lúc khó khăn nhất. Ước gì chúng ta cũng sẵn sàng đáp lại Ngài với niềm vui thực sự. Mỗi người được Ngài gọi cách khác nhau, để vinh danh Ngài và để Nước Trời đến với mọi người, mọi nơi.

Với tâm tư tốt lành và mục đích rõ ràng như vậy, Thánh Vịnh gia đã tâm nguyện và tán tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự. Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn. Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao!” (Tv 138:1-5)

Không đáng quan ngại và dễ dàng sống đức tin khi thanh thản và bình an, nhưng khi gặp hoạn nạn mới thực sự đáng quan ngại. Các thánh là những anh hùng đức tin vì đã sống trọn đức tin trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, và đã sống đức tin đó tới hơi thở cuối cùng. Sống đức tin là điều không dễ, sống đức tin trong nghịch cảnh lại càng khó gấp bội. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được!

Chắc chắn Thiên Chúa không thử thách chúng ta bởi vì Ngài thấu suốt mọi sự, biết cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới, nhưng Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Vì thế, cần tâm nguyện như Thánh Vịnh gia: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.” (Tv 138:7-8) Nếu đã từng giữ vững đức tin trong những lúc khó khăn thì người ta khả dĩ nhận ra “sức mạnh của sự yếu đuối nơi con người.” (x. 2 Cr 12:10) Quả thật, đó chính là “phép lạ” giữa đời, không phải tìm đâu xa như nhiều người vẫn đua nhau tin theo các “sự lạ” ở chỗ này, chỗ nọ.

Chính sự chết đi và sự sống lại cũng là “ơn gọi” đối với phàm nhân: chết đời này để sống đời sau, bỏ cõi tạm để vào cõi vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã trải qua “ngưỡng” này để làm cho chúng ta nhận thức đúng đắn về cuộc đời. Chết không phải là chấm hết, mà là chấm xuống dòng để sang đoạn mới và trang mới.

Để xác định, Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, Bằng Không Thì Anh Em Có Tin Cũng Vô Ích.” (1 Cr 15:1-2) Sống đức tin là sống ơn gọi – ơn gọi chứng nhân, ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi yêu thương, ơn gọi nhân từ và thương xót.

Thánh Phaolô trút bầu tâm sự: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1 Cr 15:3-8)

Hành trình ơn gọi như vậy cũng là hành trình sinh – tử, chết đi và sống lại. Một hành trình vô cùng kỳ diệu, và chỉ một hành trình duy nhất chứ không là vòng luân hồi như người ta “suy diễn” theo ý mình. Vòng luân hồi là ảo tưởng, tư duy lệch lạc, thậm chí là tự biện hộ cho những sai lầm của mình mà thôi!

Thánh Phaolô tâm sự chân thành: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng TÔI CÓ LÀ GÌ CŨNG LÀ NHỜ ƠN THIÊN CHÚA, và ơn Người ban cho tôi đã KHÔNG VÔ HIỆU; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.” (1 Cr 15:9-11) Hồng Ân đó tuôn trào từ chính Nguồn Mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vô cùng kỳ diệu!

Đề cập việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, trình thuật Lc 5:1-11 (≈ Mt 4:18-22 và Mc 1:16-20) cho biết: Khi đó, dân chúng chen lấn nhau đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa. Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ngài xuống chiếc thuyền của ông Simôn và bảo ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống và giảng dạy đám đông.

Sau đó Ngài bảo ông Simôn chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Ông Simôn gãi đầu: “Thầy ơi, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng VÂNG LỜI THẦY, tôi sẽ thả lưới.” Là một ngư phủ nhiều năm kinh nghiệm, Phêrô biết nước lớn, nước ròng, con nước nào có cá hay không, thế nhưng ông hành động vì “vâng lời” mà thôi. Đó là điểm tuyệt vời ở ngư phủ Phêrô.

Và quả thật, điều kỳ diệu đã xảy ra khi họ làm theo lệnh Chúa. Họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới, họ phải làm hiệu cho các bạn chài đến giúp. Cá đầy hai thuyền, đến nỗi thuyền gần chìm. Họ chưa bao giờ đánh được nhiều cá như vậy. Thấy vậy, vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”

Đứng trước Thiên Chúa, người ta sợ hãi vì thấy mình quá bé nhỏ và ô uế với nhiều tội lỗi. Rất có thể lúc đó Chúa Giêsu cười rất hiền, rồi vỗ vai Phêrô và nói: “Đừng sợ, không có gì đâu. Anh đứng dậy đi!” Thật hạnh phúc cho chúng ta vì Thiên Chúa luôn nhân từ và giàu lòng thương xót.

Lúc đó, mọi người đều kinh ngạc, kinh ngạc vì mẻ cá lạ và vì Chúa Giêsu quyền phép khôn lường. Và Ngài nói với ngư phủ Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Chài cá là “chuyện nhỏ,” dễ ẹc, thế mà phàm nhân vẫn không thể muốn theo ý mình. Việc “chài người” mới là chuyện quan trọng, khó vô cùng. Thế nhưng có Thiên Chúa hướng dẫn thì không phải lo chi. Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài suốt quãng đời còn lại.

Cuộc đời các ngư phủ hoàn toàn sang chương mới và trang mới. Thẻ căn cước của họ không còn ghi là “ngư phủ” (chài lưới cá) mà ghi là “nhân phủ” (chài lưới người). Loại thẻ căn cước này không xã hội nào có thể cấp phát, độc nhất chỉ có Chúa Giêsu cấp phát mà thôi.

Cuối cùng, điều quan trọng phải ghi nhớ liên quan việc truyền giáo: “Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như người hái quả trên cây rồi lại tự đốn ngã cây.” (Thánh Inhaxiô Loyola) Đức ái luôn mang tính thời sự nóng bỏng mọi nơi và mọi lúc.

Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Ngài đã soi sáng cho chúng con tin nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất, xin giúp chúng con trung thành với ơn gọi Kitô hữu và can đảm làm chứng về Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[*] Ba Thiên Chức – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/02/ba-thien-chuc.html

 Định Hướng Ơn Gọi Cho Con Cái

No comments:

Post a Comment

Comment