Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

CHUYẾN CUỐI CÙNG

Sinh Ly Tử Biệt Không Thay Đổi
Phận Cát Thân Tro Phải Giã Từ

Tháng Mười Một không chỉ là Tháng Cầu Hồn mà còn là khoảng thời gian cuối năm, nhắc nhở về sự chết, về cuối đời của kiếp người. Bệnh tật, tai ương, tai họa và nhiều thứ bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào khiến chúng ta luôn phải suy tư và nghĩ về cái chết nhiều hơn, kinh nghiệm rõ ràng như khi đại dịch cúm Tàu hoành hành, vì hầu như Tử Thần luôn ở kề bên chúng ta. Chết là định luật muôn thuở bất biến, vì Thiên Chúa đã xác định với con người: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3:19)

Nhưng vẫn chưa hết, bởi vì không phải “trở về với bụi đất” là xong, mà có điều rất quan trọng: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Phần “phán xét” mới là vấn đề đáng quan ngại!

Sinh – Lão – Bệnh – Tử là chu kỳ con người, nhưng không phải tất cả mọi người đều trải qua bốn “khoảng” như vậy, có người chỉ hai hoặc ba “khoảng” mà thôi. Vả lại, sinh ra không ai giống ai thì chết đi cũng hoàn toàn khác nhau: “Có kẻ phải lìa đời lúc còn sung sức, khi đang sống thư thái an nhàn, thân hình phương phi béo tốt, tâm hồn vui sướng thảnh thơi. Có người phải ra đi giữa lúc tâm hồn cay đắng, hạnh phúc chưa bao giờ được hưởng. Kết cuộc cả hai cùng nghỉ yên trong cát bụi, mặc cho giòi bọ rúc rỉa thân mình.” (G 21:23-26)

Sinh – tử là một cuộc lữ hành của con người, tất nhiên có khởi hành và kết thúc như một chuyến đi vậy. Chuyến lữ hành có thể dài hoặc ngắn, nhưng ai cũng có hai điểm Sinh và Tử – khởi hành từ lúc sinh ra và kết thúc vào lúc trút hơi thở cuối cùng. Sinh ra thì không mấy lo, nhưng chết là mối quan ngại lớn, bởi vì không có Kiếp Luân Hồi nên không thể rút kinh nghiệm.

Nếu cuộc sống là “vòng luân hồi,” chúng ta chẳng cần cố gắng chịu khổ chi cho cực thân, cứ hưởng thụ và xả láng, tức là không cần “vác thập giá.” Tại sao vậy? Bởi vì chết một cuộc đời này thì chúng ta lại có kiếp sống khác, dù kiếp khác có thể là một con vật, thậm chí chỉ là kiếp phù dung. Nghĩa là được “chuyển kiếp,” sống lại lần nữa rồi tái sống lại lần nữa. Cứ thế và cứ thế... Chẳng có gì phải lo sợ!

Thế nhưng không phải vậy đâu, người ta chỉ có một kiếp sống thôi. Kiếp sau là đời đời, một là huy hoàng, hai là khốn nạn. Đôi nơi cách biệt, người bên này không thể qua bên kia, hoặc ngược lại, đó là điều Tổ phụ Áp-ra-ham đã xác định trong dụ ngôn “Phú hộ và Ladarô.” (Lc 16:19-31) Vì thế, người ta mới phải không ngừng cố gắng sống tốt để hy vọng được trường sinh bất tử trên Thiên Quốc.

Chắc chắn KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI, vì thế mà ĐỪNG ẢO TƯỞNG! Chết là “chuyến định mệnh” của mọi người, không ai tránh khỏi. Tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp,… Dù là thứ gì cũng không thể đem theo. Của thế gian trả lại thế gian, chỉ có một thứ duy nhất có thể đem theo: Nhân Đức.

Chắc chắn có thưởng phạt. (Hc 16:14) Thánh Pio Năm Dấu vừa khuyên nhủ vừa khuyến cáo: “Đừng dành năng lực vào những thứ gây lo lắng, sợ hãi và đau khổ. Điều duy nhất cần thiết là nâng tâm hồn lên và yêu mến Chúa.” Thánh Tôma Aquinô nói: “Nhận ra những ai là người chúng ta phải tránh, đó là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.” Đó là điều phải lưu ý trên suốt cuộc lữ hành để bảo vệ chính mình khỏi kẻ thù nguy hiểm.

Với kinh nghiệm sống, chúng ta biết rằng lúc nào cũng thấy có người chết, nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng phải nghĩ đến cái chết của chính mình, chứ không chỉ vào mỗi dịp Mùa Chay và Tháng Cầu Hồn, hoặc một dịp đặc biệt nào đó. Thật vậy, cái chết có thể xảy đến với chúng ta bất cứ giây phút nào, đừng tưởng mình còn trẻ hoặc còn “ngon lành” mà khinh suất. Mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi.

Cuộc đời có rất nhiều chuyến xe: Xe khách, xe buýt, xe xích lô, xe ôm, xe tải, xe chở hàng, xe buôn lậu, xe tăng, xe hủ lô, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cứu trợ, xe cảnh sát, xe dân sự, xe hành hương, xe hoa, xe tang,… Trong đó có loại xe tốt và không tốt, có chuyến xe an toàn và không an toàn – tốt hay xấu, an toàn hay không an toàn được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Mặc dù có nhiều chuyến xe, nhưng mỗi người chỉ có một “chuyến đời,” một chuyến duy nhất để mà sống, không thể rút kinh nghiệm cho chuyến khác. Tuy nhiên, với chuyến đời ấy, vấn đề không phải là dài hay ngắn, đi trên đường đất bụi mù hay đường nhựa trơn láng, đường hẹp và đầy ổ gà hay đường rộng thênh thang, trơn tru, bóng láng, mà vấn đề là “chuyên chở” những thứ gì, bởi vì “chúng ta đã không mang gì vào trần gian thì cũng chẳng mang gì ra được.” (1 Tm 6:7) Đặc biệt là một đi không hẹn tái ngộ. Bước chân đi cấm kỳ trở lại. Một lần là vĩnh viễn.

Người ta bật khóc khi vừa sinh ra. Sinh ra là niềm vui lớn, vậy mà ai cũng khóc. Phải chăng “tay không” vào đời là “điềm báo” về chuyến đời đầy gian truân giữa trần gian này? Chuyến xe đầu tiên đưa con người vào đời với tình thế chơi vơi nên con người không ngừng cố gắng tìm kiếm tương lai xán lạn, nhưng rồi biết bao lần ngỡ ngàng dở khóc dở cười. Mới chuyến đầu đời đã buồn lơi như vậy rồi!

Tháng ngày nối tiếp cứ chất chồng nỗi buồn, ưu tư, lo lắng, gian nan, đau khổ,… Càng thêm tuổi càng thêm băn khoăn, nhưng cũng quen dần và phải “sống chung với lũ” vậy thôi. Rất ít người “đẻ bọc điều” hoặc có “tràng hoa quấn cổ” mà may mắn từ đầu. Cuộc sống cứ trầm lặng chứ không ồn ào, náo nhiệt, thanh thản.

Kiếp người quá nhiều nỗi buồn, quá ít niềm vui. Cuộc đời luôn là ẩn số, “người ăn không hết, kẻ lần không ra” như một quy luật bất biến. Nhiều người phải gian nan đủ thứ mới có thể được thanh thản đôi chút, như người ta thường nói: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh.” Mệt thật! Hạnh phúc nào cũng tốn nhiều nước mắt, vinh quang nào cũng chứa nhiều tủi nhục, thành công nào cũng không thiếu thất bại.

Sóng đời chẳng lặng bao giờ, cuộc sống cứ chông chênh mãi. Không đi tu thì kết hôn, và người ta có “chuyến xe hoa” để nên vợ nên chồng. Có người thì êm xuôi, có người thì tan đàn xẻ nghé, có người thì gãy gánh, có người thì lên xe hoa một hay hai lần nữa, nhưng có người cả đời không lên xe hoa lần nào. Vui không biết được bao nhiêu nhưng có đủ kiểu buồn.

Không ai hiểu được ẩn số cuộc đời nên gọi đó là duyên số hoặc duyên phận, thậm chí là định mệnh. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Biển không bao giờ cạn nước, thế nên bể khổ cũng chẳng bao giờ hết đau thương, ưu sầu.

Dù là ai cũng có một thời trẻ, rồi lão hóa dần thành già nua. Đó là lúc chuẩn bị mọi thứ cũng xuôi theo. Công danh, sự nghiệp, tiền tài, địa vị, tình yêu,… cũng chẳng còn nghĩa lý gì, vì tất cả chẳng khác gì chiếc lá úa gầy guộc, cong queo. Cuối cùng là “chuyến xe tang” lạnh lùng lăn bánh mà thôi. Đối với trần gian, thế là hết!

Có nhiều “cái cuối” trong cuộc sống: Cuối giờ, cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng, cuối năm, đặc biệt là... cuối đời. Định luật muôn thuở và bất biến. Thời gian không nhanh, không chậm, muôn thuở vẫn vậy. Cảm giác nhanh hay chậm là do cảm xúc của con người vui hay buồn mà thôi. Khi vui, người ta thấy thời gian trôi qua mau chóng, khi buồn thì người ta thấy thời gian trôi qua chậm rãi. Người trẻ thấy thời gian “dài” với sắc màu rực rỡ, người già thấy thời gian “ngắn” với sắc màu ảm đạm. Chuyện đời bình thường là như vậy!

Người ta gọi cuộc sống là “dòng đời” vì người ta thấy nó cũng cứ trôi đi như dòng sông, con suối. Sông hoặc biển cũng có sóng. Và cuộc sống cũng có một loại sóng. Nhiều loại sóng có thể gây nguy hiểm, một loại phổ biến ngày nay là sóng wifi – không chỉ hại cho sức khỏe mà còn nhiều thứ hại khác “kèm theo” nó.

Đời người chỉ trong khoảng trăm năm. Một thế kỷ cứ tưởng dài mà ngắn lắm, qua mau như “bóng câu qua cửa sổ” (Trang Tử – Nam Hoa Kinh) mà thôi. Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) cũng diễn tả trong “Cung Oán Ngâm Khúc” kiểu tương tự: “Đời người như bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi.” Đó là sự thật minh nhiên, không thể chối cãi. Theo kinh nghiệm, Thánh Vịnh gia nhận định:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình

(Tv 103:15-16)

Ôi, nghe sao mà não nề quá! Nhưng đó là sự thật minh nhiên và bất biến. Không ai có thể thay đổi được gì. Hết cách. Xem chừng con người đành thúc thủ. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể “quản lý” mọi thứ “vật dụng” trong “chuyến đời” của mình. Bằng cách nào đây?

Chắc hẳn chẳng còn cách nào khác hơn là “sống tốt.” Một danh nhân đã nói: “Chỉ có người biết yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người.” Thực sự đúng như vậy! Có nhiều cách sống tốt, nhưng có thể tạm tóm lược qua mấy điểm chính: Đứng đắn, tử tế, nhân bản, yêu thương, và hòa nhã. Đó là cách sống tích cực trong mọi hoàn cảnh. Trong cuốn “Cha Mẹ Của Các Thánh: Những Anh Hùng Ẩn Giấu Đằng Sau Các Vị Thánh Yêu Quý Của Chúng Ta,” tác giả Patrick O’Hearn cho biết 7 dấu hiệu nổi bật trong hành trình nên thánh: (1) Đời Sống Bí Tích, (2) Sự Phó Thác, (3) Tình Yêu Hy Sinh, (4) Sự Đau Khổ, (5) Sự Đơn Giản, (6) Sự Tĩnh Lặng, (7) Sự Thiêng Liêng Của Cuộc Sống.

Thánh Faustina tâm sự về “chuyến đời” của Chị: “Tôi luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa trong linh hồn tôi, và tôi kết hiệp mật thiết với Ngài. Tôi làm việc với Ngài, tôi giải trí với Ngài, tôi chịu đau khổ với Ngài, tôi vui mừng với Ngài; tôi sống trong Ngài và Ngài sống trong tôi. TÔI KHÔNG BAO GIỜ CÔ ĐƠN, vì Ngài luôn đồng hành với tôi.” (Nhật Ký, số 318) Ước gì chúng ta cũng luôn tâm niệm như vậy!

Theo lời khuyên – và cũng là mệnh lệnh – của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải thực hành điều Ngài đã mặc khải qua Kinh Thánh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.” (Ga 3:16 và 36) Và qua bí quyết được chính Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con TÍN THÁC vào Ngài!”

Như đã nói, chuyến cuối cùng là chuyến định mệnh – một là vinh quang, hai là khốn khổ. Sướng hay khổ là mãi mãi, vĩnh viễn, đời đời. Có truyện ngụ ngôn “Hành Trang Cuộc Đời” như thế này…

Một người hấp hối thấy Chúa vừa ưu ái trao cho chiếc va-li vừa nói:

Đến giờ con phải ra đi rồi!

Người này ngạc nhiên hỏi:

Bây giờ sao Chúa? Sớm quá, con còn nhiều việc chưa làm!

Rất tiếc vì tới giờ con phải ra đi thôi!

– Có gì trong va-li vậy, thưa Chúa?

– Hành trang của con đó.

– Sở hữu của con, y phục, tiền bạc?

– Các vật đó không phải của con, chúng thuộc về trái đất!

– Vậy có phải ký ức của con?

– Không phải của con, của thời gian!

– Phải chăng tài năng của con?

– Không phải của con, của hoàn cảnh!

– Có phải bạn bè hay gia đình con?

– Rất tiếc cũng không phải của con, chỉ là tiến trình cuộc đời.

– Phải chăng vợ và con của con?

– Không phải của con, mà là tâm tư con!

– Có phải là thân xác của con?

– Cũng không phải của con, nó là cát bụi!

– Phải chăng tâm linh con?

– Không, đó là của Ta!

Phập phồng người chết nhận chiếc va-li Chúa trao và liền mở ra xem. Bên trong không có gì cả. Trống rỗng! Quá đỗi bàng hoàng, người này thốt lên: “Không có cái gì là của con cả!” Chúa nói: “Đúng vậy, tất cả THỜI GIAN CON SỐNG là của riêng con.”

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. (Tv 130:3-4) Xin tha thứ cho các linh hồn, và xin cho chuyến đời của chúng con được đến Bến An Bình Vĩnh Phúc. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Cầu Hồn – 2021

[Đăng báo ĐMHCG số 423, tháng 11-2021, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Mỹ]

 Kiến Thức về Luyện Hình & Hỏa Ngục
     https://tramthienthu.blogspot.com/2020/11/kien-thuc-ve-luyen-hinh-va-hoa-nguc.html

BÍ MẬT LUYỆN NGỤC
     1. https://youtu.be/o7bEtwT-5co (46 phút)
     2. https://youtu.be/Z-pKtMF4rn4 (44 phút)
     3. https://youtu.be/iK16ulRyDYA (40 phút)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment