Khi nghe giáo lý về sự đồng trinh của Đức Mẹ, chúng ta thường hài lòng với lời giải thích về sự kỳ diệu của việc thụ thai Chúa Giêsu. Tuy nhiên, giáo lý này còn đi xa hơn sự kiện đơn thuần này, khi đề cập sự ra đời của Chúa Giêsu và tình trạng của Đức Mẹ sau khi Chúa Giêsu ra đời. Giáo lý nói: “Sự đào sâu đức tin về thiên chức làm mẹ đồng trinh đã dẫn đến việc Giáo hội tuyên tín sự đồng trinh thực sự và vĩnh viễn của Đức Mẹ ngay cả trong hành động sinh Con Thiên Chúa làm người.” (số 499) Do đó, Giáo hội tuyên xưng với niềm tin tuyệt đối rằng Đức Mẹ duy trì sự toàn vẹn đồng trinh trước khi, trong khi và sau khi Chúa Giêsu ra đời.
Khi thảo luận về những điều huyền bí nhạy cảm
như vậy của đức tin, điều quan trọng là phải bắt đầu bằng sự khiêm nhường và
tôn kính đối với giáo huấn. Có thể dễ dàng nhường chỗ cho những câu hỏi về cơ
học trở nên quá riêng tư và đi quá xa vào sự thánh thiện của mầu nhiệm giáng
sinh của Chúa Giêsu và sự đồng trinh của Đức Mẹ. Chúng ta có thể dễ dàng tiếp
cận câu hỏi này với những mối quan tâm rất đương đại, mặc dù chúng có thể hợp
lệ, nhưng lại bỏ lỡ cốt lõi của giáo lý quan trọng đối với đời sống Giáo hội.
Vậy thì tại sao Giáo hội lại nhấn mạnh điều đó? Có hai bài học cần rút ra: một
là liên quan Tội Nguyên Tổ, và do đó liên quan ơn cứu độ của chúng ta, bài học
còn lại là mối liên hệ giữa vai trò của Đức Mẹ trong đời sống Giáo hội.
SỰ ĐỒNG TRINH VÀ TỘI NGUYÊN TỔ
Trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy rằng người
nam và người nữ được lệnh phải sinh sôi nảy nở đầy trái đất. (x. St 1:28) Chúng
ta cũng biết rằng sự sa ngã của con người gây ra đau đớn và đau khổ khi sinh con.
(x. St 3:16) Cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh tiết lộ cho chúng ta hai sự thật:
việc sinh con là một phần trong kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, nhưng sự sa
ngã đã làm lệch kế hoạch này và đã ảnh hưởng đến cách thức sinh con. Các giáo
phụ nói về cách sinh sản, mặc dù vẫn là điều tốt nhưng lại mang một thực tế
khác vì sự sa ngã. Rõ ràng từ bằng chứng trong Kinh Thánh rằng có điều gì đó đã
thay đổi theo sự sa ngã, vì nó đã ảnh hưởng đến toàn bộ thụ tạo, bao gồm cả cơ
thể.
Đức Mẹ không có tội. Sự đồng trinh của Đức Mẹ
tiết lộ cho chúng ta điều gì đó trong thiên chức làm mẹ về việc mang thai và sinh
con sẽ như thế nào trước khi sa ngã. Điều đó vẫn là điều bí ẩn, khi nhìn vào
điều đó qua sự sa ngã của chính mình, chúng ta có thể đấu tranh để nhìn nhận
thực tế một cách rõ ràng. Nhưng sự đồng trinh trọn đời của Đức Maria có nghĩa
là tiết lộ điều gì đó về lý do chúng ta được tạo ra ban đầu. Vì Đức Mẹ không có
tội lỗi, nên những tác động của sự sa ngã không ảnh hưởng đến Mẹ trong việc
sinh Chúa Giêsu. Vì sự thụ thai vô nhiễm của Mẹ đem lại sự cứu độ cho Mẹ, Mẹ mang
trong mình tác động của Thập Giá trong thời gian trước khi điều đó được thực
hiện theo lịch sử. Đức Mẹ đã được cứu độ trong sự thụ thai của Mẹ, vì vậy tác
động của tội lỗi ảnh hưởng đến tất cả các thế hệ đã không ảnh hưởng đến Mẹ. Sự
đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ là dấu chỉ chiến thắng của Chúa Con và là chứng
nhân về hiệu quả cứu độ của Thập Giá và Sự Phục Sinh. Sự đồng trinh của Đức Mẹ là
dấu chỉ của sự sáng tạo mới, là sự hoàn thành của điều cũ được thể hiện nơi
Ađam và Êva. Do đó, một hình thức tình yêu mới khả dĩ có qua Chúa Kitô và được
hiện thân nơi Đức Mẹ.
MẸ GIÁO HỘI
Giáo lý về sự đồng trinh trọn đời của Đức
Maria mở rộng đến vai trò và sứ mệnh của Mẹ đối với Giáo hội hoàn vũ. Bằng cách
là người đồng trinh trọn đời – dấu chỉ của tình yêu phổ quát không loại trừ mà
đúng hơn là bao gồm, Đức Mẹ ôm trọn cả Giáo hội như con cái của Mẹ cũng như Mẹ
ôm trọn Con Yêu của Mẹ, và chúng ta là chi thể của Nhiệm Thể Ngài. Tất cả mục
đích của tình yêu đồng trinh là yêu với một tầm nhìn trọn vẹn, nói rằng con
đường của Chúa Kitô là con đường độc quyền mà cuộc sống phải được sống. Sự đồng
trinh trọn đời của Đức Mẹ là dấu chỉ về vận mệnh của chúng ta, nơi chúng ta
không kết hôn hoặc được trao cho nhau trong hôn nhân. (x. Mt 22:30)
Sự độc quyền của Đức Mẹ làm cho tình yêu của
Mẹ trở nên phổ quát, và là dấu chỉ tình yêu phổ quát của Chúa Giêsu mà Đức Mẹ luôn
nói lời “xin vâng.” Bằng cách ôm trọn Con Yêu, Đức Mẹ ôm trọn các chi thể của Nhiệm
Thể Ngài là Giáo hội. Do đó, sự đồng trinh trọn đời này cho thấy Tình Mẫu Tử của
Mẹ đối với Giáo hội, cũng là dấu chỉ rằng Đức Mẹ luôn “sinh ra” Chúa Kitô, Đấng
sẽ được hình thành trong chúng ta. (x. Gl 4:19) Sự đồng trinh của Đức Mẹ là sự
cởi mở liên tục với Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, là sự sinh nở liên tục và
là tình yêu liên tục chăm sóc mỗi người chúng ta. Sự đồng trinh vĩnh viễn của
Đức Mẹ không giảm bớt tính dục của Mẹ, mà đúng hơn là sự biểu lộ trọn vẹn nhất
của tình yêu, qua đó Đức Mẹ có thể yêu thương tất cả mọi người với sự cởi mở vô
hạn.
LM. HARRISON AYRE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ SimplyCatholic.com)
✽ Đức Maria Trinh Vương – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/08/uc-maria-trinh-vuong.html
✽ Đức Maria Nữ Vương – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/08/uc-maria-nu-vuong.html
✽ Đức Maria Trinh Nữ Vương – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/08/228-uc-maria-trinh-nu-vuong.html
✽ Đức Nữ Vương Maria – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/08/uc-nu-vuong-maria.html
✽ Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/08/uc-me-tron-oi-ong-trinh.html
✽ Chứng Cớ Kinh Thánh Về Đức Mẹ Đồng Trinh
✽ Phản Bác Lập Luận Sai Về Đức Mẹ Đồng Trinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment