Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

TẤT CẢ VÌ THÁNH THỂ

“Tất cả vì Thánh Thể, không còn gì cho tôi.” Thánh Margaret Maria Alacoque đã viết như vậy bằng máu của chính mình khi bà bước vào tu viện. Những lời của nữ tu thánh thiện này mô tả cách mọi người Công Giáo phải sống: luôn luôn và ở mọi nơi hoàn toàn vì Chúa Thánh Thể của chúng ta.

Vì Thánh Thể, chúng ta tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Vì Thánh Thể, chúng ta thường xuyên xưng tội, chầu, lần hạt Mân Côi, v.v... Vì Thánh Thể, chúng ta ăn chay và sám hối. Vì Thánh Thể, chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì Thánh Thể, chúng ta tìm cách trở nên Thánh Thể hơn bao giờ hết. Ngay cả khi về thể lý, chúng ta không thể làm điều gì đó mà chúng ta muốn làm, chẳng hạn như đi lễ vào một ngày nhất định, chúng ta dâng sự đau khổ này theo ý Chúa, vì Thánh Thể.

Bởi vì Thánh Thể là chính Thiên Chúa, là chính Tình Yêu, nên chúng ta ngày càng yêu mến Ngài hơn, không ngừng trở nên “tất cả cho mọi người,” khao khát phần rỗi cho toàn thế giới. (1 Cr 9:22) Quả thật, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô bày tỏ tình yêu “đến cùng” cho chúng, (x. Ga 13:1) tình yêu không thể đo lường. (Eccelesia de Eucharistia 1)

Thật vậy, mặc dù tất cả các bí tích sẽ chấm dứt vào thời kỳ cuối cùng, nhưng Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì mặc dù hình dạng bí tích sẽ qua đi, nhưng Đấng là Bí tích Thánh Thể sẽ không bao giờ chấm dứt. Bản chất của sự kết hợp giữa Thiên Chúa và linh hồn trên Thiên Đàng giống hệt với sự kết hợp giữa Thiên Chúa và linh hồn trong Bí tích Thánh Thể, với điểm khác biệt duy nhất là sự kết hợp trên Thiên Đàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi các bức màn bí tích. Vì vậy, Bí tích Thánh Thể thực sự là Thiên Đàng trên thế gian này.

Tuy nhiên, mặc dù bí tích này cao cả, hầu hết mọi người vẫn không yêu mến Thánh Thể, bởi vì họ cho rằng đó chỉ là bánh và rượu bình thường. Nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho biết rằng chỉ có khoảng 28% người Công Giáo tin Thánh Thể là Chúa Kitô thực sự và hiện diện trong việc rước lễ, chỉ có 63% những người tham dự Thánh Lễ hàng tuần tin Chúa hiện diện thật. Chúng ta cần gia tăng yêu mến Thánh Thể.

Người ta học hỏi từ những gì họ nhìn thấy, nghĩa là cách cư xử của chúng ta trong Thánh Lễ, cách cư xử của chúng ta đối với Thánh Thể, hoặc ủng hộ hoặc phản bội niềm tin của chúng ta vào Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu. Đáng buồn thay, một số thực hành phổ biến ngày nay không chỉ đem lại cảm giác rằng Thánh Thể là bánh và rượu, mà còn tạo cơ hội cho sự xúc phạm Chúa.

Vì vậy, cả giáo sĩ và giáo dân đều có thể thực hành những thực hành nhỏ nhưng cụ thể, vốn là những hành vi yêu mến lớn lao đối với Thánh Thể, và thúc đẩy tình yêu ngày càng lớn hơn đối với Ngài.

ĐĨA THÁNH DÙNG TRONG MỌI THÁNH LỄ

Không hiếm khi các mảnh Mình Thánh rơi khỏi tay của linh mục khi cho rước lễ, mặc dù “có bao nhiêu phần được đựng dưới một hình cũng như cả hai hình, vì Đức Kitô trọn vẹn trong hình bánh, và trong bất kỳ phần nhỏ nào của hình đó. Tương tự, trọn vẹn Đức Kitô đều ở trong hình rượu và phần nhỏ của rượu.” (Công Đồng Trentô, Phần XIII, Chương 3) Việc dùng đĩa thánh làm giảm đáng kể khả năng vô tình xúc phạm như vậy. Ngay cả khi linh mục không có người giúp lễ, ngài có thể cầm bình thánh và đĩa thánh trong cùng một tay (nếu dùng bình thánh kiểu chén thánh) hoặc dùng bình thánh làm đĩa thánh (nếu dùng bình thánh giống như cái bát).

LINH MỤC NÊN LÀM SẠCH TẤT CẢ CÁC BÌNH THÁNH

Bất kỳ phần nhỏ nào có thể nhìn thấy còn sót lại trong bình thánh, chén thánh, v.v... đều là Chúa Giêsu, do đó không được xúc phạm. Ngay cả khi một linh mục có thị lực kém, có lẽ người giúp lễ, người giữ phòng thánh, v.v... có thể cẩn thận kiểm tra các bình thánh sau Thánh Lễ và thông báo cho linh mục nếu ngài cần làm sạch bất kỳ bình nào trong số đó.

LÀM SẠCH NƠI MÌNH THÁNH RƠI XUỐNG

Mình Thánh phải được nhặt lên, đặt một miếng vải lên chỗ Mình Thánh rơi xuống, nước đổ lên chỗ được khăn che phủ, rồi dùng miếng vải đó lau sạch chỗ đó. Sau đó, vải phải được xử lý phù hợp.

ĐỪNG LAU MIỆNG NẾU RƯỚC LỄ DƯỚI HÌNH RƯỢU

Chúa Kitô hiện diện cả Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính, thậm chí trong từng giọt Máu Máu, vì Mình và Máu Chúa Kitô phục sinh không thể tách rời. Chẳng hạn, nếu có Chúa ở miệng, người ấy có thể liếm, v.v... nhưng không nên lau, kẻo hành động này xúc phạm đến Thánh Thể.

Các thừa tác viên cho rước lễ nên rửa tay sau khi trao Mình Thánh. Giống như linh mục rửa tay sau khi chạm vào Mình Máu Thánh Chúa Kitô, các thừa tác viên ngoại thường cũng phải làm như vậy, kẻo những hạt còn sót lại trên tay rơi xuống đất mà không biết.

NGƯỜI RƯỚC LỄ TRÊN TAY PHẢI KIỂM TRA CÁC PHẦN NHỎ CÒN TRÊN TAY

Thông thường, một hoặc hai phần nhỏ Mình Thánh còn trên tay ai đó, ngay cả sau khi họ đã nhận trọn vẹn Mình Thánh. Phần nhỏ đó là Chúa Kitô trọn vẹn, có nghĩa là người rước lễ phải chắc chắn rằng mình nuốt từng hạt trên tay mình.

Đối với những người ở vị trí thực thi các biện pháp này, mong họ làm như vậy. Đối với những người ở vị trí khuyến khích các linh mục, bạn bè giáo dân, v.v... làm những việc này, mong họ làm như vậy. Có lẽ các linh mục nên giảng về tầm quan trọng của việc thực hành này.

Tóm lại, “con đường tuyệt vời” hoàn toàn hệ tại ở tình yêu – dù lớn hay nhỏ, mọi việc đều phải được thực hiện với tình yêu trọn vẹn. (x. 1 Cr 12:31) Vậy chúng ta hãy sống như những người tình, những người tôn thờ và những môn đệ vĩnh viễn của Thánh Thể, sống mọi giây phút của đời mình vì Chúa Giêsu hiện diện thật trong Thánh Thể.

EDWARD KERWIN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

 Khiêm Nhường Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/khiem-nhuong-thanh-the.html
 Bác Ái Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/bac-ai-thanh-the.html
 Vâng Phục Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/05/vang-phuc-thanh-the.html
 Thanh Khiết Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/06/thanh-khiet-thanh-the.html
 Khó Nghèo Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/06/kho-ngheo-thanh-the.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment