Monday, May 27, 2024

ĐỨC BÁC ÁI THÁNH THỂ

Chúng ta đã tìm hiểu nhân đức Khiêm Nhường, bây giờ là Bác Ái, một trong các nhân đức của Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Phêrô Julian Eymard, mệnh danh Tông Đồ Thánh Thể, kể lại những điều sau đây liên quan nhân đức thiết yếu nhất này.

Đôi mắt Ngài không biểu lộ sự tức giận hay phẫn nộ, nhìn vào đôi mắt Ngài thấy sự tôn trọng các bề trên của Ngài, tình yêu dành cho mẹ Ngài và Thánh Giuse ở Nazareth, lòng nhân hậu đối với các môn đệ của Ngài, lòng trắc ẩn dịu dàng đối với các tội nhân và lòng thương xót tha thứ cho kẻ thù của Ngài. Đôi môi Ngài là ngai tòa bác ái. Ngài mở miệng ra với sự khiêm tốn, nghiêm túc và nhẹ nhàng. Đấng Cứu Độ nói ít, không bao giờ nói đùa hay nhạo báng, mọi lời nói và tư tưởng của Ngài đều xuất phát từ lòng nhân từ. Những cách diễn đạt Ngài dùng rất đơn giản, luôn phù hợp với những người nghe Ngài, những người thường là người nghèo và mù chữ.

Ngài không xa lánh những kẻ ghét Ngài, không từ bỏ nhiệm vụ, không nói ra sự thật để tránh mâu thuẫn hoặc làm hài lòng một người có ảnh hưởng nào đó. Ngài không vội trách móc, không đưa ra lời tiên tri cá nhân nào trước thời điểm đã được Chúa Cha ấn định. Ngài sống đơn sơ và nhân hậu vô cùng với những người mà Ngài biết sẽ bỏ rơi Ngài. Vì giờ chưa đến nên tương lai đối với Ngài dường như không biết trước. [1]

Trạng thái ẩn mình của Chúa Giêsu khuyến khích sự yếu đuối của tôi. Tôi có thể không sợ đến gần Ngài, chiêm ngắm Ngài và nói chuyện với Ngài. Nếu vinh quang Ngài chiếu tỏa khắp nơi, ai dám nói chuyện với Ngài vì ngay cả các tông đồ cũng sợ hãi ngã xuống đất khi nhìn thấy ánh vinh quang đó trên núi Tabor?

Chúa Giêsu đã che giấu quyền lực khiến con người phải khiếp sợ. Ngài đã che giấu sự thánh thiện của Ngài, một điều cao cả đến nỗi nó sẽ làm nản lòng các nhân đức yếu kém của chúng ta. Người mẹ nói với đứa con nhỏ và đặt mình vào trong tầm với của nó để bế nó lên, Chúa Giêsu cũng làm cho Ngài trở nên nhỏ bé với những kẻ bé mọn để nâng họ lên tới chính Ngài và lên tới Thiên Chúa.

Chúa Giêsu che giấu tình yêu của Ngài, kiềm chế nó. Sự cuồng nhiệt của nó cháy bỏng tới mức nó sẽ thiêu rụi chúng ta nếu chúng ta tiếp xúc với ngọn lửa trực tiếp của nó: “Ignis consumens est – Chúa là ngọn lửa thiêu đốt.” Hãy xem Chúa Giêsu che mặt khuyến khích sự yếu đuối của chúng ta như thế nào! Còn bằng chứng tình yêu nào lớn hơn tấm màn che Thánh Thể này? [2]

Cũng chính Chúa Giêsu đã bước đi trên những con đường ở Nazareth đang hiện diện trước mắt chúng ta. Khi nhìn lên Mình Thánh, chúng ta nhìn thấy khung cảnh đẹp nhất ở phía bên kia của cõi vĩnh hằng. Nếu chúng ta lên được Thiên Đàng, chúng ta sẽ thấy chính Chúa Giêsu. Trong Thánh Thể, đôi mắt Chúa Giêsu tràn ngập lòng thương xót và tình yêu dịu dàng nhất đối với mọi người trên thế giới, kể cả kẻ thù của Ngài. Ngài nhìn chúng ta với tình yêu vô cùng lớn lao hơn bất kỳ tình yêu nào chúng ta trải qua trên thế gian này. Đôi mắt Ngài xuyên thấu tâm hồn chúng ta, xua tan mọi sợ hãi, lo lắng và bất an. Chúa Giêsu nói một cách dịu dàng nhất, bằng giọng nhỏ nhẹ. Mỗi lần chúng ta đến chầu Thánh Thể, chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Giêsu thì thầm vào tai chúng ta: “Cảm ơn con đã ghé thăm Ta. Ta yêu con hơn chính mạng sống của Ta. Con là niềm vui của Ta. Hãy đồng hành với Ta vì tất cả những ai xúc phạm đến Ta.”

Chúa Giêsu cúi xuống ngang tầm với chúng ta và truyền đạt theo cách mà chúng ta có thể hiểu được Ngài. Ngôn ngữ tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu vô điều kiện, và dường như Ngài thích truyền đạt tình yêu Ngài hơn là nhận được nó.

Như đã chất vấn người Pharisêu và Sađốc về sự kiêu ngạo và kiêu căng của họ, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi không thể rời bỏ chúng ta. Ngài muốn tiết lộ sự thật về Ngài và về chúng ta nếu chúng ta dám mở rộng đôi tai của trái tim mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta nên giống Ngài bằng cách cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta. Ngài muốn chúng ta nhìn thế giới qua đôi mắt của Ngài, nghĩa là nhìn thấy điều tốt đẹp nơi người khác. Tình yêu là câu trả lời, không phải hận thù hay trả thù. Cũng như Chúa Giêsu đã bị hầu hết các tông đồ bỏ rơi trên Đồi Canvê, nhiều người thân và bạn bè cũng có thể rời bỏ chúng ta, bởi vì càng đến gần Chúa Giêsu, chúng ta càng ít được coi trọng trong mắt thế gian.

Mặc dù có thể mất nhiều bạn bè trên trần gian, nhưng chúng ta sẽ luôn có nhiều bạn bè trên Thiên Đàng: các thánh. Trong khi chúng ta bị thế gian bỏ rơi, Chúa Giêsu không bao giờ rời xa chúng ta, mà Ngài đến gần chúng ta hơn. Ngài cho phép bị bỏ rơi, bắt bớ và đau khổ vì Ngài muốn ban cho chúng ta nhiều hơn chính Ngài. Suy cho cùng, chúng ta được tạo ra không phải để hòa nhập mà để nổi bật và làm hài lòng một mình Chúa mà thôi.

Mỗi lần chúng ta gặp Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta phải bước đi với sự chia sẻ về sự đơn sơ và lòng nhân hậu của Ngài. Nếu Chúa Giêsu hài lòng với Bí tích Thánh Thể thì chúng ta còn cần gì hơn nữa trong cuộc sống này? Nếu Chúa sẵn sàng tỏ lòng nhân từ ngay cả với kẻ thù của Ngài thì chúng ta cũng nên làm như vậy với ân sủng của Ngài. Bí tích Thánh Thể có mục đích biến đổi chúng ta thành những Chúa Kitô khác cho thế giới và giúp chúng ta chiến thắng những yếu đuối và tội mình.

Lòng bác ái của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là liều thuốc giúp chúng ta thực sự yêu thương như Thiên Chúa yêu thương và thực sự tha thứ như Thiên Chúa tha thứ. Chúng ta thường muốn trả thù những người làm hại chúng ta hoặc ôm giữ sự cay đắng như thể chúng ta là những người duy nhất trên thế giới phải chịu đựng. Điều không thể đối với chúng ta đều được Chúa Giêsu thực hiện trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Phêrô Julian Eymard tiết lộ cách Bác Ái Thánh Thể của Chúa Giêsu dẫn đến sự hiền lành, đặc biệt đối với kẻ thù:

Chúng ta sẽ nói gì về Bác Ái Thánh Thể của Chúa Giêsu? Làm sao chúng ta bày tỏ lòng tốt của Ngài khi tiếp đón mọi người một cách thích hợp? Làm sao chúng ta bày tỏ sự hòa nhã của Ngài trong việc hạ xuống tới mức của mọi người, những người yếu đuối và ngu dốt? Làm sao chúng ta bày tỏ sự kiên nhẫn của Ngài trong việc lắng nghe những gì mọi người nói, giải thích mọi nỗi đau khổ của chúng ta? Làm sao chúng ta bày tỏ sự tốt lành của Ngài trong sự hiệp thông, trong đó Ngài ban chính mình Ngài cho mọi người tùy theo hoàn cảnh của họ và vui vẻ đến với họ, miễn là Ngài tìm thấy ở họ có đời sống ân sủng, một chút sùng kính, một vài ước muốn tốt lành, và ít nhất một chút tôn trọng, ban cho mỗi người những ân sủng mà họ có thể đem theo, để lại sự bình an và tình yêu như cái giá phải trả cho việc Ngài ở lại với chúng ta?

Thật là sự hiền lành kiên nhẫn và thương xót đối với những người quên Ngài! Ngài đang đợi họ, cầu nguyện cho những kẻ khinh thường và xúc phạm đến Ngài. Ngài không phàn nàn gì về họ, và cũng không đe dọa họ. Ngài không trừng phạt ngay tại chỗ những kẻ xúc phạm đến Ngài một cách phạm thượng, nhưng bằng sự hiền lành và nhân từ, Ngài cố gắng dẫn họ đến sự ăn năn. Bí tích Thánh Thể là sự chiến thắng của lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô. [3]

Những lời dạy của Chúa Giêsu đòi hỏi khắt khe và phản văn hóa. Nhưng có ai nói rằng lên Thiên Đàng dễ dàng? Mặt khác, việc chọn Hỏa Ngục đòi hỏi rất ít nỗ lực. Khi Chúa Giêsu bảo những người theo Ngài “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình,” (Mt 5:44) có lẽ nhiều người phản ứng như họ đã làm với lời Ngài dạy về Bí tích Thánh Thể: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:61) Nhưng vẫn có hy vọng, vì điều Chúa truyền cho chúng ta làm, Ngài sẽ ban ân sủng. Quan trọng hơn nữa, những gì Chúa truyền cho chúng ta làm thì chính Ngài đã thực hiện. Chúa Giêsu là nhà giảng thuyết duy nhất sống trọn vẹn những gì Ngài đã rao giảng và vẫn còn sống những gì Ngài rao giảng qua Bí tích Thánh Thể. Đúng vậy, lời Chúa Giêsu nói về việc yêu thương kẻ thù thật khó khăn, nhưng với Bí tích Thánh Thể, điều không thể lại trở thành có thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể thực sự yêu mến Thiên Chúa, người lân cận và cả kẻ thù của mình. Vì thế lòng bác ái Thánh Thể của Chúa là con đường rõ ràng nhất để chúng ta có thể sống một đời sống tin kính. Bí Tích Thánh Thể là con đường nhân đức dẫn tới cõi vĩnh hằng.

Ngạc nhiên biết bao khi Chúa Giêsu “không trừng phạt ngay tại chỗ những kẻ xúc phạm đến Ngài một cách phạm thượng, nhưng bằng sự hiền lành và nhân hậu, Ngài cố gắng dẫn họ đến sự ăn năn.” Chúa Giêsu tìm cách chiến thắng kẻ thù của Ngài bằng tình yêu chứ không phải bằng sự trả thù. Thật là một tấm gương để noi theo!

Khi chúng ta gặp bất kỳ sự sỉ nhục, bắt bớ hay vô ơn nào, chúng ta phải đến ngay trước Chúa Giêsu Thánh Thể, về mặt thể lý hoặc tinh thần và dâng thập giá này cho Ngài thay vì phàn nàn hoặc đả kích kẻ thù. Chúng ta phải luôn ghi nhớ sự thật này: “Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ khinh thường và xúc phạm đến Ngài, không phàn nàn gì về họ.” Trước Thánh Thể, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa vết thương mà con đã phải chịu. Xin ban cho con ơn cầu nguyện cho người này như Ngài đã cầu nguyện cho kẻ thù qua Bí tích Thánh Thể. Nếu lời chỉ trích của người này có phần nào là sự thật, xin hãy cho con biết. Nếu không, xin giúp họ tha thứ vì Ngài đã tha thứ cho con rất nhiều lần vì con xúc phạm Ngài.”

Thánh Phêrô Julian Eymard đề cập một khía cạnh quan trọng khác của Đức Ái Thánh Thể của Chúa Giêsu, rằng Chúa Giêsu không bao giờ ngắt lời “dù Ngài biết trước họ sẽ nói gì với Ngài.” [4] Hơn nữa, Chúa Giêsu “biết im lặng vì đức ái.” Chúng ta thường quan tâm những gì mình phải nói hơn những gì người khác nói, khiến chúng ta ngắt lời họ và chiếm ưu thế trong cuộc trò chuyện. Chúng ta cũng làm điều này trong đời sống cầu nguyện của chúng ta với Chúa Giêsu. Đáng buồn thay!

Khi Chúa Giêsu Thánh Thể kiên nhẫn lắng nghe những nỗi đau buồn của chúng ta và chào đón chúng ta, mặc dù chúng ta có xúc phạm đến Ngài tới mức nào, chúng ta lại không làm như vậy cho người khác sao? Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “Bí tích Thánh Thể là sự chiến thắng của lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô.” Bí tích Thánh Thể có mục đích biến đổi chúng ta thành Chúa Giêsu, vì đó là mẫu mực về lòng bác ái của Ngài đối với nhân loại. Với những ân sủng và nhân đức tuôn chảy từ Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể trở thành mặt nhật sống động cho thế giới, đem tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác, đặc biệt là cho những kẻ thù của chúng ta.

PATRICK O'HEARN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

[1] St. Peter Julian Eymard, In the Light of the Monstrance, trans. Rev. Charles De Keyser (New York: The Sentinel Press, 1947), 87-88.
[2] St. Peter Julian Eymard, The Real Presence (New York: Fathers of the Blessed Sacrament, 1907), 120-121.
[3] St. Peter Julian Eymard, In the Light of the Monstrance, trans. Rev. Charles De Keyser (New York: The Sentinel Press, 1947), 89-90.
[4] St. Peter Julian Eymard, In the Light of the Monstrance, trans. Rev. Charles De Keyser (New York: The Sentinel Press, 1947), 89.

THÁNH THỂ với Thánh GM Óscar Romero & Thánh LM Pio Năm Dấu

No comments:

Post a Comment

Comment