Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

ĐỨC VUA TOÀN NĂNG

Con Chúa Chí Thánh Cùng Chí Ái
Đức Vua Toàn Năng Với Toàn Quyền

Chúa Giêsu không chỉ là Vua của muôn loài mà còn là Đấng Toàn Năng và Toàn Quyền. Đức Vua ấy không tìm vinh danh cho mình mà lại tự hạ đến tận cùng vì yêu thương thần dân: SINH nơi hang động, SỐNG ở ngoài đường, CHẾT trên đồi hoang. Tại sao? Câu trả lời được chính Chúa Giêsu xác định với tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18:36) Hơn nữa, Ngài có quyền tối thượng: “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử. Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.” (Ga 5:22, 26-27)

Thật lạ lùng, Ngài là Vua của các vua, là Chúa của các chúa nhưng hoàn toàn trái ngược với vua chúa trần gian, vì Ngài là Vua-đa-không: KHÔNG vương miện, KHÔNG vương trượng, KHÔNG long bào, KHÔNG đăng quang, KHÔNG ngai tòa, KHÔNG quần thần, KHÔNG dinh thự, KHÔNG văn phòng, KHÔNG nghi lễ, KHÔNG thiết triều,...

Thẩm phán hoặc quan tòa là người có toàn quyền xét xử. Tại một số quốc gia, quyền hạn của thẩm phán được chia sẻ với bồi thẩm đoàn hoặc hội thẩm. Tòa án cũng có nhiều cấp khác nhau, cao nhất là tòa án tối cao. Đức Vua Giêsu có toàn quyền xét xử, chính Ngài đã minh định với các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (Mt 28:18) Vương Quốc của Ngài không thuộc về thế gian này, tức là thuộc về Cõi Trời, nơi mà phàm nhân không hề biết, không phải như cung trăng hoặc một nơi xa lạ nào đó mà thiên văn học phát hiện.

Xã hội trần gian được phân chia thành năm châu lục, mỗi châu lục gồm nhiều quốc gia. Trong mỗi quốc gia có một vị đứng đầu với quyền tối thượng, gọi là nguyên thủ quốc gia. Tùy thời mà người ta gọi vị đó bằng các danh từ khác nhau: Chúa Thượng, Hoàng Thượng, Hoàng Đế, Vua, Nữ Hoàng, Quốc Vương, Quốc Trưởng, Tổng Thống,... Các nước cộng sản gọi vị đó là Chủ Tịch. Riêng Công giáo gọi vị đó là Giáo Hoàng.

Nguyên thủ quốc gia cũng chỉ tạm thời chứ không vĩnh viễn, kể cả quyền lực, như người ta nói: “Quan nhất thời, dân vạn đại.” Chỉ có Thiên Chúa là vĩnh viễn, thường tồn, bất biến, và có quyền tối thượng, kể cả “quyền ném vào hoả ngục.” (Lc 12:5; x. Mt 10:28) Khi bị thế lực trần gian áp chế, Chúa Giêsu vẫn thản nhiên nói với Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài.” (Ga 19:11) Quyền xét xử của Philatô chỉ trong thời điểm đó, có quyền vì còn chức, chỉ tạm thời.

CÔNG BẰNG

Nhân ái và công bình là nền tảng vững chắc của cuộc sống. Trình thuật Mt 25:31-46, cho biết về cuộc tái lâm và cách xét xử của Chúa Giêsu – Thiên Vương Chí Thánh và Thẩm Phán Tối Thượng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Chiên và Dê để ai cũng hiểu với thực tế đời thường. Chiên là động vật hiền, mỗi lần bị xén lông bị đau nhưng không hề phản ứng và có hình dáng “dễ thương,” còn dê là động vật có thể phản ứng dữ dội và có hình dáng “không bắt mắt.” Chiên là hình ảnh của Người Lành, dê là hình ảnh của Kẻ Dữ.

Chúa Giêsu tuyệt đối vâng lời Chúa Cha, chấp nhận chịu chết để cứu độ nhân loại, vì thế Ngài cũng có toàn quyền xét xử, nhưng công minh và thương xót. Khi đến thế gian lần thứ hai, Ngài sẽ có các thiên sứ theo hầu, và Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Ngài tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê: chiên đứng bên phải, dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua Giêsu nói với những người ở bên phải: “Nào những người được Cha Tôi chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã cho ăn; Tôi khát, quý vị đã cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã cho mặc; Tôi đau yếu, quý vị đã thăm viếng; Tôi ngồi tù, quý vị đã đến hỏi han.” Những ai được Ngài nói như vậy thì thật hạnh phúc.

Họ ngạc nhiên khi nghe Chúa nói vậy vì họ chưa một lần thấy Ngài đói khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu hoặc ngồi tù mà giúp đỡ. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy.”

Rồi Đức Vua nói với những người ở bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Tôi mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã không cho ăn; Tôi khát, quý vị đã không cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã không tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã không cho mặc; Tôi đau yếu và ngồi tù, quý vị đã chẳng thăm viếng.” Họ cũng ngạc nhiên và phân bua, nhưng Ngài nói thẳng: “Mỗi lần quý vị không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là quý vị đã không làm cho chính Tôi vậy.”

Hết cách phân minh, họ đành lủi thủi ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Đó là công bằng: Tốt được thưởng, xấu bị phạt. Có điều lạ là không thấy Chúa đề cập tội này hay tội nọ, Ngài chỉ thẩm vấn HAI điều: Sử dụng VỐN SỐNG thế nào để sinh lời, (Mt 25:14-30) và thi hành ĐỨC ÁI đúng mức và đúng cách. (Mt 25:31-46) Ngài không thiên vị ai, không thể lấy cớ mình là “ông này” hoặc “bà nọ” để mong được “ưu tiên.”

Có lẽ chúng ta nghe nhiều hóa nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa “vui tính,” thích đùa dai. Nhưng rất hiển nhiên là số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi, rồi hằng năm có nhiều vụ “thiên tai” nhưng người ta vẫn làm ngơ, thích những “sự lạ” chứ không muốn hiểu “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị. Thiên tai hay nhân tai? Việt Nam cũng không ngoài danh sách đen. Cứng lòng hay tự mãn?

Thực sự không dễ thấy Chúa nơi tha nhân, nhưng đó là điều Ngài đề cao: Mỗi lần giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác,… đó là làm cho chính Chúa. Tha nhân là bất kỳ ai, lớn hay nhỏ, quen hay lạ – thậm chí là kẻ thù. Văn hào Victor Hugo có lối suy luận rất hay: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng Đế vay.” Một cách nhận định đầy “chất” Kitô giáo.

Alfred Mortier nói: “Mọi người đều nói đến QUYỀN LỢI, không mấy ai nói đến BỔN PHẬN.” Thật vậy, chúng ta van xin Chúa ban cho đủ thứ, nhưng chúng ta lại không muốn hy sinh, chỉ muốn tránh né cái khó. Chúng ta tự mâu thuẫn và không công bằng với Chúa. Rõ ràng Chúa Giêsu yêu thương đến cùng, (Ga 13:1) Ngài không phạt nhãn tiền vì Ngài nhẫn nại chờ đợi người ta sám hối, chờ đợi người ta tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên và sâu thẳm của Ngài, cụ thể là đến với Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể. Không được tha thứ là tại con người cố chấp mà thôi!

THƯƠNG XÓT

Thật kinh dị khi vua chúa trần gian tự nhận là Thiên Tử, hét ra lửa, và nắm quyền sinh sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.” Chúa Giêsu khác hẳn, khi Philatô hỏi Ngài có phải là vua không, Ngài trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Đức Vua Giêsu luôn chạnh lòng thương, luôn động lòng trắc ẩn, giàu lòng thương xót, đến thế gian để tìm cứu những gì đã mất, và Ngài khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11:29)

Ngay khi chúng ta tưởng mình cô đơn thì Ngài vẫn đang hiện diện ở bên chúng ta. Khi cuộc đời chúng ta êm trôi, Ngài đồng hành với chúng ta; khi cuộc đời chúng ta như lâm vào ngõ cụt, Ngài không chỉ đồng hành mà Ngài còn vác chúng ta trên vai để chúng ta được an toàn. Thực sự là vậy, nhưng vì phàm nhân yếu đuối, thế nên chúng ta đã từng có những lúc bị dao động, chao đảo! Nhưng chính Đức Chúa là Chúa Thượng đã tuyên phán: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.” (Ed 34:11-12)

Thiên Chúa không bỏ qua bất cứ ai, đặc biệt là người nào càng bất hạnh thì càng được Ngài thương xót và chăm sóc nhiều hơn. Thật vậy, Ngài không so đo hơn thua, chấp nhận bỏ lại 99 con chiên béo tốt để rong ruổi tìm kiếm cho được 1 con chiên xấu xí, ốm yếu, hôi tanh. (x. Mt 18:12-14; Lc 15:4-7) Thật vậy, Ngài đã tuyên phán: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Đức Chúa là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.” (Ed 34:15-17)

Nếu không là “hàng hiếm” thì cũng chẳng thấy mấy ông vua vì dân, vì nước, đích thân vi hành để biết dân tình ra sao. Chẳng mấy ai được như hoàng đế Khang Hi (Kangxi, 1654-1722) đời nhà Thanh của Trung Hoa. Ông là vị vua tốt lành, thương dân suốt hơn 60 năm trị quốc. Có bao giờ tổng thống đến khu dân cư nghèo để thấy sinh hoạt cực khổ của người dân? Đến nơi nào thì chỉ ở “trung tâm” rồi tiệc tùng, và nghe “báo cáo,” liệu có bao nhiêu phần trăm trung thực? Bởi vậy, người dân mới thở dài rồi nói: “Ôi dào! Làm láo, báo cáo hay!” Quan trên, quan dưới vô vàn – Ít quan thật tốt, nhiều quan tham tàn! Tuy ít nhưng có những người đáng nể phục là cố TT G.B. Ngô Đình Diệm, và một số tổng thống của Hoa Kỳ, đó là sự thật mang tính lịch sử, không thể chối cãi.

Ở cấp thấp hơn cũng chẳng khá hơn, tỉnh trưởng hoặc quận trưởng, trong số đó có bao nhiêu người thật lòng muốn biết nỗi niềm của người dân? Rồi giám mục hoặc linh mục, trong số đó có bao nhiêu người tận tình đến thăm giáo dân để hiểu được nỗi lòng của họ, cả đời thường lẫn tâm linh? Có thực sự tìm chiên lạc, chiên yếu, chiên bệnh, hay chỉ thân với chiên béo? Có chức nên có quyền, họ đủ lý lẽ biện hộ, khó mà thản nhiên trả lời ngay. ĐGH Phanxicô cũng thường thẳng thắn dám nói tới những điều “nhạy bén” tương tự như vậy, chắc hẳn nhiều người cũng cảm thấy “dị ứng” lắm. Cả đời và đạo, cấp nào cũng đa dạng!

Dù muốn hay không thì cũng phải chân nhận ấn tượng với Đức cố GM Jean Cassaigne (1895-1973), người ta thường thân thương gọi ngài là Cha Sanh, nhà truyền giáo của dân tộc K’Ho, chết vì lây bệnh cùi tại Trại Phong Di Linh, được mệnh danh là Tông Đồ Người Cùi. [*] Khi còn là giám mục của GP Saigon, ngài thường dùng chiếc xe vespa cọc cạch đi thăm dân chúng vùng Chợ Lớn. Một người Pháp mà quên mình, dấn thân và hòa nhập với người Việt Nam, đặc biệt là những người dân tộc và các bệnh nhân phong cùi. Không yêu thương thì không thể sống được vậy. Chỉ có thánh nhân mới có phong cách đó.

Cuộc sống thật nhiêu khê, biết nhiều thì khổ nhiều, thấy nhiều thì chán nhiều, nghe nhiều thì “nóng gáy” nhiều: Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn; càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau.” (Gv 1:18) Làm ngơ thì người ta nói mình “sợ,” nói ra thì người ta “không ưa.” Thẳng thắn sẽ “va chạm,” chỉ khổ mình, nhưng không thể làm ngơ, ai nhát đảm thì dễ “vào hùa” lắm. Và người ta than: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” May mà có Chúa là Bến Yêu Thương cho chúng ta trú ẩn. Thánh Vịnh gia chia sẻ cảm nghiệm tâm linh: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23:1-3) Ước gì mỗi chúng ta đều khả dĩ trải nghiệm đức tin tuyệt vời như vậy!

Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13) Ngài không bao giờ “chợp mắt ngủ quên” hoặc nỡ lòng để mặc chúng ta lâm vào ngõ cụt. Tại sao? Vì bản chất của Ngài là tình yêu, (1 Ga 4:8 và 16) mà tình yêu là điều bất tử. Dù là điều được thiên phú cũng vẫn cần khổ luyện. Đức tin cũng vậy, phải được tôi luyện trong nhiều nỗi gian truân hoặc đoạn trường thì mới có thể dần dần trở nên “tinh ròng,” nhờ đó mới có thể xác tín: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.” (Tv 23:4-5) Thánh Vịnh gia chia sẻ: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv 23:6) Thế thì thật hạnh phúc quá, nhưng hạnh phúc đó không thể cứ tà tà mà có được.

VĨNH SINH

Chúa Giêsu là Đệ Nhất Thiên Vương, nhưng là Hàn Vương chứ không là Phú Vương: SINH nơi hang động, SỐNG ở ngoài đường, CHẾT trên đồi hoang. Đức Vua sống như vậy thì thần dân không thể sống khác được. Vả lại, Ngài LÀ Vua của NGƯỜI SỐNG chứ KHÔNG LÀ Vua của KẺ CHẾT.

Dù bị người ta ghen ghét “tới bến” và đã giết chết thê thảm, nhưng Ngài đã từ cõi chết sống lại, cai trị cả Tử thần, (x. 1 Cr 15:25) và là Vua Hằng Sống. Thánh Phaolô giải thích: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” (1 Cr 15:20-24)

Là Đấng Hằng Hữu và Hằng Sống, nhưng Chúa Giêsu đã chịu đau khổ tột cùng, vì thế Ngài có toàn quyền. Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Mà khi nói muôn loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô.” (1 Cr 15:25-27) Đức Kitô là Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa, mà Chúa Cha với Chúa Con chỉ là MỘT mà thôi: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.” (1 Cr 15:28) Hoàn toàn hợp lý.

Thời quân chủ, vua có toàn quyền – cho sống thì được sống, bảo chết thì phải chết, phải tuân lệnh, bất tuân là bất trung. Chính cái chết minh chứng người tôi trung. Đã từng có những trung thần đã dám xin được chết để minh chứng lòng trung thành với vua. Còn nữa, người ta không được phép nhìn mặt vua và phải tránh những chữ có liên quan nhà vua, phải đọc “trại” đi (trường – tràng, sinh – sanh,...), thậm chí muốn tâu bẩm cũng không được tâu thẳng với vua, mà chỉ được tâu “cái bệ rồng” của vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ.” Ôi, cái ghế vua ngồi còn đáng giá hơn thần dân!

Nhưng đối với Vua Giêsu, không sợ phạm húy, Ngài cho phép chúng ta cứ thân thưa thẳng thắn: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con! Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài!” Nhưng không được kêu Ngài vô cớ! Vua Giêsu không hề được tiền hô hậu ủng, không xa giá, chỉ một lần duy nhất được tung hô vạn tuế khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem trước dịp Lễ Quá Hải (Vượt Qua), nhưng chỉ vài ngày sau họ lật mặt ngay: “Đóng đinh nó vào Thập Giá.” (Mt 27:22-23; Mc 15:13-14; Lc 23:21; Ga 19:6; Ga 19:15) Ngày nay chúng ta cũng vậy!

Trong thời gian công khai sứ vụ, Chúa Giêsu rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để giáo huấn và chia sẻ nỗi đau khổ của những người cùng đinh nhất, đặc biệt là Ngài luôn tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của bất kỳ ai. Là Vua các vua, trong tay đầy quyền lực, nhưng Ngài đã thực hiện đúng như lời Ngài dạy: “Ai làm lớn phải phục vụ.” (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45) Ngài không cậy quyền, ỷ thế, nói và làm dựa trên nền tảng yêu thương, ngôn hành đồng nhất, thậm chí Ngài LÀM NHIỀU HƠN NÓI. Còn chúng ta?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đức Vua duy nhất của chúng con, xin dủ lòng thương xót chúng con. Lạy Thẩm Phán nhân hậu, xin tha tội chết cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi Hỏa Ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[*] https://tramthienthu.blogspot.com/2019/10/thang-muoi-nho-vi-tong-o-phong-cui.html

 Bí Ẩn Nước Trời – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/05/bi-nuoc-troi.html
 Đáp Án Nước Trời – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/03/ap-nuoc-troi.html
 Triệu Tập – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/trieu-tap.html
 Chuyện Nước Trời – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/chuyen-nuoc-troi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment