Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

ĐIỂM MÙ CỦA Ý THỨC HỆ

Ngày nay, mọi người dường như đang sử dụng thuật ngữ “ý thức hệ” (hệ tư tưởng) theo cách họ thường sử dụng chữ “phát-xít” để chỉ “người mà tôi không thích vì họ không đồng ý với tôi.” Có những kẻ phát-xít thực sự ở Ý vào những năm 1930. Họ có tên như vậy vì họ sử dụng một bó que có lưỡi rìu nhô ra, được gọi là fasces theo tiếng Latinh, như một biểu tượng của Đảng Phát-xít.

Đây là phương châm của Mussolini: “Mọi thứ trong nhà nước, không có gì ngoài nhà nước, không có gì chống nhà nước.” Các thành viên của Đảng Phát-xít sẽ tự nhận dạng bằng cách mặc áo đen. Họ nổi tiếng với việc đập vỡ cửa sổ và đập phá những cơ sở kinh doanh mà họ không thích. Do đó, điều trớ trêu là một nhóm tự xưng “chống phát-xít” (Antifa) lại mặc trang phục đen, đập vỡ cửa sổ và đập phá những cơ sở kinh doanh mà họ không thích.

Người ta có thể nghĩ rằng để “chống phát-xít,” bạn sẽ muốn mặc đồ trắng và sửa những cửa sổ bị vỡ. Và khi đó bạn sẽ nghĩ phương châm của họ sẽ là: “Nguyên tắc bổ trợ: Chúng ta đừng hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước.” Nhưng lạ thay, họ không làm vậy. Có điều gì đó dường như khiến họ mù quáng trước những điều hiển nhiên. Nó có thể là ý thức hệ.

Nhưng khi đề cập ý thức hệ, tôi thích chuyển sang một người đã dành nhiều thời gian sống chung và phản đối nó: thi sĩ và tổng thống một thời của Cộng Hòa Séc – ông Václav Havel. Ông viết: “Ý thức hệ là cách liên hệ cụ thể với thế giới. Nó đem đến cho con người ảo tưởng về bản sắc, phẩm giá và đạo đức, đồng thời khiến họ dễ chia tay với chúng hơn.”

Do đó, Havel nghĩ rằng cách duy nhất để chống lại ý thức hệ là “sống trong sự thật”: từ chối tham gia văn hóa dối trá. Ví dụ nổi tiếng của ông là người bán rau, nếu họ từ chối treo tấm biển “Công Nhân Đoàn Kết Thế Giới” trên cửa sổ cửa hàng của mình, họ sẽ gặp rắc rối với chính quyền cộng sản, mặc dù họ là một trong những người của “đảng công nhân” lẽ ra phải bảo vệ!

Vì vậy, lời nói dối là tấm biển nói về sự quan tâm đến người lao động trong khi thực chất nó thể hiện sự phục tùng cơ quan quản lý. Ai đó đã có thể gán cho yêu cầu phục tùng này một chút “phát-xít.”

Nhưng tôi đã trở nên cảnh giác khi ném những nhãn hiệu như “phát-xít” và “ý thức hệ.” Tôi nghĩ tốt hơn hết chúng ta chỉ nên kiểm tra tính đúng đắn hay sai lầm của một quan điểm. Nếu một chính trị gia nói sự thật và đúng thì họ đáng tin cậy. Nếu họ nói dối nhiều lần thì không ai nên ủng hộ. Có thể họ không phải là kẻ phát-xít hay nhà tư tưởng, nhưng nếu họ là kẻ nói dối kinh niên thì điều đó đủ tệ hại rồi. Ý tôi là chẳng ai thực sự muốn bị lừa dối. Trừ khi bạn là nhà tư tưởng, tôi cho là vậy, và sự thật khiến bạn khó chịu và đầy đe dọa.

Tôi đã suy nghĩ về điều này vào một ngày nọ khi tôi đọc thấy rằng ĐGH Phanxicô đã cáo buộc một số người Công Giáo Mỹ đã “thay thế đức tin bằng ý thức hệ.” Điều đó nghe có vẻ tệ, nhưng tôi không chắc ngài muốn nói “ý thức hệ” là gì. Ngài đã đọc Havel chưa? Có phải ý ngài là mọi người đang dựng các biển báo để báo hiệu sự phục tùng của họ đối với một ý thức hệ thống trị mà họ hầu như không hiểu? Có phải ngài chỉ trích những người tuân theo “cách liên hệ bề ngoài với thế giới” và sa vào “ảo tưởng về đặc tính, phẩm giá và đạo đức trong khi khiến họ dễ dàng chia tay với họ hơn” chăng? Tôi không biết!

Nhưng dù nó có nghĩa gì đi nữa, lời khuyên của tôi là, nếu bạn nghĩ điều gì đó không đúng sự thật, hãy cho mọi người biết lý do. Những người khác có thể không đồng ý, nhưng ít nhất bạn cũng có thể “đối thoại.” Bắt đầu bằng những lời lăng mạ không phải là cách tốt nhất để mở đầu cuộc đối thoại.

Nhưng nếu ý thức hệ là “cách liên hệ bề ngoài với thế giới,” cách từ chối đối mặt với sự thật, tôi thắc mắc về những người có thẩm quyền trong Giáo Hội, những người cho rằng đó là chính sách thông minh khi khuyên Giáo Hội nên “linh hoạt hơn” về “những tội dưới thắt lưng” – trừ khi có vấn đề gì đó với bàn chân và đầu gối mà tôi không biết. Người ta có thể nghĩ rằng, ngay sau vụ bê bối lạm dụng tình dục dữ dội, điều cuối cùng mà một quan chức nhà thờ muốn nói là chúng ta nên ít chú ý hơn đến tội phạm tình dục, đặc biệt là bất kỳ ai có liên quan kẻ lạm dụng tình dục hàng loạt là Marko Rupnik.

Chẳng phải điều này hơi giống mẹ của John Dillinger khuyên mọi người đừng quá lo lắng về những vụ cướp ngân hàng sao? Thật vậy, người ta có thể nghĩ rằng với bao nhiêu nạn nhân bị lạm dụng (khoảng 80%) là con trai, chủ yếu là con trai vị thành niên, một vấn đề khác mà Giáo Hội có thể muốn né tránh là bất kỳ gợi ý nào mà họ có thể quan tâm việc xử phạt các hành vi đồng giới, như thể ngụ ý, mọi chuyện có thực sự tệ đến thế?

Đồng tính luyến ái như vậy không gây ra lạm dụng tình dục nam thanh niên, cũng như văn hóa “đi chơi” giữa nam nữ thanh niên là do dị tính (khác giới) gây ra. Chỉ là, dù đồng giới hay khác giới, thật kỳ lạ khi có người nói rằng chúng ta nên ít chú ý đến tội tình dục khi tội đó rõ ràng đang đóng vai trò quan trọng trong sự suy thoái của xã hội, gây ra quá nhiều bất hạnh cho rất nhiều người, đặc biệt là người nghèo.

ĐGH Phanxicô đôi khi nói về Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến” dành cho những người bị thương. Ngài thích các mục tử “có mùi chiên hơn.” Là người dành nhiều thời gian để nói chuyện với giới trẻ về cuộc sống của họ, tôi biết rằng điều mà bất cứ ai dành thời gian với những người trẻ này cũng có thể nói với bạn rằng không có gì, không có gì tàn phá hạnh phúc của họ hơn văn hóa tình dục ở những nơi mà họ buộc phải sống và cố gắng tìm kiếm tình yêu lâu dài.

Điều đó giống như một bác sĩ phòng cấp cứu, nhìn thấy những vết thương do đạn bắn xuyên qua cửa nhà mình hằng đêm và đang lắng nghe người quản lý nhấn mạnh rằng bệnh viện phải dành nhiều phòng cấp cứu hơn cho việc đào tạo về sự đa dạng. Một bác sĩ trong tình huống đó chỉ có thể kết luận rằng bệnh viện đang đối phó với một người không biết chuyện gì đang thực sự xảy ra trên đường phố và người bị vướng vào nanh vuốt của một loại ý thức hệ nào đó.

RANDALL SMITH

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Ô NHIỄM ÂM THANH

“HÃY DẸP BỎ TIẾNG HÁT OM SÒM CỦA NGƯƠI, TA KHÔNG MUỐN NGHE TIẾNG ĐÀN CỦA NGƯƠI NỮA.” (Am 5:23) Câu Kinh Thánh này từ ngàn xưa, chắc chắn không liên quan vấn đề hát karaoke ngày nay. Tuy nhiên, có thể dựa vào ý tưởng trách mắng đó mà suy nghĩ và nhìn lại “phong cách” của mình.
Người ta nói: “Hát hay không bằng hay hát.” Đúng vậy! Nhưng đừng lấy câu đó mà biện hộ cho sự tồi tệ của mình. Câu nói đó có ý tích cực, khuyến khích hát cho vui, đừng mặc cảm hoặc mắc cỡ. Tất nhiên giọng hát cũng phải nghe “lọt lỗ tai” một chút, mặc dù không hay như ca sĩ – mà thật ra có những ca sĩ hát nghe cũng “ghê” thấy mồ đi chứ hay ho gì!
Cứ tối đến là nơi này, nơi nọ “râm ran” những “tiếng lạ” phát ra từ những chiếc loa mở hết công suất. Những người “vô tội” không chỉ bị tra tấn về âm thanh mà còn bị hành hạ bởi những “giọng ca quái đản.” Hát dở cũng còn “đỡ tủi,” đàng này hát quá tệ, ngang hơn cua bò. Sai nhịp thì chẳng đáng nói chi, mà vì cao độ không được nốt nào, phải chi cứ đọc theo lời có lẽ còn “nghe được” hơn là rướn cổ ra mà… hét – không phải là “hát” nữa. Có những đoạn không biết hát thế nào thì họ “sáng tác” giai điệu luôn. Ôi chao, họ thật “đa tài” quá chừng!
Đáng lẽ “ca hát MÁT tai” thì lại là “ca hát RÁT tai.” Hát là hành động tốt nhưng người hát cứ tưởng mình hát như RÓT vào tai người khác mà thật ra là hát như ĐỤC vào tai người khác, làm hư tai những người “vô tội” phải chịu đựng khi nghe họ hát. Khổ thật!
Ai có thân nhân “hát hay” kiểu cua bò thì cũng nên đề nghị họ đừng “biểu diễn” nữa, đừng làm khổ hàng xóm nữa. Hãy khuyên họ can đảm chấp nhận thực tế về khả năng ca hát của họ mà “tha thứ” cho hàng xóm, trả lại sự an lành cho hàng xóm. Đó cũng là “làm phúc” vậy!
Sự thật mất lòng, nhưng dám chấp nhận sự thật đó mới có thể sống tốt hơn, không “làm khổ” người khác nữa.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment