Tình chung thì phải tín trung chung tình
Hôn nhân là chuỗi hy sinh
Vì tình với Chúa, vì tình với nhau
Hai người nhưng một tình yêu
Tuy hai mà một, bên nhau suốt đời
Thủy chung theo luật Chúa Trời truyền ban:
“Một xương, một thịt đã nên
Cấm chia cách bởi Chúa liên kết rồi” [*]
Tình yêu trọn vẹn, khóc – cười có nhau
Sẻ chia hạnh phúc sớm chiều
Chúa Trời ban tặng thật nhiều hồng ân
Bao năm chung cuộc hôn nhân
Tạ ơn Thiên Chúa thương ban diệu kỳ
Tình yêu vẫn đẹp như xưa
Nồng nàn bồi đắp phù sa nghĩa tình
TRẦM THIÊN THU
[*] Mt 19:6; Mc 10:9.
✽ Vấn Đề Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/09/van-e-gia-inh.html
✽ Tổ Ấm – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/08/to-am.html
✽ Giáo Dục Tâm Linh – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/10/giao-duc-tam-linh.html
✽ Kho Tàng Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/08/kho-tang-gia-inh.html
✽ Nền Tảng Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/07/nen-tang-gia-inh.html
✽ Nguồn Sống Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/06/nguon-song-gia-inh.html
Kinh Thánh nhắn nhủ: “Cùng với người vợ yêu thương, bạn hãy hưởng trọn cuộc đời, hết mọi ngày trong kiếp sống phù du đã được ban cho bạn dưới ánh mặt trời, vì đó là phần bạn đáng được hưởng trong cuộc đời, giữa bao nhiêu công việc khó nhọc bạn làm dưới ánh mặt trời, trong những ngày của kiếp sống phù du,” (Gv 9:9)
Mọi thời và mọi nơi đều có người tốt và người xấu. Tục ngữ nói: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.” Đây là một số những loại người nên tránh:
1. GHEN TỴ – Nên công nhận và đánh giá cao việc làm thành công của người khác, đừng ghen tức, phê bình, rồi ghen tỵ với người khác. Tại sao họ ghen tức với người khác? Tại thấy mình kém hơn nên… tức. Tức rồi ghen, ghen rồi tỵ nạnh, có thể dẫn tới các động thái nguy hiểm khác!
2. LẮM CHUYỆN – Ngày nay người ta gọi những người này là “bà tám,” dù nam hay nữ. Hết chuyện ta ra chuyện người. Đôi khi còn kiếm chuyện nói cho đỡ “trống trải.” Nói hành nhau rất nguy hại cho người khác, và nguy hại cho cả chính mình, bởi vì họ chỉ gây chia rẽ mà thôi!
3. LÉN LÚT THEO DÕI – Bề ngoài có vẻ xởi lởi, nhưng họ luôn lén lút theo dõi sau lưng. Đôi mắt họ có vẻ “bình thường” nhưng luôn liên láo hoặc long sòng sọc. Họ theo dõi để xem người khác lỡ có gì sai trái là họ “ghi hình” và “thu âm” rồi đem phát tán bằng cách này hoặc cách nọ – truyền khẩu, rỉ tai, giật dây, thọc gậy bánh xe,...
4. MỈA MAI – Thấy người khác có gì hay hoặc làm gì tốt, họ nức nở khen ngợi, nhưng họ khen với tính cách mỉa mai chứ không thật lòng. Họ không trực tiếp gây chia rẽ hoặc thẳng thắn phê bình, mà họ tìm cách làm cho “đối tượng” bẽ mặt, bị người khác xa tránh, ghét bỏ. Loại phụ nữ này như kẻ ném đá giấu tay vậy!
5. GIẢ DỐI – Sự giả dối không dễ nhận ra khi nó như viên thuốc bọc đường, sự giả dối tinh vi bằng vỏ bọc “ngọt ngào” và thân thiện khiến người khác tưởng là họ chân thành, nhưng thực ra họ làn dân “nuôi rắn lấy nọc,” mọi động thái của họ rất “chuyên nghiệp.” Họ khéo léo nịnh để lấy lòng người khác, kéo người khác về phe họ, nhưng nếu không được thì họ gièm pha đủ kiểu, đồng thời làm cho “đối tượng” bị mọi người xa tránh.
Cuộc đời có nhiều cái khởi đầu và nhiều cái kết thúc. Một trong những cái đó là việc kết hôn. Chuẩn bị hôn nhân là chuẩn bị kết-thúc-cuộc-sống-độc-thân để chuẩn bị khởi-đầu-cuộc-sống-hôn-nhân. Đó là khoảng “giao thoa” quan trọng trong một đời người.
Chắc chắn người ta luôn phải chuẩn bị bất cứ điều gì, dù to hay nhỏ, đặc biệt là vấn đề hôn nhân và gia đình. Riêng các tín nhân Công giáo, không chỉ chuẩn bị đời thường mà con phải chuẩn bị tâm linh nữa. Có nhiều thứ cần chuẩn bị, nhưng xin tạm nêu ra đây vài điều cần lưu ý:
A. CHUẨN BỊ ĐỜI THƯỜNG
1. XIN Ý KIẾN NGƯỜI LỚN – Người ta nói: “Bảy mươi học bảy mốt.” Người lớn có kinh nghiệm sống nhiều hơn, vì họ đã trải qua nhiều thứ. Bạn nên nhờ ai tư vấn? Ông bà, cha mẹ, anh chị, những người lớn khác mà bạn tín nhiệm, và có thể bạn cần đến cả nhà tư vấn nữa.
2. CÂN NHẮC CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG – Hãy nói về các vấn đề mà có thể bạn không muốn nhắc tới, nhưng lại là các vấn đề quan trọng trong cuộc sống hôn nhân. Hãy thảo luận về con cái, ân ái, và tài chính. Những điều đó xem chừng rất bình thường nhưng lại “không bình thường” đấy!
3. CÙNG LẬP KẾ HOẠCH – Đó là kế hoạch vui nhưng nó cũng gây căng thẳng lắm. Đây là kế hoạch quan trọng đầu tiên của những người chuẩn bị sống đời hôn nhân. Hãy dành thời gian tìm hiểu thêm về cách làm vui lòng nhau và cách xử lý các tình huống nan giải.
4. THẢO LUẬN VỀ TÀI CHÍNH – Tình yêu và hôn nhân cần sự lãng mạn, nhưng vấn đề tài chính lại không là vấn đề lãng mạn, nhưng rất quan trọng. Có thể nó cũng chẳng là vấn đề chi cả, hoặc nó không là vấn đề lớn. Nhưng hãy chắc chắn rằng cả hai phải biết giải quyết vấn đề này trong hôn nhân để tránh xung đột.
5. CÙNG NHAU CẦU NGUYỆN – Cầu nguyện là việc làm cần thiết và quan trọng đối với các Kitô hữu. Cầu nguyện càng quan trọng hơn khi bạn sắp sửa kết hôn, vì đó là điều quan trọng cả đời người. Không chỉ cầu nguyện riêng và cầu nguyện cho nhau, mà hãy dành thời gian cùng ở bên nhau và cùng nhau cầu nguyện.
6. TẬN HƯỞNG KHOẢNG RIÊNG – Hôn nhân là điều kỳ diệu, nhưng hầu như các cặp vợ chồng đều phải cố gắng tìm những khoảnh khắc riêng một mình. Hãy tận dụng thời gian ưu tiên cho hôn nhân, nhưng cũng cần có những khoảng riêng để tự tận hưởng mình!
7. CÂN NHẮC KỲ NGHỈ – Những ngày nghỉ là dịp gần gũi hơn với gia đình, nhưng những ngày nghỉ cũng là khoảng thời gian gây căng thẳng giữa hai người yêu nhau, có những người “suy diễn” rồi “hư bột hư đường” hết trơn. Hãy thảo luận và cùng nhau lập kế hoạch chung, và hãy cởi mở để có thể tùy cơ ứng biến!
8. ĐỪNG GIỮ BÍ MẬT – Nếu có điều gì không thể thảo luận, thì đây là thời điểm cần rạch ròi. Có những điều rất khó nói khi hò hẹn, nhưng khi chuẩn bị kế hoạch sống chung thì không thể “ngại” được, vì phải biết rõ nhau nhiều hơn để có thể quyết định dứt khoát.
9. TẬN HƯỞNG HẠNH PHÚC – Rất căng thẳng khi bạn chuẩn bị kết hôn, nhưng hãy cố gắng tận hưởng hạnh phúc ấy, hãy chia sẻ và cùng giúp nhau tận hưởng! Thái độ đúng đắn đối với hôn nhân có thể hoán chuyển khó khăn thành dễ dàng!
10. GHI NHỚ LỜI HỨA – Khi quyết định kết hôn, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên, hai người cùng thề hứa chung thủy với nhau trong mọi hoàn cảnh, vui hoặc buồn, giàu hoặc nghèo, khỏe hoặc bệnh,… hứa tôn trọng và yêu thương nhau suốt đời. Đó là “bản án chung thân” tự mình ký, tự nguyện hứa thì phải cố gắng giữ, không thể thích thì giữ, chán thì thôi.
Chúng ta có thể coi đó là “Thập Giới Hôn Nhân,” đặc biệt là CHỚ QUÊN mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19:6; Mc 10:9) Mệnh lệnh có nghĩa là PHẢI tuân thủ, PHẢI thi hành, không thể tùy ý hoặc tùy hứng.
B. CHUẨN BỊ TÂM LINH
Khi nói về hôn nhân, Thánh Phaolô cho biết: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình. Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!” (Dt 13:4-5)
Nói về bổn phận trong đời sống hôn nhân, Thánh Phêrô nhắc nhở: “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế; họ đã phục tùng chồng. Như bà Sara, bà đã vâng phục ông Ápraham, và gọi ông là ‘ông chủ.’ Chị em là con cái của bà, nếu chị em làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi kinh hoàng nào. Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở.” (1 Pr 3:1-7)
Hôn nhân Công giáo không thể như hôn nhân các tôn giáo khác, người ta cho rằng “khó khăn” nên có thể gây… “khó chịu,” nhưng đó là sự-khó-khăn-cần-thiết, vì hôn nhân là chuyện “ăn đời ở kiếp” với nhau chứ không phải vui thì ở, buồn thì chia tay. Vì thế, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, hãy cân nhắc cho cẩn thận, đừng làm chiếu lệ hoặc a-dua theo xã hội.
Liên quan vấn đề hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình, có câu chuyện về “Chiếc Hộp Bí Mật” như sau:
Có hai ông bà nọ đã sống với nhau hơn 60 năm, họ cùng chia sẻ mọi vui buồn, chỉ có một chiếc hộp bà để dưới gầm giường thì ông không hề biết nó đựng thứ gì, ông tôn trọng quyền riêng tư của bà nên ông không hỏi.
Khi bà bị bệnh nặng và có thể bà không qua khỏi, ông chợt nhớ tới chiếc hộp bí mật. Ông lấy ra, và bà cũng đồng ý cho ông mở ra. Khi chiếc hộp được mở ra, bên trong có hai búp-bê nhỏ bằng len với số tiền 95.000 USD. Thấy vậy, ông ngạc nhiên hỏi: “Thế này là sao?” Bà ôn tồn: “Khi chúng ta mới lấy nhau, bà nội của em có dặn rằng bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là đừng bao giờ cãi nhau, nếu chồng con có làm gì khiến con bực mình, con nên im lặng và đi ra chỗ khác, rồi lấy len đan một con búp-bê. Và anh đã thấy đó.”
Nghe xong, ông không cầm được nước mắt và nghĩ: “Như vậy, suốt đời người vợ thân yêu của mình chỉ giận mình có hai lần thôi sao?” Ông cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng ông vẫn còn thắc mắc: “Nhưng còn món tiền lớn này thì sao?” Bà sụt sùi: “Đó là số tiền bán những con búp-bê mà em đã đan được.”
Câu chuyện đơn giản nhưng thú vị và thâm thúy, chúng ta có thể mỉm cười khi đọc xong nhưng lại thấy có gì đó lắng đọng sâu sắc khiến chúng ta không thể không suy tư. Số tiền lớn kia là giá trị của những lần người vợ âm thầm chịu đựng người chồng trong cuộc sống hôn nhân. Người vợ cho chúng ta một bài học vô giá về cuộc sống phu thê.
Người vợ đã khôn ngoan tự giải thoát bằng cách chịu đựng người chồng để gia đình luôn trong ấm ngoài êm: lấy len đan búp-bê. Một công việc nhỏ bé nhưng giá trị và hiệu quả. Đó là cách bà chấp nhận sự bất toàn của ông, bà chịu đựng và nhịn nhục, tiếp tục yêu thương chính con người của ông. Bà đã chiến thắng chính mình để có thể GIỮ HÒA KHÍ GIA ĐÌNH, đồng thời bà cũng chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng tình yêu của bà dành cho ông là tình yêu CHÂN THẬT và SÂU ĐẬM.
Người chồng chính là hình ảnh của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống đời thường, ngoài những mối bất hòa rõ ràng, chúng ta vẫn cứ NGẤM NGẦM LÀM KHỔ NGƯỜI KHÁC (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè, thân nhân, đồng nghiệp,…) mà chúng ta không hay biết hoặc cố ý làm ngơ. Khi biết được sự thể thì có thể đã muộn màng.
Trong những cuộc tư vấn hôn nhân và gia đình, người ta thường để mỗi người ở một phòng riêng và đặt ra câu hỏi cho đôi bên: “Điều gì khiến bạn hài lòng trong đời sống hôn nhân?” Đa số đều trả lời: “Sự quan tâm, chăm sóc và cảm thông của người vợ/chồng.”
Chắc chắn ai cũng ước muốn như vậy – trong mọi mối quan hệ. Tuy nhiên, có thể chúng ta quên rằng chúng ta KHÔNG THỂ ĐÒI HỎI người khác bày tỏ với chúng ta, mà chính chúng ta phải thể hiện trước, bởi vì Kinh Thánh xác định: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN.” (Cv 20:35)
Theo tương truyền, vào một ngày đẹp trời, một đệ tử hỏi Khổng Tử: “Nhân là gì vậy sư phụ?” Ông đáp: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” Lần khác, một đệ tử nọ lại hỏi: “Câu nào sư phụ tâm đắc nhất?” Ông cũng đáp: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.”
Câu đó có nghĩa là “cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác,” hay nói cách khác là “mình muốn điều gì thì cũng làm cho người khác cái đó.” Chữ “nhân” nghĩa là người, cũng hàm ý nhân từ, nhân ái, nhân hậu, nhân đạo. Triết lý của chữ “nhân” thật là thâm thúy về giá trị sống của con người.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu người khác như yêu chính mình. Chính Ngài cũng đã truyền lệnh: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, chính anh em cũng hãy làm cho người ta,” (Mt 7:12; Lc 6:31) Tóm lại, điều gì mình MUỐN thì cũng hãy LÀM cho người khác, và điều gì mình KHÔNG MUỐN thì cũng ĐỪNG LÀM cho người khác. Đó là sự công bình và bác ái đích thực!
Hôn nhân là “mạng lưới yêu thương” – từ khi tìm hiểu nhau, yêu nhau, tới khi kết hôn, và kéo dài mãi cho tới hơi thở cuối cùng. Khó chứ không dễ, vì thế mà cần có sự hiện diện của Thiên Chúa làm “dấu cộng” liên kết hôn nhân và gia đình.
Hãy lưu ý “lời thề hôn nhân” này: “Anh/em nhận em/anh làm vợ/chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời anh/em.” Nghiêm túc chứ không đùa đâu đấy!
Có câu chuyện kể rằng, một vị giáo sư muốn kiểm tra học sinh, ông phát cho mỗi học sinh một tờ giấy có sẵn đề thi, trong đó chỉ có một chấm đen với dòng chữ: “Hãy cho biết cảm nghĩ của mình.” Cuối giờ, các bài làm được thu lại. Tất cả các học sinh đều mô tả về cái “chấm đen nhỏ bé” mà không thấy ai mô tả “phần trắng rộng lớn.” Đó là dạng xét đoán mà Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7:5; Lc 6:42)
Cuộc đời chúng ta cũng vậy, chúng ta chú ý tới “phần đen” của người khác dù đó chỉ là chấm nhỏ, vì thế mà chúng ta mù quáng và không nhận ra “phần trắng” của người khác. Trong hôn nhân cũng tương tự, chỉ vì người này cứ lăm le soi mói khuyết điểm của người kia mà hôn nhân dần dần rạn nứt và có nguy cơ tan vỡ. Ngày nay, tỷ lệ ly hôn khoảng 50% (đại đa số là các vợ chồng trẻ) là tiếng chuông báo động đáng lưu ý và cần được chấn chỉnh ngay!
Tục ngữ Tiệp Khắc có câu: “Chẳng có nhà thờ nào không giảng đạo, chẳng có vợ chồng nào không cãi nhau.” Tuy nhiên cãi nhau để tìm ra chân lý, hiểu nhau hơn và hài hòa với nhau, chứ không cãi nhau để giành quyền, lấn sân. Vấn đề là ở chỗ đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment