Thật ý nghĩa khi người Việt ưu ái gọi gia đình là “tổ ấm.” Và tất nhiên không bao giờ là… “tổ lạnh.” Gia đình là tế bào cơ bản để tạo nên xã hội, là loại hình cộng đồng nhỏ nhất, nhưng lại là “tổ chức” nền tảng và cần thiết nhất cho mọi hoạt động khác – cả đời và đạo.
Dù ở thời đại nào và dù là ai, mỗi người đều
có nguồn gốc là gia đình. Trong một cuộc thăm dò mang tính quốc tế, người ta
đặt tiêu chí gia đình lên hàng đầu là 75%, và 95% chọn gia đình là một trong
những thứ quan trọng trong đời sống.
Có nhiều điểm làm nền tảng gia đình, nhưng
chúng ta có thể coi các điểm then chốt dưới đây là “chìa khóa” để tạo lập gia
đình và để mở cửa hạnh phúc gia đình:
1. ÂN CẦN
Nói năng cộc lốc, thiếu lễ độ hoặc cư xử thô
lỗ sẽ gây mất thiện cảm, làm các thành viên gia đình cảm thấy thất vọng. Nên tỏ
thái độ ân cần, cởi mở, hòa đồng, thương yêu và chân thành. Những điều tưởng
chừng nhỏ bé đó mà lại có tầm quan trọng đáng kể. Tác dụng lời “cảm ơn” hay
“làm ơn…” rất mạnh. Là con, là cháu nên xưng mình là “con” với các bậc trên
(bác, chú, cậu, mợ, cô, dì,…) để tỏ sự gần gũi, thân mật. Đại từ “cháu” nghe
rất xa cách. Là vợ chồng nên xưng với nhau là “anh, em” và cũng nên “vâng, dạ”
cho ngọt ngào. Đừng “quen quá hóa lờn.” Lòng yêu thương chân thành sẽ tự nhiên
toát ra sự ân cần.
2. PHỤC THIỆN
Không cần thái quá hoặc câu nệ “nghi thức.”
Một câu “xin lỗi” chứng tỏ sự phục thiện. Nhân vô thập toàn. Không ai lại không
lầm lỡ. Bề dưới xin lỗi bề trên đã đành, bề trên cũng rất cần xin lỗi bề dưới.
Cha mẹ và con cái, anh chị em, vợ chồng,… đều phải biết chân thành xin lỗi nhau
mới “phải phép,” ít ra cũng là lịch sự tối thiểu. Hối hận và tha thứ là việc
cần thiết, nhất là trong gia đình, vì hằng ngày ra vào gặp nhau và đồng bàn mỗi
bữa ăn, không thể nhìn nhau bằng những “tia lửa.” Ca dao phân tích: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một
mẹ chớ hoài đá nhau.”
3. TRUNG THÀNH
Không được gay gắt, chì chiết, nói xấu nhau,
nghi ngờ hoặc “dò xét” nhau chi li. Hãy nhẹ nhàng sửa lỗi nhau, đừng bao giờ
“vạch áo cho người xem lưng.” Có thể ganh đua nhưng không được ganh tỵ. Chê
trách người trong gia đình trước mặt người ngoài là tự chê trách mình. Tục ngữ
nói: “Chị ngã, em nâng.” Nhưng bênh vực
nhau cũng phải bênh vực hợp lý theo lẽ phải chứ không thể “bao che.”
4. LỜI HỨA
Hứa và giữ lời hứa đều quan trọng như nhau.
“Lời hứa” làm cho người ta háo hức chờ đợi và hy vọng. “Giữ lời hứa” làm cho
người ta tin tưởng, khâm phục và hạnh phúc. Đừng bao giờ hứa nếu không thực
hiện được, đừng hứa suông; cũng đừng nuốt lời hứa vì sẽ tự hạ giá mình. Đúng là
“nói trước, bước không qua.” Hứa thì quá dễ, nhưng giữ lời hứa rất khó. Đừng
khinh suất!
5. THA THỨ
Sự tha thứ khởi nguồn cho niềm tin tưởng và
yêu thương vô điều kiện. Đó là một “phép mầu” tạo kết quả bất ngờ. Nó có thể
tạo sự thay đổi ở người khác một cách mau chóng, nghĩa là bạn không phải lo tìm
cách đối phó. Hãy kiên trì và nhịn nhục, hạnh phúc tuy đơn giản nhưng kỳ diệu
vô cùng.
Để có một gia đình hạnh phúc, đúng nghĩa “tổ
ấm” dễ chịu và thú vị nhất mà không ai bị “hụt hẫng” khi thấy sự chênh lệch
giữa ảo tưởng và thực tế về gia đình hằng ngày, mỗi thành viên đều phải nỗ lực
không ngừng, nhất là qua cách xử sự và lời nói dịu dàng. Đúng là “nói ngọt lọt
tận xương.” Đồng thời cũng nên biết “vui với người vui và buồn với người buồn.”
Chắc chắn rằng “hạnh phúc chỉ hoàn hảo khi nó được chia sẻ với người khác.” (E.
McKenzie)
Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô
nhắn nhủ về đời sống gia đình:
“Vì
lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng
phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu
của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và
như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng
trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô
yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và
thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội
Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm
nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính
thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao
giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô
nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của
Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ
mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này
thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh
em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.” (Ep 5:21-33)
Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ riêng từng người: “Hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm
nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em
người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em thì
anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em
phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3:12-14)
Gia đình phải là Tổ Ấm, không thể chấp nhận
có một chút “hơi lạnh” nào. Muốn ấm thì phải có hạnh phúc, muốn hạnh phúc thì phải
yêu thương nhau. Cha, mẹ và con như chiếc kiềng ba chân, không thể thiếu “chân”
nào. Thiếu một chân sẽ bị lệch!
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM số
513-514, tháng 9 & 10-2020, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment