Sau khi Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ
ngôn về sự cầu nguyện, Ngài hỏi một trong những câu hỏi ám ảnh nhất. Ngài hỏi gì?
Trình thuật Lc 18:1-8 cho biết rằng khi Chúa Giêsu tiếp tục hành trình đến Giêrusalem và hoàn thành sứ vụ của Ngài, Thánh Luca nói rằng Ngài muốn các môn đệ hiểu “sự cần thiết của việc cầu nguyện không mệt mỏi.” Dụ ngôn nói về một quan tòa bất chính, không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng coi ai ra gì. Như một ví dụ về sự bất chính của mình, quan tòa đã từ chối minh oan cho một góa phụ kiện kẻ hại bà. Sự thờ ơ của quan tòa đối với nỗi khổ của bà góa là vi phạm luật Do Thái. (x. Đnl 27:19)
Đó là điều chứng tỏ ông ta “bất chính.” Nhưng
cuối cùng, quan tòa nhận ra rằng việc đưa ra quyết định là vì lợi ích cho chính
ông, bởi vì sự quấy rầy của bà góa khiến ông ta không được nghỉ ngơi và thậm
chí có thể gây hại cho ông ta. Chúa Giêsu nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!” Do đó, mấu chốt của dụ
ngôn không phải là sự kiên trì của bà góa quá nhiều vì đó là sự so sánh giữa
quan tòa và Thiên Chúa. Nếu ngay cả một quan tòa bất chính cũng sẽ làm điều
đúng đắn khi đối mặt với sự kiên trì như vậy thì Thiên Chúa, Đấng phán xét hoàn
toàn công bình của toàn thể vũ trụ, sẽ mau chóng minh xét cho những người được tuyển
chọn, những người ngày đêm kêu cầu Ngài. Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa sẽ
không bắt họ chờ đợi mãi và sẽ mau chóng minh xét cho họ.
Câu hỏi thứ nhất phải là của chúng ta: Nếu Thiên
Chúa sẽ trả lời tiếng kêu oan của chúng ta về công lý (thưởng cho điều thiện,
trừng phạt điều ác) một cách nhanh chóng, tại sao Thánh Luca mô tả dụ ngôn này
về sự cần thiết phải luôn cầu nguyện liên lỉ? Tại sao chúng ta cần sự kiên trì
lớn lao của bà góa nếu Thiên Chúa chậm trả lời chúng ta? Nếu Thiên Chúa không hơn
quan tòa bất chính thì tại sao chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện và chờ đợi câu
trả lời của Ngài? Tại sao chúng ta không thấy điều đó ngay lập tức?
Câu hỏi thứ hai Chúa Giêsu hỏi và cũng thực
sự trả lời cho chúng ta: “Nhưng khi Con
Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Đó là
câu hỏi xuyên sâu vào bí ẩn của thời gian và vào tâm hồn của chính chúng ta.
Nếu chúng ta thực sự có đôi tai để nghe, chúng ta sẽ nhận ra rằng quan niệm của
chúng ta về “nhanh chóng” khác hẳn với quan niệm của Thiên Chúa. Khi đặt câu
hỏi này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể quyết định xem Thiên
Chúa có nhậm lời cầu nguyện của chúng ta hay không cho đến khi “Con Người đến,”
nghĩa là khi Đức Kitô đến thế gian lần thứ hai. Điều này rất quan trọng cần
biết, phải không? Chỉ khi kết thúc lịch sử, chúng ta mới nhận ra một cách dứt
khoát rằng Thiên Chúa giữ mọi lời hứa mà Ngài đã hứa với chúng ta là trở thành Người
Cha yêu thương, công bình mà Chúa Giêsu đã mặc khải về Ngài. Đó là lý do chúng
ta phải kiên trì cầu nguyện.
Khi trở lại, Chúa Giêsu sẽ tìm kiếm loại đức
tin không bao giờ nghi ngờ lòng nhân lành và sự trung thành của Thiên Chúa để
nghe chúng ta, cho dù Ngài phải mất bao lâu để chứng minh điều đó. Chính vì lý
do đó mà chúng ta tuyên xưng “mầu nhiệm đức tin” trong Thánh Lễ. Cứ lặp đi lặp
lại, chúng ta công nhận rằng câu chuyện của chúng ta đang diễn ra: Chúa Giêsu
đã chết và sống lại – và Ngài sẽ lại đến. Cho đến cuộc trở lại đó, luôn còn quá
sớm để kết luận rằng Thiên Chúa không đáp lại những lời cầu nguyện cho công lý
của chúng ta. Không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu muốn chúng ta không mệt mỏi
khi cầu nguyện. Điều gì đó tuyệt vời nằm ở phía trước khi lịch sử loài người
kết thúc. Liệu chúng ta có thể giữ được niềm tin vững vàng?
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con lớn lên trong
niềm tin rằng những lời cầu nguyện của con luôn được Ngài lắng nghe và được
Ngài thương xót.
GAYLE SOMERS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
✽ Chờ Chúa Tái Lâm – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/06/cho-chua-tai-lam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment