Một năm lại qua đi, và một năm nữa lại khởi
đầu. Khi vui Xuân và ăn Tết, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về lời nhắc nhở của
Thiên Chúa: “Đã bao lần Ta muốn tập họp
con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.”
(Mt 23:37; Lc 13:34)
Tết đến, Xuân về, ai cũng cảm thấy rạo rực khó tả. Người tha phương cầu thực cũng hối hả trở về quê. Xuân là ngày đoàn tụ gia đình, mang hồn dân tộc và đầy tính thiêng liêng.
Trong niềm vui đó, nhạc sĩ Văn Phụng đã mô tả
sự vui mừng của ngày đoàn tụ qua ca khúc “Xuân Họp Mặt.” Ca khúc này được ông
viết ở âm thể Đô Trưởng với nhịp 4/4, có thể đệm đàn bằng điệu Cha Cha Cha, tiết
tấu đơn giản nhưng không đơn điệu, dễ thuộc, có chỗ đảo phách làm tăng thêm sự
rộn rã của mùa Xuân.
NS Văn Phụng mô tả những thứ rất tự nhiên: “Xuân đã về, Xuân vẫn mơ màng, trong nắng
vàng, khắp chốn tiếng reo vang. Xuân đã về, Xuân vẫn huy hoàng, trong gió ngàn,
mừng đón Xuân sang.” Đoạn này được lặp đi lặp lại như phần điệp khúc. Ca từ
mộc mạc nhưng vẫn độc đáo với cách nhìn của một người có tâm hồn nghệ sĩ.
Hạnh ngộ mùa Xuân sau nhiều năm xa cách,
người ta hàn huyên tâm sự và nhắc lại thuở xưa: “Vui mùa xuân năm nay gặp nhau, nhớ khi xưa, lúc ngây thơ, cầm tay hỏi
nhau ngẩn ngơ: Đến bao giờ đón Xuân mơ?” Ước mơ ngày ấy nay đã thành hiện
thực.
Ngày Xuân gặp nhau, người ta nhớ lại giây
phút quyến luyến khi chia tay ngày nào: “Vui
mùa xuân năm nay gặp nhau, nhớ hôm nao, lúc ra đi, cầm tay hẹn nhau chờ nhau,
đến bên cầu, nắng xuân sau.” Niềm vui gặp nhau như được nhân đôi, vì được
gặp nhau ngay trong ngày đầu Xuân. Tuyệt vời biết bao!
Ngày Xuân đoàn tụ, niềm vui chan hòa quyện
vào tình yêu thương kỳ diệu: “Vui mùa Xuân năm nay gặp nhau, hát vang câu mến
thương nhau, cầm tay nhìn nhau ngẩn ngơ, ước mơ Xuân đến bao lần.” Người ta
muốn mùa Xuân sẽ trở lại nhiều lần như vậy để hạnh phúc mãi thắm màu.
Câu kết (coda) ngắn gọn, giai điệu lên cao
như niềm vui trào dâng: “Mừng một ngày
gặp nhau, cùng mừng Xuân mới.” Nốt nhạc kết thúc lại ở nốt Mi chứ không kết
ở nốt chủ âm như thường lệ, cũng không kết ở nốt át âm, mà kết ở nốt trung âm. Rất
khác lạ!
Lạy
Chúa, xin tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con một mùa Xuân yêu thương, để mọi
người có dịp tha thứ cho nhau, đến với nhau, và chúc nhau những điều tốt đẹp
nhất. Chúng con khao khát Ngài, vì chỉ có Nước Trời mới là nơi chúng con đoàn
tụ để tận hưởng niềm vui đích thực, và hợp lời ca tụng Ngài là Chúa Xuân vĩnh
viễn. Amen.
TRẦM THIÊN THU
* Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn
Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, mất năm 1999 tại Indonesia. Ông là con thứ hai
trong một gia đình có 4 người con. Ông học dương cầm (piano) từ nhỏ với hai
giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng. Năm 1945, ông đoạt giải nhất
độc tấu dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát lớn Hà Nội với nhạc phẩm
“La Prière d’Une Vierge.”
Thời đi học, ông là một học sinh xuất sắc, học tiểu học tại trường Louis Pasteur, trung học tại trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi đậu Tú tài, ông theo học ngành Y theo ý muốn của cha ông. Nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học để theo âm nhạc. Ông nổi tiếng về nhạc tình, một số nhạc phẩm của ông được xếp vào thể loại tiền chiến. Ông còn được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm phối khí hay nhất tại Saigon trước “sự cố” 1975.
Năm 1946, trong một lần chạy loạn về Nam Định,
ông trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn và gặp linh mục Mai Xuân Đình, ông được
linh mục này chỉ dạy về âm nhạc và giáo lý. Sau đó, ông được nhạc trưởng
Schmetzer (người Pháp gốc Đức) chỉ dẫn về hòa âm. Năm 1948, Văn Phụng quay về
Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Tiểu Đoàn Danh
Dự. Ở đây, ông quen với những người mà về sau cũng trở thành các nhạc sĩ nổi
tiếng ở miền Nam như Nhật Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi, Vũ Thành,...
Năm 1948, ông sáng tác ca khúc đầu tay “Ô Mê
Ly” trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong Ban Quân Nhạc. Ông thường
trình diễn nhạc phẩm này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát đã được công
chúng đón nhận, kể từ đó, tên tuổi Văn Phụng được giới yêu nhạc chú ý. Về sau, “Ô
Mê Ly” còn nổi tiếng với tiếng hát của Ban Thăng Long qua giọng ca Thái Thanh
và Phạm Đình Chương.
Năm 1954, ông di cư vào miền Nam, rồi làm
Nhạc trưởng của Đài Phát Thanh Quân Đội và phụ trách chương trình ca nhạc trên
Đài Phát Thanh Saigon.
Ông khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc với “Ô Mê
Ly” (1948) và kết thúc với “Chán Nản” (1972). Ông đã sáng tác hàng trăm ca
khúc như Ave Maria, Bức Họa Đồng Quê, Yêu, Mưa, Ghé Bến Saigon, Giã Từ Đêm Mưa,
Giấc Mộng Viễn Du, Lối Cũ, Mưa Trên Phím Ngà, Suối Tóc, Tiếng Dương Cầm, Tình,
Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Trăng Sơn Cước, Xuân Miền Nam, Xuân Vui Ca,...
Ông được xem như là một trong số các nhạc sĩ
theo trường phái nhạc cổ điển Tây Phương, nhưng ông cũng viết những bản nhạc
giá trị mang âm hưởng dân ca như Trăng Sáng Vườn Chè (phổ thơ Nguyễn Bính), Các
Anh Đi (phổ thơ Hoàng Trung Thông), Đêm Buồn (phổ lời ca dao), Nhớ Bến Đà Giang,...
✽ Ký Ức Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/ky-uc-xuan.html
✽ Mong Muốn của Cha – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/01/mong-muon-cua-cha.html
✽ Mùa Xuân Bên Nhau – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/01/mua-xuan-ben-nhau.html
✽ Mừng Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/mung-xuan.html
✽ Nắng Xuân Về – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/01/nang-xuan-ve.html
✽ Tâm Sự Ngày Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/01/tam-su-ngay-xuan.html
✽ Xuân Đã Về – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/01/xuan-ve.html
✽ Xuân Đoàn Tụ – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/01/xuan-oan-tu.html
✽ Mùa Xuân Đầu Tiên – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/mua-xuan-au-tien.html
✽ Mùa Xuân Ở Đâu? – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/mua-xuan-o-au.html
✽ Xuân Mẹ – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/01/xuan-me.html
✽ Xuân Vắng Mẹ – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/xuan-vang-me.html
✽ Mùa Xuân của Mẹ – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/01/mua-xuan-cua-me.html
✽ Nỗi Nhớ Giao Thừa – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/01/noi-nho-giao-thua.html
✽ Xuân & Tuổi Trẻ – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/xuan-va-tuoi-tre.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment