Xuân gần hay xa, Tết xa hay gần? Xuân trẻ hay già, Tết già hay trẻ? Xuân cao hay thấp, Tết thấp hay cao? Xuân đẹp hay xấu, Tết xấu hay đẹp? Và với các câu hỏi tương tự, có lẽ chẳng ai có thể trả lời cho thấu tình đạt lý. Mỗi người có cảm nhận khác nhau, thậm chí mỗi thời điểm thì mỗi người cũng có cách cảm nhận khác nhau.
Khi Xuân về, lúc Tết đến, đoàn tụ gia đình là điều hạnh phúc nhất. Có đủ cha mẹ để cùng đón Xuân thì còn gì bằng. Cha và mẹ không thể nói ai hơn ai, nhưng có lẽ người mẹ vẫn là người “đặc biệt,” rất khó tả.
Có lẽ khi còn mẹ,
người ta chưa cảm nhận hết, một phần có thể vì người ta cho đó là “chuyện tất
nhiên.” Nhưng khi không còn mẹ, người ta chợt cảm thấy hụt hẫng, trống vắng, cảm
giác cũng rất khó tả – nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Và lúc đó, trong khoảng
“Xuân trống vắng lạ,” người-con-không-còn-mẹ cứ thầm hỏi: “Xuân Này Con Về, Mẹ Ở Đâu?” Mẹ “đi xa” rồi, xa thật và xa lắm…
Đó chính là tâm
tình và cũng là tựa đề một ca khúc của NS Nhật Ngân. Ca khúc được viết ở âm thể
Trưởng nhưng nghe lại có cảm giác bâng khuâng, trầm lắng.
Mở đầu, NS Nhật
Ngân đặt vấn đề đơn giản và rất thật: “Xuân
này con về, Mẹ ở đâu? Quê nghèo xuân về mưa hắt hiu, Vườn xưa xơ xác hoa rơi
rụng, Xuân về không mẹ nụ hoa kém tươi.” Khoảng trống vắng không chỉ ở
trong lòng mà ngoại cảnh cũng lặng lẽ khác thường. Nỗi cô đơn như ướp cả người
và vật.
Ông ngơ ngẩn và
lại tự hỏi mà hầu như không có câu trả lời: “Xuân
này con về, Mẹ ở đâu? Bao mùa Xuân hẹn con vẫn đi, Đời trai như cánh chim phiêu
bạt, Bao lần Xuân về để mẹ hoài ngóng trông.” Vì chiến tranh, vì tha phương
cầu thực, người con phải xa mẹ. Lực bất tòng tâm, con muốn gần mẹ mà không thể;
mẹ ngày đêm mòn mỏi mong ngóng con về. Thương lắm mà mẹ cũng đành thúc thủ, cõi
lòng mẹ buồn lắm!
Nỗi nhớ niềm
thương dâng cao, người con than thở như nói với mẹ hiền: “Mẹ ơi, trong thời chinh chiến, Bao mùa Xuân con chẳng về nhà, Thanh
bình chưa kịp vui cùng mẹ, Lại đành xa cách quê hương.” Lâu lâu có dịp ở
bên mẹ, nhưng chưa được bao lâu thì con lại phải ra đi. Thời chiến, có khi Tết
cũng không được về đón Xuân với mẹ. Và rồi thật phũ phàng, khi người con có dịp
về ăn Tết với mẹ thì mẹ đã không còn nữa.
Trước linh ảnh mẹ
hiền, người con rưng rưng niềm tâm sự: “Mẹ
ơi, bao mùa Xuân đến, Bao lần con mong mỏi ngày về, Xuân này con về quê tìm mẹ,
Thì mẹ giờ đã ra đi.” Không nỗi bất hạnh nào bằng mồ côi mẹ, hoa hồng đỏ
vui sướng chợt biến sắc trắng tang tóc!
Khoảng trống vắng
mênh mông, nỗi u sầu trĩu nặng, người con không muốn tin mẹ đã “đi xa,” nhưng
đó lại là sự thật, nhưng người con vẫn không ngừng thắc mắc: “Xuân này con về, Mẹ ở đâu? Quê nghèo Xuân
buồn thêm hắt hiu, Còn đâu năm tháng xưa thơ dại, Giao thừa bên mẹ, ngồi kể
chuyện tích xưa.”
Cha mẹ như đất
trời. Cha là dương, tượng trưng Trời; mẹ là âm, tượng trưng Đất. Đất Trời cần
điều hòa âm dương. Có cha có mẹ, đứa con như trời đất điều hòa âm dương. Thiếu
âm hoặc dương thì đất trời sẽ đảo lộn, đứa con thiếu cha hoặc mẹ cũng hóa chông
chênh. Mồ côi khổ lắm, người ơi! Thật vậy, ca dao đã ví von:
Một thi sĩ khuyết
danh đã viết những câu thơ thật thấm thía về Đạo Hiếu thế này:
Bài thơ đơn giản
nhưng có sức lay động lòng người, từng lời cứ xoáy vào tâm khảm. Người ta có
thể khóc nếu đã từng đối xử không phải đạo đối với cha mẹ. Bài thơ này cũng đã
được NS Quang Minh Hải phổ nhạc với tựa đề “Đạo Hiếu.”
Câu kết là lời
nhắc nhở những người con: “Ai còn mẹ xin
đừng làm Mẹ khóc, Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe em. Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ
buồn, Đừng để sầu lên mắt mẹ nghe em!”
Xuân về, Tết đến,
thật hạnh phúc cho những ai còn cha mẹ, nhưng thật bất hạnh cho những ai không
còn cha mẹ! Ai còn cha mẹ, hãy tận hưởng những phút giây bên các ngài và làm
cho các ngài có được niềm vui mừng trọn vẹn, đặc biệt trong dịp Tết này, vì
biết năm sau có cơ hội nữa hay không. Vâng, sự thật vẫn là sự thật!
Đạo Hiếu là trách
nhiệm và bổn phận đối với bất cứ ai, bất kể tôn giáo hoặc dân tộc. Tuy nhiên,
với các Kitô hữu, nhất là người Công giáo, Đạo Hiếu phải được thực hiện tốt hơn
và thực hiện một cách nghiêm túc, vì Đạo của Thiên Chúa là Đạo Thương Yêu, Đạo
Thương Xót, theo Chúa thì phải yêu thương và thương xót. Đạo Hiếu cũng là điều
răn thứ tư trong Mười Điều Răn – Thập Giới.
Dịp Tết Nguyên
Đán là dịp tốt để chúng ta cùng suy ngẫm lại giáo huấn về nghĩa vụ của con cái
đối với cha mẹ mà Kinh Thánh đã dạy:
“Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con
cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi
cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng
lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như
phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà
con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền
vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi
cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người
ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ
mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu
người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm
thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha
sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con,
ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc
đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình,
sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3:2-16)
Xin chúc mừng
những ai còn được ăn tết với ông bà, cha mẹ, xin cảm thông với những người
không còn được đón Xuân với ông bà, cha mẹ.
TRẦM THIÊN THU
Giáp Tết Bính Thân – 2016
✽ NS Nhật Ngân
tên thật Trần Nhật Ngân (1942–2012), là con út trong gia đình có 6
anh chị em, nguyên quán ở Hoàng Kim, Thanh Hóa, nhưng hầu hết cuộc đời ông sống
ở Huế, Đà Nẵng và Saigon. Ông sớm mồ côi cha, và khi trưởng thành, ông nhập ngũ
Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Có năng khiếu âm nhạc, ông được chuyển công tác để phục
vụ trong Nha Tâm Lý Chiến – tức là chiến tranh tâm lý. Ông được biết đến nhiều
qua một số tác phẩm nổi tiếng trước 1975 như “Tôi Đưa Em Sang Sông” (viết chung
với NS Y Vũ), “Xuân Này Con Không Về,” “Qua cơn mê,” “Ngày Vui Qua Mau,” “Một Mai
Giã Từ Vũ Khí,”... Ông có các bút hiệu khác là Trịnh Lâm Ngân (khi viết chung
với NS Trần Trịnh), Ngân Khánh và Song An.
✽ Xuân Đoàn Tụ – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/01/xuan-oan-tu.html
✽ Xuân Mẹ – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/01/xuan-me.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment